Khả năng Ấn Độ cứu thế giới khỏi khủng hoảng lương thực
Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng New Delhi sẵn cung cấp lương thực cho phần còn lại của thế giới sau “cú sốc” về nguồn cung và giá cả leo thang do cuộc xung đột tại Ukraine.
Ấn Độ là một trong những nước sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters
Theo đài BBC (Anh), trong cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Modi khẳng định Ấn Độ có khả năng đảm bảo đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân và nước này “sẵn sàng cung cấp lương thực dữ trữ cho thế giới ngay từ ngày mai”, nếu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giá cả hàng hóa đã ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây do các vấn đề thu hoạch trên toàn cầu. Sau đó, giá cả đã tăng vọt khi xung đột leo thang và vượt lên mức cao nhất kể từ năm 1990.
Nga và Ukraine là hai trong số các nước xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới và chiếm khoảng 1/3 tổng doanh số bán lúa mì hàng năm toàn cầu. Hai quốc gia này cũng chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu dầu hướng dương hàng năm, 17% lượng xuất khẩu ngô và lúa mạch của thế giới. Theo dự kiến của UNFAO, cả Moskva và Kiev sẽ xuất khẩu 14 triệu tấn lúa mì và hơn 16 triệu tấn ngô trong năm nay.
Nhà kinh tế Upali Galketi Aratchilage của FAO bình luận: “Nguồn cung gián đoạn và mối đe dọa cấm vận mà Nga đang phải đối mặt đồng nghĩa với việc những mặt hàng này có thể không được xuất khẩu theo kế hoạch. Trong khi đó, Ấn Độ có thể tham gia xuất khẩu nhiều hơn, đặc biệt là khi nước này có đủ lượng lúa mì dự trữ”.
Ấn Độ là nước sản xuất gạo và lúa mì lớn thứ hai trên thế giới. Tính đến đầu tháng 4, Ấn Độ có tới 74 triệu tấn hai mặt hàng chủ lực này trong kho. Trong số đó, 21 triệu tấn sẽ được đưa vào kho dự trữ chiến lược và Hệ thống phân phối công cộng (PDS), trong nỗ lực giúp hơn 700 triệu người nghèo tiếp cận lương thực giá rẻ.
Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu phân bón. Ảnh: Reuters
Ấn Độ cũng là một trong những nhà cung cấp lúa mì và gạo rẻ nhất toàn cầu. Quốc gia này đã xuất khẩu gạo tới gần 150 quốc gia và xuất khẩu lúa mì tới 68 nước. Chỉ riêng trong giai đoạn 2020-2021, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn lúa mì.
Trước tình trạng giá lương thực toàn cầu leo thang, các thương nhân Ân Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn lúa mì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Lượng xuất khẩu của họ đã vượt mức kỷ lục 50 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022.
Theo ông Ashok Gulati, Giáo sư nông nghiệp tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Ấn Độ có khả năng xuất khẩu 22 triệu tấn gạo và 16 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính này. Ông nói: “Nếu WTO cho phép xuất khẩu kho dự trữ của Ấn Độ, con số này có thể cao hơn nữa. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu và giảm gánh nặng cho các nước nhập khẩu trên thế giới”.
Video đang HOT
Ông Harish Damodaran, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại Delhi, nói: “Chúng tôi có đủ lương thực dự trữ vào lúc này. Nhưng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với một số lo ngại và chúng ta không nên quá nhiệt tình cung cấp lương thực cho thế giới”.
Trước mắt, Ấn Độ có thể phải đối mặt với vụ thu hoạch kém hơn mong đợi. Vụ lúa mì mới của Ấn Độ đang diễn ra và giới chức ước tính nước này sẽ thu hoạch kỷ lục 111 triệu tấn – mùa vụ bội thu thứ 6 liên tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia như ông Damodaran không cho rằng Ấn Độ có thể đạt năng suất như kỳ vọng. Ông tin rằng năng suất của Ấn Độ sẽ thấp hơn nhiều vì tình trạng thiếu phân bón và thời tiết thay đổi bất thường. Quốc gia Nam Á này đang phải chật vật vì lượng mưa quá nhiều và nắng nóng gay gắt đầu mùa hè năm nay.
Ấn Độ xuất khẩu gạo sang gần 150 quốc gia. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại việc thúc đẩy canh tác sẽ cần rất nhiều phân bón, trong khi nguồn dự trữ của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp trong thời kỳ xung đột. Ấn Độ đang phải nhập khẩu di-amoni photphat và phân bón có chứa nitơ, photphat, lưu huỳnh và kali. Trong khi đó, Nga và Belarus chiếm 40% lượng kali xuất khẩu của thế giới. Trên toàn cầu, giá phân bón đã ở mức cao do giá khí đốt tăng mạnh.
Tình trạng thiếu phân bón có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong mùa thu hoạch tới. Ông Damodaran cho biết cách giải quyết vấn đề này là Ấn Độ có thể ký kết các thỏa thuận đổi lúa mì lấy phân bón với các nước, như Ai Cập và ở châu Phi.
Ngoài ra, nếu xung đột kéo dài, Ấn Độ có thể phải đối mặt với những thách thức về hậu cần trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Chuyên gia Aratchilage nhận định: “Xuất khẩu khối lượng lớn ngũ cốc đòi hỏi cơ sở hạ tầng khổng lồ như vận chuyển, kho chứa, tàu”. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng sẽ tăng cao hơn.
Cuối cùng là mối lo ngại về giá thực phẩm tăng phi mã trong nước. Lạm phát thực phẩm ở Ấn Độ đạt mức cao nhất trong 16 tháng qua, ở mức 7,68% vào tháng 3. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng giá dầu ăn, rau, ngũ cốc, sữa, thịt và cá. Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã cảnh báo về áp lực tăng giá toàn cầu đối với các mặt hàng lương thực chính yếu, dẫn đến tình trạng mất ổn định.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI), căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. UNFAO ước tính tình trạng gián đoạn xuất khẩu lúa mì, phân bón cùng các mặt hàng khác từ Moskva và Kiev có thể làm gia tăng số người suy dinh dưỡng trên thế giới từ 8 lên 13 triệu người.
Chính phủ Ấn Độ thừa nhận nước này vẫn còn hơn 3 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng mặc dù mùa màng bội thu và nguồn lương thực dự trữ dồi dào. Chuyên gia Damodaran nói: “Chúng ta không thể chủ quan về vấn đề an ninh lương thực”.
Thế giới lại đứng trước 'bờ vực' khủng hoảng lương thực
Sau hai năm rơi vào tình trạng căng thẳng do đại dịch COVID-19, an ninh lương thực toàn cầu lại đang phải đối mặt với thách thức mới do tình hình căng thẳng Nga-Ukraine gây ra.
Giá một loạt mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, nhiên liệu hay phân bón đồng loạt leo thang và liên tiếp phá vỡ các mức cao kỷ lục.
Bóng dáng của "cơn bão đói"
Một quầy hàng bán lương thực tại chợ ở Sanaa, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres phát biểu rằng, chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu".
Ông Guterres cho hay, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch nói trên, các nước đang phát triển vẫn đang phải "vật lộn" để phục hồi sau đại dịch COVID-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất. Trong khi đó, một trong những thị trường cung cấp lương thực chính của thế giới lại đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Ông Guterres nhấn mạnh, cuộc xung đột này đã vượt ra ngoài Ukraine, bởi nó còn "tấn công" vào những công dân và quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Tỷ phú Nga Andrei Melnichenko, sở hữu nhà máy sản xuất phân bón EuroChem và công ty than đá SUEK, ngày 14/3 cho biết cuộc khủng hoảng lương thực quy mô toàn cầu đang dần hiện rõ nếu căng thẳng tại Ukraine không kết thúc, trong bối cảnh giá phân bón tăng quá nhanh khiến nhiều hộ nông dân không còn đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng cho đất.
Giá khí đốt tăng cao kỷ lục đã buộc công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê ở châu Âu xuống còn 45% công suất. Việc giảm bớt hai thành phầm thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp này dự báo sẽ tác động mạnh đến nguồn cung lương thực toàn cầu. Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành (CEO) của Yara International nhận định rằng, thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ông Holsether nhấn mạnh: "Không phải là liệu có sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hay không, mà quan trọng là cuộc khủng hoảng đó sẽ lớn như thế nào?".
Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng chủ yếu đến từ hai quốc gia này.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga, cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực. Điều này đặc biệt đúng đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc lớn (từ 30% trở lên) vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì. Nhiều nước trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á và Cận Đông. Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga hơn 50% nguồn cung phân bón của họ, và tình trạng thiếu hụt ở đó có thể kéo dài sang năm 2023.
Các kỷ lục bị "xô đổ"
Giá lúa mì toàn cầu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần này. Giá lúa mì tăng vọt đồng nghĩa với việc giá thực phẩm có thể là "đối tượng" tăng tiếp theo.
Một vấn đề lớn khác là khả năng tiếp cận phân bón của ngành nông nghiệp toàn cầu. Phân bón là mặt hàng rất cần thiết cho nông dân để đạt được mục tiêu sản xuất. Tuy nhiên, giá phân bón chưa bao giờ đắt hơn hiện giờ, khi xuất khẩu phân bón từ Nga đang bị chặn lại. Sản lượng phân bón ở châu Âu cũng sụt giảm do giá khí đốt tăng cao, một thành phần chính trong sản xuất phân bón có chứa nitơ như urê. Điều này khiến giá các mặt hàng ngũ cốc chủ chốt khác cũng tăng theo. Giá ngô trên cả thị trường kỳ hạn lẫn thị trường giao ngay tại Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục vào đầu tháng Ba, do lo ngại nguồn cung ngô từ Ukraine sẽ bị suy giảm dưới tác động của cuộc xung đột. Ukraine hiện là một trong những quốc gia cung cấp ngô lớn nhất cho Trung Quốc. Giá thu mua ngô tại tỉnh Sơn Đông, một trong những nơi canh tác ngũ cốc lớn nhất Trung Quốc, đã tăng vọt lên mức 522,4 USD/tấn trong tuần đầu tháng Ba - mức giá cao nhất kể từ năm 2009. Tương tự, giá lúa mì tại tỉnh Sơn Đông cũng đã chạm mức 538,25 USD/tấn - mức cao nhất từng được ghi nhận.
Chỉ trong hai tuần kể từ khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, giá dầu thế giới đã "vọt" lên mức cao nhất gần 14 năm trước khi "hạ nhiệt" xuống còn hơn 123 USD/thùng. Mức cao kỷ lục trước đây là 147,50 USD xác lập năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giá khí đốt châu Âu cũng đạt đỉnh kỷ lục do lo ngại về nguồn cung năng lượng. Giá xăng dầu tại Mỹ đã lên mức cao kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/1 gallon (1 gallon = 3,78 lít), mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ.
Nền nông nghiệp hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng đầu vào, ví dụ như nhiên liệu cho các trang thiết bị nông nghiệp và điện cho các chuỗi cung ứng. Điều quan trọng không kém là sự phụ thuộc của sản xuất ngũ cốc vào vào phân đạm tổng hợp - khí tự nhiên cộng với điện và máy móc thâm dụng vốn tương đương với ure. Ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới phụ thuộc trực tiếp vào ngũ cốc được sản xuất bằng loại urê này và các loại phân đạm tổng hợp khác.
Giá năng lượng cao đồng nghĩa với giá phân bón cao và giá ngũ cốc cũng cao hơn. Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là nạn đói xảy ra nhiều hơn ở các nước nghèo. Khi giá gạo từ các nhà xuất khẩu châu Á đang ở mức cao, nạn đói sẽ trầm trọng hơn ở Timor Leste, Lào, Campuchia, Myanmar và có thể là Indonesia. Papua New Guinea và hầu hết các quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì các nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực.
Ứng phó khẩn cấp
Các Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cuối tuần trước cho biết họ sẽ "quyết tâm làm những gì cần thiết để ngăn chặn và ứng phó với một cuộc khủng hoảng lương thực". Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn "co cụm" cho thị trường nội địa do lo ngại tình trạng thiếu lương thực.
Mới đây nhất, Ai Cập đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì, đậu lăng và đậu nành trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về dự trữ lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới Arab. Indonesia cũng đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với dầu cọ, một thành phần trong dầu ăn cũng như trong mỹ phẩm và một số mặt hàng đóng gói như chocolate.
Các bộ trưởng G7 kêu gọi các nước giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm của họ "mở" và phản đối bất kỳ biện pháp hạn chế phi lý nào đối với việc xuất khẩu nông sản.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass hy vọng các nhà sản xuất trên thế giới sẽ phản ứng mạnh mẽ để tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thực tế và người dân không cần phải tích trữ lương thực. Ông Malpass cũng dự báo nguồn cung năng lượng bên ngoài Nga và nguồn cung lương thực bên ngoài Nga và Ukraine sẽ tăng mạnh, qua đó giảm thiểu tác động của việc giá cả leo thang và giúp duy trì đà phục hồi kinh tế.
Ông Malpass tin tưởng nguồn cung năng lượng có thể tăng nhanh hơn nguồn cung lương thực do việc điều chỉnh trong ngành nông nghiệp thường mất khoảng một năm. Ông Malpass nhấn mạnh việc cần làm trong tình hình hiện nay không phải là đi mua lương thực và xăng để dự trữ, mà mỗi người dân trên thế giới cần nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hết sức năng động và sẽ phản ứng phù hợp, đảm bảo đủ nguồn cung.
Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá được đầy đủ tác động của tình hình căng thẳng Nga-Ukraine đối với các nguồn cung cấp ngũ cốc và cơ sở hạ tầng của Ukraine. Tuy nhiên, điều rõ ràng là nền kinh tế lương thực thế giới đang đứng trước "bờ vực" của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, có thể gây xáo trộn như cuộc khủng hoảng vào năm 2007-2008. Những bài học lớn đã được rút ra từ cuộc khủng hoảng lương thực gần nhất này và nỗ lực tránh những sai lầm trước đây sẽ là yếu tố then chốt để thế giới có thể giữ vững an ninh lương thực trong giai đoạn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hiện nay.
Thị trường hàng hóa toàn cầu xáo trộn vì biến động địa chính trị Xung đột quân sự ở Ukraine đã tác động mạnh lên thị trường hàng hóa, bởi không thể tách riêng rạn nứt, đổ vỡ địa chính trị với những nguồn nhiên liệu thô chủ chốt. Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh: Getty Images Cuộc chiến tại Ukraine đã tạo ra tác động lan tỏa lên thị...