Khách thập phương đổ về chiêm ngưỡng cây đa – gạo kỳ lạ ở Vĩnh Phúc
Cây đa – gạo mọc thành một thể thống nhất, bao bọc lấy nhau với chiều cao lên đến 38m được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Hai cây đa – gạo kỳ lạ
Trong tiềm thức của người Việt, cây đa, cây gạo là hình ảnh gợi nhớ về làng quê Bắc Bộ xưa.
Gạo và đa thường được trồng ở đầu làng, cuối làng hoặc giữa cánh đồng, việc cây đa và cây gạo mọc cạnh nhau là một điều ít thấy.
Vậy mà nằm cách Hà Nội gần 100 km, nằm trên địa phận làng Lưỡng Quán, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, hai cây cổ thụ đa và gạo lại mọc thành một thể thống nhất.
Người già trong làng cũng không còn nhớ nổi tuổi của cây.
Khách phương xa khi đến thăm di tích đều hết sức ngạc nhiên bởi kỳ quan đa – gạo gắn kết thành một cụm cây khổng lồ.
Người làng cũng không biết cây đa và gạo có tự bao giờ, chỉ nghe những người cao tuổi kể lại cây đã có từ lâu lắm rồi. Do vậy, cũng không ai có thể lý giải được tại sao hai loài cây này lại có thể mọc chung một chỗ.
Nếu chỉ nhìn vào gốc, người ta đều lầm tưởng chỉ có một cây cổ thụ ở đó. Tuy nhiên quan sát kỹ, khách có thể nhận thấy cây gạo được bao quanh bởi những nhánh của cây đa. Thậm chí, một nhánh cây gạo tổ còn bám chặt vào gốc đa, tạo thành một cây thống nhất.
Thân cây gạo chọc thẳng lên trời được bao bọc bởi cây đa xung quanh.
Cụm cây đa – gạo của làng Lưỡng Quán có chu vi khoảng 11m, đường kính gần 4m, chiều cao cây lên tới 38m, chu vi tán cây lên tới gần 200m.
Chính vì sự đặc biệt này, năm 2012, cụm cây đa – cây gạo cổ thụ của làng Lưỡng Quán được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Đây cũng là cây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.
Truyền thuyết miếu Nghè
Dưới bóng cây đa – gạo cổ thụ của làng Lưỡng Quán là miếu Nghè với những huyền tích liên quan tới bà quan Nghè.
Người làng đồn rằng, bà quan Nghè từng là quan võ của triều đình. Khi đánh trận về qua bờ tả sông Hồng đã qua đời tại đây.
Cổng dẫn vào miếu Nghè có cây đa – gạo cổ thụ.
Khi bà mất, người dân đắp mộ và lập miếu thờ bà. Gian chính nơi ban thờ ở phía dưới chính là mộ kết còn lại. Ở đó, từ rất lâu đời, người làng đặt tượng năm con hổ để trông coi mộ.
Trên ban thờ còn chứa ba thanh kiếm cổ tương truyền là vũ khí bà dùng khi ra trận vẫn còn nguyên vẹn, được đặt để tưởng nhớ.
Người trong làng quan niệm, miếu rất thiêng. Nên vào các ngày lễ Tết, người dân thường đến đây cầu xin sức khỏe, bình an và những may mắn trong cuộc sống.
Chuông cổ treo trong miếu Nghè.
Những người đi xa quê cũng thường ra miếu thắp hương cầu may trước một hành trình mới.
Ông Trần Khắc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Kiên cho biết, miếu Nghè thờ quan bà Nghè, được người dân xây dựng từ hơn 100 năm nay và đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh.
Quần thể cây đa – gạo cổ thụ có tuổi đời còn cao hơn, được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2012.
Người dân và chính quyền xã Trung Kiên vẫn tiến hành giữ gìn, tôn tạo. Miếu Nghè trước đây nhỏ và nhiều năm xuống cấp, sau này đã được xây dựng lại.
Cũng theo ông Tiến, khách thập phương thường về thắp hương, tham quan di tích này. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, từ 7 đến mùng 10 âm lịch, người dân tổ chức rước kiệu từ đình làng ra miếu Nghè và quần thể cây đa – gạo như một hoạt động văn hóa tưởng nhớ đến người có công với quê hương.
Theo vietnamnet.vn
Cả làng quây tôn, dựng chốt bảo vệ cây sưa 22 tỷ ở Vĩnh Phúc
Nhiều năm nay, dân xóm Trại, Mai Yên, xã Trung Kiên (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) quây tôn, dựng chốt bảo vệ hai cây sưa cổ. Chỉ cần có người lạ vào xóm, lập tức kẻng báo động kêu vang.
Xóm Trại, thôn Mai Yên, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) nằm bên bờ sông Cà Lồ yên ả. Trong một chuyến công tác, chúng tôi có dịp qua đây.
Vừa thấy có người xuất hiện ở đầu làng, một bóng người ngó ra. Khoảng 15 phút sau, bất ngờ tiếng kẻng báo động vang lên liên hồi. Chỉ trong vòng vài phút, 50 con người, gồm già, trẻ, trai gái... xuất hiện, vây kín phóng viên.
Tiếng la ó, huyên náo một lúc, có tiếng nói đầy giận dữ vang lên, hỏi dồn dập: 'Đến đây làm gì? Đến mua cây à? Hay ăn trộm?...
Một cụ già, tay cầm chiếc liềm cắt lúa sắc lạnh, yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng vẫn bình tĩnh, đáp lời. Khi biết hai vị khách lạ mặt là phóng viên, nhóm người mới giãn ra đôi chút, dần giải tán.
Vị trí hai cây sưa đỏ ở xóm Trại
Anh Tình (người dân xóm Trại) cho hay, dân trong thôn đã sống trong cảnh này nhiều năm. Bất cứ ai ra, vào đều bị kiểm soát nghiêm ngặt với mục đích bảo vệ hai cây sưa đỏ. Tò mò về chuyện lạ, chúng tôi theo chân người dân ra khu vực hai cây sưa đó.
Một số người dân trong tổ bảo vệ cây sưa và đình xóm Trại
Trước mặt chúng tôi, một khoảng đất rộng 30m2 được xây tường gạch, quây tôn kín, phía trên nhô ra những cành cây sưa trụi lá. Bao quanh cây sưa là nhiều cây dại, mọc um tùm.
Hàng ngày, xóm đều có 'trinh sát' tuần tra quanh khu vực cây sưa. Chỉ cần có động, 'trinh sát' lập tức gõ kẻng, báo hiệu cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Khởi 76 tuổi (người dân thôn Mai Yên) kể, những người dân đầu tiên về xóm Trại lập nhà, sinh sống cách đây hơn 100 năm trồng hai cây sưa phía bờ sông.
Sau này, hai cây sưa đó ra hoa, hạt thì bị đốn đi phục vụ cho công tác cộng đồng. Hạt giống của cây cũ nảy mầm thành hai cây sưa bây giờ. Tính ra tuổi đời của hai cây sưa con cũng ngót nghét 90 năm.
Cây to có đường kính hơn 70cm, cao khoảng 16m. Còn cây nhỏ và thấp hơn một chút cũng có đường kính gần 50cm.
ông Khởi đưa phóng viên ra thăm quan cây sưa
'Hiện cả hai cây đã chết nhưng lõi vẫn cứng, không bị sâu mọt. Bên cạnh là ngôi đình cổ mang tên đình xóm Trại', ông Khởi nói.
Vẫn lời ông Khởi, ngôi đình cổ thờ Vĩnh Hoa Công chúa - một nữ tướng của Hai Bà Trưng, rất linh thiêng. Đây là nơi gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh của nhiều thế hệ người dân xóm Trại.
Ngôi đình được UBND huyện Yên Lạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng cư dân thôn Mai Yên vào năm 2007.
Người đàn ông lớn tuổi cho hay, những năm trước đây, chẳng ai chú ý đến giá trị của gỗ sưa, tuy nhiên, từ khi các tỉnh thành khác rộ lên phong trào chơi gỗ sưa, thương lái từ khắp nơi tỏa đi, lùng sục, hỏi mua thì hai cây gỗ sưa ở đình xóm Trại bắt đầu gây chú ý.
Sau đó, năm 2015, có thông tin chính quyền xã Trung Kiên đứng ra ký hợp đồng, bán 2 cây sưa cho 1 công ty tư nhân với giá 22 tỷ đồng. Sự việc này không được nhân dân xóm Trại đồng tình.
Nhiều lần phía người mua cũng có ý định vào thôn, mang dụng cụ đến chặt cây. Tuy nhiên, bà con đã tập trung, chốt chặn, bảo vệ cây.
Trải qua nhiều biến cố, đến nay hợp đồng này vẫn chưa thể thực hiện được. Từ đó bà con hò nhau ủng hộ tiền của, công sức xây tường, lập chốt canh gác, cảnh báo từ đầu thôn.
Vào một ngày mưa bão cách đây 3 năm, do sơ suất, cây nhỏ hơn đã bị kẻ gian cưa mất ngọn cây. Bà con thôn tiếp tục đóng góp tiền, quây rào tôn, dây thép gai đến gần đỉnh ngọn cây, tránh trộm đột nhập bằng thang.
Hai cây sưa đỏ được định giá 22 tỷ đồng hiện đã chết nhưng người dân vẫn quây tôn, hàng rào thép gai bảo vệ
'Cây sưa này nằm trên phần đất của đình xóm Trại, gắn với đời sống tâm linh của bà con chúng tôi. Tiền cũng quý nhưng giá trị bao đời để lại, chúng tôi không muốn bị mai một', ông Khởi nói.
Ông Sơn - trưởng thôn Mai Yên cho biết: 'Xóm Trại có 40 hộ dân. Ngoài vấn đề về việc mua bán cây sưa trong đình xóm Trại không được sự đồng thuận của người dân, 10 năm nay, vấn đề về tên gọi của di tích này cũng đang gây nhiều tranh cãi.
Năm 2009, phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc từng ra quyết định công nhận đây là di tích lịch sử - văn hóa đền Mai Khê nhưng nhân dân phản đối kịch liệt. Họ nhiều lần đến các cơ quan chức năng làm việc. Quyết định sau đó bị hủy.
Năm 2015, UND tỉnh tiếp tục ra quyết định công nhận đây là di tích lịch sử - văn hóa miếu Đức Bà.
Người dân một lần nữa không đồng thuận, họ cho rằng đây vốn là đình của xóm, được chính quyền huyện công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng cư dân xóm Trại với mục đích sử dụng là 'đất tín ngưỡng' từ năm 2007, không phải miếu của xã. Đến nay, sự việc vẫn chưa ngã ngũ, mỗi lần có người lạ vào xóm, họ thường rất cảnh giác'.
Vị trưởng thôn Mai Yên thông tin, tên của di tích đình xóm Trại cũng đang gây nhiều tranh cãi
Ông Nguyễn Khắc Tiến - Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Trung Kiên thông tin: 'Từ khi rộ lên vụ việc cây sưa ở thôn Mai Yên bán với giá cao, nhiều gia đình trong xã Trung Kiên cũng mua loại cây này về trồng. Nếu có thời gian đi một vòng quanh xã, ai cũng dễ dàng bắt gặp loại cây này.
Sự việc hợp đồng mua bán xảy ra ở đời lãnh đạo trước. Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao vụ việc. Còn vấn đề đặt tên di tích ra sao, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh giải quyết'.
Theo vietnamnet.vn
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặt ra Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cần xây dựng quy chế phối hợp để đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời phải lựa chọn nội dung vừa sức, vừa tầm để triển khai có hiệu quả, góp phần thúc...