Israel xây đường vành đai nối các khu định cư để nắm trọn Jerusalem?
Israel vừa khởi công xây dựng tuyến đường vành đai mới, nối tất cả các khu định cư quanh Jerusalem.
Chính quyền Palestine đã chỉ trích mạnh mẽ bước đi, coi đây như một rào cản mới đối với triển vọng về một Nhà nước Palestine trong tương lai, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Lấy tên nước Mỹ đặt cho tuyến đường mới, Chính phủ Israel mong muốn tạo sự kết nối giữa các khu định cư ở phía Bắc và phía Nam thành phố Jerusalem, tạo điều kiện cho hoạt động đi lại của cả người dân Israel và Palestine. Phần trung tâm và phía Nam đoạn đường đã được thực hiện, trong khi phần phía Bắc sẽ được đưa ra đấu thầu từ nay đến cuối năm. Tổng giá trị của dự án lên tới 250 triệu USD.
Video đang HOT
Theo Phó Thị trưởng Jerusalem Arieh King, tuyến đường mang tên nước Mỹ này không phải là nhằm kết nối các khu định cư, mà là tạo sự kết nối nhiều hơn nữa trong các hoạt động đời sống thường nhật, như học tập, du lịch hay thương mại. Mục tiêu là biến Jerusalem thành một đô thị lớn.
Chính quyền Palestine phản ứng khá gay gắt, cho rằng dự án chỉ nhằm hợp thức hóa các khu định cư trái phép và là một rào cản mới cho nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine trong tương lai, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Theo chuyên gia phân tích Rasem Obeidat, dự án trên thực tế đã cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa các khu vực sinh sống của người Palestine trong thành phố và nằm trong tham vọng của Israel chia cắt Đông Jerusalem với phần còn lại của Bờ Tây: “Dự án được tạo ra để phục vụ những người định cư Israel, chứ không phải là cư dân Palestine ở Jerusalem. Con đường Mỹ sẽ gây trở ngại cho triển vọng về một Nhà nước Palestine trong tương lai khi tách Đông Jerusalem ra khỏi Bờ Tây.”
Thông báo mới nhất này đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hơn nửa tháng nữa là tới thời điểm Israel khởi động kế hoạch sáp nhập Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem và giữa lúc Palestine đang gia tăng sức ép với Israel về nhiều mặt nhằm buộc nước này phải từ bỏ tham vọng.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel là rất khó thực hiện. Bất kỳ bước đi đơn phương nào của Israel đều không tránh khỏi những hậu quả về chính trị. Tất cả các nhà lãnh đạo Palestine đều cho rằng kế hoạch hòa bình thế kỷ của Mỹ, mà Israel vốn lấy ra làm cái cớ cho tham vọng “thôn tính” Bờ Tây, là không thể chấp nhận.
Nước này cũng đe dọa cắt đứt mọi quan hệ với Israel, đồng nghĩa với việc Israel sẽ phải tự mình xử lý bất kỳ nguy cơ xung đột nào bùng phát.
Trong trường hợp sáp nhập, Israel cũng phải đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế và sự lạnh nhạt của Ai Cập và Jordan, những quốc gia láng giềng Arab hiếm hoi duy trì quan hệ ngoại giao với nước này. Đây cũng là lý do khiến Israel phải thay đổi chiến thuật. Nước này dường như đang tính đến chuyện “nuốt trọn” Jerusalem trước để từ đó gây khó khăn hơn nữa cho kế hoạch thành lập Nhà nước của Palestine trong tương lai./.
Phong trào Hamas kêu gọi người dân Palestine đoàn kết chống lại kế hoạch sáp nhập của Israel
Ngày 15/6, phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza đã kêu gọi sự đoàn kết trong người dân Palestine trong việc kiên quyết phản đối kế hoạch sáp nhập khu vực Bờ Tây của Israel.
Khu định cư Do thái Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trao đổi với báo giới, ông Salah al-Bardawil, thành viên cấp cao của Hamas, nhấn mạnh cần thể hiện sự phản đối kế hoạch sáp nhập trên dưới mọi hình thức, và biến thách thức này thành cơ hội để đưa kế hoạch thành lập nhà nước độc lập của Palestine trở lại đúng hướng. Ông Bardawil cũng kêu gọi tiến hành cuộc họp giữa Hamas và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây từ đầu tháng 7 tới. Kế hoạch này đã lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine, Hamas và cộng đồng quốc tế. Chính quyền Palestine đã tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và PLO, gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel.
Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã giành quyền kiểm soát Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, cho tới thời điểm hiện tại. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó đã ra phán quyết khẳng định khu vực Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi khu vực Bờ Tây này là vùng "tranh chấp".
Trong số các chính sách gây tranh cãi nhất được chính quyền Tel Aviv thực thi như một phần trong kế hoạch chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đồng thời là một trong những vấn đề lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào ngõ cụt.
Palestine "gây sức ép tối đa" ngăn Israel thôn tính Bờ Tây Sau thông báo dừng hợp tác an ninh với Israel, Palestine tiếp tục chính sách "gây sức ép tối đa" nhằm buộc Israel từ bỏ tham vọng thôn tính lãnh thổ. Mục tiêu lớn nhất của Palestine là đưa vấn đề trở lại vị trí hàng đầu trong các chương trình nghị sự quốc tế, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang bao trùm...