Khả năng Italy thay thế Đức trở thành đầu tàu kinh tế châu Âu
Trong khi nền kinh tế Đức đang trì trệ thì Italy vẫn tiếp tục tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 25 năm qua, ông Mauro Congedo cùng anh trai và cha họ tìm kiếm và cải tạo các công trình kiến trúc nhỏ ở Salento – một bán đảo ở phía Đông Nam Italy.
Những căn hộ và nhà ở mà Congedo khôi phục giờ đây bất ngờ có người tìm mua từ Đức và Anh.
“Mọi thứ đang tốt đẹp trở lại”, kiến trúc sư ông Mauro Congedo (50 tuổi) nhận xét. Trong đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của ông gần như bế tắc. Nhưng theo ông, những gì xảy ra sau đó trong ngành công nghiệp Italy thật là “điên rồ”.
Congedo không phải người duy nhất phấn khởi về hồi phục kinh tế tại đất nước hình chiếc ủng.
Từ “cá biệt” thành dẫn đầu
Chính phủ Italy trong những năm trước đại dịch đã quen với việc công bố dự báo tăng trưởng thấp và xếp hạng nợ kém. Nhưng nay bức tranh đã thay đổi, quốc gia này nhanh chóng trở thành động lực tăng trưởng của châu Âu.
Trong quý vừa qua, kinh tế Italy tăng trưởng 0,6%, còn kinh tế Đức giảm 0,3% trong cùng kỳ. Ngoài dữ liệu của ba tháng ngắn ngủi này, các số liệu khác của nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu cũng rất ấn tượng.
Nhà kinh tế Jorg Kramer tại Commerzbank, nhận định với DW: “Nền kinh tế Italy đã tăng trưởng 3,8% kể từ năm 2019. Con số này gấp đôi kinh tế Pháp và gấp 5 lần kinh tế Đức”.
Ở Đức, triển vọng thực sự có vẻ ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng trưởng của Đức trong năm nay là 0,3%. Các chuyên gia hàng đầu tại Đức chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng 0,1%. Mặt khác, OECD dự đoán kinh tế Italy dự kiến tăng trưởng 0,7% trong năm nay.
Thị trường chứng khoán Italy cũng hưởng lợi từ tâm trạng lạc quan. Chỉ số FTSE MIB, bao gồm 40 công ty lớn, đã tăng khoảng 28% trong năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ chỉ số thị trường chứng khoán châu Âu nào khác. Và Italy đang trên đà phát triển hơn nữa.
Video đang HOT
Các yếu tố thúc đẩy
Khách du lịch giải nhiệt tại đài phun nước Barcaccia trong thời tiết nắng nóng gay gắt tại Rome, Italy, ngày 21/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo DW, tăng trưởng của Italy chủ yếu dựa vào nợ mới. Trong khi khoản nợ mới của Italy trước đại dịch COVID-19 là 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì nó đã tăng vọt trong những năm gần đây và cán mốc 8,3% GDP trong nửa đầu năm 2023.
Nợ tổng thể của Italy cũng đang tăng lên. Vào tháng 1, Ủy ban châu Âu ước tính con số này sẽ vượt 140% GDP trong năm nay và tiếp tục tăng vào năm 2025. Để so sánh, tỷ lệ nợ ở Đức là 66%, ở Pháp là gần 100%.
Để hỗ trợ nền kinh tế, kể từ cuối năm 2020, chính phủ Italy đã tài trợ cho nhiều biện pháp cải tạo nhà cửa khác nhau. Đối với một số biện pháp, chính phủ chịu khoảng 50% chi phí, những biện pháp khác thậm chí còn nhận được nhiều hơn.
Đáng chú ý nhất là phương pháp cải tạo “Superbonus 110″ để tiết kiệm năng lượng. Thông qua chương trình này, bất kỳ ai cải tạo nhà hoặc căn hộ của họ để tiết kiệm năng lượng hơn sẽ được hoàn trả toàn bộ chi phí cộng thêm 10% thuộc chương trình giảm thuế. Ông Kramer cho biết đầu tư xây dựng đã tăng vọt và đóng góp cho 2/3 mức tăng trưởng mạnh mẽ gần đây.
Nhưng kiến trúc sư Congedo không quá hào hứng với chương trình “Superbonus 110″. Bởi ngoài lạm phát, “Superbonus 110″còn đẩy chi phí nguyên vật liệu và nhân công lên cao. Bên cạnh đó, ông nói: “Nếu nhà nước chi trả cho mọi thứ thì người dân sẽ không quan tâm nó tốn bao nhiêu tiền”. Ngoài ra, không ai kiểm soát giá cả. Các công ty xây đã nhiều lần yêu cầu ông điều chỉnh chi phí tăng lên. “Họ muốn tôi tính phí gấp đôi. Tôi không làm vậy. Cảm giác như ăn trộm”, ông thú nhận.
Tuy nhiên, ông cho rằng tiền thưởng cho việc cải tạo các tòa nhà tiết kiệm năng lượng hơn nói chung là điều tốt. Theo ông, chủ sở hữu nên đóng góp vào chi phí chứ không chỉ nhận tất cả từ chính phủ.
Vào năm 2023, chương trình Superbonus chỉ còn chi trả tối đa 70% chi phí cải tạo và năm nay là 65%. Và các khoản miễn thuế do chương trình này mang lại sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của chính phủ Italy trong vài năm tới. Nhưng Rome vẫn đang nhận hàng tỷ USD chủ yếu từ Brussels. Italy là một trong những nước nhận nhiều nhất từ quỹ phục hồi COVID của EU.
Đến năm 2026, gần 200 tỷ euro (216 tỷ USD) sẽ được trả cho Italy dưới hình thức trợ cấp và cho vay.
Ông Kramer cho rằng Rome cần giảm thâm hụt ngân sách từ thời điểm này. Ông quan ngại kỳ tích tăng trưởng của Italy có thể sẽ kết thúc do không tận dụng thời gian để cải cách cơ cấu.
Về phần kiến trúc sư Congedo, ông quan ngại tàn dư của chương trình Superbonus 110 sẽ tồn tại lâu dài: “Giá rất cao và chúng tôi đã phải gánh nhiều khoản nợ”. May mắn thay, ông sẽ không sớm hết việc để làm. Hiện ông đang thực hiện 8 dự án cùng một lúc.
EU chia rẽ trong cơn khủng hoảng di cư
Hai làn sóng người di cư đồng thời "đổ bộ" vào châu Âu trong thời gian qua gây nên tình trạng quá tải đối với các quốc gia, làm lộ ra những chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU).
Làn sóng từ phương Nam
Chỉ trong vòng 3 ngày từ 11 đến 13/9/2023, 8.500 người di cư bất hợp pháp trên 200 chiếc thuyền nhỏ đã cập bến đảo Lampedusa của Italy. Nếu xét trên quy mô diện tích 20 km2 và dân số hơn 6.000 người của hòn đảo nằm ở cực Nam Italy này, chúng ta sẽ hiểu đây là nhiệm vụ vượt quá khả năng "gánh vác" của hòn đảo nhỏ, cho dù chỉ là tạm thời. Nhưng, ngay cả khi giới chức Lampedusa "kêu cứu" thì EU và Chính phủ Italy cũng không xử lý ngay được, bởi số người tị nạn đến châu Âu đã tăng quá nhanh trong thời gian qua.
Theo Bộ Nội vụ Italy, chỉ trong 9 tháng qua, nước này đã phải tiếp nhận 126.000 người di cư từ đường biển, con số gấp đôi so với năm 2022. Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) thì cho biết có tới 132.370 người đã vượt biên trái phép vào EU trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người lựa chọn tuyến đường biển qua Địa Trung Hải tăng hơn 30%. Một cuộc khủng hoảng di cư nữa lại bắt đầu.
Những chuyến tàu vượt Địa Trung Hải tiềm ẩn nhiều rủi ro.
EU cũng đã rất nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này, khi thực hiện nhiều chương trình phối hợp với các nước nằm ở bờ Nam Địa Trung Hải, nơi là điểm xuất phát chính của những người nhập cư trái phép. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giới chức Maroc thông báo đã ngăn chặn 26.000 người có ý định di cư bất hợp pháp tới châu Âu qua nước này. Trong khi đó, hồi tháng 7, Chính phủ Tunisia đã ký hiệp ước với EU nhằm ngăn chặn dòng người di cư, kèm với những khoản hỗ trợ lớn. Nhưng, dường như, tình hình vẫn không được cải thiện.
Lý do là bởi khu vực Tây và Trung Phi đang hết sức hỗn loạn với những cuộc đảo chính, xung đột kéo dài trong thời gian qua. Sự bất ổn của đời sống xã hội đã thúc đẩy làn sóng di cư. Ước tính, chỉ riêng cuộc xung đột ở Sudan đã khiến 5,5 triệu người phải đi lánh nạn. 80% trong số này hướng lên phía Bắc với những điểm đến mong muốn cuối cùng chính là châu Âu. Lượng lớn người muốn vượt biển tìm "miền đất hứa" đã để lại hậu quả là những tai nạn thảm khốc. Báo cáo mới nhất do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nêu rõ: Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 24/9, hơn 2.500 người di cư thiệt mạng và mất tích trên Địa Trung Hải, tăng mạnh so con số 1.680 người trong cùng khoảng thời gian năm 2022.
Gánh nặng sẵn có
Kể từ thời điểm cuộc xung đột Ukraine bùng nổ tháng 2/2022 tới nay, hơn 8 triệu người Ukraine đã rời bỏ nhà cửa và hướng về phía Tây. Sau giai đoạn đầu các nước EU "dang tay chào đón", những người tị nạn Ukraine giờ đây đang trở thành gánh nặng, khi thời gian lưu trú kéo dài.
Trong một cuộc khảo sát mới đây do Cơ quan về quyền cơ bản của EU (FRA) thực hiện với hơn 14.600 người Ukraine ở 10 nước châu Âu, chỉ 30% người tị nạn tìm được việc làm và 30% cho biết họ muốn quay về quê hương, bất chấp tình trạng chiến tranh vẫn đang diễn ra. Một cuộc khảo sát vào cuối năm 2022 cho thấy chỉ 15% người được hỏi muốn trở về nước ở thời điểm đó. Sự gia tăng làn sóng người Ukraine muốn quay trở về này chủ yếu là do những biện pháp thắt chặt kiểm soát của các nước sở tại đối với người tị nạn Ukraine.
Nước EU đón nhiều người tị nạn tới từ Ukraine nhất là Ba Lan với khoảng 1,7 triệu người. Bất chấp những nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế, đây vẫn là gánh nặng lớn với nền kinh tế Ba Lan. Ngày 1/3/2023, Quốc hội Ba Lan thông qua một điều khoản thay đổi quy chế đối với những người tị nạn Ukraine. Trước đây, người tị nạn từ Ukraine được ở miễn phí trong các khu tập thể và được Chính phủ Ba Lan hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Theo luật mới, người tị nạn Ukraine trong các trung tâm hỗ trợ của Chính phủ Ba Lan quá 120 ngày sẽ phải trang trải 50% chi phí sinh hoạt. Còn đến tháng 5/2023, mức phí bị thu sẽ lên tới 75%. Hôm 1/9/2023, tờ Financial Times đưa tin: Trung tâm tị nạn lớn nhất dành cho người Ukraine ở Ba Lan đã bị đóng cửa. Lúc cao điểm, trung tâm này từng có 9.000 người Ukraine sinh sống.
Nước Đức, nơi tiếp nhận 1 triệu người Ukraine trong năm 2022, vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho phần lớn người trong số này. Thống kê cho thấy: 70% số người tị nạn Ukraine tới EU là phụ nữ, người già và trẻ em ít có khả năng đóng góp cho nền kinh tế. Trong đó, 60% trong số họ coi rào cản ngôn ngữ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc không thể hòa nhập. Điều này khiến nước Đức phải mạnh tay hơn trong việc sàng lọc người tị nạn. Đầu tháng 8/2023, Bộ Nội vụ Liên bang Đức đã đưa ra đề xuất mới nhằm siết chặt hơn nữa các quy định đối với việc trục xuất người tị nạn không đáp ứng các tiêu chí để được ở lại.
Các quốc gia khác như Cộng hòa Séc hay Anh cũng đã cắt những khoản hỗ trợ người tị nạn Ukraine. Bộ Di trú Anh hồi tháng 2/2023 còn công bố kế hoạch đưa người di cư vào các căn cứ quân sự bỏ hoang thay vì khách sạn và thậm chí xem xét khả năng sử dụng xà lan làm chỗ ở cho họ. Dẫu vậy, 60% số người tị nạn Ukraine được hỏi vẫn mong muốn được ở lại EU.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ), chỉ riêng việc tái định cư cho người tị nạn Ukraine đã tiêu tốn 43 tỷ euro, tương đương với 25% tổng ngân sách năm 2022 của EU. Nếu cuộc xung đột vẫn còn kéo dài, đây rõ ràng là bài toán hóc búa dành cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của khối.
Biếm họa mô tả giới chức EU xua đuổi người di cư.
Cuộc khủng hoảng đạo đức?
Trong chuyến viếng thăm Marseille hôm 23/9, Đức Giáo hoàng Francis đã chỉ trích "sự thờ ơ cuồng tín" đối với hoàn cảnh của những người di cư trong nỗ lực đến châu Âu.
Lời chỉ trích này xuất phát từ một câu chuyện diễn ra hồi tháng 4/2023, khi một chiếc thuyền chở 400 người di cư hết nhiên liệu, trôi dạt dọc theo tuyến đường nguy hiểm ở trung tâm Địa Trung Hải. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong khu vực, bao gồm cả tổ chức Sea-Watch International của Đức đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Malta về chiếc thuyền nhưng bị phớt lờ. Những lời cầu xin viện trợ tuyệt vọng từ người trên tàu đã không được lắng nghe trong gần một tuần, trước khi họ đến được bờ biển Italy. Lực lượng vũ trang Malta (AFM) thì nói với truyền thông địa phương rằng không có yêu cầu giải cứu nào từ những người trên tàu.
Cùng thời điểm đó là sự việc một chiếc tàu chở 800 người lênh đênh trên biển suốt 10 ngày trước khi được lực lượng tuần duyên của Italy tiếp cận hỗ trợ. Trong một thông báo của Sea-Watch International, họ cho biết đã cảnh báo cả chính quyền Italy và Malta về những chiếc thuyền này, nhưng cả hai nước đều không tiến hành giải cứu ngay lập tức.
Những sự việc như vậy đã khơi lên một cuộc tranh cãi giữa các nước EU xem ai sẽ đáp ứng lượng người di cư tăng đột biến trong thời điểm hiện nay. Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đánh giá "rất đáng báo động", rằng các nước EU đang từ bỏ các cam kết giải cứu người tị nạn và người xin tị nạn bị mắc kẹt trên biển.
Các tổ chức phi chính phủ, hoạt động từ thiện, tôn giáo... trong thời gian qua đã liên tục đưa ra những chỉ trích EU vì sự thiếu trách nhiệm của các nước trong việc hỗ trợ người tị nạn, dựa trên quan điểm đạo đức. Song, cũng không phải EU không có những nỗ lực để giải quyết tình hình. Ngày 17/9, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã có chuyến thăm tới Lampedusa cùng với Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni. Ngay hôm sau, EC đã đưa ra kế hoạch 10 điểm để giải quyết sự gia tăng mới về lượng người di cư, hứa hẹn sẽ đẩy mạnh việc đưa người di cư trở về quốc gia xuất xứ của họ. Kế hoạch này bao gồm các yêu cầu mới đối với từng quốc gia thành viên EU trong việc chấp nhận nhiều người di cư hơn, nhằm mục đích giảm bớt áp lực đối với các dịch vụ tiếp nhận của Italy.
Tuy nhiên, như bà Claudia Bonamini, điều phối viên của Tổ chức Hỗ trợ tị nạn Dòng Tên thì "không có chính sách nào trong số này có hiệu quả". Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ những người di cư vẫn coi châu Âu là cơ hội tốt nhất đối với họ, khi tình hình trong nước trở nên tồi tệ.
Sau chuyến thăm của bà Ursula, Đức đã đồng ý tiếp nhận thêm 1.000 người tị nạn từ Italy, nhưng Ba Lan và Thụy Sĩ thì lại từ chối thẳng thừng đề xuất chia sẻ gánh nặng này. Rõ ràng, khi EU vẫn chỉ tìm cách giải quyết phần ngọn của vấn đề thì cũng tức là chưa có vấn đề nào được giải quyết
Thủ tướng Đức tự tin về nền kinh tế, từ chối chi thêm ngân sách hỗ trợ Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ những lời kêu gọi nhằm tăng chi tiêu ngân sách liên bang để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AP Trả lời phỏng vấn tờ báo Mediengruppe Bayern ngày 26/8, nhà lãnh Đức cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sở hữu những điều kiện tiên...