Italy muốn Liên minh châu Âu ‘linh hoạt’ trong kế hoạch ngân sách
Liên minh châu Âu (EU) phải thể hiện sự linh hoạt hơn đối với kế hoạch ngân sách của Italy do nước này sẽ phải chi nhiều tiền nhằm khắc phục hậu quả loạt thiên tai mới đây cũng như vụ sập cầu tại Genoa hồi tháng 8 vừa qua.
(Nguồn: Daily Express)
Đây là quan điểm của chính phủ theo chủ nghĩa dân túy tại Italy trong bối cảnh quốc gia Nam Âu và EU bất đồng sâu sắc liên quan đến kế hoạch ngân sách 2019.
Theo bản sao của bức thư gửi lãnh đạo EU đề ngày 13/11, Italy khẳng định sẽ không có sự thay đổi trong kế hoạch ngân sách của nước này. Thay vào đó, EU cần phải có sự linh hoạt trong những trường hợp ngoại lệ và chương trình ngân sách ngoại lệ.
Chính phủ Italy cho biết trong đợt bão và mưa lũ hồi đầu tháng này, chủ yếu tại khu vực Đông Bắc, cùng với nạn nhân thiệt mạng lên tới khoảng 30 người, thiệt hại vật chất cũng không hề nhỏ.
Ngoài ra, chính quyền Rome cũng đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ nước này sau vụ sập cầu tại thành phố Genoa, cướp đi sinh mạng của 43 người và gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong người dân.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Italy Giovanni Tria, trong 3 năm tới, chính phủ nước này phải bỏ ra khoản tiền tương đương 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm khắc phục những hậu quả nói trên.
Mới đây nhất, Chính phủ của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã quyết định dành 253 triệu euro (khoảng 288,4 triệu USD) để thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả do đợt mưa bão vừa qua.
Video đang HOT
Trong số này, khoảng 53,5 triệu euro sẽ được cấp ngay để tu bổ các hệ thống đường sá bị hư hỏng, và khoản tiền khoảng 200 triệu euro còn lại sẽ được giải ngân trong những ngày tới sau khi có các đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại của các địa phương.
Hồi tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác kế hoạch ngân sách của Italy và đặt thời hạn cho Rome đến ngày 13/11 phải đưa ra dự thảo ngân sách mới.
Tuy nhiên, Italy đã thể hiện lập trường cứng rắn khi tuyên bố không từ bỏ chương trình ngân sách vốn có mục tiêu vực dậy nền kinh tế.
Theo liên minh đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn, kế hoạch này được “thiết kế” nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và giảm thâm hụt ngân sách cũng như nợ công.
Theo kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2019 mà chính phủ liên hiệp Italy đệ trình nhưng đã bị EC bác bỏ, Italy sẽ không hạn chế chương trình chi tiêu khổng lồ được cho sẽ làm tăng thâm hụt trong năm tới lên 2,4% GDP, so với mức mục tiêu 1,8% trong năm nay và cao gần gấp 3 lần mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm.
Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết của chính phủ cánh tả tiền nhiệm về việc giữ mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2019 ở mức 0,8% GDP, nhằm cắt giảm mức nợ công đang ở con số 2.300 tỷ euro của Italy.
EC cũng cho rằng kế hoạch này rõ ràng vi phạm các quy tắc tài chính của EU và có khả còn làm tăng khoản nợ công rất cao của nước này.
EU dự báo thâm hụt ngân sách của Italy có thể lên tới mức 2,9% GDP trong năm 2019, và chạm ngưỡng 3,1% trong năm 2020, vượt mức trần 3% của liên minh.
Giới phân tích cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Âu đang leo thang sau khi Italy đệ trình kế hoạch ngân sách 2019.
Ông Lorenzo Codogno, chuyên gia kinh tế đồng thời là một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Italy, cho rằng Italy có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính khác nếu Rome không sửa đổi kế hoạch ngân sách 2019 của mình theo hướng ôn hòa hơn.
Các thị trường tài chính sắp tới có thể sẽ đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao hơn, và điều này không sớm thì muộn sẽ làm leo thang cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng đã phát đi những tín hiệu cảnh báo. Mới đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức triển vọng nợ chính phủ của Italy, cảnh báo chính sách tài khóa mới của Rome sẽ đe dọa năng lực của các ngân hàng cấp vốn cho hoạt động kinh tế Italy.
S&P cho rằng triển vọng tiêu cực phản ánh nguy cơ quyết định tăng nợ công trong tương lai của chính phủ nước này sẽ không chỉ làm cho tình hình ngân sách quốc gia thêm ảm đạm mà còn dập tắt những triển vọng hồi phục ngành sản xuất tư nhân vốn đã mong manh tại quốc gia này.
Việc S&P quyết định hạ triển vọng nợ chính phủ của Italy đồng nghĩa với khả năng mức xếp hạng nợ công của quốc gia này sẽ bị S&P đánh tụt trong vài tháng tới. Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã giảm mức xếp hạng tín dụng của quốc gia này./.
Theo vietnamplus.vn
Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm
Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm sau khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo về tốc độ tăng trưởng chậm lại, và thị trường Phố Wall cũng quay đầu sau cú bật nhẹ hậu bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thị trường Phố Wall đã kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11 trong hầu hết sắc đỏ khi các nhà đầu tư dường như mất phương hướng sau cuộc bầu cử.
Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư có thể thất vọng với cách giải thích của Ngân hàng Dự trữ trung ương Mỹ (Fed) về việc giữ nguyên lãi suất. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giao dịch cầm chừng đóng phiên ở mức 26.191,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 2.806,83 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 0,5% xuống 7.530,88 điểm.
Tại châu Âu, EU thông báo tăng trưởng tại khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ chậm lại trong năm 2019 và 2020, viện dẫn căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và không chắc chắn. Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo thâm hụt thương mại của Italy sẽ vỡ trong năm 2019, do chính phủ đặt kế hoạch tăng chi tiêu.
Các nhà phân tích tại Capital Economics đã gọi sự giảm sút tăng trưởng của Eurozone là "thất bại" lớn, mặc dù cho rằng tăng trưởng có thể tăng trở lại trong vài quý tới.
Các thị trường chủ chốt khác như Paris và Frankfurt đều trải qua phiên giảm điểm. Chỉ có thị trường London dường như khởi sắc hơn nhờ diễn biến về một thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi EU) giữa Anh và EU có thể sớm đạt được.
Tại thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ số FTSE 100 tại London giao dịch tốt hơn, đóng phiên với mức tăng 0,3% lên 7.140,68 điểm, nhờ những hy vọng rằng thỏa thuận Brexit sẽ sớm được thông báo.
Tuy nhiên, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,5% xuống 11.527,32 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris giảm nhẹ 0,1% xuống 5.131,45 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,3% xuống 3.237,60 điểm.
Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung dư thừa từ các quốc gia sản xuất dầu lớn trên thế giới cũng khiến giá "vàng đen" tụt dốc.
Giới phân tích cho rằng việc Washington cho phép bảy nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy và Hy Lạp, Đài Loan (Trung Quốc), vốn nhập khẩu tới hơn 80% dầu mỏ của Iran trong năm ngoái, được hưởng quyền miễn trừ đối với các biện pháp trừng phạt, đã làm giảm những lo ngại về sự biến động thị trường có thể xảy ra từ yếu tố này.
Tính từ thời điểm đạt đỉnh vào tháng 10/2018, giá dầu mỏ đã giảm 20%. Cùng với đó, tỷ giá đồng USD lại mạnh lên so với các ngoại tệ khác sau đợt bán tháo ngày 6/11 trước thời điểm bầu cử./.
Theo vietnamplus.vn
BoE giữ nguyên lãi suất cơ bản Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 0,75%. Sau cuộc họp chính sách thường kỳ Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) của BoE, các thành viên Ủy ban đều nhất trí duy trì lãi suất ở mức như hiện tại. Bên cạnh đó, BoE đưa ra dự báo kinh tế Anh sẽ...