Khả năng săn mồi của loài sinh vật biển cổ đại giống tôm
Với các phần phụ mọc ra từ đầu và miệng cứng, một sinh vật giống tôm cổ đại được cho là kẻ săn mồi đỉnh cao vào thời bấy giờ.
Anomalocaris canadensis là một trong những loài động vật biển lớn nhất sống cách đây 508 triệu năm.
Sinh vật biển này nổi tiếng đáng sợ. Bởi, các nhà cổ sinh vật học cho rằng, loài vật này chịu trách nhiệm cho việc để lại sẹo và nghiền nát các bộ xương hóa thạch của bọ ba thùy. Bọ ba thùy là loài động vật không xương sống có vỏ cứng sơ khai sống rải rác dưới đáy biển trước khi tuyệt chủng hàng loạt.
Anomalocaris canadensis dài 2 foot (0,6 mét) là một trong những loài động vật biển lớn nhất sống cách đây 508 triệu năm. “Thợ săn dưới nước” này xuất hiện trên biển trong kỷ Cambri. Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử hành tinh khi có sự bùng nổ về tính đa dạng của sự sống và nhiều nhóm động vật lớn còn sống ngày nay xuất hiện.
Tác giả chính Russell Bicknell – một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại bộ phận cổ sinh vật học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ – cho biết: “Điều đó không phù hợp. Bởi, bọ ba thùy có bộ xương ngoài rất chắc chắn. Về cơ bản, chúng được tạo ra từ đá. Trong khi đó, loài Anomalocaris canadensis hầu như mềm và nhão”.
Bicknell cùng các cộng tác viên của ông ở Đức, Trung Quốc, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh đã tạo ra một bản tái tạo ba chiều mới của sinh vật này. Họ sử dụng mô hình máy tính để hiểu rõ hơn về cơ chế sinh học của nó. Mô hình này dựa trên một hóa thạch được bảo quản tốt nhưng bị làm phẳng được tìm thấy ở Canada.
Nghiên cứu trước đó đã gợi ý rằng, phần miệng của Anomalocaris không thể xử lý thức ăn cứng. Vì vậy, ông Bicknell và các đồng nghiệp đã tập trung vào việc liệu các phần phụ dài và có gai của loài vật này có thể nhai bọ ba thùy hay không.
Các nhà khoa học đã sử dụng bọ cạp roi và nhện whip ngày nay làm đối tượng tương tự. Bởi, chúng có các phần phụ giống nhau, cho phép tóm lấy con mồi. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các phần phụ được phân đoạn của động vật ăn thịt có thể tóm lấy con mồi. Những bộ phận đó đồng thời có thể duỗi ra và uốn cong.
Tuy nhiên, phân tích của nhóm cho thấy, loài động vật biển này yếu ớt hơn so với giả định ban đầu và “không có khả năng” nghiền nát con mồi có vỏ cứng. Ông Bicknell nhận định, sinh vật biển này là con lai giữa tôm và mực nang. Theo nhóm nghiên cứu, nhiều khả năng sinh vật này thường lao nhanh theo con mồi mềm, thay vì truy lùng loài vật có vỏ cứng dưới đáy đại dương.
“Các quan niệm trước đây cho rằng, những loài động vật này ăn thịt, săn lùng bất cứ thứ gì chúng muốn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, động lực học của lưới thức ăn kỷ Cambri có thể phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ”, ông Bicknell cho biết.
Phát hiện hóa thạch thương long lâu đời nhất ở Bắc Mỹ
Mosasaur là một nhóm bò sát thống trị các vùng biển trong kỷ Phấn trắng (145 triệu đến 66 triệu năm trước).
Khoảng 94 triệu năm trước, thương long vẫn còn rất nhỏ và trong giai đoạn tiến hóa.
Trong đá phiến ở miền Nam Utah, các nhà khoa học đã khai quật được phần còn lại của một con thương long từng sống trên vùng biển thịnh vượng cách đây 94 triệu năm. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cretaceous Research, đây là hóa thạch thương long lâu đời nhất từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ.
Mosasaur là một nhóm bò sát thống trị các vùng biển trong kỷ Phấn trắng (145 triệu đến 66 triệu năm trước). Vào thời điểm đó, vùng này của Utah là một phần của Western Interior Seaway. Đây là một vùng biển cổ xưa trải dài từ Vịnh Mexico đến Vòng Bắc Cực và chia đôi khu vực ngày nay là Bắc Mỹ.
Sống cùng thời với khủng long, nhiều con thương long có đuôi dài và các phần phụ giống như mái chèo để đuổi theo con mồi. Theo một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Proceedings of the Zoological Institute RAS, một số con thương long có khả năng phát triển chiều dài tới 56 feet (17 mét). Các nhà nghiên cứu ước tính, hóa thạch của thương long mới được phát hiện có khả năng chỉ dài khoảng 10 feet (3 mét).
Đồng tác giả nghiên cứu Barry Albright - một nhà cổ sinh vật học tại Trường Đại học Bắc Florida cho biết: "Khoảng 94 triệu năm trước, thương long vẫn còn rất nhỏ, nguyên thủy và đang trong giai đoạn tiến hóa ban đầu để trở nên thích nghi hoàn toàn với biển. Vì những lý do này, hóa thạch của chúng cực kỳ hiếm và khó tìm".
Các nhà khoa học đã phát hiện ra mảnh hóa thạch đầu tiên của mosasaur vào năm 2012. Sau đó, nhóm dành hai mùa thực địa tiếp theo để phục hồi gần một nửa cá thể. Cuối cùng, các nhà khoa học đã phân loại nó thành một loài mới.
Tác giả chính của nghiên cứu Michael Polcyn - nhà cổ sinh vật học tại Trường Đại học Southern Methodist ở Texas cho biết, hóa thạch được tìm thấy từ nhiều mảnh và đã bị phong hóa trên bề mặt trong nhiều năm. "Vì vậy, nó không ở trong tình trạng nguyên sơ... Cần rất nhiều so sánh chi tiết để tìm ra tất cả cấu trúc giải phẫu và hiểu mối quan hệ của nó", ông Polcyn cho biết.
Các nhà khoa học đặt tên cho loài mới là Sarabosaurus dahli. Nhóm nghiên cứu cho biết, các loài thương long ban đầu trông giống thằn lằn. Chúng vẫn có các chi tương đối nguyên thủy khi so sánh với những loài thương long sau này - con vật thống trị biển cả với cơ thể thuôn dài.
Tuy nhiên, S. dahli khác với các thương long ở cách nó lưu thông máu lên não. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, điều này có thể giúp nó thích nghi tốt hơn với môi trường biển.
"Nó có thể liên quan đến khả năng chống lại tác động của việc lặn sâu hoặc trong thời gian dài đối với nhóm này", ông Polcyn nhận định. Nhóm nghiên cứu cho biết, S. dahli cung cấp hiểu biết tốt hơn về quá trình tiến hóa của thương long. Cụ thể, phát hiện cho thấy thời điểm phân nhánh của thương long sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Phát hiện mới về nguyên nhân tuyệt chủng của loài 'quái vật' biển cổ dài Các nhà nghiên cứu vừa khám phá bằng chứng cho thấy một loài 'quái vật' biển cổ dài không còn tồn tại đến ngày nay là do bị một loài sinh vật ăn thịt khác tấn công dữ dội và ngoặm mất đầu. Ảnh minh họa: thetimes.co.uk Cách đây nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã khai quật được những hóa...