Jenna Ellis – Lọ Lem trong nhóm pháp lý của Trump
4 năm trước, Jenna Ellis chỉ là một luật sư trẻ tại các tòa án địa phương, bảo vệ thân chủ trong những vụ bạo hành gia đình.
Khi đó, cô còn dạy các lớp luật tại một trường đại học Công giáo địa phương. Tuy nhiên, bây giờ Ellis, 36 tuổi, đã là một thành viên chủ chốt trong nhóm pháp lý của Tổng thống Donald Trump, hỗ trợ dẫn dắt nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử 2020 với cáo buộc gian lận phiếu bầu trên diện rộng.
Ellis là một phần của những gì cô gọi là “lực lượng tấn công tinh nhuệ” được luật sư Rudy Giuliani giới thiệu tại cuộc họp báo hôm 14/11 ở trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Tổng thống Trump hôm đó đã ca ngợi Ellis trên Twitter vì tham gia vào nhóm pháp lý “thực sự tuyệt vời” của ông.
“Tôi là câu chuyện về nàng Lọ Lem trong thế giới pháp lý”, Ellis nói tại một cuộc phỏng vấn, nhấn mạnh cô không đến từ một công ty luật lớn hay từng tốt nghiệp nhóm đại học danh tiếng Ivy League.
Jenna Ellis và Tổng thống Trump trong phòng Bầu dục. Ảnh: Twitter/Jenna Ellis.
Ellis là một đại diện mạnh mẽ trong nhóm của Trump, thường xuyên xuất hiện trên các chương trình tin tức truyền hình và hỗ trợ tổ chức hàng loạt sự kiện với nghị sĩ các bang để đưa ra cáo buộc về những bất thường trong bầu cử. Các nhà lịch sử và chuyên gia luật bầu cử gọi những nỗ lực này của nhóm Trump là chưa từng có. Tuy nhiên, đến nay nhóm pháp lý của Trump đã thất bại ở hầu hết vụ kiện tại các bang chiến trường.
Ellis trở thành người ủng hộ nổi bật của Trump khi các luật sư khác đã bị sa thải hoặc rời nhóm. Trong tiểu sử trực tuyến, cô mô tả bản thân là “một luật sư biện hộ có kinh nghiệm, từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ và là một công tố viên Colorado”. Ellis cũng cho biết cô là luật sư luật hiến pháp và “có nhiều kinh nghiệm tranh tụng ở cả cấp xét xử và phúc thẩm”.
Công việc của Ellis trên vai trò công tố viên kéo dài khoảng 6 tháng, từ tháng 9/2012, sau khi cô tốt nghiệp khoa luật đại học Richmond, bang Virginia. Cô đã xử lý những vụ kiện tụng giao thông và các tội nhẹ khác, văn phòng công tố viên hạt Weld, bang Colorado, cho hay. Ellis xác nhận cô đã bị sa thải khỏi công việc này đầu năm 2013 vì từ chối đưa một vụ án ra xét xử, mà cô cho rằng đó là một vụ truy tố vô đạo đức.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Ellis không có tên trong bảng lương liên bang với tư cách là một nhân viên của cơ quan này. Cô được nhắc tên trong một vụ án tranh cãi hợp đồng được phán quyết năm 2013 trên vai trò luật sư cho công ty IE Discovery, công ty hỗ trợ pháp lý cho Bộ Ngoại giao. Ellis xác nhận cô từng làm việc cho IE Discovery khoảng 6 tháng.
Sau khi rời văn phòng công tố hạt Weld, Ellis làm luật sư bào chữa trong một số vụ án nhỏ địa phương. Theo hồ sơ, cô là luật sư trong khoảng 30 vụ án tại tòa án cấp bang, hầu hết đại diện cho những bị cáo mắc tội nhẹ từ năm 2012 đến năm 2016.
Chad Zito, một luật sư từng làm việc với Ellis tại Colorado, cho biết cô “có năng lực về những gì đã làm”, điều mà ông mô tả là công việc pháp lý thông thường.
“Tôi cũng như hầu hết mọi người ngạc nhiên khi thấy cô ấy đứng cạnh Trump và Rudy Giuliani”, Zito nói. “Cô ấy đã có sự thăng tiến nhanh, điều đó là chắc chắn”.
Ellis cho hay cô từng tham gia nhiều vụ kiện khác nhưng không được xem là luật sư chính. Năm nay, Ellis mở rộng sự nghiệp ra khỏi Colorado, đại diện cho một mục sư California thách thức các hạn chế về tôn giáo liên quan tới đại dịch Covid-19.
“Cô ấy là người dễ tính, mạnh mẽ trong niềm tin của mình và không ngại bày tỏ những niềm tin đó”, luật sư Charles LiMandri, người từng cùng Ellis đại diện cho mục sư California, nói.
Video đang HOT
Dù tuyên bố là một luật sư luật hiến pháp, tìm kiếm trên trang dữ liệu tòa án PACER không có tên Ellis trong bất kỳ vụ án liên bang nào. Cô hiện không được phép hành nghề ở tòa án liên bang tại Colorado vì chưa trả phí mà tòa án yêu cầu đối với các luật sư hoạt động ở đây.
Ellis bắt đầu xây dựng tiếng tăm tầm quốc gia thông qua các nhóm pháp lý Công giáo bảo thủ, tạo ra một vị trí thích hợp với tư cách là chuyên gia luật hiến pháp tự nhận. Năm 2015, cô tự xuất bản cuốn sách “Cơ sở pháp lý cho một bản hiến pháp đạo đức: Hướng dẫn cho người Công giáo hiểu được cuộc khủng hoảng hiến pháp của Mỹ”.
Trong cuốn sách và trong các cuộc trò chuyện công khai sau đó, cô lập luận rằng hiến pháp chỉ có thể được giải thích thông qua lăng kính Kinh thánh. Cô chỉ trích phán quyết năm 2015 của Tòa án Tối cao rằng các cặp đồng tính trên toàn quốc có quyền kết hôn theo hiến pháp. Trong cuốn sách, Ellis nói rằng quyết định này có thể giúp hợp pháp hóa chế độ đa thê và thậm chí cả ấu dâm.
Jenna Ellis phát biểu khi cố vấn của chiến dịch Trump, Boris Epshteyn, thì thầm vào tai luật sư Rudy Giuliani trong cuộc họp báo ở trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tại Washington hôm 19/11. Ảnh: Reuters .
Từ năm 2016 đến 2018, Ellis dạy tại trường Công giáo Colorado, ban đầu là một giảng viên liên kết và sau đó là trợ lý giáo sư về nghiên cứu pháp lý, một phát ngôn viên của trường cho biết. Trường đại học này không có khoa luật.
Ellis ban đầu cũng không phải là người ủng hộ Trump, nhưng sau cuộc bầu cử năm 2016, cô bắt đầu viết các bài ủng hộ ông và gia tăng danh tiếng bằng cách thường xuyên đóng góp bài viết cho tờ báo bảo thủ Washington Examiner. Tờ này giới thiệu cô là “giáo sư về luật hiến pháp”. Năm 2018, Ellis tham gia vào ban cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump.
Khoảng một năm sau, Tổng thống bắt đầu để ý đến sự xuất hiện của cô trên Fox News, theo một người thông thạo vấn đề, và ca ngợi Ellis với các trợ lý của mình rằng cô là một luật sư bào chữa tài năng và năng nổ.
Ellis cho biết mùa thu năm ngoái, cô nhận được cuộc điện thoại mã vùng Washington và cho nó là cuộc gọi rác nên chuyển sang chế độ hộp thư thoại. Tuy nhiên, đó là cuộc gọi từ Nhà Trắng. Cô đã trao đổi với Trump trong một giờ.
“Ông ấy đã mời tôi tới Nhà Trắng và nói rằng “tôi nghĩ cô là một luật sư tài giỏi và tôi muốn gặp cô’”, Ellis kể.
Trump sau đó yêu cầu chiến dịch của ông tuyển dụng Ellis. Trong phiên tòa xem xét bãi nhiệm Trump hồi đầu năm nay, Ellis bắt đầu biện hộ cho Tổng thống trên truyền hình theo yêu cầu của ông.
Ellis cho hay cô và nhóm pháp lý trao đổi với Trump một ngày nhiều lần, kể từ sau cuộc bầu cử. Quan hệ thân thiết của họ và vị thế ngày càng nâng cao của Ellis khiến những trợ lý chiến dịch khác bực tức, nguồn tin tiết lộ.
Ellis không xuất hiện trong phòng xử án hay trong các hồ sơ pháp lý của bất kỳ vụ kiện nào liên quan đến bầu cử do chiến dịch Trump hoặc người ủng hộ ông đệ trình.
Hồi tháng 10, cô đã nhận gần 140.000 USD từ chiến dịch Trump cho công việc tư vấn pháp lý, theo hồ sơ bầu cử liên bang. Trước đó, hồi tháng 12/2019, cô từng được trả 3.900 USD và đây khoản tiền duy nhất còn lại mà chiến dịch Trump thanh toán cho Ellis.
Phe Dân chủ lo sợ Biden 'ngại' đấu với Cộng hòa
Các đảng viên Cộng hòa đã sẵn sàng để lên tiếng phản đối nếu Joe Biden chọn bà Susan Rice cho vị trí tân ngoại trưởng trong chính phủ tương lai của ông.
Họ cho rằng Rice sẽ quay lại chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa can thiệp, hay mô tả bà như "Typhoid Mary" của chính quyền tổng thống Barack Obama, ám chỉ tới người từng phát tán dịch thương hàn ở Mỹ 100 năm trước.
Trong khi đó, một số thành viên Dân chủ thúc giục Biden chọn Rice vì bà là người có kinh nghiệm đối ngoại, người có thể trở thành phụ nữ da màu nổi bật nhất trong chính quyền tương lai của ông.
Nhưng thay vì Rice, Biden đã chọn Antony Blinken, một người có mối quan hệ thân thiết với tổng thống đắc cử nhiều thập kỷ qua, được cho ít có khả năng tạo ra cơn bão chính trị trong Thượng viện, nơi sẽ bỏ phiếu xác nhận cho Blinken.
Joe Biden tháo khẩu trang trước khi phát biểu tại Wilmington, bang Delaware hôm 6/11. Ảnh: AP.
Giới quan sát nhận định với những lựa chọn nội các mới được công bố, Biden dường như muốn trở thành một người hòa giải hơn là người tranh đấu đảng phái. Điều này khiến không ít thành viên cánh tả lo lắng những động thái đầu tiên này báo hiệu sự yếu đuối của Biden trước khi ông chính thức vào Phòng Bầu dục. Họ nói Biden đang ngây thơ nghĩ rằng Thượng viện vẫn là nơi có thể thỏa hiệp hòa giải giống như 36 năm ông gắn bó ở đó.
"Để gặp những người Cộng hòa ở nơi họ đang ở, hãy đến vùng đất siêu thực", Rebecca Katz, từng là trợ lý hàng đầu của cựu lãnh đạo phe đa số Thượng viện Harry M. Reid, thành viên Dân chủ, nói. "Chúng ta không có thời gian rảnh rỗi. Đôi khi bạn phải chiến đấu. Chúng ta không thể đầu hàng trước khi bắt đầu cuộc chiến".
Tại Đồi Capitol, nhiều thành viên Dân chủ khác cũng đưa ra các cảnh báo tương tự.
"Vẫn có khả năng tạo dựng mối quan hệ giữa hai đảng, nhưng mối quan hệ lưỡng đảng thực sự không phải là cầu xin đảng Cộng hòa ban cho nếu chúng tôi làm mọi thứ theo cách của họ", Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, người lo lắng cách tiếp cận với phe Cộng hòa của Biden sẽ vấp phản kháng, nói.
Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch tranh cử, Biden đã cho thấy lập trường rõ ràng của ông rằng sẽ tìm cách xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai đảng ở Washington. Nhóm của Biden đã âm thầm liên lạc với các thành viên Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện, bày tỏ cảm thông với những tính toán chính trị của họ khi cân nhắc phản ứng dữ dội từ nền tảng ủng hộ Trump nếu họ thừa nhận kết quả bầu cử.
Không chỉ chìa "cành olive" về phía Cộng hòa, Biden cũng từ chối đệ đơn kiện Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) vì trì hoãn xác nhận chuyển giao quyền lực tổng thống.
"Tôi đang đưa ra đánh giá dựa trên nhiều năm kinh nghiệm và cách giải quyết công việc với phe đối lập", Biden nói khi được hỏi tại sao ông từ chối theo đuổi thách thức pháp lý về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump từ chối hợp tác chuyển giao.
Căng thẳng về vấn đề chọn cách tiếp cận hòa giải hay đấu tranh có thể được thấy rõ nhất trong trường hợp của bà Rice, người lọt vào danh sách ứng viên nội các của Biden và từng được nhiều đồng minh của ông tin trở thành ngoại trưởng. Nhưng Rice đã không được chọn vào vị trí này, thay vào đó là Blinken.
"Susan sẽ được sắp xếp một vị trí quan trọng khác", một nguồn tin thân cận với Biden nói, nhưng từ chối cho biết liệu vị trí này có cần phải được Thượng viện xác nhận hay không.
Người này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Biden không chọn Rice vì "ngại" đối đầu với các thượng nghị sĩ Cộng hòa. "Tony luôn là sự lựa chọn. Luôn luôn là như vậy", người này nói, đề cập tới Antony Blinken. "Bất kỳ ai nghĩ rằng Tony không được chọn vào vị trí này đều không hiểu gì về Joe Biden".
Rice từng là ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Obama. Chuyên gia về chính sách đối ngoại được đào tạo ở Đại học Stanford đã nhanh chóng trở có mặt trong hàng ngũ ngoại giao và trở thành một trong những trợ lý ngoại trưởng trẻ nhất của Mỹ.
Tuy nhiên, Rice đã rút khỏi đề cử do những lùm xùm xung quanh bình luận về vụ tấn công vào cơ sở của Mỹ ở Benghazi, Libya hồi năm 2012, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Mỹ. Obama sau đó chỉ định bà làm cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ hai của ông, một vị trí không cần Thượng viện thông qua. Bà Rice từng rất thân cận với Biden khi còn là phó tổng thống và thường cùng ông đưa ra các ý tưởng chính sách ở Cánh Tây.
Trước khi Blinken được chọn, nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đã sẵn sàng để phản đối Rice, ngay cả khi họ vẫn từ chối thừa nhận chiến thắng của Biden. Thượng nghị sĩ ở bang Arkansas Tom Cotton, thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, xem bà như "Mary Thương hàn" về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey O. Graham, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế, nói bà Rice khó có thể được thông qua.
Cách tiếp cận hướng tới đồng thuận của Biden là con đường mà ông đã chọn trong suốt những năm làm việc ở Thượng viện, trước khi đảm nhận vị trí phó tổng thống trong hai nhiệm kỳ của chính quyền Obama.
"Tôi biết ông ấy rất lâu rồi và tôi không nghĩ những khẩu súng sẽ là phong cách của ông ấy", John Morgan, nhà tài trợ và là bạn của Biden, nói. "Ông ấy là người theo chủ nghĩa tôn trọng các thể chế. Ông ấy thân thiện với cả hai bên. Và tôi nghĩ lý do ông ấy được chọn làm phó tổng thống là nhờ các mối quan hệ của ông ấy".
Biden tuyên bố ông sẽ thống nhất hai đảng trong cuộc chiến với Covid-19, đồng thời tuyên bố không có "thành phố xanh" hay "thành phố đỏ". Hội đồng chuyên gia y tế cố vấn cho ông về đại dịch cũng bao gồm hai cựu quan chức của chính quyền Trump.
"Tôi hy vọng có thể nhận được sự hợp tác từ các đồng nghiệp đảng Cộng hòa ở cả Thượng viện và Hạ viện, cũng như các thống đốc, để xây dựng sự đồng thuận về cách chúng ta làm việc", Biden nói.
Thách thức của Biden hiện tại là vừa phải duy trì mối quan hệ với các thành viên Cộng hòa, vừa không làm mất lòng các thành viên Dân chủ. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, lãnh đạo tự do và là người tập hợp lực lượng ủng hộ Biden, lo lắng rằng việc Biden muốn bắt tay với cánh hữu sẽ khiến cánh tả không hài lòng.
"Với tôi, rõ ràng các quan điểm cấp tiến cần được thể hiện trong chính quyền Biden", Sander nói với AP. "Ví dụ sẽ là một sự xúc phạm nếu Biden thảo luận những gì định làm với nhóm thành viên Cộng hòa và Dân chủ bảo thủ, nhưng lại phớt lờ cộng đồng cấp tiến".
"Ông ấy nên đồng hành với người mà ông ấy cảm thấy tốt nhất", nghị sĩ Gregory W. Meeks nói. "Đừng lo lắng về khía cạnh đảng phái với thành viên Cộng hòa, bởi nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa thừa nhận ông ấy là tổng thống Mỹ".
Joe Biden thảo luận trực tuyến với ủy ban điều hành Hiệp hội Thống đốc Quốc gia hôm 19/11. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, thay vì chuẩn bị cho một cuộc chiến, Biden nói rằng ông mong đợi có những trao đổi với Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell về việc xác nhận các đề cử nội các.
"Tôi hiểu ông ấy đã nói rõ ràng ai là người ông ấy ủng hộ và ai không. Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ có cuộc đàm phán về điều này", Biden nói.
Song một số thành viên Dân chủ cho rằng phe Cộng hòa không cho thấy họ sẽ hợp tác với Biden, ngay cả khi ông cố gắng bắt tay với họ. Một số thành viên khác xem chiến lược hiện tại của Biden là nỗ lực để giành được tín nhiệm nhiều hơn từ công chúng Mỹ và dự đoán nó sẽ không kéo dài.
"Toàn bộ thông điệp của Biden là điều tôi không thích, nhưng tôi nghĩ mình hiểu tính toán chính trị ở đây là luôn tìm kiếm hợp tác như một phần 'sứ mệnh hàn gắn nước Mỹ' của ông ấy", Adam Jentleson, cựu phó chánh văn phòng của Harry M. Reid, nói. "Sẽ tốt hơn khi để đảng Cộng hòa là những người nổ súng trước và phá vỡ bất kỳ hình thức ngừng bắn nào có thể tồn tại".
Ông Trump thích điều gì nhất khi làm Tổng thống Mỹ? Trong khi ông Trump sắp phải rời Nhà Trắng, nhiều người đang tự hỏi trong suốt 4 năm qua, điều gì khiến một tỷ phú Mỹ thích thú nhất khi trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới. Ông Trump đang cố gắng níu kéo quyền lực và sự nổi tiếng khi còn làm Tổng thống, theo New York Times...