Kênh YouTube núp bóng ‘hành hiệp trượng nghĩa’ nói gì khi bị ‘ném đá’
Hai người tự xưng là đại diện HAYZOtv đưa ra câu trả lời hoàn toàn đối lập về tính xác thực trong nội dung các video “ hành hiệp trượng nghĩa” mà kênh đăng tải.
“Các video giúp đỡ nạn nhân bên mình là dàn dựng và diễn xuất, không phải là thật”.
Đó là câu trả lời Zing.vn nhận được qua email từ một người tên Tuấn – tự xưng là quản lý của HAYZOtv – về các đoạn phim nhóm này đăng tải. Đây là kênh video đang gây tranh cãi vì có nội dung bạo lực, núp bóng “hành hiệp trượng nghĩa”.
Tuy nhiên, chỉ hơn một tiếng sau, từ cùng địa chỉ email, một người khác tên Trường – cũng tự xưng là đại diện kênh này – phủ nhận những gì “quản lý” tên Tuấn nói và khẳng định các video nhóm đăng tải đều có thật.
Người này còn cho biết: “Tuấn đã bị cho thôi việc cách đây một tuần”.
Cách phản hồi của HAYZOtv từ cùng một địa chỉ email đã cho thấy sự không thống nhất và thiếu nhất quán của các thành viên kênh này.
HAYZOtv nổi tiếng với các video có nội dung được cho là hành hiệp trượng nghĩa.
Trước sau bất nhất
Trả lời Zing.vn, ban đầu, người tên Tuấn tự xưng là quản lý cho biết những màn “trừng trị lừa đảo” hay “ dạy dỗ đứa con bất hiếu giúp bà mẹ” đều không có thật, do các thành viên trong nhóm dàn dựng và diễn xuất.
Người này nhận định các video của nhóm có mục đích “đem lại tiếng cười cho mọi người” và “không hề có tính cổ xúy cho bất kỳ hành động nào, chỉ mang thiên hướng giúp người”.
Sau đó, cũng từ tài khoản email này, một người khác tên Trường lại cho biết Tuấn đã bị sa thải vì “phát ngôn sai sự thật và năng lực làm việc yếu kém”, đồng thời phủ nhận những gì Tuấn chia sẻ trước đó.
Theo Trường, các video nhóm này đăng tải đều có thật. “Nạn nhân” được người khác giới thiệu hoặc tự liên hệ đến nhóm để được giúp đỡ.
Bên cạnh đó, nhóm cũng đã đưa các đối tượng phạm tội đến cơ quan công an sau khi “xử lý”. Trong một số trường hợp, cảnh quay đưa tới công an được cho vào cuối video, một số bị cắt đi. Khi được hỏi cụ thể là cơ quan công an khu vực nào, Trường từ chối chia sẻ vì “liên quan đến nhiều vấn đề tế nhị”.
Video đang HOT
“Chúng tôi không có ý cổ xúy bạo lực mà muốn đem lại thông điệp: Hãy giúp đỡ người khác khi có thể”, người này nói với Zing.vn qua điện thoại.
Người tự xưng là đại diện HAYZOtv cho biết sau cảnh quay đập kính xe ôtô, nhóm đã gửi tiền bồi thường cho chủ xe.
Đối với cảnh bạo lực xuất hiện trong các video, Trường cho biết đó chỉ là hành động “tự vệ, khống chế trước khi đưa kẻ phạm tội tới cơ quan công an”.
Hiện, trên kênh YouTube HAYZOtv, các video có nội dung “hành hiệp trượng nghĩa” đã “bốc hơi”. Giải thích về điều này, Trường cho biết do kênh đang gặp “trục trặc về kỹ thuật” nên tạm thời ẩn đi.
“Nhìn là biết dàn dựng”
Dưới bài viết của Zing.vn, nhiều độc giả đồng tình rằng các video có nội dung bạo lực của HAYZOtv đều là dàn dựng, lấy ý tưởng từ các kênh của Trung Quốc.
“Từng xuất hiện nhiều clip ở Trung Quốc có nội dung y như vậy, đa số là diễn để câu views. Có nhiều clip hơi lố, gây phản cảm, tập trung lấy lượt xem từ những bạn trẻ tò mò, hiếu kì và những kẻ rảnh rỗi cào phím thôi”, Văn Thành viết.
Khiêm Vũ cảm thấy khó hiểu khi những video với nội dung không mấy đặc sắc lại “hút views” như vậy.
“Nể nhất những người xem mà tưởng thật. Tôi nhìn lướt qua là biết thật giả nó cảm giác như nào liền. Ngay từ đầu kênh này lập nên với mục đích giải trí, sau đó bắt chước theo mấy cái trend được nhiều views quá rồi thì làm tới bến luôn. Hầu hết YouTuber theo trend ở Việt Nam đều vậy, làm theo nhau kiếm views và không có nội dung gì đặc sắc”, Khiêm Vũ viết.
Nhiều người lên án các video có nội dung bạo lực của HAYZOtv.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng HAYZOtv bên cạnh các video “hành hiệp trượng nghĩa” còn có các sản phẩm hài hước, đem lại tiếng cười.
“Miễn sao họ không vi phạm pháp luật, họ dàn dựng là việc của họ. Chả có gì đáng lên án. Đừng nghiêm túc quá khi xung quanh cần tiếng cười”, Đạt nhận xét.
Tommy Tommy lại ủng hộ việc cho ra các video có nội dung giúp đỡ người khác.
“Đúng là khi gặp chuyện mà có người giúp đỡ ngay lúc đó thì tốt. Tuy nhiên không nên sử dụng bạo lực hay áp dụng ‘luật rừng’ mà cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền”, người này viết.
Ảnh cắt từ clip
Theo Zing
Xuất hiện thêm kênh YouTube cổ xúy bạo lực, xã hội đen núp bóng "anh hùng trượng nghĩa" sở hữu hàng triệu người theo dõi
Một kênh YouTube với nhiều clip đăng tải đạt lượt xem rất lớn từ người truy cập. Thế nhưng, nội dung của những clip này lại vô cùng phản cảm với những màn phá hoại tài sản, bạo lực và núp dưới cái danh hành hiệp trượng nghĩa.
Thời gian qua, rất nhiều kênh YouTube của người Việt với nội dung không lành mạnh ảnh hưởng xấu đến người xem. Thậm chí những kênh YouTube dành cho trẻ em nhưng lại có nhiều hình ảnh nhạy cảm, cổ xúy bạo lực.
Điều lạ kì là những kênh YouTube với nội dung xấu này lại thường đạt được lượng theo dõi rất cao, mỗi clip được đăng tải cũng có rất nhiều người xem.
Mới đây tiếp tục xuất hiện một kênh YouTube với lượng theo dõi lên đến 1.401.631. Tuy nhiên, hững đoạn clip mang về lượng xem và theo dõi khủng cho kênh YouTube này lại là những nội dung không mấy thiện cảm.
Kênh YouTube với 1.401.808 người đăng ký.
Kênh YouTube này có tên H.Ztv, thường xuyên đăng tải những clip của một nhân vật có tên T.C.C lấy danh nghĩa làm việc giúp người khác nhưng lại bằng những hành vi bạo lực, phá hoại tài sản và xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
Theo dõi một clip có tên "T.C.C xử lý đòi nợ giúp gia đình nghèo", T.C.C và "đàn em" xuất hiện trong khung hình cùng với một nhân vật được che mặt. Nam thanh niên che mặt này tìm đến T.C.C với mục đích nhờ người này đòi nợ hộ mình.
Với lý do, đòi lại số tiền của bố mình đã đi làm thuê cho 1 nhà nhưng lại bị quỵt tiền và hiện đang đau ốm ở bệnh viện. T.C.C và một vài thanh niên khác đồng ý giúp nam thanh niên kia đòi lại số tiền 30 triệu đồng.
Nhóm người T.C.C đã mua 1 lượng sơn lớn để chuẩn bị cho việc nếu chủ nhà không trả nợ sẽ "cho một bài học".
Nhóm người hùng hổ xô đẩy chủ nhà để xông vào dọa dẫm.
Tiếp đó đoàn người kéo đến một căn nhà, T.C.C hùng hổ lao vào nhà dù chủ nhà có tỏ rõ thái độ không đồng ý. Khi thỏa thuận 2 bên không đạt mong muốn của T.C.C, người này đã ra lệnh cho đàn em pha sơn để vẽ lên tường nhà bôi nhọ chủ nhà cũng như dọa dẫm sẽ hắt sơn vào nhà.
Một clip khác được đăng tải trên kênh youtube này có tên "T.C.C đập nát ô tô thanh niên bắt nạt người già" cũng là một clip cổ xúy cho hành động phá hoại tài sản của người khác.
Cụ thể, đoạn clip này ghi lại sự việc xảy ra va chạm giữa một chiếc ô tô và một người phụ nữ (cả hai nhân vật này đều được che và bịt kín mặt). Nam thanh niên này yêu cầu người phụ nữ đền bù thiệt hại do va chạm giao thông.
Lúc này T.C.C lại xuất hiện, ban đầu là can ngăn hòa giải, sau đó liền mở ô tô của mình mang ra một chiếc gậy bóng chày và liên tục đập vào kính chiếc ô tô kia, khiến cho chiếc ô tô này bị hư hại nặng nề.
Hình ảnh phá hoại tài sản của người khác đầy phản cảm.
Cuối cùng, T.C.C đã ném một số tiền gọi là tiền đền bù cho nam thanh niên kia và lái xe rời khỏi khu vực xảy ra sự việc.
Ngoài ra, kênh YouTube này còn rất nhiều những clip khác mang nội dung không lành mạnh, cổ xúy cho những hành động bạo lực, phá hoại tài sản. Họ dùng luật rừng để tự xử lý mâu thuẫn, chứ không có hành động báo cáo sự việc cho các cơ quan có chức năng.
Ghi nhận của phóng viên, tại địa phương không hề xảy ra những sự việc như clip mà kênh YouTube này đã đăng tải. Đây có thể được dàn dựng bởi một nhóm người nào đó hòng câu view trên YouTube của mình.
Mặc dù đây là những clip dàn dựng đi chăng nữa, thì việc nhân danh chính nghĩa để làm ra những hành động phi pháp luật vẫn là điều đáng lên án.
Sẽ ra sao khi những cô bé cậu bé mới lớn, tâm sinh lý chưa phát triển toàn diện để nhận định đúng sai, theo dõi và ủng hộ những clip như thế này?
Sai phạm đã có pháp luật xử lý, những người dân chỉ nên đóng góp trong việc báo cáo với chính quyền địa phương. Việc tự ý xử lý mang tính chất đầy bặm trợn, giang hồ này sẽ tác động sai lệch lên các hành vì của trẻ mới lớn, cũng như ảnh hưởng xấu đến tâm lý dẫn đến hành động vi phạm pháp luật của nhiều người.
Theo Helino
Thà bị nói vô cảm còn hơn giúp người mà mang họa vào thân? Vì sao đám đông ngoài cuộc thường ít chịu giúp đỡ nạn nhân? Họ thật sự "dửng dưng", "máu lạnh", "vô cảm"? Hay có lý do nào khác? Năm 2013, dư luận Ấn Độ tranh cãi gay gắt sau khi clip từ camera giám sát đường phố được công khai. Nhân vật chính là gia đình anh Kanhaiya Lal gặp tai nạn khi...