Khắc phục sự cố “đèn đỏ” đêm tân hôn
Sau hai năm tìm hiểu, Hoàng và Lan quyết định đi đến hôn nhân. Lan là mẫu phụ nữ truyền thống, luôn biết giữ mình, không vượt qua giới hạn trong chuyện tình yêu. Đó cũng là lí do Hoàng luôn trân trọng cô, khát khao cô.
Đêm tân hôn, vì thế chính là thời khắc mà anh mong đợi nhất. Thế nhưng, oái oăm là ngày trọng đại của hai người lại đúng vào ngày Lan “đến tháng”. Lan thương chồng lắm nhưng chẳng còn cách nào khác, hai người đành ngủ “chay” đợi đến khi Lan hết hẳn mới dám “động phòng”.
Vợ chồng Hoài, Long cũng khốn khổ vì chu kì kinh nguyệt của Hoài kéo dài tới hai tuần liền. Thế nên, sau đám cưới đến nửa tháng mà cô dâu mới vẫn là gái trinh. Dù chông rât thông cảm nhưng đêm tân hôn bị trì hoãn quá lâu khiến hai vợ chồng cùng khó chịu, bứt rứt, mệt mỏi. Đồng nghiệp, bạn bè tếu táo, trêu đùa, hỏi han về “đêm kì diệu” ấy thế nào, hai người cứ ngây ra vì “đã biết gì đâu” mà chia sẻ.
Hai người ngủ “chay” đợi đến khi Lan hết hẳn mới dám “động phòng”.
Mai Phương và Huy (Tuyên Quang), mới kết hôn. Giống trường hợp của Lan và Hoài, Phương cũng “bị” đúng ngày cưới. Nhưng vì quá nóng lòng, hai người chẳng kiêng khem gì nên cứ nhắm mắt làm liều. Cho đến khi Phương sạch, hai vợ chồng trẻ hí hửng, kịp “gặp” nhau thêm lần nữa. Nhưng ngay sau đó, Phương lại bị ra máu. Hai, ba ngày sau đó, tình trạng này cứ diễn ra, thậm chí, còn chuyển thành màu nâu, lại có mùi rất khó chịu.
Lời khuyên
Trong trường hợp lỡ đêm tân hôn trùng với ngày “đèn đỏ”, thì các bạn gái nên chia sẻ với chồng về điều này, không nên giấu anh ấy để anh ấy biết tình trạng sức khỏe của vợ mình. Bạn có thể làm cho chồng mình cảm thấy đỡ bứt rứt hơn bằng việc kích thích bên ngoài chẳng hạn. Hãy để chồng chuẩn bị tinh thần chờ đợi, hãy tỏ ra là sau khi hết “đèn đỏ” sẽ đền bù cho chồng, như vậy sẽ làm chồng bạn vui hơn, yêu nhau là chuyện cả đời, chờ đợi một chút cũng không sao cả.
Nhiều đôi vì không thể nhịn nổi nên ông chồng quyết vượt rào cho bằng được. Kết quả là làm các cô vợ sợ hãi chuyện đó, thậm chí không thể tìm được tiếng nói chung trong chuyện phòng the sau này. Hơn nữa, việc “yêu” trong ngày “đèn đỏ” còn đe dọa sức khỏe người phụ nữ ở nguy cơ viêm nhiễm. Trong điều kiện máu kinh, các vi khuẩn sẽ càng có cơ hội xâm nhập và phát triển nhanh chóng. Nếu có vi khuẩn xâm nhập thì cũng dễ phát sinh và dễ tạo viêm nhiễm.
Đặc biệt, nếu quan hệ trong những ngày có kinh mà không vệ sinh sạch sẽ thì khả năng phát bệnh càng cao. Trong trường hợp có viêm nhiễm bên ngoài thì khi có kinh, cổ tử cung đang mở nên dễ tạo điều kiện để viêm nhiễm đi sâu vào phía trong tử cung tạo nguy cơ viêm nhiễm niêm mạc tử cung… Dù là nhiễm trùng loại nào và do nguyên nhân nào gây ra thì tình trạng viêm nhiễm “vùng kín” nói chung đều có các triệu chứng như: Vùng sinh dục ngứa, rát, đau, đỏ, có nốt, vết loét; đi tiểu thấy buốt, đau; đau bụng dưới khi giao hợp, chảy máu bất thường ngoài chu kì kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ.
Do đó, không nhất thiết phải nóng vội đến mức vượt “đèn đỏ” như vậy. Cũng có nhiều cô dâu vì việc này mà cảm thấy có lỗi, hay buồn. Lúc này, cần có sự động viên, nâng đỡ và một thái độ chăm sóc của chú rể. Có thể có những hành động thể hiện sự yêu thương nhau chứ không nhất thiết là tình dục. Không nên coi tình dục chỉ là phương tiện, điều này đôi khi làm chúng ta tổn thương và có những khó khăn trong quan hệ. Bởi chúng ta có cả cuộc đời để khám phá lẫn nhau và hãy coi như hôn nhân là sự bắt đầu của tiến trình khám phá ấy. Quan trọng là người chồng biết thông cảm với vợ nên hãy ứng xử với tình dục thật văn hóa và dần khám phá.
Theo TTVN