Kêu gọi hợp tác, Trung Quốc vẫn không ngừng gây bất ổn
Những thông tin chi tiết về kế hoạch hợp tác vẫn còn rất ít ỏi, trong khi đó các hành động gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông không hề giảm đi.
LTS: Phần 1 bài viết này đã chỉ ra thách thức lớn thứ nhất với dự án Con đường tơ lụa trên biển của TQ. Phần 2 tiếp tục chỉ ra thách thức về sự thiếu đồng bộ chính sách của nước này.
Chính sách mâu thuẫn
Bên cạnh khả năng liên kết yếu, những mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc (TQ) cũng đẩy kế hoạch Con đường tơ lụa trên biển MSR vào khó khăn. Một mặt, TQ kêu gọi hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhưng mặt khác, TQ vẫn tiến hành các hành động leo thang căng thẳng bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước khác trên Biển Đông.
Tính đến nay, MSR chưa đạt được nhiều kết quả tại Biển Đông, khi TQ chỉ đồng quản lý dự án cảng Kuantan (Malaysia) trong ba điểm dừng chân tại Biển Đông là Việt Nam – Indonesia – Malysia. Tại Việt Nam, TQ vẫn chưa thể đầu tư vào các cảng trọng yếu ở ba miền. Còn dự án cảng biển trung chuyển quặng sắt tại Tanjung Sawuh (Indonesia) lại không nằm trên tuyến đi qua chính của MSR và cũng cách khá xa so với cảng Kuala Lumpur như TQ dự tính.
Trong khi đó, khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á lại được TQ “chứng tỏ” trên một khía cạnh khác: cải tạo hạ tầng (CSHT) và xây dựng đảo nhân tạo. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tính đến tháng 9/2015, TQ đã cải tạo hạ tầng được 3.000 hecta trên các hòn đảo nước này chiếm giữ bất hợp pháp. Trên các đảo nhân tạo này, hàng loạt CSHT quân sự bao gồm cả cảng nước sâu và sân bay đang được xây dựng để mở rộng khả năng tiếp cận của hải quân và không quân TQ trên toàn Biển Đông.
Siêu dự án “Một vành đai, một con đường” OBOR được tuyên bố là một kế hoạch hội nhập kinh tế liên châu lục, tác động tới 4,4 tỷ người, 64 quốc gia và chiếm 29% GDP toàn cầu. Mục tiêu chính, như Trung Quốc tuyên bố, là thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững vì hòa bình và ổn định dọc theo hai trục đường.
Để thúc đẩy một tuyến đường an toàn và thuận lợi cho giao thương như OBOR (cũng như MSR nói riêng) đặt ra, OBOR cần thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác để đảm bảo sự ủng hộ của các nước đối tác. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy tự do hàng hải và hợp tác kinh tế biển, chính sách Biển Đông của TQ không ngừng gây căng thẳng, hàm chứa nguy cơ xung đột.
Cảng Khâm Châu tại thành phố Khâm Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) – một địa điểm nằm trên dự án MSR của TQ. (Ảnh: Dfic.cn)
Bất chấp phản đối của các bên liên quan và từ chối giải quyết tranh chấp bằng luật pháp, TQ chưa thể thuyết phục ASEAN về mục tiêu hợp tác cùng phát triển. OBOR theo đó, được nhìn nhận dưới lăng kính địa chính trị, thay vì hợp tác kinh tế.
Tuyên bố của ASEAN sau Hội nghị cấp cao vào tháng 4/2015 đã thể hiện “quan ngại sâu sắc” với hành động cải tạo hạ tầng tại quần đảo Trường Sa. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp ASEAN đưa tuyên bố quan ngại về vấn đề Biển Đông sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981.
Video đang HOT
Tầm quan trọng của ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Malaysia trong việc xây dựng MSR là không thể phủ nhận. Quyết định của các quốc gia ASEAN hải đảo quan trọng như Singapore, Indonesia và Việt Nam sẽ mở đường hoặc đóng sập cửa MSR ngay từ tuyến đầu tiên của con đường. Thiếu một lộ trình thông suốt và an toàn qua Biển Đông thì tuyến đường từ Ấn Độ Dương tới Đại Tây Dương cũng khó có thể đảm đương nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế TQ.
Các xu hướng khu vực cho thấy lựa chọn tham gia vào MSR và chấp nhận một cuộc chơi rủi ro với TQ, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn từ chính sách biển của TQ.
Năm 2015, Indonesia công bố tham vọng đầu tư 438 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện và phát triển CSHT nhằm thúc đẩy kinh tế và biến nước này thành một trục hàng hải. Động thái có thể đánh giá như một nỗ lực tự thân phát triển hệ thống cảng biển của nước này.
Ảnh: Merics.org
Chiến lược “tứ giác kim cương an ninh” do Nhật đưa ra đã được Mỹ, Ấn Độ và Australia ủng hộ bằng các cuộc tập trận quân sự. Không chỉ thắt chặt hơn về mặt an ninh, đàm phán TPP cũng vừa tuyên bố hoàn thành và đạt được thỏa thuận cuối cùng. Những quốc gia thiết kế nên cuộc chơi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế của 12 nước thành viên và giảm sự phụ thuộc của các nước Đông Nam Á vào TQ.
Mục tiêu của TQ thông qua OBOR và MSR là tham vọng đầy hứa hẹn nhưng lại không rõ ràng về mặt kế hoạch kinh tế lẫn chiến lược. Đến thời điểm này, ít có ai bên ngoài biết chính xác là các nước dọc theo con đường tơ lụa cả trên đất liền và trên biển sẽ liên kết với nhau ra sao. Những thông tin chi tiết về kế hoạch hơp tác vẫn còn rất ít ỏi, trong khi đó các hành động gây bất ổn tại Biển Đông vẫn không giảm đi.
Liệu OBOR có thực sự là một sáng kiến kinh tế sẽ thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu, hay nhiệm vụ chính của nó là một công cụ tuyên truyền nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược khác về an ninh – chính trị? Đó tiếp tục là câu hỏi đọng lại sau khi các tính toán kinh tế thể hiện các thách thức mà MSR phải đương đầu.
Theo Vũ Thành Công & Bùi Thạch Hồng Hưng
Vietnamnet
* Hai tác giả là nghiên cứu viên cộng tác (Research Associate) tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Trung Quốc hứa hẹn lợi ích "khủng" nhưng toan tính khó lường
Thách thức về khả năng liên kết của dự án Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc qua khu vực Đông Nam Á bao gồm hai vấn đề chính.
Từ khi công bố vào tháng 10/2013, Con đường tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc (TQ) được hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư cho hợp tác hàng hải và phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong chuyến công du ASEAN tháng 10/2013, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khẳng định chính phủ Bắc Kinh sẵn sàng tài trợ cho các dự án hàng hải liên quan đến ASEAN, thông qua các thể chế hỗ trợ như Quỹ hợp tác hàng hải TQ - ASEAN (483 triệu USD). Tháng 11/2014, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường cam kết gói cho vay đặc biệt trị giá 10 tỷ USD dành cho phát triển cơ sở hạ tầng Đông Nam Á và 10 tỷ USD cho các dự án hợp tác chung TQ - ASEAN.
Từ tháng 11/2014 - 03/2015, ASEAN tiếp tục nhận được lời hứa tăng đầu tư cho Cơ sở hạ tầng thông qua Qũy quản lý đầu tư Con đường tơ lụa trên biển và các nước ASEAN (816 triệu USD), AIIB (nguồn vốn 100 tỷ USD), Qũy Con đường tơ lụa (40 tỷ USD). Bắc Kinh mong muốn đến năm 2020, Con đường tơ lụa sẽ nâng tầm thương mại song phương TQ - ASEAN từ mức hiện tại 400 tỷ lên đến 1.000 tỷ đô la, còn đầu tư sẽ tăng 2,8 lần.
Theo "Tầm nhìn và Hành động cùng xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" mà TQ công bố, MSR sẽ mở ra "cơ hội mới và một tương lai mới cho TQ và tất cả các nước dọc theo con đường". Qua đó, một mạng lưới giao thương vận tải biển khổng lồ đi qua Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương sẽ liên kết hàng chục quốc gia từ châu Á sang châu Phi, tới tận châu Âu.
Cũng theo Trung Quốc, MSR (cũng như "một vành đai, một con đường" OBOR) sẽ thiết lập và tăng cường quan hệ đối tác giữa các quốc gia dọc theo tuyến đường chính, khuyến khích các quốc gia phối hợp chính sách kinh tế và triển khai hợp tác khu vực sâu rộng hơn, tiến tới cùng xây dựng một cấu trúc hợp tác kinh tế khu vực mở, cân bằng và toàn diện, mang lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế.
Những hứa hẹn mang thì tương lai cần có thời gian để kiểm chứng. Từ góc nhìn hiện tại, các thách thức với TQ không chỉ tập trung vào các yếu tố kỹ thuật, mà cả các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia với niềm tin chiến lược về tầm nhìn dài hơi hơn. Trong đó nổi bật lên sự thiếu liên kết trong hệ thống cảng biển và sự không đồng bộ về chính sách của TQ.
Cảng Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, TQ được kỳ vọng chiếm một vai trò quan trọng trên MSR. (Ảnh: Chinawatch.washingtonpost.com)
Thiếu khả năng liên kết
Thách thức về khả năng liên kết của MSR qua khu vực Đông Nam Á bao gồm hai vấn đề chính. Một là chưa có định hướng rõ ràng về khả năng liên kết hệ thống cảng biển duyên hải phía Đông TQ với các cảng biển hiện có và các kế hoạch cảng biển của ASEAN; và hai là sự thiếu liên kết giữa cơ sở hạ tầng cảng biển của các quốc gia Đông Nam Á với hải trình quốc tế.
Thứ nhất, về MSR và các cảng biển tại ASEAN. Hiện tại, các dự án đầu tư của TQ vẫn chưa cho thấy mối liên kết với hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển hiện có hoặc hướng phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN. Lý do dẫn đến thách thức này là sự thiếu rõ ràng trong tính toán của TQ đối với MSR.
Trái với sự thành công của con đường tơ lụa trên bộ và hành lang biển qua Nam Á, đoạn MSR qua ASEAN hiện vẫn chưa rõ ràng về mặt thực thi. Đến tháng 3/2013, TQ chỉ mới xác định được 3 tuyến đường ưu tiên thực hiện vào năm 2015 là: (1) Dumai (Indonesia) - Malacca (Malaysia); (2) Belawan (Indonesia) - Penang (Malaysia) - Phuket (Thailand) và 3) Davao/General Santos (Philippines) - Bitung (Indonesia). Các tuyến đường khác như Muara (Brunei) - Labuan (Malaysia) - Brooke's Point (Palawan) và Muara-Zamboanga (Philippines) hiện đang gặp khó khăn trong các thỏa thuận cơ sở hạ tầng.
Tính đến tháng 8/2015, mức độ đầu tư cảng biển của TQ tại các nước ASEAN giáp biển Đông vẫn còn hạn chế và chỉ đạt được ba dự án. Một là dự án xây dựng cảng biển trung chuyển quặng sắt tại Tanjung Sawuh (Indonesia) trị giá 2 tỷ USD. Hai là chuỗi dự án tại tỉnh Kuantan (Malaysia) trị giá 3,4 tỷ USD. Ba là dự án cảng biển tại Koh Kong (Campuchia), nằm trong chuỗi dự án trị giá 5 tỷ USD mà TQ dự định đầu tư để biến Koh Kong thành một thành phố vệ tinh và du lịch sinh thái với cảng biển và sân bay.
Ảnh: Merics.org
TQ cũng chưa đưa ra hướng liên kết MSR với Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (Master Plan for Connectivit - MPAC) của các nước Đông Nam Á, cụ thể là việc kết nối với Mạng lưới vận tải ASEAN RO - RO (ARN). Khác với liên kết đường ray trên bộ có thể kết nối trực tiếp tới các cảng Đông Nam Á thông qua Hệ thống đường ray Singapore - Kunming 7.000km, mạng lưới ARN lại quá xa so với hầu hết các cảng của TQ để có thể kết nối thành một hệ thống, do sự thiếu sẵn sàng của các cảng trong ARN và thiếu hệ thống đường xá kết nối các cảng với các khu vực sâu trong nội địa.
Đối với ASEAN, MPAC đóng một vai trò vô cùng quan trọng để định hình cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của khối này tại Đông Á. MPAC cũng nhắm tới việc kết nối để tăng khả năng cạnh tranh của ASEAN. Với mục đích đóng vai trò trung tâm, khó hình dung TQ sẽ chấp nhận vai trò "dẫn dắt" của ASEAN.
Có ý kiến đánh giá, TQ dường như cũng không mong muốn hỗ trợ ASEAN xây dựng MPAC. Mâu thuẫn trong toan tính riêng giữa ASEAN và TQ nhiều khả năng sẽ biến MPAC thành một đối thủ cạnh tranh của MSR, thay vì hợp tác. Vì vậy, khi không thể liên kết hai hệ thống này với nhau, TQ sẽ khó nhận được sự hỗ trợ từ các nước ASEAN hải đảo - hiện cũng đang thực hiện các dự án hàng hải riêng.
Thách thức thứ hai là về khả năng liên kết giữa ASEAN với hải trình quốc tế mà nếu không thiết lập được thì liên kết các cảng của ASEAN với TQ cũng sẽ không mấy ý nghĩa. Kết quả là các cảng được đầu tư của TQ sẽ chỉ được sử dụng cho nhu cầu còn nhiều hạn chế của TQ, đặt ra các thách thức mới cho các nước Đông Nam Á. Hiện tại, ngoại trừ Singapore - trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, hệ thống cảng biển của các nước trong khu vực vẫn chưa thể liên kết chặt chẽ với hải trình quốc tế.
(Còn tiếp)
Theo Vũ Thành Công & Bùi Thạch Hồng Hưng
* Hai tác giả là nghiên cứu viên cộng tác (Research Associate) tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Theo Dantri
Hai "gọng kìm" trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc Việc Trung Quốc khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) và sáng kiến "Con đường tơ lụa thế kỷ 21" (OBOR), hai gọng kìm trong chính sách đối ngoại của nước này, liệu có giúp Bắc Kinh đối trọng với Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương? Lễ ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư...