Italy: Người có ‘Thẻ xanh’ mới được sử dụng các phương tiện giao thông đường dài
Ngày 5/8, Chính phủ Italy đã mở rộng yêu cầu Thẻ xanh cho tất cả giáo viên, sinh viên đại học và những người sử dụng các phương tiện giao thông đường dài từ ngày 1/9.
Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi thăm quan quảng trường San Marco tại Venice, Italy ngày 24/2/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại cuộc họp báo tối 5/8, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông Italy Enrico Giovannini nêu rõ kể từ ngày 1/9, chỉ những người có “Thẻ xanh” mới được sử dụng các phương tiện giao thông đường dài như hàng không, đường sắt, xe buýt, tàu thủy và phà trên các tuyến liên vùng, trừ Eo biển Messina. Lệnh này tạm thời được áp dụng đến ngày 31/12, khi tình trạng khẩn cấp COVID-19 dự kiến hết hạn.
Trong khi đó, các giáo viên sẽ không được phép đến lớp học nếu không có “Thẻ xanh” và sau 5 ngày vắng mặt, họ sẽ không còn được trả lương. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhấn mạnh rằng “lựa chọn của chính phủ là đầu tư vào thẻ xanh càng nhiều càng tốt để tránh đóng cửa và bảo vệ tự do”.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Italy, ngày 5/8, nước này có 7.230 ca nhiễm mới, so với 6,596 ca trong ngày 4/8, trong khi số người tử vong vì COVID-19 tăng lên 27, so với 21 người ngày 4/8.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy, ngày 21/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
“Thẻ xanh” tại Italy được cấp những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 được thực hiện trong 48 giờ trước đó, và có hiệu lực 6 tháng với các trường hợp phục hồi sau điều trị COVID-19.
Trước đó, ngày 22/7, Chính phủ Italy đã ra một sắc lệnh quy định kể từ ngày 6/8, người dân bắt buộc phải có “Thẻ xanh” để tiếp cận các dịch vụ và hoạt động không thiết yếu như: ngồi ăn uống trong không gian kín, nhà hàng, quán bar, các sự kiện thể thao, các buổi biểu diễn, bảo tàng, sự kiện văn hóa và triển lãm, bể bơi, phòng tập gym, trung tâm chăm sóc sức khỏe, rạp chiếu phim.
Tính đến ngày 4/8, khoảng 65% người dân Italy đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19, trong đó 54% đã được tiêm đủ liều, bằng mức của hầu hết các nước châu Âu.
EU vượt Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine
Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các số liệu chính thức, khoảng 50% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lampedusa, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, gần 224 triệu người tại 27 quốc gia thành viên EU đã được tiêm chủng, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu với 58,3% dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Italy (54,4%), Pháp (52,9%) và Đức (52,2%). Cũng theo thống kê của AFP, đã có 59,3% dân số EU đã được tiêm 1 mũi vaccine, trong khi con số này tại Mỹ là 57,8%.
Các con số này đồng nghĩa châu Âu đã vượt qua Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng. Hiện tại Mỹ mới có khoảng 49,7% dân số được tiêm chủng đủ liều song chiến dịch tiêm chủng đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở các bang miền Nam và Trung Tây. Nước này đã đạt được mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% người trưởng thành vào ngày 2/8 trong bối cảnh làn sóng các ca mắc mới khiến số bệnh nhân phải nhập viện tăng vọt lên mức ghi nhận vào mùa hè năm ngoái.
Mỹ cũng đang tụt hậu so với nước láng giềng phía Bắc là Canada, quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng muộn hơn nhưng hiện đã có 59% dân số được tiêm đủ liều.
Lý do châu Âu bất ngờ vượt Mỹ trong tiêm vaccine COVID-19 dù khởi đầu chậm Mới chỉ vài tháng trước đây, chiến dịch tiêm chủng tại Liên minh châu Âu (EU) rối như tơ vò, nhưng đó chỉ là khó khăn tạm thời và chủ yếu liên quan nguồn cung vaccine. EU nhanh chóng vượt Mỹ về tiêm vaccine. Một điểm tiêm vaccine gần thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: NYT Đầu tháng 4, lo sợ và giận giữ...