Khai thác khoáng sản trái phép đang dần “giết chết” sông Lam
Nạn khai thác vàng ở thượng nguồn sông Lam từng bị các cơ quan chức năng xử lý, nhưng hiện nay lại rộ lên. Nhiều chủ khai thác vàng đang đem máy móc vào hoạt động hết công suất, đào hút rầm rộ suốt ngày đêm. Dưới lòng sông nhiều người hụp lặn, mặt mày bê bết bùn đất. Nước sông đục ngầu màu gạch bởi hàng trăm hầm hố vàng loang lổ. Có nơi, nước sông bị làm thay đổi dòng chảy ăn sâu vào tận chân núi đá.
Khởi nguồn của dòng sông Lam bắt đầu từ 2 nhánh sông Nậm Nơn và Nậm Mộ chảy đến Cửa Rào thuộc huyện Tương Dương gộp thành sông Lam và chảy ra biển. Người Nghệ An vẫn luôn tự hào bởi biết bao anh hùng, tao nhân, mặc khách đã sinh ra, tắm mát bởi sông Lam. Dòng sông này cũng đã nuôi sống, tắm táp tâm hồn cho hàng triệu người Nghệ thế hệ này qua thế hệ khác. Song thật đáng buồn, mấy năm trở lại đây địa linh sông Lam đang dần bị “giết chết” bởi nạn khai thác vàng và cát.
Thượng nguồn khai thác vàng
Từ thành phố Vinh chúng tôi ngược hành trình theo hướng miền Tây Nghệ An. Nhiều đoạn đường chúng tôi đi qua chạy dọc theo đôi bờ sông Lam. Một cảm giác buồn, có phần phẫn nộ khi chứng kiến dòng nước sông Lam đục ngầu bởi những chiếc thuyền máy đang vươn “vòi rồng” hút cát sùng sục.
Vượt gần 300km chúng tôi có mặt ở thượng nguồn sông Lam nơi 2 nhánh sông Nậm Mộ và Nậm Nơn bắt gặp nhau hợp thành sông Lam. Từ lâu, thượng nguồn của dòng sông này đã réo rắt, quằn quại bởi nạn khai thác vàng cám. Sông Lam bị giết chết vì vàng bắt đầu từ câu chuyện xảy ra năm 2009 khi Lô Văn Ối ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An trong lúc đi rừng nhặt được cục vàng khối nặng 2,1kg. Sau khi bán được hơn 1 tỷ đồng, Lô Văn Ối bỗng chốc trở thành tỷ phú của bản nghèo. Từ đó, cả núi rừng, sông suối miền Tây đất Nghệ thuộc 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn ở đầu nguồn sông Lam dậy sóng bởi cơn sốt đào đãi vàng.
Sau khi thuê được một chiếc thuyền máy, chúng tôi đi dọc theo dòng sông. Mới 4h sáng nhưng tiếng máy xúc, máy hút cát, xen lẫn với tiếng chửi thề, tiếng reo vui, tiếng nước chảy… đã tạo thành một mớ tạp âm hỗn độn. Men theo dòng Chà Hạ là 4 xã Yên Na, Yên Hoà, Yên Thắng và Yên Tĩnh. Tất cả các xã đều bắt đầu từ chữ Yên viết hoa nhưng chẳng yên chút nào bởi hàng trăm con người đang sống đều gắn bó với việc đào, đãi vàng. Nạn khai thác vàng nơi đây từng bị các cơ quan chức năng xử lý, nhưng hiện nay lại rộ lên. Nhiều chủ khai thác vàng đang đem máy móc vào hoạt động hết công suất, đào hút rầm rộ suốt ngày đêm. Dưới lòng sông nhiều người hụp lặn, mặt mày bê bết bùn đất. Nước sông đục ngầu màu gạch bởi hàng trăm hầm hố vàng loang lổ. Có nơi, nước sông bị làm thay đổi dòng chảy ăn sâu vào tận chân núi đá.
Thượng nguồn sông Lam bị ô nhiễm nặng vì nạn khai thác vàng.
Video đang HOT
Hạ nguồn khai thác cát
Rời thượng nguồn sông Lam, chúng tôi tiếp tục hành trình dọc bờ sông Lam về vùng hạ lưu. Nhiều đoạn đôi bờ sông Lam đã cuộn chảy vào tận nhà dân. Lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép mang lại rất lớn đã làm xuất hiện hàng trăm cơ sở khai thác cát, sỏi mọc lên ở đôi bờ sông. Chính quyền nhiều xã có sông chảy qua cũng đã nhắm mắt làm ngơ cho khai thác cát, sỏi bởi lợi nhuận từ các cơ sở khai thác cát mang lại. Ngay tại chân cầu Bến Thủy, nằm giữa thành phố Vinh cũng xuất hiện một công trường khai thác cát. Hàng trăm thuyền máy gầm rú suốt ngày đêm trên dòng sông này để khai thác cát, sỏi và điều dễ hiểu là dòng sông dần bị “giết chết”.
Do khai thác cát, sỏi đã làm thay đổi căn bản dòng chảy của sông Lam vì vậy những hệ luỵ đang buộc người dân sống đôi bờ phải gánh chịu. Tại xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, sông Lam đã cuốn phăng của xã 250ha đất. Nhiều xã như Vân Diên, Nam Thượng huyện Nam Đàn; Thanh Chi, Thanh An, Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương; một số xã của huyện Anh Sơn, Con Cuông… đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất dọc bờ sông. Nhiều hầm, hố trên dòng sông trở thành những chiếc bẫy đối với người dân lương thiện. Hàng chục em nhỏ chết đuối mỗi năm trên dòng sông này cũng một phần bởi nạn khai thác vàng, cát, sỏi trái phép.
Không còn cảnh các bà, các mẹ giặt giũ nói chuyện váng cả khúc sông; không còn cảnh những đám trẻ chăn trâu í ới gọi bạn khi chiều về; không ai còn dám “úp mặt vào sông quê” bởi sông Lam đang đục ngầu cuộn chảy. Để địa linh sông Lam “xanh trong chảy mãi đến vô cùng”, các cấp, các ngành ở Nghệ An cần nhanh chóng vào cuộc cứu lấy dòng sông
Theo CAND
Ứa nước mắt nhìn sông Nghệ đang từ từ chết
Hãy đừng phải nghe lại một lần câu nói đầy bức xúc của một người dân đã gắn trọn đời mình trên thượng nguồn sông Lam: "Cán bộ lạ thật, cái vảy vàng nhỏ tý thì thấy rất rõ để bỏ túi mà cái tàu múc đất to vậy lại không thấy mà đuổi đi".
Người dân mưu sinh khi đi đãi vàng tấm ở huyện Tương Dương ngay trên dòng sông Lam. Sông Lam thời gian qua cũng được đào bới, khoét hầm ếch dọc hai bờ gây xói lở rất nghiêm trọng... (Ảnh: Nguyễn Duy)
Hồi nhỏ tôi theo cha mẹ đi sơ tán khắp Hưng Nguyên, Thanh Chương (Nghệ An). Lớn lên chút nữa thì chiến tranh phá hoại Miền Bắc của không quân Mỹ lại mở rộng, gia đình tôi ngược miền Nghĩa Đàn. Sau này lớn lên được học địa lý, mới ngộ ra rằng bước chân thơ dại của tôi đã men theo hai bờ sông Cả suốt gần 10 năm trời. Dấu ấn sông Lam, sông Giăng, sông Hiếu còn lại trong tôi là những kỷ niệm bình yên, hiền hòa, nhìn thấy sông là nhìn thấy sự sống yêu thương, ngụp lặn hì hụp chơi với sông suốt ngày vẫn không thèm chán.
Vậy mà sau mấy chục năm, sự thể đã đổi khác. Bây giờ đi dọc các bờ sông nơi nào cũng nghe người dân trăn trở trăm chuyện vì sông. Báo chí thông tin về những dòng sông đang từ từ chết và sông Nghệ đang rất cồn cào.
Ngược lên sông Hiếu, chi lưu quan trọng bậc nhất của sông Lam, dòng sông 220 km trôi từ Quế Phong qua Quỳ Châu, Quỳ Hợp rồi xuống Nghĩa Đàn thật sự không còn bình yên nữa. Mùa khô dòng sông kiệt nước, nhiều đoạn đá sỏi nổi thành gò đống giữa lòng sông trơ đáy. Mùa mưa lũ xuống ầm ầm, nước dâng cao lên cả lưng chừng núi, đe dọa sụt lở nhà cửa ruộng vườn của hàng ngàn hộ gia đình.
Khai thác vàng trên dòng sông Hiếu, con sông có nguy cơ xói lở lớn mỗi khi mùa lũ về.
(Ảnh: Nguyễn Duy)
Sang miền Tây Nam, đoạn thượng nguồn sông Lam ở Thị trấn Mường Xén ngập tràn trong rác thải. Xuôi về Tương Dương và Con Cuông, sông Lam vẫn âm thầm bị hàng chục máy khai thác vàng sa khoáng rút ruột, lòng sông nham nhở nông sâu, cảm giác tiềm ẩn thiên tai hiện rõ trên màu nước sông ngầu đục.
Trôi về vùng hạ lưu, sông Lam lại oằn mình suốt ngày đêm vì vô số những vòi rồng của trên 200 tàu thuyền hút cát sỏi. Hãy làm một phép tính, trên 25 km đường sông qua Nam Đàn cứ hai ngày thì số cát được tiêu thụ khoảng 1triệu m3, ước chừng tương đương với một quả đồi dài 200m, rộng 100m và cao 50m. Khai thác dã man thế hỏi có sông nào mà không chết? Mấy xã Ngọc Sơn, Bồi Sơn, Lam Sơn của Đô Lương sông đổi dòng gặm luôn vào đất nông nghiệp và đất ở. Xã Nam Cường của Nam Đàn mỗi năm mất chừng 4ha đất canh tác.
Ngay tận chân cầu Chôm Lôm, Yên Xuân, Bến Thủy cũng bị tàu thuyền áp vào hút cát sỏi, một vị lãnh đạo Cảnh sát đường sông thẳng thắn thừa nhận nếu ngành này không mạnh tay xử lý thì nhiều cầu cũng đã sập. Mỗi năm hàng trăm tỷ đồng tài nguyên chui vào túi cá nhân trong lúc gộp cả phí môi trường và phí khai thác khoáng sản cũng không đủ bù tổn thất cho các hộ dân của xã Nậm Giải (Quế Phong) trong trận lũ quét kinh hoàng năm 2007.
Thuyền hút cát trái phép trên dòng sông Lam đoạn cách cầu Nam Đàn khoảng 50m
(Ảnh: Nguyễn Duy).
Ai cũng biết môi trường ngày nay đã thay đổi quá nhiều. Thủy điện mọc lên và sông bị chặn dòng, rừng đầu nguồn được khai thác khốc liệt, độ che phủ giảm mạnh nên mỗi khi mưa bão thì rừng không giữ được nước mới thành ra lũ ống lũ quét, nước đổ hết vào sông không kịp thoát ra biển mới sinh ra lụt. Lũ lụt hậu quả khôn lường, nhưng chuyện dài lâu của cồn cào sông Nghệ không chỉ là lũ lụt mà là đủ thứ dân sinh.
Sông Nghệ điều hòa thời tiết quanh năm, góp công làm ra cả triệu tấn lương thực và là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu để nuôi sống gần 3 triệu người Nghệ. Quan trọng thế mà có những nhà máy chế biến nông sản ngang nhiên xả cả hàng vạn m3 nước thải hóa chất làm cá chết trắng sông, một số rong rêu có tác dụng tẩy sạch nguồn nước nay cũng không còn tồn tại. Dẫu rất buồn nhưng cũng phải công nhận một sự thật khủng khiếp là nhiều con sông Nghệ đang từ từ chết.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: nếu đó là sông của nhà mình thì tàu thuyền đào đãi vàng và khai thác cát sỏi có dám tung hoành được vậy không? Câu trả lời là không thể. Vậy thì đúng sông đang là của chùa, ai nhanh chân mạnh tay moi móc được gì thì cứ vô tư.
Chính quyền và pháp luật trong tay, chế tài trong tay và đặc biệt là được dư luận nhân dân ủng hộ. Bài học xử lý qua nhiều vụ việc lớn cho thấy không có việc gì là không làm được nếu chúng ta quyết tâm và đồng thuận.
Hãy đừng phải nghe lại một lần câu nói đầy phản ứng của một người dân đã gắn trọn đời mình trên thượng nguồn sông Lam: "Cán bộ lạ thật, cái vảy vàng nhỏ tý thì thấy rất rõ để bỏ túi mà cái tàu múc đất to vậy lại không thấy mà đuổi đi".
Theo Dân Trí
Có hàng nghìn người vào khai thác vàng ở Ngân Sơn Lúc cao điểm, hang Bó Duống - nằm giáp ranh giữa xã Lãng Ngâm và xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) từng có hàng nghìn người vào tìm vàng. Các ngành chức năng đã cử lực lượng giải tỏa và canh giữ nên trật tự khu vực này được vãn hồi. Ngang nhiên khai thác vàng trái phép. (Ảnh: Đình Văn/Vietnam...