Khách đi tàu giảm hẳn sau sự cố sập cầu Ghềnh
Sự cố sập cầu Ghềnh dẫn đến tình trạng rất nhiều hành khách đường sắt chuyển sang các phương tiện vận chuyển khác.
Cầu Ghềnh sập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường sắt Bắc – Nam – Ảnh: Lê Lâm
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên chuyến tàu SPT 2 đi từ Phan Thiết về Sài Gòn (đỗ ở ga Biên Hòa lúc 16 giờ 33 phút chiều nay 21.3) xuất phát lúc 13 giờ 10 trưa nay (21.3) ở Phan Thiết chỉ có 125 khách. Trong khi đó, vào hôm qua 20.3, số lượng khách trên chuyến tàu này là 600 người.
Cũng trong sáng nay (21.3), tàu thống nhất SE8 chạy từ ga Biên Hòa đến ga Bình Thuận (Mương Mán) vào lúc 9 giờ 57 phút (chậm so với lịch trình gần một tiếng). Tàu SPT2 (tàu khách du lịch Phan Thiết) chạy từ ga Biên Hòa đến ga Phan Thiết là 11 giờ 20 phút (trễ khoảng 40 phút).
Theo ông Hoàng Thanh Chương, Giám đốc Chi nhánh vận tải hành khách Sài Gòn – Chi nhánh Bình Thuận (phụ trách vận tải hành khách từ ga Biên Hòa đến ga Sông Mao), cho biết sự cố sập cầu Ghềnh đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hoạt động của hệ thống đường sắt.
Theo ông Chương, cái khó nhất hiện nay là khâu vận chuyển hành khách từ ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa. Đúng giờ xuất phát tàu ở ga Sài Gòn thì xe chở khách ra ga Biên Hòa, nhưng đặc điểm của vận chuyển bằng xe ô tô là dễ gây ra kẹt xe, đến ga Biên Hòa nhiều lúc chậm giờ, khiến cho nhiều chuyến tàu từ tối qua (20.3) đến trưa nay (21.3) bị chậm giờ theo.
“Hiện nay ngành đường sắt vừa phải vận chuyển hành khách từ ga Sài Gòn ra ga Biên Hòa và ngược lại, đồng thời còn phải vận chuyển lượng hàng hóa rất lớn từ ga Sóng Thần ra ga Hố Nai”, ông Hoàng Thanh Chương lo lắng.
Video đang HOT
“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng tôi đang cố gắng thực hiện công tác trung chuyển hành khách nhanh nhất”, ông Chương nói.
Quế Hà
Theo Thanhnien
Hàng trăm người trả vé tàu lửa vì cầu Ghềnh sập
Hành khách từ Sài Gòn phải đi xe buýt gần 30 km xuống Biên Hòa mới đi tàu được nên hàng trăm người đã đến trả vé, có đoàn tàu chỉ khởi hành với 68 hành khách.
Nhân viên ga Sài Gòn làm thủ tục hoàn trả tiền cho khách. Ảnh: Hữu Công
Sáng 21/3, trong số hơn 100 người đến ga Sài Gòn trả lại vé tàu, ông Phan Đức Thanh (quê Bình Định) cho biết đã mua 2 vé để cùng vợ đi Quy Nhơn vào ngày mai, song hay tin tàu không thể chạy từ Sài Gòn do cầu Ghềnh bị đâm sập, nên phải trả vé.
"Nếu chỉ mình tôi dùng xe buýt trung chuyển xuống Biên Hòa (Đồng Nai) để đi tàu thì không sao. Đằng này bà xã tôi đang bệnh, phải đi xe giường nằm nên bất tiện quá. Việc không ai muốn nên cũng thông cảm cho ngành đường sắt thôi", ông Thanh nói và cho biết thủ tục đổi vé khá đơn giản, ngồi chờ 5 phút cho nhân viên bán vé kiểm tra sau đó được trả lại 100% tiền.
Còn anh Nguyễn Văn Lâm đến đổi 5 vé mua trước đó bằng hình thức chuyển khoản, cho hay: "Sau khi nhân viên bán vé kiểm tra, thực hiện lệnh thì ngân hàng chuyển tiền trở lại vào tài khoản của tôi. Công ty tôi đi công tác ở Bình Thuận nên không thể chờ đi xe trung chuyển, sợ không chủ động được thời gian nên đành phải trả vé chứ tôi vẫn muốn đi tàu cho thoải mái".
Theo một nhân viên ga Sài Gòn, đa số những người trả lại vé đều cao tuổi, gặp khó khăn khi di chuyển bằng ôtô hay những người muốn chủ động về thời gian.
Hành khách chờ ôtô di chuyển xuống ga Biên Hòa. Ảnh: Hữu Công
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, trong hôm nay có 9 đoàn tàu khởi hành từ ga Sài Gòn với khoảng 900 khách. Ga sẽ tiếp tục thực hiện chuyển tải khách bằng ôtô xuống Biên Hòa. Riêng trong buổi sáng đã chuyển được khách cho 4 chuyến tàu.
"Chúng tôi đã lường trước tình huống bị kẹt xe, song kết quả chuyển tải hành khách hôm qua cho thấy chưa xảy ra trường hợp nào làm ảnh hưởng đến giờ chạy tàu. Do số lượng hành khách chuyển cũng không quá nhiều, lại được sự hỗ trợ của Sở GTVT Đồng Nai và TP HCM nên cũng không đáng lo ngại", ông Văn cho biết.
Theo ông Văn, ngành đường sắt đang nghiên cứu, khảo sát phương án rút ngắn đường trung chuyển hành khách xuống Biên Hòa. Theo đó, tàu vẫn sẽ khởi hành từ ga Sài Gòn theo lịch trình bình thường, khi đến ga Dĩ An hành khách sẽ xuống tàu và đi ôtô chuyển tải đến Biên Hòa, sau đó lên tàu đi tiếp. "Với phương án này, đoạn đường trung chuyển ngắn hơn thì hành khách đỡ vất vả hơn, không phải đội nắng đội mưa, xách hành lý lên xuống", ông Văn nói.
Trong hôm nay và ngày mai, ga Sài Gòn tạm ngưng nhận hành lý ký gửi cho đến ngày 23/3 - huy động ôtô đưa hành lý của hành khách xuống Biên Hòa.
"Hơn 20 đầu tàu bị nhốt ở ga Sài Gòn không xuống Biên Hòa được, nên chắc chắn sẽ thiếu đầu tàu. Sắp tới chúng tôi sẽ phải làm lại hết lịch tàu.1-2 ngày tới ngành đường sắt sẽ công bố chính thức lịch chạy tàu mới", ông Văn cho biết thêm.
Hành khách tại ga Sài Gòn lên xe buýt để xuống ga Biên Hòa, sau đó tiếp tục hành trình bằng tàu hỏa. Ảnh: Hữu Công
Theo đó, mỗi ngày sẽ có 2 đôi tàu từ Hà Nội đến Nha Trang và ngược lại, 3 đôi tàu Thống Nhất từ Hà Nội đến Sài Gòn và ngược lại. Ngoài ra còn có một đôi tàu Vinh - Sài Gòn và ngược lại, một đôi tàu Quy Nhơn - Sài Gòn và Sài Gòn - Nha Trang.
"Theo kế hoạch sẽ không tổ chức chạy đôi tàu Sài Gòn - Phan Thiết nữa. Đây là sự cố ngoài ý muốn nên rất mong hành khách thông cảm", ông Văn nói.
Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục vụ sập cầu Ghềnh sáng 21/3 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu ngành đường sắt phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, đơn vị để giải quyết nhanh nhất các vấn đề khảo sát, thanh thải, tổ chức vận tải đường thủy, tổ chức vận tải đường sắt cũng như việc khôi phục tuyến đường sắt qua khu vực cầu Ghềnh.
"Không được để xảy ra các sự cố tiếp theo và phải an toàn tuyệt đối trong bất kỳ trường hợp nào. Khảo sát phải lên phương án an toàn, có cảnh giới, phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương. Đường thủy phải kiểm soát tuyệt đối an toàn, phải làm song song nhiều việc để thời gian khắc phục nhanh nhất", ông Đông yêu cầu.
Cũng theo ông Đông, hàng ngày, Ban chỉ đạo xử lý vụ sập cầu Ghềnh sẽ họp giao ban và Tổng công ty phải báo cáo tình hình. Viện Khoa học Công nghệ (thuộc Bộ GTVT) được giao kiểm định hai dầm, hai trụ còn lại và nếu cần thiết thì kiểm luôn mố cầu. Dù có thay thế cầu mới cũng phải có kiểm định.
Hữu Công
Theo VNE
Sập Cầu Ghềnh: Hơn một tuần nữa mới biết sửa hay xây mới Đó là thông tin do ông Đới Sỹ Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt VN cung cấp vào trưa 21.3 tại hiện trường vụ sập Cầu Ghềnh. Hơn một tuần nữa cơ quan chức năng mới biết sửa hay xây mới Cầu Ghềnh - Ảnh: Bạch Dương Theo ông Hưng sau khi xảy ra sự cố sập cầu, Bộ...