Kế giả chết của ông chủ sắp phá sản
Sau nhiều giờ, ngọn lửa trong gara tắt dần, để lộ thi thể người đàn ông dưới gầm chiếc xe bán tải trắng.
Tới hiện trường, cảnh sát hạt Lake, bang Illinois ghi nhận trong ví là tấm bằng lái xe cháy một nửa của Ari Squire, 39 tuổi, chủ nhà. Hôm đó là ngày 23/2/2008.
Dưới gầm xe là chiếc kích nâng xe bị đổ, gần đó là bóng đèn huỳnh quang bị vỡ. Dựa trên các chi tiết này, cảnh sát ban đầu nhận định đây là tai nạn. Có thể trong lúc Ari chui dưới gầm để sửa bộ lọc nhiên liệu, chiếc kích bị trượt khiến xe rơi xuống. Cú rơi làm vỡ bóng đèn huỳnh quang gần đó và để hở điện. Vì trên sàn đã có dầu chảy ra từ trước trong lúc Ari sửa bộ lọc, tia điện làm ngọn lửa bùng lên.
Hiện trường chiếc xe bị cháy. Ảnh: Filmrise.
Trên thi thể có bằng lái xe của Ari nhưng cảnh sát vẫn phải xác minh danh tính của người chết. Việc này gặp nhiều khó khăn vì vân tay bị thiêu cháy. Trong 10 năm đổ lại, Ari cũng không đi khám răng nên không thể nhận dạng qua hồ sơ nha khoa. Dữ liệu cảnh sát cũng không có ADN của Ari để đối chiếu với thi thể.
Trong lúc tìm danh tính, cảnh sát tiếp tục rà soát hiện trường và phát hiện một số chi tiết khả nghi. Trên bảng cầu dao, tất cả công tắc đều ở vị trí “ngắt điện”, trong khi người của phòng cứu hỏa khẳng định không ngắt cầu dao khi chữa cháy. Nếu vậy, đèn huỳnh quang sẽ không thể gây cháy như nhận định ban đầu vì không có điện chạy qua khi rơi vỡ.
Chiếc xe bán tải đang sửa chữa chạy bằng dầu diesel, nhưng trên quần áo của thi thể có dấu vết của loại chất dẫn cháy với khả năng bắt lửa cao hơn nhiều so với dầu diesel. Lượng dầu diesel chảy ra sàn cũng nhiều hơn hẳn so với dung tích bộ lọc nhiên liệu của xe bán tải cùng loại. Những chi tiết này cho thấy có người ngụy tạo hiện trường.
Theo hồ sơ cảnh sát, Ari Squire là chủ công ty xây dựng tại địa phương, thích độ xe bán tải chạy dầu diesel. Ari sống với vợ, Denise Squire, đã 14 năm nhưng không có con. Denise cũng là người đã gọi điện báo cháy.
Bạn bè nói quan hệ giữa Ari và Denise tương đối tốt đẹp dù không có con. Nhưng từ dấu vết trên giường ngủ, cảnh sát xác định hai người đã ngủ riêng. Như vậy, giữa vợ chồng có thể đã có rạn nứt tình cảm.
Đáng nghi hơn, Ari đứng tên hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 5 triệu USD với người thụ hưởng duy nhất là Denise. Tuy nói không biết tới hợp đồng này, Denise lại có vẻ rất muốn hỏa táng chồng nhanh nhất. Việc này bị cảnh sát ngăn cản.
Video đang HOT
Sự việc có nhiều dấu hiệu của vụ án mạng với chủ mưu là Denise. Khi dựng lại hiện trường, cảnh sát thấy rằng trong lúc Ari làm việc dưới gầm xe, người ở ngoài rất dễ cho kích chống xe trượt khỏi vị trí, làm chiếc bán tải rơi xuống.
Lúc này, cảnh sát mới tìm được bác sĩ nha khoa từng khám cho Ari từ hơn 10 năm trước. Theo hồ sơ, Ari từng phải trám một lỗ lớn ở răng, nhưng trong hàm răng của thi thể không thấy có chiếc nào bị trám. Từ đó, chuyên gia kết luận người chết không phải là Ari.
Rà soát danh sách người mất tích, cảnh sát thấy gần đây trong vùng có bà mẹ báo tin con trai tên Justin Newman biến mất từ sau ngày 23/2/2008, trùng với ngày xảy ra vụ cháy. Newman 20 tuổi, là nhân viên siêu thị, cao 1m67, nặng 63 kg, tương đương chiều cao và cân nặng của Ari.
Ari Squire (trái) và Justin Newman. Ảnh: Filmrise.
Người mẹ nói trước khi mất tích, Newman có kể được một người đàn ông tiếp cận ở chỗ làm và rủ đi làm công việc sửa chữa với thù lao 15 USD mỗi giờ, gấp đôi mức lương tối thiểu của bang Illinois vào năm 2008. Qua ảnh, người đàn ông nọ được xác định chính là Ari Squire.
Một ngày sau vụ hỏa hoạn, người mẹ còn nhận được tin nhắn từ điện thoại của con trai nói “tới bang Missouri làm việc, sẽ gọi mẹ sau”. Tin nhắn này khiến người mẹ dự cảm có chuyện chẳng lành vì Newman không có thói quen nhắn tin.
Đối chiếu ADN từ bàn chải của Newman, ADN từ thi thể bị thiêu cháy, và mẫu của người mẹ, chuyên viên giám định kết luận cả ba mẫu thuộc về cùng một người. Như vậy, Ari vẫn còn sống. Cảnh sát lập tức phát thông báo truy tìm ôtô của Newman vì chiếc xe cũng đã biến mất. Người lái chiếc xe của Newman hiện giờ rất có thể là Ari Squire.
Lúc này, cảnh sát tiếp tục phát hiện chi tiết hé lộ ý định của Ari. Sandy Lively, đồng nghiệp của Newman tại siêu thị, nói từng được Ari rủ tới làm việc với mức thù lao hấp dẫn. Ngoại hình của người này giống Ari như hai anh em sinh đôi.
Lively kể khi nhận lời làm, anh ta phải điền vào biểu mẫu với nhiều câu hỏi khác thường như màu mắt, vị trí hình xăm hoặc xỏ khuyên, cỡ đồng phục, mã PIN.. Lẽ ra Lively đã gặp Ari vào sáng ngày xảy ra vụ cháy nhưng ngủ quên mất. Như vậy, cảnh sát nhận định Newman nhiều khả năng chỉ là mục tiêu dự phòng trong kế hoạch giả chết của Ari.
Theo công tố viên, Ari gây án vì công ty xây dựng của Ari gần đây làm ăn thua lỗ lớn, sắp tới bờ phá sản. Ông ta muốn mượn thi thể của người khác giả chết để nhận tiền bảo hiểm nhân thọ. Khi Lively ngủ quên không đến, Ari dụ Newman làm “vật thế thân”.
Vì trên thi thể không có dấu hiệu bị đánh đập, công tố viên cáo buộc Ari dùng thuốc mê để khiến Newman bất tỉnh, sau đó đổi quần áo, đặt dưới gầm xe…. Để tạo hiện trường giả, Ari đổ dầu diesel và chất dẫn cháy lên người nạn nhân rồi châm lửa. Ông ta cố ý đập vỡ chiếc đèn huỳnh quang để vờ như điện hở từ chiếc đèn làm bắt lửa, nhưng quên không đóng cầu dao.
Cảnh sát cho rằng Ari đã trốn tới bang Missouri vì đây cũng là địa điểm được nhắc tới trong tin nhắn giả gửi mẹ của Newman. Sau 9 ngày tìm kiếm, ngày 2/3/2008, cảnh sát bang Missouri tìm thấy chiếc xe của Newman đỗ bên ngoài nhà trọ. Qua ảnh, nhân viên nhà trọ xác nhận Ari đang thuê phòng ở đây dưới cái tên Justin Newman.
Khi cảnh sát gõ cửa và xưng danh, trong phòng trọ bỗng vang lên tiếng súng nổ. Trong phòng là người đàn ông nằm chết bên giường, nguyên nhân tử vong do bị đạn bắn. Người đàn ông đeo kính áp tròng, nhuộm tóc giống màu tóc của Newman và cũng mang giấy tờ tùy thân của nạn nhân, nhưng kết quả ADN xác nhận đây chính là Ari Squire.
Ari Squire (phải) được cho là đã để râu để có ngoại hình giống Sandy Lively. Ảnh: Filmrise.
Sau cái chết của Ari, cuộc điều tra hình sự vẫn tiếp tục. Khám máy tính của Denise, cảnh sát phát hiện một ngày sau khi Newman chết, Denise nhận được email từ Ari, trong thư cho biết vị trí cất di chúc. Ba ngày sau vụ hỏa hoạn, tiếp tục nhận được thư hỏi “khi nào tro cốt của anh được về với em. Em có cần gì không?”. Đây được cho là cách Ari dò hỏi diễn biến cuộc điều tra.
Từ email, điều tra viên nhận định Ari và Denise đã dành nhiều tháng lên kế hoạch vụ án mạng. Tuy nhiên, Denise vẫn nói tưởng đây là thư gửi tự động từ hòm thư của chồng. Chị ta không bị khởi tố vì không đủ chứng cứ.
Không thể khởi kiện hung thủ đã chết, mẹ của Newman khởi kiện Denise Squire. Cuối cùng, người mẹ được bồi thẩm đoàn cho hưởng 6 triệu USD tiền bồi thường vào phiên tòa năm 2010.
Quốc Đạt (Theo Chicago Tribune, NBC News)
Cử tri hai đảng lo ngại gian lận bầu cử tổng thống Mỹ
Ngày càng nhiều người Mỹ ở cả hai đảng lo ngại bầu cử ngày 3/11 sẽ có gian lận và bị can thiệp, theo khảo sát của Reuters/Ipsos ngày 31/7.
Khoảng 50% cử tri tham gia khảo sát nói họ lo ngại bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn tới gian lận bầu cử. Cụ thể, 8 trong 10 thành viên Cộng hòa và ba trong 10 thành viên Dân chủ cho rằng quá trình bỏ phiếu qua thư sẽ xuất hiện gian lận.
Trong khi đó, 67% cử tri lưỡng đảng tin tưởng vào kết quả bầu cử với hình thức bỏ phiếu này.
Khảo sát của Reuters/Ipsos cũng chỉ ra 74% cử tri, trong đó 70% thành viên Dân chủ và 80% thành viên Cộng hòa, quan ngại về "gian lận bầu cử có tổ chức bởi các chính trị gia muốn thay đổi kết quả bầu cử".
Cứ 8 trong 10 cử tri Dân chủ 6 trong 10 cử tri Cộng hòa lo lắng về khả năng "ngăn chặn cử tri bỏ phiếu".
Một cử tri đeo khẩu trang đi bỏ phiếu bầu cử sơ bộ ở Ottawa, bang Illinois, hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.
Đảng Dân chủ và nhiều nhóm hoạt động nói rằng bỏ phiếu qua thư là cách để bảo vệ cử tri trước đại dịch. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump và nhiều thành viên Cộng hòa nhiều lần phản đối ý tưởng bỏ phiếu qua thư, cho rằng phương thức này sẽ thúc đẩy gian lận và người Mỹ nên xếp hàng bỏ phiếu như bình thường.
Trump một lần nữa khiến chính trường Mỹ "nổi sóng" khi ngày 30/7 đề xuất hoãn bầu cử tổng thống tháng 11 do lo ngại Covid-19 và gian lận phiếu bầu. Đề xuất được ông chủ Nhà Trắng đưa ra ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo kinh tế Mỹ giảm 32,9% trong quý hai. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 1947.
Ý tưởng của Trump lập tức thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, đồng thời vấp phải làn sóng phản đối gay gắt chưa từng thấy từ phe Dân chủ, các lãnh đạo bảo thủ bên ngoài Nhà Trắng, và thậm chí cả đảng Cộng hòa. Họ cho rằng Trump đang "đi quá giới hạn quyền lực" của mình và việc thay đổi ngày bỏ phiếu thuộc thẩm quyền của quốc hội.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào cuối ngày 30/7, Trump lại tự đảo ngược đề xuất trước đó của ông.
Nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy Trump đang "thất thế" trong cuộc đua vào Nhà Trắng so với Biden. Theo kết quả cuộc thăm dò do Washington Post và ABC thực hiện, 55% số cử tri đã đăng ký ủng hộ Biden, trong khi tỷ lệ này dành cho Trump là 40%. Mức tín nhiệm của Tổng thống Mỹ cũng giảm xuống 39% sau hai tháng qua.
Kết quả khảo sát mới càng khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khủng hoảng hậu bầu cử Mỹ. Larry Diamond, chuyên gia về các thể chế dân chủ tại Viện Hoover, tổ chức nghiên cứu bảo thủ ở Stanford, California, trước đó từng trả lời phỏng vấn của CNN rằng "khả năng xảy ra khủng hoảng hậu bầu cử chưa từng thấy ở nước Mỹ là khá lớn".
Dòng sông băng ngăn phi tang tội ác MaryAnn Clibbery, 69 tuổi, muốn tạo điều kiện cho đối tác sửa chữa lỗi lầm, nhưng điều này khiến bà trả giá bằng chính mạng sống. Thi thể của Clibbery được nhân viên tìm thấy tại công ty thuộc thành phố Loves Park, bang Illinois vào ngày 22/12/2004, chỉ một vài ngày trước Giáng sinh. Hiện trường có vết máu mới hơn nằm...