Kênh truyền hình thời tiết The Weather Channel bị mã độc tống tiền tấn công, ngưng phát sóng 90 phút
Đội ngũ kỹ thuật công nghệ thông tin của kênh The Weather Channel đã khắc phục thành công các máy tính bị nhiễm mã độc tống tiền bằng cách khôi phục từ các bản sao lưu dự phòng.
Các máy tính tại trụ sở chính của kênh thông tin thời tiết The Weather Channel tại bang Atlanta, Mỹ đã bị các mã độc tống tiền (ransomware) tấn công vào ngày hôm qua, 18 tháng 4, và chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp của đài này đã bị gián đoạn trong khoảng 90 phút.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng giờ địa phương. Chương trình truyền hình trực tiếp buổi sáng hàng ngày đã bị gián đoạn trong một vài phút, sau đó đài đã chuyển sang phát lại show truyền hình Heavy Rescue để thay thế.
Trong thời gian này, đội ngũ IT của đài truyền hình đã khôi phục các máy tính bị ảnh hưởng bằng các bản sao lưu dự phòng. Toàn bộ quá trình từ lúc hệ thống bị tấn công cho tới khi hoàn tất việc khôi phục mất khoảng 90 phút, sau đó đài đã quay trở lại phát sóng bình thường.
Trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng ngày nay có rất ít người còn theo dõi kênh truyền hình thời tiết The Weather Channel nữa, hôm qua ở thời điểm xảy ra sự cố, đã có rất nhiều người dùng ngay lập tức chia sẻ thông tin về sự việc bất thường này.
Sau khi nhận được hàng trăm phản ánh của người dùng trên các mạng xã hội Twitter và Facebook, đài truyền hình đã xác nhận rằng họ vừa trở thành nạn nhân của một “vụ tấn công mạng nguy hiểm”, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Video đang HOT
The Weather Channel từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên trang tin ZDNet về nguyên nhân thực sự của sự cố trên; tuy nhiên, 11Alive, kênh truyền hình địa phương của bang Atlanta cho biết các máy tính tại trụ sở chính của đài truyền hình bị nhiễm mã độc tống tiền, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố với kênh phát sóng trực tiếp.
Tới hôm nay, thời báo The Wall Street Journal đã xác nhận thông tin của 11Alive. Thời báo phố Wall dẫn nguồn tin từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI); cơ quan này cho biết họ đang điều tra sự cố tại đài truyền hình trên với nghi vấn về một cuộc tấn công của mã độc tống tiền.
Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy không có tổ chức hay cá nhân nào được an toàn tuyệt đối trước những cuộc tấn công của mã độc tống tiền. Mặc dù trong đa số các trường hợp, loại mã độc này chỉ hướng tới người dùng gia đình, các cơ quan công quyền tại địa phương, trường học hay bệnh viện, nhưng chắc chắn những kẻ tấn công sẽ không từ chối bất kỳ hệ thống máy tính nào có hạ tầng bảo mật yếu kém, nếu chúng phát hiện ra.
Ví dụ rõ ràng nhất vừa xảy ra hồi đầu tuần này và đó là một sự việc rất nghiêm trọng nhưng xảy ra khá trớ trêu: một mã độc tống tiền đã tấn công hệ thống mạng nội bộ của Verint, một công ty nổi tiếng chuyên về lĩnh vực an ninh mạng và tình báo.
Theo VN Review
Thị phần truyền hình miễn phí đang dịch chuyển về nông thôn
Đến cuối năm 2017, tại TP. HCM chỉ còn 0,6% khán giả xem truyền hình miễn phí qua sóng mặt đất, tại Hà nội còn 4,2%, vùng đồng bằng Sông Cửu Long lượng khán giả thu xem truyền hình miễn phí qua phương thức thu sóng mặt đất còn khá cao 37,1%.
Tại buổi tọa đàm Quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chồng lấn dịch vụ truyền hình miễn phí và truyền hình trả tiền do Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Tạp chí Nhà quản lý tổ chức tại TP.HCM hôm 24/11/2018, ông Đỗ Đức Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cho biết, theo thống kê của VietnamTam, đến cuối năm 2017, tại TP. HCM chỉ còn 0,6% khán giả xem truyền hình miễn phí qua sóng mặt đất, tại Hà nội còn 4,2%; vùng đồng bằng Sông Cửu Long lượng khán giả thu xem truyền hình miễn phí qua phương thức thu sóng mặt đất còn khá cao 37,1%. Qua đó ta thấy, dịch vụ truyền hình miễn phí đã dịch chuyển đối tượng khán giả từ thành thị về nông thôn, nơi mà điều kiện triển khai hạ tầng viễn thông chưa phong phú như ở các thành phố lớn.
Tọa đàm Quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh chồng lấn dịch vụ truyền hình miễn phí và truyền hình trả tiền vào ngày 24/11/2018.
Đặc biệt, qua các sự kiện thể thao lớn như World Cup, ASIAD 2018, AFF Suzuki Cup 2018 lượng người xem bằng phương thức thu sóng truyền hình số mặt đất tăng vọt khi các phương thức khác vướng các ràng buộc liên quan đến bản quyền truyền hình khả năng đáp ứng của hạ tầng viễn thông.
Trước đây, các kênh chương trình truyền hình chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền chủ trương - chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp người dân nên được các đài PT-TH địa phương sản xuất và phát sóng hoàn toàn miễn phí theo phương thức truyền dẫn phát sóng tương tự mặt đất Free To Air - FTA (hay còn gọi là truyền hình analog). Tại một tỉnh, một địa phương chỉ có thể xem được 1 hoặc vài kênh chương trình của tỉnh mình hoặc các tỉnh lân cận.
Do nhu cầu phát triển của xã hội, các kênh truyền hình của các đài PT-TH địa phương không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền mà còn phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân, dịch vụ truyền hình miễn phí ra đời. Dịch vụ truyền hình miễn phí chủ yếu vẫn được truyền dẫn phát sóng trên hạ tầng tương tự mặt đất nên bị giới hạn bởi phạm vi phủ sóng và chất lượng hình ảnh âm thanh. Chính điều này đã làm cho lượng khán giả sử dụng dịch vụ này ngày càng thu hẹp và dịch chuyển bởi tác động của các phương thức truyền dẫn mới. Tại các thành phố lớn, các đô thị có điều kiện kinh tế tốt, người dân dần thay đổi thói quen xem truyền hình miễn phí bằng cách thu sóng mặt đất sang xem truyền hình trả tiền bằng các phương thức truyền dẫn phát sóng mới.
Đến tháng 12/2011, Thủ tướng chính phủ ký QĐ số 2451 phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến 2020. Theo đề án, từ năm 2012 đến hết tháng 12 năm 2020 Đài Truyền hình Việt Nam và tất cả các Đài PT-TH địa phương phải chuyển đổi hoàn toàn sang phương thức truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất mạng đơn tần (SFN) theo công nghệ số tiêu chuẩn châu Âu DVB-T2.
Mặc dù từng bước thay đổi công nghệ, mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng chương trình nhưng dịch vụ truyền hình miễn phí gặp rất nhiều khó khăn khi sân chơi ngày càng phẳng hơn, các phương thức truyền dẫn phát sóng truyền hình đa dạng giúp khán giả xem truyền hình có nhiều lựa chọn phương thức thu xem hơn. Tỷ lệ người xem truyền hình miễn phí bằng phương thức thu sóng mặt đất suy giảm rất mạnh.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 khi SDTV và các đơn vị truyền dẫn phát sóng khác cùng phối hợp triển khai hoàn chỉnh hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất tại Việt Nam và đặc biệt là khu vực Nam Bộ, thì tình hình có thay đổi theo chiều hướng khả quan, khán giả bắt đầu quay lại thu xem bằng phương thức thu sóng mặt đất vì anten thu nhỏ gọn hơn xưa và đặc biệt là không phải xoay lung tung để thu được nhiều đài hơn.
Khán giả tại TP. HCM và TP. Cần Thơ có thể thu xem miễn phí tối thiểu 60 kênh chương trình bao gồm các chương trình thiết yếu địa phương của tất cả các tỉnh thành khu vực Nam Bộ, các kênh thiết yếu quốc gia và các kênh giải trí chất lượng cao (HDTV) hoàn toàn miễn phí.
Hiện nay, theo Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT mới, cả nước có 70 kênh truyền hình thiết yếu. Bao gồm, 7 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia, gồm: VTV1, VTC1, Vnews, ANTV, QPVN, QHVN, Nhân dân và 63 kênh thời sự - chính trị tổng hợp của 63 đài PT-TH trực thuộc 63 tỉnh, thành phố. Các kênh truyền hình thiết yếu sẽ được phát sóng miễn phí để phục vụ người dân trên các hạ tầng truyền dẫn khác nhau.
Theo Báo Mới
Gói truyền hình nào đáng mua nhất hiện nay? Ngày nay, truyền hình trả tiền là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người tiêu dùng Việt Nam... Việc lựa chọn một dịch vụ truyền hình trả tiền chất lượng cao giờ đây trở thành một nhu cầu cơ bản của mỗi gia đình. Dưới đây là 5 lý do để K đã vươn lên dẫn đầu trở thành gói...