Khả năng tái cử của Donald Trump và cuộc khủng hoảng đang rình rập châu Âu
Các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đã nỗ lực xây dựng sự đồng thuận trong các vấn đề quan trọng như hỗ trợ Ukraine, giải quyết vấn đề nhập cư và phản ứng với cuộc chiến của Israel ở Gaza, sẽ phải đối mặt với những thử thách thậm chí còn khó khăn hơn nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở bang Nevada ngày 27/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhận định của Huseyin Ozdemir, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT có trụ sở tại Istanbul trên trang web của hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 16/2, châu Âu lại đang trên bờ vực bất ổn và việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khả năng trở lại nắm quyền có thể có những tác động lớn tới tình hình ở lục địa này.
Chuyên gia Ozdemir cho rằng bối cảnh châu Âu ngày nay hoàn toàn khác với lịch sử mạnh mẽ của họ, hiện đang phản ánh sự “rời rạc” và vật lộn với những thách thức gây nguy hiểm cho sự gắn kết trên lục địa. Sự ra đi của các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, điển hình là việc cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rời khỏi sân khấu chính trị chỉ ba tháng trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng về việc thiếu vắng sự lãnh đạo mang tính quyết định trong chính châu Âu. Nhiều đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu (EU), có thể đóng vai trò lãnh đạo, chẳng hạn như Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng là thành viên NATO nhưng vẫn ở ngoài EU.
Hơn nữa, sức mạnh của EU phụ thuộc vào khả năng hợp tác hiệu quả. Hợp tác nội bộ này đòi hỏi phải nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của EU không tạo ra nhiều niềm tin. Các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đang nỗ lực xây dựng sự đồng thuận trong các vấn đề quan trọng như hỗ trợ Ukraine, giải quyết vấn đề nhập cư và phản ứng với cuộc chiến của Israel ở Gaza, sẽ phải đối mặt với những thử thách thậm chí còn khó khăn hơn nếu ông Trump đắc cử.
Gánh nặng của EU: Xung đột Nga – Ukraine
Giữa những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh tính hiệu quả của NATO trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, xung đột Nga – Ukraine và sự hỗ trợ sau đó của các nước thành viên NATO đã “thổi sức sống mới” vào liên minh quân sự trên với cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngay cả các quốc gia trung lập trong lịch sử như Phần Lan và Thụy Điển cũng hướng đến việc gia nhập NATO.
Video đang HOT
Nhưng nếu ông Trump thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, điều này có nghĩa là Washington sẽ tập trung vào châu Á – Thái Bình Dương hơn là châu Âu. Ông Trump sẽ không rút Mỹ khỏi NATO nhưng sẽ không thực hiện Điều 5, làm dấy lên lo ngại về sự gắn kết và đoàn kết của NATO. Khả năng này xuất phát từ những lời chỉ trích của ông Trump đối với EU vì đã không chia sẻ gánh nặng tài chính của NATO bất chấp sự hồi sinh của liên minh này kể từ tháng 2/2022, thời điểm xung đột ở Ukraine nổ ra.
Đối với EU, vốn dựa vào NATO để phòng thủ trong gần 80 năm qua, sự hỗ trợ ngày càng suy yếu của Mỹ sẽ là một thảm họa. Điều đáng lo ngại hơn nữa là cam kết của ông Trump sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga chỉ trong một ngày, kéo theo một thỏa thuận có khả năng dẫn đến việc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ nhiều hơn. Kịch bản này sẽ gây “bẽ mặt” cho EU, vốn kiên quyết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Trong khi châu Âu vẫn có thể tìm cách hỗ trợ Ukraine, những nỗ lực như vậy nguy cơ trở nên “thừa thãi” và gây ra xung đột với ông Trump. Như vậy, khi một số nước châu Âu vẫn có thể ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, thì những quốc gia khác có thể kiềm chế không muốn gây mâu thuẫn với quan điểm của ông Trump. Ba nhà tài trợ lớn của châu Âu cho Ukraine là Đức, Anh và Na Uy đều là thành viên NATO, chỉ có Đức là thành viên EU. Mặc dù Đức là một cường quốc kinh tế nhưng lại là một quốc gia có quy mô hạn chế về quân sự, do đó nước này không thể bù đắp được khoảng trống mà Mỹ để lại.
Bên cạnh đó, không giống như Nga, vốn đã chuyển sang hệ thống kinh tế thời chiến, EU phải đối mặt với một bối cảnh kinh tế khác. Tình huống này là nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ không hỗ trợ phòng thủ châu Âu như trước đây. Đối với châu Âu, môi trường mới này có nghĩa là họ phải chuyển nguồn vốn từ phúc lợi xã hội sang ngành công nghiệp quốc phòng. Điều đó cũng sẽ báo hiệu sự gia tăng tiềm tàng của chủ nghĩa cực đoan, cực hữu, vốn đã gia tăng ở châu Âu trong những năm gần đây, thậm chí còn có nhiều động lực hơn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.
Bằng cách hỗ trợ EU sau Brexit, chính quyền Mỹ thời Tổng thống Joe Biden đã trì hoãn bước tiến của các đảng cực hữu ở Đức và Italy. Tuy nhiên, khả năng tái đắc cử của ông Trump có thể sẽ có tác động ngược lại. Như bà Merkel đã khéo léo tuyên bố, người châu Âu phải nắm bắt vận mệnh của mình. Xung đột ở Ukraine, về cơ bản là vấn đề của châu Âu, đòi hỏi các biện pháp chủ động chứ không phải thụ động.
Chuyên gia Ozdemir kết luận, một trong những hành động nhanh chóng cần thiết là giải quyết những lỗ hổng an ninh tiềm ẩn phát sinh từ “chiếc ô phòng thủ” của Mỹ dưới thời Trump đang bị thu hẹp. Trong khi cử tri Mỹ ngày càng mệt mỏi về Ukraine thì người châu Âu cũng có khả năng sẽ như vậy. Thực tế này là một lời cảnh tỉnh khác đối với châu Âu rằng “lục địa già” không nên giao phó an ninh tập thể của mình cho ý chí bất chợt của cử tri Mỹ. Châu Âu không thể để mình rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị một lần nữa, giống như trường hợp Brexit và nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Trump.
Bằng cách chịu trách nhiệm và thực hiện các chính sách chiến lược, châu Âu có thể vượt qua những bất ổn phía trước và đảm bảo an ninh, ổn định của mình.
Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi có các nhà lãnh đạo mạnh mẽ của châu Âu, một điều kiện hiện chưa xuất hiện.
'Canh bạc' về LNG của Tổng thống Biden
Tổng thống Biden đang rơi vào thế khó khi vừa không muốn làm tổn thương các đồng minh và nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng không muốn làm mất lòng những người vận động hành lang về biến đổi khí hậu liên quan đến xuất khẩu LNG, trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Aristidis I cập cảng cơ sở hóa lỏng Cheniere (CCL) tại Corpus Christi, Texas, ngày 4/12/2023. Ảnh: BLOOMBERG
Theo tờ Wall Street Journal ngày 22/1, giá năng lượng hiện đã giảm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nhưng thật khó để tin rằng Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đang xem xét một "món quà năm bầu cử" dành cho Nga và Iran: Lệnh cấm xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.
Nguồn tin trên cho biết, cố vấn của Tổng thống Biden, John Podesta, đang thúc đẩy ý tưởng này tại Nhà Trắng như một chiến dịch vận động hành lang về khí hậu, sau khi các nhóm chống biến đổi khí hậu tức giận trước việc Chính quyền Mỹ phê duyệt dự án dầu khí và khí đốt ConocoPhillips' Willow ở Alaska. Nhà vận động hành lang về khí hậu Bill McKibben đã viết vào tuần trước: "Chúng tôi có thể giúp cư dân ở đó ngăn chặn sự xâm chiếm mạnh mẽ của các cảng xuất khẩu LNG".
Xuất khẩu LNG của Mỹ đã tăng khoảng 31 tỷ feet khối mỗi tháng (8,7%) kể từ tháng 1/2022, điều này đã giúp châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và giảm giá khí đốt toàn cầu. Nếu không có LNG của Mỹ, sự ủng hộ chính trị ở châu Âu dành cho Ukraine có thể đã giảm sút khi người dân ở lục địa này dao động vì giá năng lượng leo thang.
Sự tăng trưởng trong xuất khẩu LNG phần lớn nhờ vào các dự án được Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump phê duyệt. Bộ Năng lượng Mỹ sẽ phải phê duyệt việc xuất khẩu LNG sang các nước không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Tính đến nay, Tổng thống Biden đã phê duyệt 5 giấy phép, tất cả đều là giấy phép mở rộng công suất. Nhưng trước đó, Chính quyền Trump đã phê duyệt 14 giấy phép.
Trong khi Chính quyền Trump phê duyệt giấy phép trung bình trong 7 tuần, nhưng Chính quyền Biden phải mất 11 tháng để xử lý chúng. Ngay cả khi những dự án này được phê duyệt thì cũng phải mất vài năm mới đi vào hoạt động. Nhưng sự gia tăng xuất khẩu LNG cuối cùng sẽ giúp thay thế năng lượng than và khí đốt của Nga. Xuất khẩu LNG của Nga - một số vẫn được xuất sang châu Âu - đạt kỷ lục trong tháng 12 vừa qua.
Một cơ sở xuất khẩu LNG lớn mới của Nga dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Iran, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới, đã khôi phục hoạt động xây dựng cơ sở xuất khẩu LNG mà nước này đặt mục tiêu hoàn thành vào năm tới. Mỹ đã vượt qua Qatar vào năm ngoái để trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, nhưng các dự án mới có thể giúp Doha lấy lại vị trí dẫn đầu.
Nếu các dự án LNG mới của Mỹ bị chặn, châu Âu và châu Á sẽ phải nhập khẩu khí đốt từ nơi khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Hầu hết sẽ không đến từ những nước thân thiện với Mỹ. Tuy nhiên, tổ chức vận động hành lang về khí hậu ở Mỹ cho biết các dự án LNG mới sẽ tạo ra lượng khí thải CO2 cao hơn trong nhiều thập kỷ.
Việc chặn các dự án xuất khẩu LNG mới sẽ không làm giảm lượng khí thải toàn cầu, nhưng nó sẽ là "một món quà" cho các đối thủ của Mỹ và cho châu Âu thấy rằng Mỹ không phải là một đồng minh đáng tin cậy.
Chủ tịch cơ quan khí đốt châu Âu Eurogas, Didier Holleaux, cho biết: "Ở châu Âu, nhiều dự án xây dựng trạm nhập khẩu LNG mới dựa trên giả định về mối quan hệ cung cấp lâu dài ổn định với Mỹ. Nếu năng lực xuất khẩu LNG bổ sung của Mỹ không thành hiện thực, điều đó sẽ có nguy cơ gia tăng và kéo dài tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu" và khiến giá cả biến động.
Cả Mỹ và EU đều cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra vào tháng trước ở Dubai để bắt đầu "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch". Nhưng điều đó không làm giảm bớt "cơn khát" nhiên liệu của châu Âu đối với nguồn năng lượng này từ Washington.
Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty thông tin hàng hóa ICIS, cho biết, bất chấp kế hoạch đầy tham vọng của EU nhằm đạt được mục tiêu trung lập về khí hậu vào năm 2050, khối này vẫn chưa đặt ra thời hạn cho việc loại bỏ khí đốt. Ông cho biết lục địa này có thể cần tiếp tục tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ trong thập kỷ tới.
Cuộc "tái đấu" tiềm tàng có thể tác động tới toàn cầu Nếu không có đột biến xảy ra thì nhiều khả năng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ chứng kiến màn tái đấu "vô tiền khoáng hậu" giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump. Kết quả của cuộc bầu cử sẽ có tác động toàn cầu, và với tầm quan trọng của nó, phần còn lại của thế...