Kế hoạch mở cửa lại kinh tế của ông Trump: Liệu có quá rủi ro?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định là đã qua đỉnh dịch và đang lên kế hoạch cho việc mở lại nền kinh tế.
Mỹ là tâm dịch Covid-19 của cả thế giới khi đứng đầu bảng thống kê về cả số ca nhiễm và tử vong.Mặc dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố dịch bệnh đã chạm đỉnh tuy nhiên số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ vẫn tăng mạnh. Tới nay, thiệt hại về mặt kinh tế ở Mỹ đã rất lớn khi hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều phải đóng cửa, các hoạt động sản xuất đều tạm dừng do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch cho việc mở lại nền kinh tế. Ảnh: CNBC.
Quốc hội và chính phủ Mỹ đã phải liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ để vượt qua những ảnh hưởng của dịch bệnh. Các gói hỗ trợ của chính phủ cùng với các biện pháp trợ giúp của Cục dự trữ liên bang Mỹ đã lên tới 6.000 tỷ USD, hơn 1/4 GDP của Mỹ, nhằm cứu vãn các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ nhưng con số này được dự báo vẫn chưa đủ so với nhu cầu thực tế. Riêng khoản tiền 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay để đối phó với Covid-19 đã không còn và hiện đảng Cộng hòa đang yêu cầu dảng Dân chủ phối hợp để bổ sung khoản ngân sách này.
Nền kinh tế đình trệ và một loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa đã dẫn tới gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tính từ 14/3, đã có 22 triệu người ở Mỹ đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp, tương đương 13,5% lực lượng lao động của nước này. Đây là tỷ lệ mất việc cao nhất và tăng nhanh nhất ở Mỹ kể từ khi bộ Lao động nước này bắt đầu công tác lưu trữ số liệu từ năm 1967.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 2 từng ở mức 3,5%, thấp nhất trong vòng 50 năm nhưng tỷ lệ này trong tháng 4 được dự báo ở mức hai con số. Chỉ trong vòng 3 tuần sau khi dịch bệnh bùng phát thì mọi thành quả về việc làm của Tổng thống Donald Trump kể từ đầu nhiệm kỳ đã bị xóa bỏ.
Việc làm và phát triển kinh tế là hai trọng tâm của chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và đây cũng là những yếu tố thu hút sự ủng hộ của cử tri đối với đương kim Tổng thống. Chính vì vậy, ông Trump luôn nôn nóng muốn mở cửa lại nền kinh tế và đã đặt ra mốc 1/5 cho mục tiêu này.
Video đang HOT
Nôn nóng là vậy nhưng mục tiêu này chưa có gì là chắc chắn sẽ khả thi khi trên thực tế, mặc dù ông Trump tuyên bố dịch đã chạm đỉnh nhưng chưa thực sự xuống dốc một cách ổn định. Đây là một bước đi khá rủi ro khi dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại và thậm chí tồi tệ hơn nếu các biện pháp phòng tránh bị lơi lỏng.
Các cố vấn bao gồm nhiều chuyên gia y tế trong nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng đều cho rằng sự an toàn của người dân là quan trọng nhất và hiện tại cần gia tăng xét nghiệm diện rộng để xác định tình trạng dịch bệnh, tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong khi khá thận trọng khi đề cập tới vấn đề mở cửa lại nền kinh tế.
Ông Trump cho rằng đã tới lúc mở cửa lại nền kinh tế khi đã có một số tiến triển tích cực về dịch bệnh ở một số bang. Tuy nhiên, điều này không diễn ra trên phần lớn nước Mỹ. Thống đốc một số bang ngày 15/4 đã tuyên bố dịch bệnh chưa chạm đỉnh và một số bang bao gồm New York và thủ đô Washington đã tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội tới ngày 15/5.
Quyết định mở cửa lại nền kinh tế của ông Trump dường như không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các bang khi chính thống đốc các bang mới là những người quyết định có mở cửa hay không và việc nối lại các hoạt động kinh tế phải tùy thuộc diễn biến dịch bệnh. Chính vì vậy, Tổng thống Donald Trump đang phải đau đầu cân nhắc giữa nỗ lực chống dịch và giảm thiểu thiệt hại kinh tế và đây thực sự là một bài toán khó đối với chính quyền của ông./.
PV
Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng: Cần điều kiện gì để được trợ cấp?
Bộ LĐ-TB&XH vừa lấy ý kiến các bộ ngành về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (gói 62.000 tỷ đồng).
Tính từ ngày 1/4
Dự thảo Quyết định là hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Sau khi tiếp tục các ý kiến góp ý, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng ký ban hành, các chính sách sẽ áp dụng từ ngày 1/4.
Theo đó, với người lao động (NLĐ) bị hoãn hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc không lương do DN gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tiêu chí được hỗ trợ khi: NLĐ có thời gian tạm nghỉ việc không lương liên tục từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1/4 - 30/6/2020 (nghỉ từ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng); có văn bản tạm hoãn hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc; NLĐ đã tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tới lúc nghỉ; thời hạn còn lại của hợp đồng lớn hơn thời gian tạm nghỉ việc. Đủ các điều kiện này, NLĐ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng, tính từ 1/4.
Về thủ tục, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến, NLĐ có đơn đề nghị hỗ trợ (các mẫu đơn theo quyết định), văn bản tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương nộp cho chủ sử dụng lao động. Chủ sử dụng lao động theo đó lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gồm: Danh sách NLĐ có xác nhận của công đoàn cơ sở (nếu có), cơ quan BHXH và công khai tại DN; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký DN (đăng ký hợp tác xã, hộ kinh doanh; quyết định thành lập; bản sao giấy tờ cá nhân với người sử dụng LĐ là cá nhân). Nếu đơn vị dưới 100 lao động, gửi hồ sơ về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện; nếu đơn vị có trên 100 lao động, gửi hồ sơ về Sở LĐ-TB&XH. Cơ quan LĐ-TB&XH sẽ chủ trì cùng cơ quan liên quan thẩm định, trình chủ tịch UBND cùng cấp quyết định hỗ trợ.
Với đơn vị chủ sử dụng LĐ gặp khó khăn do dịch, bên được vay tiền trả lương ngừng việc cho NLĐ với lãi suất 0%, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tiêu chí: đơn vị có từ 20% hoặc từ 30 LĐ có hợp đồng trở lên phải ngừng việc liên tục tối thiểu 1 tháng do dịch bệnh (tính từ 1/4-30/6); gặp khó khăn tài chính; đã trả trước 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ từ tháng 4-6/2020 (nếu chưa trả phải cam kết sẽ trả). Về thủ tục, DN lập hồ sơ đề nghị cho vay gửi Ngân hàng Chính sách xã hội, gồm: Giấy đề nghị vay; bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hợp tác xã, quyết định thành lập; giấy tờ cá nhân với hộ kinh doanh); danh sách NLĐ (cả tài khoản cá nhân), số tiền phải trả cho từng NLĐ (có chữ ký NLĐ), có xác nhận của công đoàn cơ sở (nếu có) và BHXH; bản sao hợp đồng LĐ, quyết định ngừng việc; bản sao báo cáo tài chính (nếu có), tài liệu chứng minh khó khăn tài chính.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, với đối tượng có quan hệ LĐ, hỗ trợ tối đa trong 3 tháng, tháng nào bị giảm sâu thu nhập sẽ được hỗ trợ tháng đó. "Việc cho DN vay lãi 0% để trả lương, DN đứng ra vay và có nghĩa vụ trả, còn ngân hàng giải ngân trực tiếp vào tài khoản của NLĐ", ông Dung nói.
Chỉ hỗ trợ người lao động tự do không có đất nông nghiệp
Lao động tự do hoặc không có hợp đồng, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất của dịch COVID-19, rất cần được quan tâm. Đây cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh "hệ lụy". Ông Dung dẫn dụ kinh nghiệm một số địa phương đã chi hỗ trợ cho thấy: NLĐ tự do được hỗ trợ chủ yếu nhờ chính quyền cơ sở, phường xã nơi sinh sống xác nhận, song cũng có thể ở nơi LĐ tạm trú (khi có xác nhận chưa nhận được hỗ trợ từ quê quán).
Cụ thể, với lao động tự do (hỗ trợ 1 triệu đồng), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhóm được hỗ trợ gồm những người sau đây: NLĐ bán hàng rong; thu gom rác; làm bốc vác hàng; lái xe ôm, xích lô; bán vé số dạo; làm ở cơ sở ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Điều kiện để được hỗ trợ phải là : Không có đất sản xuất nông nghiệp; mất việc làm và không có thu nhập, hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo trong thời gian từ 1/4 - 30/6 (vùng nông thôn là dưới 700 nghìn đồng/người/tháng, thành thị dưới 900 nghìn đồng/người/tháng - PV); Có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ 3 tháng trở lên trước ngày 1/4 tại địa phương đề nghị hỗ trợ. Hàng tháng, NLĐ đủ các điều kiện trên cần hỗ trợ làm đơn gửi UBND cấp xã nơi cư trú để rà soát, lập danh sách với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, công khai tại trụ sở xã... Sau đó, xã gửi hồ sơ về UBND huyện quyết định.
Với NLĐ mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, dự kiến điều kiện hưởng gồm: NLĐ nghỉ việc từ ngày 1/4 - 30/6; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc chưa. NLĐ làm giấy đề nghị hỗ trợ, gửi kèm bản sao có chứng thực (hoặc kèm bản gốc) một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động đã hết hạn, quyết định thôi việc, thông báo chấm dứt hợp đồng, sổ bảo hiểm xã hội (nếu có)... gửi qua bưu điện tới Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi cư trú. Trung tâm này sẽ thẩm định hồ sơ và trình Sở LĐ-TB&XH quyết định.
Tương tự, hộ kinh doanh cá thể (doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm) dừng hoạt động muốn được nhận trợ cấp cũng phải có đơn đề nghị hỗ trợ, có xác nhận của cơ quan thuế, kèm giấy đăng ký kinh doanh (nếu có). Sau đó hộ kinh doanh sẽ gửi những giấy tờ nói trên về UBND cấp xã nơi đăng ký kinh doanh để xác minh, lập hồ sơ gửi UBND cấp huyện quyết định.
Để đảm bảo công khai, minh bạch của chính sách, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các cấp từ trung ương tới địa phương sẽ lập Ban giám sát do người đứng đầu Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp làm Trưởng ban, với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, HĐND...
Bộ LĐ-TB&XH đưa ra các tiêu chí để xét hỗ trợ với người có công, thân nhân người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng. Những người này sẽ do UBND cấp xã lập danh sách và gửi UBND huyện cùng cấp phê duyệt (trường hợp ở các Trung tâm bảo trợ xã hội, các trung tâm này lập danh sách gửi cơ quan chủ quản quyết định). Với hộ nghèo và cận nghèo (được hỗ trợ 250 nghìn đồng/người/tháng) phải có đề nghị gửi UBND cấp xã nơi cư trú để lập danh sách gửi UBND cấp huyện quyết định.
Lê Hữu Việt
Chuẩn bị cho lò xo kinh tế bật lên mạnh mẽ Hôm nay, 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Có thể coi đây như một "Hội nghị...