Kết thúc bốn ngày Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên ngôi
Lễ rước hoành tráng qua các đường phố London vào ngày 5/6 với sự tham gia của hơn 10,000 người, gồm các nhạc công quân đội, vũ công, nghệ sĩ biểu diễn và những nhân vật nổi tiếng đã khép lại 4 ngày Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên ngôi.
Người dân tập trung tại Đại lộ The Mall ở London để chào đón Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi, ngày 2/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, sau khi không tham dự một số sự kiện của Đại lễ do gặp khó khăn về di chuyển, Nữ hoàng đã xuất hiện vào ngày cuối của Đại lễ, vẫy chào công chúng từ ban công Cung điện Buckingham cùng Thái tử Charles, Công nương Camilla và Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge và các con.
Tại lễ rước, cỗ xe ngựa vàng Gold State Coach chở Nữ hoàng đến Tu viện Westminster ngày bà đăng quang vào năm 1953 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau 20 năm.
Lễ rước dài 3km gồm màn biểu diễn dọc đại lộ the Mall dẫn đến Cung điện Buckingham của các vũ công trong trang phục của những năm 1950, khắc họa các thập kỷ trong 70 năm trị vì của Nữ hoàng. Những chiếc xe buýt mui trần và xe hơi cổ cùng các vận động viên đua xe đạp Olympic và binh sĩ của quân đội từ Anh và Khối thịnh vượng chung đi dọc theo con đường mà Nữ hoàng 96 tuổi đã đi vào ngày bà lên ngôi năm 1953.
Video đang HOT
Lễ rước cũng gồm phần trình diễn ‘Dòng sông Hy vọng’, mang 200 lá cờ lụa được thiết kế bởi các học sinh trung học thể hiện mong muốn của các em về tương lai của hành tinh trong 70 năm tới. Lễ rước có sự góp mặt của hơn 100 nhân vật nổi tiếng, trong đó có ca sĩ Ed Sheeran, người đã hát quốc ca tại buổi lễ, cựu cầu thủ bóng đá Gary Lineker, người mẫu Kate Moss, vận động viên chạy Mo Farah…
Cũng trong ngày 5/6, hơn 85.000 người đã tổ chức các “Bữa trưa Năm Thánh” trên khắp nước Anh, như một phần của 16.000 bữa tiệc đường phố của Đại lễ. Khoảng 600 bữa tiệc như vậy cũng được tổ chức trên toàn cầu, gồm các quốc gia như Canada, Brazil, New Zealand, Nhật Bản và Nam Phi.
Ngày cuối cùng của Đại lễ diễn ra sau khi Thái tử Charles, 73 tuổi, bày tỏ lòng kính trọng với người mẹ của mình tại buổi hòa nhạc nhạc trực tiếp bên ngoài Cung điện Buckingham vào tối ngày 4/6 với sự góp mặt của một số ngôi sao lớn của thế giới. Trong một thông điệp gửi tới Nữ hoàng khi bà ở tại Lâu đài Windsor và không trực tiếp tham dự sự kiện này của Đại lễ, Thái tử Charles nhấn mạnh Nữ hoàng đã cam kết phụng sự cả đời cho đất nước và bà vẫn đang tiếp tục sự phục vụ của mình.
Đại lễ Bạch kim mở màn vào ngày 2/6 bằng Lễ diễu hành của Quân đội hoàng gia Anh (Trooping the Colour) ở London, là nghi lễ hàng năm kỷ niệm sinh nhật vị quân vương nước Anh. Lễ diễu hành được tiếp nối bằng màn bay biểu diễn của Không quân Hoàng gia Anh vào trưa ngày 2/6 và lễ thắp 3.500 đèn hiệu chào mừng ở khắp Vương quốc Anh, quần đảo Channel, đảo Man và các lãnh thổ hải ngoại của Anh vào tối cùng ngày. Để tôn vinh 70 năm trị vì của Nữ hoàng, ngày 3/6 đã diễn ra Lễ tạ ơn tại nhà thờ St Paul ở London với sự tham dự của các thành viên hoàng gia, Thủ tướng Boris Johnson, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer, thị trưởng London Sadiq Khan và hơn 400 khách danh dự.
Hàng trăm nghìn người trên khắp đất nước đã có mặt tại London để theo dõi trực tiếp các sự kiện của Đại lễ và tận hưởng các buổi dã ngoại trong sự kiện lớn đầu tiên của quốc gia kể từ đại dịch COVID-19. Sự kiện cũng thu hút nhiều kênh truyền hình và phóng viên quốc gia và quốc tế đến London đưa tin. Đại lễ bạch kim là lễ kỷ niệm lần thứ tư ngày Nữ hoàng lên ngôi, sau các lễ kỷ niệm Bạc, Vàng và Kim cương vào năm 1977, 2002 và 2012, đánh dấu 25 năm, 50 năm và 60 năm trị vì của Bà.
Nữ hoàng Elizabeth II thừa kế ngai vị ngày 6/2/1952, sau khi Vua cha George băng hà, trở thành vị quân vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Thời gian tại vị của Nữ hoàng đã chứng kiến sự lãnh đạo của 14 thủ tướng Anh. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Anh tin rằng chế độ quân chủ nên được duy trì và một cuộc khảo sát gần đây của Ipsos cho thấy 9/10 người được hỏi ủng hộ Nữ hoàng.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II và những kỷ lục thú vị
Từ ngày 2 - 5/6, nước Anh bắt đầu kỳ nghỉ lễ quốc gia mừng Đại lễ Bạch Kim đánh dấu 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Đây cũng là cột mốc đánh dấu nhiều kỷ lục mà Nữ hoàng nắm giữ.
Người dân mặc áo in hình Nữ hoàng Anh Elizabeth II để chào đón Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng lên ngôi, tại London ngày 1/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Với việc trị vì trong 70 năm và gần 4 tháng liên tiếp, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Kỷ lục trước đó là do Nữ hoàng Victoria nắm giữ với 63 năm 7 tháng 2 ngày trị vì, tính đến năm 1901.
Trên thế giới, chỉ có 2 vị vua từng có khoảng thời gian trị vì lâu hơn Nữ hoàng Anh Elizabeth II là Vua Louis XIV của Pháp, người giữ ngai vàng trong hơn 72 năm từ 1643-1715, và Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, với khoảng thời gian nắm quyền là 70 năm 4 tháng, tính đến tháng 10/2016. Ở tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II cũng là người trị vì và lãnh đạo nhà nước cao tuổi nhất trên thế giới hiện nay.
Trong thời gian trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã công du tới trên 100 quốc gia (tính từ năm 1952), nhiều nhất trong số các bậc quân vương của Anh và thực hiện hơn 150 chuyến thăm tới các nước thuộc Khối Liên hiệp Anh (Khối thịnh vượng chung). Trong nhóm này, bà tới Canada nhiều nhất, 22 lần. Ở châu Âu, với 13 lần đến thăm, Pháp là nước được Nữ hoàng Anh đến thăm nhiều nhất.
Theo báo Daily Telegraph, các chuyến công du nước ngoài mà Nữ hoàng Elizabeth II đã thực hiện có tổng quãng đường di chuyển tương đương 42 lần vòng quanh thế giới trước khi bà dừng công du nước ngoài từ tháng 11/2015, ở tuổi 89. Chuyến công tác nước ngoài dài nhất mà bà thực hiện kéo dài 168 ngày, từ tháng 11/1953 - 5/1954, khi bà đi thăm 13 quốc gia trên thế giới.
Khi 21 tuổi, Công chúa Elizabeth từng cam kết sẽ dành cả đời phụng sự Khối thịnh vượng chung. Lời cam kết này đã được hiện thực hóa một cách đầy ấn tượng với những con số đáng chú ý. Khi trở thành Nữ hoàng Anh, bà đã thực hiện 21.000 cam kết, đóng ấn hoàng gia cho 4.000 văn bản pháp luật, tiếp đón 112 chuyến thăm cấp nhà nước của các lãnh đạo nước ngoài, chủ trì hơn 180 nữa tiệc vườn thượng uyển tại Điện Buckingham với tổng số lượng khách là 1,5 triệu người.
Trong khoảng thời gian Nữ hoàng Elizabeth II trị vì, nước Anh đã trải qua 13 đời thủ tướng, bắt đầu với cựu Thủ tướng Winston Churchill (1952-1955) và hiện nay là Thủ tướng Boris Johnson cầm quyền từ năm 2019. Bà thường tổ chức các cuộc gặp riêng hằng tuần với thủ tướng tại Cung điện Buckingham. Bà cũng là bậc quân vương có cuộc hôn nhân lâu bền nhất, 73 năm, trong lịch sử Hoàng gia Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II còn được coi là vị quân vương tiên phong trong nhiều lĩnh vực thuộc kỷ nguyên số hóa. Năm 1996, bà là người đứng đầu Hoàng gia Anh đầu tiên tới thăm Trung Quốc đại lục, có bài phát biểu tại Hạ viện Mỹ tại thủ đô Washington. Năm 1976, bà là bậc quân vương đầu tiên của Anh gửi thư điện tử (email) trong chuyến thăm tới trụ sở nghiên của của Bộ Quốc phòng Anh. Nữ hoàng Elizabeth II cũng là người kích hoạt trang web chính thức của Điện Buckingham vào năm 1997, đăng bài đầu tiên trên Twitter vào năm 2014 và chính thức có tài khoản mạng Instagram vào năm 2019.
Hình ảnh lễ diễu hành mừng Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Elizabeth II Hàng triệu người dân trên khắp nước Anh đã tham gia các sự kiện kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra vào ngày 2/6 (theo giờ Việt Nam) tại trung tâm thủ đô London. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh Theo kênh CNN, Đại lễ Bạch Kim chính thức bắt đầu từ ngày 2/6 và kéo dài đến...