Kết quả XN thủy ngân dân khu vực Rạng Đông, Cty chịu trách nhiệm gì?
Trong số gần 1.200 người dân được khám miễn phí tại 2 trạm y tế sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, 464 người được chuyển lên bệnh viện thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, bước đầu đã có kết quả xét nghiệm 30 người.
Báo chí dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay: Từ ngày 6/9 đến 9/9, đã có gần 1.200 người sống gần nơi xảy ra vụ cháy Công ty Rạng Đông đến khám sức khỏe tại các trạm y tế phường.
Trong số đến khám, 464 người đã được chuyển đến các bệnh viện: Đống Đa, SaintPaul, Thanh Nhàn để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Trong số trường hợp xét nghiệm, 30 mẫu đã có kết quả, hàm lượng thủy ngân trong máu được xác định đều an toàn, dưới ngưỡng cho phép…
Gần 1.200 người dân sống, làm việc quanh Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đi khám. Ảnh: Báo Giao thông.
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh sau vụ cháy khiến dư luận người dân bức xúc đó là việc Công ty Rạng Đông đã lấp liếm, bưng bít thông tin khi báo cáo về việc sử dụng thủy ngân lỏng trong sản xuất.
Theo đó, báo cáo về vụ cháy mấy ngày trước cả Công ty Rạng Đông, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân đều báo cáo Công ty Rạng Đông đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Nhưng Tổng cục Môi trường cho biết phải qua “đấu tranh” và kiểm tra thực tế, Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).
Nhiều người cho rằng hành vi cung cấp thông tin gian dối, bưng bít của Rạng Đông trực tiếp khiến người dân bị ảnh hưởng về sức khỏe bởi họ không có thông tin chính xác để chủ động phòng chống, ứng phó.
Ngoài ra, việc bưng bít thông tin của Rạng Đông còn thể hiện sự coi thường tính mạng của hàng ngàn người gồm cả lực lượng chức năng chữa cháy và những người quanh khu vực.
Rạng Đông phải chịu trách nhiệm bồi thường cho dân
Video đang HOT
Bàn về trách nhiệm trong vụ cháy Rạng Đông, đặc biệt là trách nhiệm sức khỏe đối với người dân, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Hà Nội) cho biết trên Báo Sức khỏe cộng đồng rằng, Công ty Rạng Đông là bên phải chịu trách nhiệm chính.
“Mặc dù còn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra để xác định lỗi trong vụ việc này, tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra ở Công ty Rạng Đông thì trước hết đơn vị này phải nhanh chóng công bố công khai hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn, có giải pháp kịp thời khắc phục hậu quả, lấy lại niềm tin người tiêu dùng cũng như trấn an dự luận.
Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông chụp từ trên cao. Ảnh: Báo Sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế Công ty này phản ứng rất chậm trễ, thậm chí gian dối trong công bố thông tin, lập lờ rằng công ty này đã đưa vào nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016.
Mãi cho đến khi Tổng Cục Môi trường đấu tranh, lãnh đạo Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên Amalgam). Điều này cho thấy sự thiếu trung thực, vô trách nhiệm và vô cảm của Công ty Rạng Đông”, luật sư nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, nếu ai đó xác định bị nhiễm thủy ngân, vượt quá ngưỡng cho phép thì Công ty Rạng Đông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Luật sư khẳng định: “Về mặt pháp lý, dù có lỗi hay không có lỗi thì Công ty Rạng Đông cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng khí độc do phát tán từ Công ty ra bên ngoài.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”.
Theo ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.
Về trách nhiệm dân sự, ông Đức cho rằng phải theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường về tài sản, sức khỏe.
Thảo Nguyên (TH)
Theo kienthuc
Đất nhà máy Rạng Đông sẽ biến thành chung cư sau hoả hoạn?
Công ty Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ và có quyền tự do chuyển đổi mục đích lô đất vừa xảy ra hoạ hoản (87-89 Hạ Đình), nhưng theo các chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi sang đất xây chung cư phải phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.
Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (gọi tắt Công ty Rạng Đông), tiền thân là Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng vào năm 1958 tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được lựa chọn xây dựng, đặt nền móng cho nền công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Hiện Rạng Đông đang sở hữu lô đất 5,7ha tại địa chỉ 87 - 89 Hạ Đình, ngay gần khu đất đắc địa "Cao- Xà- Lá" và Công ty Giầy Thượng Đình. Đây cũng chính là địa chỉ xảy ra vụ hoả hoạn thiêu rụi khoảng 6.000 m2 nhà kho của doanh nghiệp.
Hơn 5,7 ha đất nhà máy Công ty Rạng Đông được coi là lô "đất vàng".
Sau khi vụ cháy xảy ra, dư luận lại lần nữa, quan tâm đặc biệt tới giá trị cũng như hướng sử dụng của Công ty Rạng Đông với lô đất 87-89 Hạ Đình.
Bởi, lô đất 5,7ha này nằm trong "thủ phủ công nghiệp" một thời của Hà Nội từ lâu được đánh giá là đất vàng, khi nằm ở một trong những khu vực phát triển nóng bất động sản thời gian qua. Bởi, "thủ phủ công nghiệp" một thời của Hà Nội với một loạt nhà máy nổi tiếng như: Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long, Cơ khí Hà Nội, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông... được đô thị hóa nhanh chóng. Phần lớn các nhà máy khu vực này đã được di dời, biến thành các khu đô thị như: Royal City; Thống Nhất Complex; Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân; TNR Goldseason... Mỗi căn hộ đang được bán thấp nhất cũng hơn 30 triệu đồng/m2, nhiều lô liền kề, biệt thự có giá bán hơn 200 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu của PV, nhà máy Rạng Đông nằm trong lộ trình di dời 117 cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành từ nay đến năm 2020. Chính Công ty Rạng Đông cũng có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất Hạ Đình rộng 5,7 ha này.
Tháng 9/2018, Công ty Rạng Đông thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh. Doanh nghiệp này muốn bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong danh sách ngành nghề kinh doanh của Rạng Đông được ghi trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp trước thời điểm bị cháy nhà máy Hạ Đình, ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được bổ sung.
Tuy nhiên, với lô đất Hạ Đình, công ty Rạng Đông chỉ có quyền sử dụng đất lâu dài chứ lô đất không thuộc tài sản của doanh nghiệp.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), Công ty Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất. "Giá trị khu đất hiện không được hạch toán như một tài sản của Rạng Đông. Nếu chuyển nhượng khu đất, Rạng Đông có thể thu được lãi".
Một lựa chọn khác là Rạng Đông hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án, như cách Công ty cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân... thực hiện.
Theo chuyên gia lĩnh vực đầu tư bất động sản - quy hoạch, để chuyển đổi công năng lô đất rộng 5,7 ha của Công ty Rạng Đông trước hết phải căn cứ vào quy hoạch chung thủ đô. Nếu quy hoạch cho phép xây dựng chung cư, văn phòng thì mới được thực hiện.
Liên quan tới vấn đề di dời cơ sở sản xuất ra ngoại ô, tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong các quận nội thành Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan đơn vị ra ngoài khu vực nội thành.
Thực hiện lộ trình trên, UBND TP Hà Nội cũng từng định hướng, quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được UBND Thành phố xem xét chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng đơn vị ở... phần diện tích còn lại được xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở, trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch đảm bảo theo quy định hiện hành.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II.2019, Công ty Rạng Đông doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 795 tỉ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỉ đồng tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo giải trình của doanh nghiệp, lợi nhuận tăng do có chiến lược trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu rõ ràng và được rà soát thường xuyên. Các nghiên cứu khoa học được ứng dụng khoa học, phát huy được hiệu quả sản xuất...
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Rạng Đông ghi nhận doanh thu 1.804 tỉ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế 96,4 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (6.9), cổ phiếu RAL của Rạng Đông giảm 4,3%, tương đương 350 đồng, còn 77.500 đồng. Đây là phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu RAL.
Theo Danviet
Hoang mang với độ 'an toàn' sau sự cố cháy Công ty Rạng Đông Những kết quả quan trắc môi trường được công bố khác nhau sau vụ cháy Công ty Rạng Đông đã khiến nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên hoang mang. Vụ cháy Công ty Rạng Đông xảy ra trong khu dân cư . Ảnh: Đan Hạ Thông tin Sở TN-MT Hà Nội khẳng định "an toàn" sau khi quan trắc môi trường tại khu...