Kẻ đánh bom sân bay Kabul vượt vòng kiểm soát của lính Mỹ, chờ đến phút cuối để ra tay
Trong lúc lính Mỹ bận rộn kìm chân người dân Afghanistan ở bên ngoài sân bay Kabul, một kẻ đánh bom liều chết đã lẻn được vào trong và kiên nhẫn đợi đến phút cuối mới ra tay.
Tờ New York Times dẫn lời giới chức Mỹ cho hay đám đông tuyệt vọng muốn vào được sân bay Kabul đã tập trung tại cổng Abbey – lối vào chính do lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các nhóm dịch vụ khác điều khiển.
Quân đội Mỹ biết rõ họ có thể trở thành mục tiêu tấn công khi một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo về mối nguy cơ khủng bố “đủ tin cậy” có thể xảy ra tại ba cổng của sân bay. Nơi đây có hơn 5.000 lính Mỹ đang làm nhiệm vụ sơ tán công dân và những người Afghanistan có nguyện vọng rời đất nước. Cổng Abbey đã được nhắc đến trong cảnh báo tấn công.
Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đứng trên hàng rào thép gai giám sát sân bay Kabul ngày 22/8. Ảnh: NYTIMES
Lực lượng an ninh sân bay đã đóng hai cổng vào còn lại, song quyết định để mở cổng Abbey. Giới chức Mỹ cũng cho biết rằng, trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 25/8, các chỉ huy và tay súng của phong trào Taliban canh gác các trạm giám sát dọc theo sân bay ở thủ đô đã hai lần đẩy lui đám đông dân thường hướng về đây, song họ vẫn quay trở lại. Lần thứ ba đó, một kẻ nguy hiểm đã trà trộn giữa họ.
Lúc 5h48 chiều 25/8, kẻ đánh bom liều chết giấu đai bom nặng 11kg bên trong áo đã đi đến gần một nhóm binh sĩ Mỹ đang trấn áp những người muốn vào bên trong sân bay. Theo lời cơ quan điều tra, hắn đã chờ đợi cho đến tận khi sắp sửa bị binh lính khám xét. Và hắn kích nổ số thuốc nổ, kết liễu bản thân và kéo theo hàng chục người khác thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ.
Tướng Kenneth F. McKenzie Jr, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, phát biểu sau vụ tấn công rằng đó là một cuộc chiến cận kề khi lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở sân bay Kabul phải tiếp xúc trực tiếp với những người dân Afghanistan mà họ cần phải kiểm tra kỹ lương trước khi cho vào bên trong.
Video đang HOT
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn đang chắp nối chuỗi sự kiện diễn ra tại cổng Abbey Gate hôm đó và sẽ sớm đưa ra đánh giá chi tiết. Những câu hỏi được đặt ra rằng: Tại sao nhiều thành viên dịch vụ lại hoạt động gần nhau như vậy? Làm thế nào mà kẻ đánh bom tránh được các trạm kiểm soát của Taliban? Liệu ai đó đã để cho hắn vào?
Khi phạm vi thiệt hại trở nên rõ ràng hơn, giới chức y tế ở Kabul đã nâng số người chết lên ít nhất 170 người. Những người Afghanistan đang tìm cách thoát khỏi sự cai trị của Taliban tiếp tục đổ về sân bay vào ngày hôm sau, nhưng quy mô của đám đông ước tính chỉ hàng trăm, giảm so với hàng nghìn người đã ở đó khi vụ nổ xảy ra. Sân bay gần như đóng cửa hoàn toàn, mặc dù các chuyến bay sơ tán vẫn tiếp tục. 2h chiều 27/8, một máy bay Mỹ chở quan tài của 13 quân nhân thiệt mạng về Kansas.
Ngay sau khi quả bom nổ, Lầu Năm Góc cho hay những chiến binh ở gần đó bắt đầu nổ súng và khiến một số người Mỹ và Afghanistan tại cổng Abbey bị trúng đạn. Sự việc đã bị lầm tưởng thành một vụ tấn công khủng bố thứ hai xảy ra gần khách sạn Baron, song Tướng Hank Taylor thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ khẳng định rằng không phải vậy.
Với trọng lượng 11kg, chiếc áo chứa thuốc nổ mà kẻ đánh bom tự sát mặc đã gây ra thiệt hại không thể kể xiết. Theo sách hướng dẫn của Quân đội Mỹ, những kẻ đánh bom liều chết thường đeo một chiếc đai chứa 4,5kg chất nổ hoặc một chiếc áo vest chứa 4,5 – 9kg chất nổ.
Mặc chiếc áo nặng 11kg chứa vô số mảnh kim loại gây chết người, kẻ tấn công cũng đã làm bị thương hàng chục người Afghanistan cũng như 14 lính Mỹ khác. Những người lính thủy đánh bộ làm nhiệm vụ ở cổng Abbey Gate hôm đó vừa đến Kabul khoảng một tuần. Họ rất nhiệt huyết, tích cực phối hợp với các đồng nghiệp người Anh nhằm một mục tiêu: Đưa càng nhiều người vào trong càng tốt.
Sự sụp đổ của Kabul đã kéo đến đợt “sóng thần” cuộc gọi điện thoại, thư điện tử và của các tổ chức nước ngoài đang làm việc tại Afghanistan trong 20 năm qua, đề nghị Lầu Năm Góc giúp đỡ để đưa nhân viên người Afghanistan và đồng minh của họ đi sơ tán.
Máy bay của quân đội Mỹ cất cánh từ sân bay quân sự ở Kabul, Afghanistan, ngày 27/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hàng loạt nhân vật khác từng làm việc với người Afghanistan, trong đó có những giáo viên từng đến các trường học ở Afghanistan, các thượng nghị sĩ Mỹ, giám đốc truyền thông và người đứng đầu các tổ chức quốc tế đều nhờ Mỹ giúp đỡ đối tác cũ của họ rời Afghanistan trước nguy cơ bị Taliban trả đũa.
“Những người lính vừa hy sinh đang giúp đỡ chúng ta. Họ đi vào giữa đám đông, đưa những người phụ nữ đến nơi an toàn. Những người làm việc ở cổng Abbey còn hơn cả dũng cảm”, bà Cori Shepherd, nhà sản xuất phim từng giúp trẻ em gái Afghanistan được đến Mỹ học tập, phát biểu.
ISIS-K là nhóm đứng sau vụ tấn công sân bay Kabul. Chữ cái K trong cụm ISIS-K là từ viết tắt của Khorasan – nhánh của IS ở Pakistan và Afghanistan. Quân đội Mỹ ngày 28/8 đã tấn công trả đũa các mục tiêu ISIS-K tại tỉnh Nangahar, Afghanistan.
Vụ đánh bom liên hoàn sân bay Kabul đã khiến Nhà Trắng 'hỗn loạn'
Khu cánh Tây ở Nhà Trắng đã trải qua một ngày hỗn loạn và đau buồn, khi quân khủng bố đánh bom tự sát ở sân bay Kabul, khiến 13 lính Mỹ đang làm nhiệm vụ tại khu vực này thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước người dân toàn quốc về vụ tấn công khủng bố bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiến trình rút binh sĩ Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan có thêm vệt màu u ám vào hôm 26/8, khi một sự cố tầm thảm họa mà Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo đã trở thành hiện thực. Các vụ tấn công liều chết do mạng lưới chân rết của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại Afghanistan thực hiện ở lối vào sân bay Kabul đã làm 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 15 binh sĩ khác bị thương, biến đây thành ngày chết chóc nhất với quân đội Mỹ ở Afghanistan trong vòng 10 năm lại đây.
Đó cũng chính là thời khắc thảm họa nhất trong quãng thời gian nắm quyền mới được 8 tháng của Tổng thống Joe Biden. Với những quan chức Nhà Trắng, 26/8 là ngày chứa đựng nhiều cảm xúc và cũng là hỗn loạn nhất kể từ khi làm việc trong chính quyền mới. Chỉ ít phút sau báo cáo đầu tiên về vụ nổ được loan báo, giới chức Nhà Trắng đối mặt trạng lụt thông tin. Diễn biến sau đó được mô tả là dồn dập.
Cá nhân Tổng thống Biden ngồi thảo luận nhiều giờ với đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia tại phòng Tình huống và phòng Bầu dục. Đến 14 giờ cùng ngày (giờ địa phương), ông có mặt ở phòng Bầu dục để nghe báo cáo tóm tắt, khi bắt đầu xuất hiện những dòng tin "Ông Biden đang ở đâu?" lan truyền trên mạng xã hội Twitter. Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken, Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, ông Biden liên tục được cập nhật diễn biến mới trong ngày.
Nhà Trắng cũng liên tục liên lạc với giới chỉ huy quân đội Mỹ đang đóng tại Afghanistan hỗ trợ chiến dịch sơ tán công dân, để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công và ảnh hưởng của nó đối với thời hạn chót rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31/8.
Buổi tối, ông Biden có bài phát biểu trước toàn thể dân chúng Mỹ, với dáng vẻ đau buồn, xúc động trước ống kính truyền hình. Ông chuyển đi hai thông điệp về hoàn tất sứ mệnh sơ tán mọi công dân Mỹ từ Kabul và buộc những kẻ chủ mưu thực hiện vụ tấn công phải đền tội.
Diễn biến bất ngờ tại Kabul làm đảo lộn lịch trình tại Nhà Trắng. Cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Israel Naftali Bennett được thông báo lùi sang ngày hôm sau (27/8). Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng hủy buổi họp báo thường lệ, đề nghị giới phóng viên muốn tìm hiểu thông tin về vụ tấn công tại Kabul gặp đại diện bộ giới chức Bộ Quốc phòng. Tướng Kenneth F. McKenzie, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) trực tiếp trả lời báo chí đầu giờ chiều.
Chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ở sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lính Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan chính là kịch bản mà ông Biden muốn né tránh khi ra quyết định rút quân và chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập kỉ. Vài ngày trước khi xảy ra loạt tấn công liều chết tại Kabul, chính quyền Mỹ cảnh báo về mối nguy cơ tấn công khủng bố lộ diện ở Afghanistan.
Các nghị sĩ Mỹ hồi đầu tuần cũng nhận được thông báo vắn tắt về khả năng quân khủng bố IS tại Afghanistan mở cuộc tấn công ở Kabul. Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan hôm 24/8 phát cảnh báo, yêu cầu công dân Mỹ tránh di chuyển tới sân bay hoặc nán lại khu vực gần sân bay.
Tổng thống Biden thường xuyên bày tỏ sự tình cảm chân thành của cá nhân ông với gia đình có con em là binh sĩ thiệt mạng. Vẻ đau buồn của ông khi phát biểu trước toàn dân Mỹ là cảm xúc chân thật, gắn với tình cảm cá nhân về người con trai lớn Beau Biden. Bean đã qua đời hồi năm 2015 vì căn bệnh u não, nhưng trước đó Bean từng có quãng thời gian 2 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường Iraq. "Tôi có cùng cảm xúc với các bạn, đó là cảm xúc của những gia đình có những người con anh hùng", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ trước đó cũng không che giấu quan điểm quyết định rút quân được ông đưa ra một phần là vì ông đặt bản thân vào địa vị người cha có con phục vụ trong quân đội Mỹ. Phát biểu khi viếng thăm nghĩa trang Arlington hôm 14/4 vừa qua, ông Biden chia sẻ: "Tôi là Tổng thống đầu tiên trong vòng 40 năm qua biết đến cảm giác của một người cha có con phục vụ ở vùng chiến sự. Tôi không thể quên cảm xúc khi tôi biết con trai mình được triển khai tới Iraq".
Ít nhất 170 người chết vì vụ đánh bom sân bay Kabul Ít nhất 170 người Afghanistan thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương sau vụ đánh bom tự sát tại sân bay Kabul. Thông tin về số thương vong được một quan chức giấu tên thuộc Bộ Y tế Công cộng Afghanistan cung cấp hôm nay. Quan chức này cho biết trong số 170 người chết, xác định được 34 người là nam...