Khai thác độc quyền, vé máy bay Hà Nội – Điện Biên cao nhất cả nước?
Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên cho biết, do độc quyền khai thác tuyến Hà Nội – Điện Biên nên ACV và doanh nghiệp thường xuyên hủy chuyến, có tuần hủy ba ngày liên tiếp, giá vé chặng bay Hà Nội – Điện Biên lên đến 1.985.000 đồng/lượt/người – cao nhất trong khu vực và trong nước.
Thông tin trên được nêu trong văn bản UBND tỉnh Điện Biên gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên (CHK) theo quy hoạch.
Theo lãnh đạo địa phương này, việc nâng cấp, cải tạo CHK Điện Biên theo quy hoạch được duyệt đã có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi lên thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên, điều này cho thấy sự quan tâm đến vùng đặc biệt khó khăn, trọng yếu về quốc phòng, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, trong đó có Điện Biên.
Văn bản của UBND tỉnh Điện Biên đề cập tới việc thời gian qua Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam có quan tâm đến hàng không Điện Biên. Tuy nhiên, sự quan tâm này chưa thật sự đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà chỉ quan tâm đến các khu vực có thuận lợi cho nhóm lợi ích cụ thể.
“Do độc quyền khai thác tuyến Hà Nội – Điện Biên nên ACV và doanh nghiệp thường xuyên hủy chuyến (có tuần hủy ba ngày liên tiếp); giá vé chặng bay Hà Nội – Điện Biên trong một giờ bay lên đến 1.985.000 đồng/lượt/người, cao nhất trong khu vực và trong nước. Chính những điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở tỉnh đặc biệt khó khăn, trọng yếu về quốc phòng, an ninh.” – lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho hay.
Cảng Hàng không Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên (ảnh: Lao động)
Đáng chú ý, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đề nghị cần kiểm tra hoạt động của ACV, nếu có lợi ích nhóm thì cần thay thế nhân sự để đảm bảo phục vụ và kinh doanh theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo tỉnh này cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề nói trên, đại diện ACV cho biết, CHK Điện Biên là Cảng sân bay cấp 3C, hiện có 3 vị trí đậu, đảm bảo khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương. Nhà ga hành khách có diện tích 2.809,873 m2, công suất thiết kế 250.000 hành khách/năm, công suất phục vụ giờ cao điểm 3 chuyến bay với tổng số hành khách là 180 hành khách.
Hiện tại, Công ty Bay dịch vụ hàng không – VASCO đang khai thác đường bay Hà Nội – Điện Biên – Hà Nội. ACV khẳng định CHK Điện Biên luôn phối hợp chặt chẽ với hãng vận chuyển trong quá trình hoạt động, đảm bảo an ninh an toàn và cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất cho các chuyến bay đi/đến.
Điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất của CHK Điện Biên hoàn toàn đáp ứng yêu cầu khai thác, phục vụ bay tại thời điểm hiện tại. Việc bố trí lịch bay, định giá vé máy bay do VASCO quyết định.
Video đang HOT
“Xảy ra việc chậm/hủy chuyến trong quá trình khai thác của VASCO do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt do nguyên nhân thời tiết xấu – thiên tai, mưa bão. Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng do thời tiết xấu, sân bay không đủ điều kiện khai thác, CHK Điện Biên, VASCO bắt buộc ra quyết định đối với các chuyến bay chậm hoặc hủy chuyến. Ngoài ra, không có bất kỳ chuyển bay chậm/hủy chuyến nào xảy ra do lỗi khai thác của CHK Điện Biên.” – đại diện ACV thông tin.
Về kế hoạch mở rộng, nâng cấp CHK Điện Biên, ngày 24/4/2018 ACV đã có Tờ trình gửi Bộ GTVT về kế hoạch đầu tư nâng cấp CHK Điện Biên giai đoạn 2018-2021. Căn cứ Quyết định số 2501/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2017 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Điện Biên giai đoạn 2020, định hướng đến 2030, CHK Điện biên sẽ xây dựng nhà ga công suất 2.000.000 khách/năm.
Theo đó, ACV đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các dự án Xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ; Mở rộng sân đậu tàu bay CHK Điện Biên theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Riêng việc đầu tư hạng mục công trình thuộc khu bay (Xây dựng đường hạ cất cánh, đường lăn) sẽ triển khai theo chỉ đạo của Bộ GTVT phù hợp với Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 44/2018/ND-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng không.
Trong năm 2018, ACV cho biết sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các trang thiết bị phục vụ bay, phục vụ hành khách, tiến hành bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, đảm bảo nâng cao chất lượng khai thác và an ninh an toàn tuyệt đối cho Cảng HK Điện Biên.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bên trong công trường hầm đường bộ nghìn tỷ nối Bình Định - Phú Yên
Hàng trăm kỹ sư, công nhân đến từ mọi miền đất nước đang thi công nước rút hầm xuyên đèo Cù Mông nhằm rút ngắn khoảng cách giữa Bình Định và Phú Yên.
Hơn 600 kỹ sư, công nhân đang tất bật "chạy đua nước rút" thi công ba ca hầm xuyên đèo Cù Mông rút ngắn khoảng cách giữa Bình Định và Phú Yên trên quốc lộ 1.
Dự án hầm đường bộ xuyên đèo Cù Mông dài hơn 6,6km, trong đó phần hầm dài gần 3 km với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao). Trước đó, quá trình thực hiện dự án hầm đèo Cả (Phú Yên), chủ đầu tư tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng và sử dụng phần vốn này để đầu tư xây hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
Sau gần 3 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành đào và gia cố hai ống hầm. Hiện hơn 600 kỹ sư, công nhân cùng nhiều phương tiện, thiết bị gấp rút hoàn thành công tác đổ bê tông vỏ ống hầm khai thác phía tây (hoàn thành 80% khối lượng bê tông vỏ hầm), lắp đặt thiết bị và đường dẫn.
Tuyến hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm qua núi của Nhật Bản và các tiêu chuẩn khác của Việt Nam. Hàng trăm kỹ sư, công nhân dồn sức chia làm nhiều mũi thi công đảm bảo về đích đúng tiến độ đề ra.
Công trình quy mô tương tự hầm đèo Cả (hai ống hầm cách nhau 30m, mỗi ống rộng gần 10m, bao gồm 2 làn ôtô, dải an toàn, đường bảo dưỡng). Giai đoạn một sẽ hoàn thiện một ống hầm để khai thác 2 chiều, ống còn lại dùng làm hầm lánh nạn và hoàn thiện giai đoạn tiếp theo. Ảnh chụp cảnh công nhân gia cố mái hầm.
Bên trong công trình dài hun hút, nhiều nhóm công nhân chia làm các mũi lắp đặt lớp phòng nước đi trước, 5 mũi đổ bê tông vỏ hầm cần mẫn làm việc.
Trao đổi với PV, ông Cao Văn Nghĩa, Phó giám đốc Ban quản lý dự án hầm Cù Mông, cho hay khác với nhiều tuyến hầm xuyên đèo khác trong nước, đơn vị tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) lập dự án khảo sát đã phát hiện địa chất nơi đây có nhiều đới đứt gãy. Hình ảnh ghi lại cảnh công nhân hàn xì thi công hệ thống thoát nước trong hầm. "Để tránh những đới đứt gãy địa chất lớn, chúng tôi buộc phải thi công theo đường cong vòng cung nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt trượt đất, đá", ông Nghĩa nói.
"Kết thúc dự án hầm đèo Cả, tôi được nhà thầu tiếp tục đưa ra tham gia hầm xuyên đèo Cù Mông. Đây là niềm vinh dự lớn của đời tôi, sau này con cái lớn lên biết mình từng góp sức thi công những đường hầm tầm cỡ miền Trung có lẽ chúng nó tự hào lắm", ông Lê Văn Trung (ngụ Phú Yên) thổ lộ.
Nhóm công nhân vào hầm thi công hàn gia cố mái. Hiện các hạng mục phục vụ vận hành khai thác như trung tâm điều hành giao thông, trạm thu phí, hệ thống xử lý nước thải, các trạm biến áp cấp điện vận hành cũng đang được gấp rút triển khai và hoàn thành trước tháng 11.2018.
Nhóm kỹ sư, công nhân thi công lắp đặt hệ thống điện trên mái vòm. Các nhà thầu đang tập trung lắp đặt hệ thống thiết bị đảm bảo an toàn, quản lý vận hành khai thác. Dự kiến việc lắp đặt thiết bị hoàn thành trong tháng 11 để vận hành thử trước khi hầm chính thức thông xe.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi hoàn thành, hầm Cù Mông có vai trò kết nối, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông trên "cung đường đen" quốc lộ 1 đoạn giữa Bình Định và Phú Yên, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực này phát triển đột phá.
Dự án hầm xuyên đèo Cù Mông có hai đường dẫn phía bắc đầu Bình Định và phía nam Phú Yên với tổng chiều dài hơn 4 km. Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành, tuyến hầm này sẽ rút ngắn quãng đường (thay vì đi đường vòng hơn 9 km so với hiện nay), góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Hầm đèo Cù Mông sẽ được đưa vào vận hành khai thác trước Tết Nguyên đán 2019.
Bình đồ tuyến hầm xuyên đèo Cù Mông chạy theo hình vòng cung. Ngày 26/9/2015, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các tỉnh Bình Định, Phú Yên khởi công xây hầm đường bộ xuyên đèo này.
Đèo Cù Mông, nối ranh giới hai tỉnh Bình Định và Phú Yên trên quốc lộ 1. Ảnh: Google Maps.
Đèo Cù Mông dài 7km, nằm trên quốc lộ 1 thuộc địa phận TP.Quy Nhơn (Bình Định) và một phần của tỉnh Phú Yên.
Đây là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam với đường dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Cung đường đèo này liên tục xảy ra tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ xe tải, xe khách lật, bốc cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trước đây, khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu thì đèo Cù Mông là tuyến độc đạo để qua lại giữa Bình Định - Phú Yên và đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ.
Theo Minh Hoàng (Zing)
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về nhiều nội dung quan trọng Trong hai ngày 24 - 25.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về 10 nội dung quan trọng. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng đã ký Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về đầu tư xây dựng. Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Xây dựng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ...