Khả năng sinh lời của Techcombank sẽ còn tăng gấp đôi, gấp ba
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao kỷ lục, Techcombank đang dẫn đầu khối ngân hàng TMCP tư nhân và đứng thứ ba toàn hệ thống. Tuy nhiên, CEO của Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho rằng, khả năng sinh lời của Techcombank còn tăng mạnh hơn trong những năm tới.
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank đạt 5.196 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ gần 4%. Điều gì làm lợi nhuận và doanh thu của Techcombank tăng vọt, thưa ông?
Phần lớn doanh thu của Techcombank vẫn đến từ lãi, với tổng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm là 7.765 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ lãi đạt 5.051 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản thu nhập này không chỉ đến từ hoạt động cho vay 6 tháng đầu năm, mà phần lớn là nhờ khoản lãi thu về từ các khoản cho vay từ những năm trước.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, CEO của Techcombank
Dẫu vậy, lãi từ cho vay chỉ là một nửa lý do khiến doanh thu từ lãi của Techcombank tăng mạnh. Nửa lý do còn lại là nhờ chúng tôi có chi phí vốn huy động rẻ hơn thị trường rất nhiều. Hiện tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại Techcombank chiếm 25% tổng tiền gửi. Con số kỷ lục này giúp Ngân hàng có được nguồn thu lớn từ lãi.
Mặc dù nguồn thu từ lãi vẫn rất tốt, song tại Techcombank, thu ngoài lãi trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh và hiện chiếm tới 41,7% tổng thu nhập. Chiến lược của Techcombank là đến năm 2020, doanh thu ngoài lãi sẽ đạt xấp xỉ 50% tổng doanh thu, giúp Ngân hàng tăng trưởng bền vững.
Không chỉ Techcombank, mà nhiều ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh tăng thu nhập ngoài lãi. Tăng phí là giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng để thực hiện mục tiêu này. Trong khi đó, Techcombank lại đang miễn rất nhiều loại phí dịch vụ. Vậy Techcombank làm gì để tăng thu ngoài lãi?
Đúng vậy. Techcombank đang miễn phí một số dịch vụ cho khách hàng. Chúng tôi hiểu rằng, có những dịch vụ khách hàng sẵn sàng trả phí để được hưởng, nhưng với một số loại phí khác, khách hàng không cảm thấy thoải mái khi phải chi trả. Chính vì vậy, Techcombank chỉ thu phí những dịch vụ mà khách sẵn sàng trả tiền.
Chẳng hạn, với phí giao dịch, Techcombank cố gắng miễn phí. Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào các dịch vụ khác, như bảo hiểm, tư vấn bán trái phiếu doanh nghiệp… Hay với dịch vụ bancassurance, Techcombank hiện giữ 36% thị phần bán bảo hiểm nhân thọ của ngành ngân hàng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Điều quan trọng nhất khi triển khai các dịch vụ là phải hiểu nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Chỉ khi những giao dịch đem lại giá trị cao thì khách hàng mới vui lòng trả phí. Đây là phương châm làm việc của chúng tôi.
Video đang HOT
Khách hàng cá nhân hiện đóng góp bao nhiêu phần trăm lợi nhuận của Techcombank và nhóm khách hàng này được Techcombank đánh giá như thế nào trong chiến lược phát triển của mình, thưa ông?
Lợi nhuận từ cho vay cá nhân hiện chiếm khoảng 40% tổng thu nhập lãi của Techcombank, phần còn lại chủ yếu là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tập đoàn lớn. Theo kế hoạch, những năm tới, khách hàng cá nhân sẽ chiếm khoảng 50% tổng thu nhập lãi của ngân hàng. Techcombank tập trung vào các khách hàng có thu nhập rõ ràng, nhất là những gia đình trẻ đang trên đà phát triển.
Một phân khúc khách hàng khác cũng được chúng tôi nhắm tới là những người có doanh nghiệp riêng. Nếu tính cả con số này, khách hàng cá nhân của Techcombank hiện lên tới gần 75%.
Khối lượng khách hàng cá nhân lớn như vậy, tại sao Techcombank lại bán công ty tài chính, vốn được nhiều ngân hàng coi là “gà đẻ trứng vàng”?
Chúng tôi luôn có quan điểm phát triển tín dụng thận trọng và bền vững. Cho vay tiêu dùng tuy lợi nhuận cao, nhưng chi phí dự phòng rủi ro cũng rất lớn. Hiện tỷ lệ nợ đã được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro tại Techcombank chỉ là 0,5%. Tỷ lệ này ngang với các ngân hàng tốt nhất trên thế giới.
Theo tôi, giá trị của một ngân hàng nằm ở hai điểm: vốn chủ sở hữu và chi phí thất thoát. Chi phí thất thoát càng nhỏ, thì lợi nhuận càng lớn và ban lãnh đạo kiểm soát tốt hơn hoạt động của ngân hàng. Nếu cho vay nhiều, nhưng rủi ro cao, chi phí dự phòng lớn, thì rốt cuộc, lợi nhuận lại giảm và rất khó kiểm soát khi thị trường chuyển đổi.
Do đó, với khách hàng cá nhân của Techcombank, chúng tôi không tập trung vào cho vay tiêu dùng tín chấp, mà chủ yếu cho vay tiêu dùng thế chấp, như cho vay mua nhà, mua xe…
Vốn chủ sở hữu của Techcombank đã tăng mạnh trong 4 năm qua. Với số vốn này, dư địa đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng để gia tăng lợi nhuận những tháng tới là rất lớn, thưa ông?
Trong kinh doanh ngân hàng, vốn là quan trọng nhất. Khả năng cho vay và phát triển dài hạn của ngân hàng hầu hết dựa trên vốn chủ sở hữu. Từ năm 2015 đến nay, vốn chủ sở hữu của Techcombank đã tăng 2,9 lần, đạt 47.400 tỷ đồng, ngang ngửa với một số ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh và cao gấp đôi, gấp ba so với các ngân hàng có cùng mức tổng tài sản. Với vốn chủ sở hữu này, khả năng sinh lời và phát triển của Techcombank trong những năm tới cũng sẽ khá lớn.
Đương nhiên, vốn chủ sở hữu cao cho phép Techcombank có thể cho vay gấp đôi số dư nợ hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề là ngân hàng có lựa chọn như vậy hay không. Quan điểm của Ban lãnh đạo Techcombank là lựa chọn những khách hàng có tài sản tốt, nguồn thu tốt để giảm thiểu rủi ro, không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Trong khi đó, chúng tôi tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển nguồn lực để phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.
Với các nguồn thu đa dạng, không phụ thuộc vào tín dụng, tôi tin rằng, lợi nhuận của Techcombank năm nay ít nhất sẽ đạt kế hoạch đề ra (10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), mà không phải vội vã tăng trưởng tín dụng. Trong tương lai, kế hoạch của chúng tôi là doanh thu tăng 20 – 30%/năm.
V.G
Theo ngaynay.vn
Techcombank bứt phá
Techcombank là ngân hàng tư nhân báo lãi cao nhất về con số tăng trưởng.
Cuộc "so găng" giữa 2 hai ngân hàng tư nhân có tham vọng tăng vốn lên mức ngang ngửa với các ngân hàng quốc doanh hiện nay, gồm VPBank và Techcombank, ngày càng thêm hấp dẫn khi cả 2 đều tiếp tục báo lãi cao. Dù vậy, Techcombank vẫn nhỉnh hơn một chút.
Báo cáo của Techcombank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này đạt 6.209 tỉ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ. Trong khi đó, con số ở VPBank là 4.900 tỉ đồng, tăng gần 8,9%. Tuy nhiên, nếu bóc tách cụ thể hơn, có thể thấy Techcombank có những món hời từ những giao dịch tài chính kể từ đầu năm đến nay.
Theo đó, các khoản lợi nhuận đáng kể đến từ khoản mục mua bán chứng khoán, chứng khoán đầu tư và góp vốn mua cổ phần với tổng lợi nhuận lên đến hơn 1.700 tỉ đồng. Thương vụ lớn nhất có lẽ là việc thu hơn 900 tỉ đồng từ thoái vốn khỏi Công ty Tài chính Techcom Finance.
Một đặc trưng khác ở Techcombank, cũng khác biệt với VPBank, là nguồn thu đáng kể đến từ thu nhập ngoài lãi thuần, thông thường là nguồn thu chủ lực của các ngân hàng. Theo đại diện của Techcombank, tỉ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng đã giảm từ 53% xuống 48%. Còn khoản mục thu nhập lãi thuần của Techcombank chỉ đóng góp khoảng hơn 61% vào tổng thu nhập của Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn con số 82% của VPBank.
Một điều đáng chú ý nữa trong 9 tháng đầu năm, dư nợ của Techcombank tăng trưởng thấp hơn nhiều so với thị trường, chỉ ở mức 3%.
Tuy nhiên, VPbank cũng chỉ tăng trưởng 9% trong báo cáo hợp nhất. Như vậy, trong bối cảnh nhiều ngân hàng chủ động giảm tín dụng, Techcombank còn giảm mạnh hơn. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cho vay của Ngân hàng cũng chỉ ở mức 12,8%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của thị trường là 17%.
Trước đó, ngân hàng này từng cho biết sẽ giảm các khoản vay cá nhân không có tài sản đảm bảo, hay những khoản vay dài hạn của khối doanh nghiệp. Techcombank chỉ giải ngân với những khách hàng doanh nghiệp đã từng giao dịch với Techcombank 3 năm trở lên. "Chiến lược tổng thể của Ngân hàng là chuyển dịch sang tập trung cho vay ngắn hạn nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản", theo bản cáo bạch của Ngân hàng.
Quan điểm tăng trưởng này trái ngược so với trước đây, khi Techcombank tập trung nhiều vào một nhóm khách hàng và lại là nhiều khách hàng lớn. Có một giai đoạn, lợi nhuận ngân hàng này đi xuống, tốc độ cho vay hầu như tăng trưởng không đáng kể. Trong vài năm gần đây, Techcombank có nhiều thay đổi ở các vị trí điều hành cấp cao, bao gồm cả ông Nguyễn Lê Quốc Anh, người thay thế cho vị CEO ngoại là Simon Morris vào đầu năm 2016. Khi đó, Techcombank tập trung tăng mức trích lập dự phòng, mua lại nợ từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) với quan điểm xử lý cho xong nợ rồi mới tính đến tăng trưởng.
Trở lại với chiến lược tăng trưởng trong thời kỳ mới, nói về đối tượng phân khúc khách hàng cá nhân mục tiêu, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank, cho biết Ngân hàng tập trung vào 2 nhóm quan trọng nhất: vay mua nhà và các giao dịch cá nhân. Rõ ràng, lợi điểm của hoạt động dịch vụ là mang lại hiệu quả kinh doanh tốt, còn VPBank hay HDBank lại kiếm lợi nhuận cao từ phân khúc cho vay tiêu dùng rủi ro.
Bên cạnh việc đa dạng hóa doanh thu đã giúp Ngân hàng đẩy mức sinh lời cao hơn các khoản tín dụng truyền thống, việc tập trung nhiều vào các sản phẩm giúp tăng tiền gửi của khách hàng, cũng giúp Techcombank giữ lại dòng tiền từ việc duy trì tài khoản đáng kể ở cá nhân và các doanh nghiệp lớn. Từ đó giúp Techcombank giảm chi phí vốn, đẩy mạnh con số sinh lời.
Tại thời điểm cuối tháng 9, Techcombank cho biết tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) ở mức 25,4%, còn tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) là 3,2%. Một lý do khác đẩy con số lợi nhuận, theo Techcombank là do Ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu bán cho VAMC.
Tính đến cuối năm 2017, Techcombank đứng thứ 6 trong nhóm các ngân hàng tư nhân đã niêm yết về quy mô tài sản (sau Sacombank, MBB, SHB, ACB và VPBank), đồng thời xếp thứ 6 về quy mô vốn chủ sở hữu (sau MB, VPBank, BIDV, Vietcombank và VietinBank). Còn tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Techcombank đã vượt VPBank (gần 312.000 tỉ đồng so với 296.000 tỉ đồng).
Theo bản cáo bạch niêm yết, Techcombank hiện có mạng lưới giao dịch đứng thứ 3 sau Sacombank và ACB. Dù vậy, theo ông Quốc Anh, Ngân hàng sẽ không mở rộng thêm mạng lưới vật lý nữa. Lên sàn từ tháng 6.2018, ở thời điểm thị trường chứng khoán không thuận lợi với mức định giá 6,5 tỉ USD, Techcombank kỳ vọng con số này sẽ lên đến 10 tỉ USD vào năm 2020
Theo nhipcaudautu.vn
Tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất sinh lời của Techcombank đã đạt đỉnh? Tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất sinh lời (ROA, ROE) có thể đã đạt đỉnh, khiến Techcombank khó có thể có định giá cao trong ngắn hạn. Tăng trưởng lợi nhuận và tỷ suất sinh lời của Techcombank đã đạt đỉnh? Theo báo cáo phân tích mới đây về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Công ty Chứng khoán SSI...