Israel tổng tuyển cử, Thủ tướng Netanyahu đối mặt thách thức lớn
Các cử tri Israel hôm nay, 9/4 đã đồng loạt đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được mô tả là cạnh tranh gắt gao nhất trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Chủ tịch đảng Likud cánh hữu đang cố gắng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần này nhằm tiếp tục lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ thứ 5. Ông tuyên bố, việc Mỹ quyết định công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel là một trong những thành công ngoại giao to lớn của mình.
Theo chính trị gia này, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem cũng là nhờ công của ông.
Thủ tướng Netanyahu hy vọng sẽ thắng cử nhiệm kỳ thứ 5. Ảnh: Global Times
Tuy nhiên, ông Netanyahu đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng và thách thức lớn từ ứng cử viên đối lập Benny Gantz, một cựu lãnh đạo quân đội.
Ông Gantz, lãnh đạo liên minh Xanh và Trắng trung hữu đang đối đầu với ông Netanyahu về vấn đề an ninh. Ứng cử viên này cũng hứa hẹn tạo ra chính trường “sạch hơn” nếu đắc cử.
Video đang HOT
Trong khi đó, đảng Lao động Israel, đảng đã giúp đạt một thỏa thuận hòa bình mang tính đột phá với người Palestine hồi những năm 1990, đã mất đi sự ủng hộ của đông đảo cử tri Do Thái trong những năm gần đây.
Theo BBC, không có đảng phái chính trị nào từng giành được đa số ghế trong Quốc hội (Knesset) gồm 120 ghế của Israel. Vì vậy, nước này luôn phải thành lập chính phủ liên minh.
Các cử tri Israel đi bỏ phiếu ngày 9/4. Ảnh: Middle East Eye
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu sơ bộ bắt đầu được công bố vào lúc 22h theo giờ địa phương (23h theo giờ Việt Nam) ngày 9/4, các bên sẽ bắt đầu quá trình đàm phán nhằm thành lập một liên minh cầm quyền.
Các cuộc thăm dò dư luận ngay trước tổng tuyển cử hé lộ, hai đảng đối lập chính đang bám đuổi nhau rất sát và dự kiến đều giành được 30 ghế tại Quốc hội.
Trong hệ thống đảng phái bị phân mảnh của Israel, lợi thế vẫn thuộc về Thủ tướng Netanyahu. Ông được tin nhiều khả năng sẽ giành quyền đứng ra thành lập một chính phủ liên minh mới của nước này.
Tuấn Anh
Theo Vietnamnet
Các nước Arab không thống nhất việc đưa ra một nghị quyết về Cao nguyên Golan
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, các nước Arab đã nhóm họp tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 8/4 để thảo luận về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, nhưng đã không đạt được nhất trí về việc đưa ra một nghị quyết LHQ lên án động thái này của Mỹ.
Ngoại trưởng Tunisia Khemaies Jhinaoui cho rằng vào thời điểm này "không cần" thúc ép hành động thêm nữa để khẳng định lại các nghị quyết của LHQ kêu gọi Israel rút khỏi Cao nguyên Golan.
Theo ông Jhinaoui, Nghị quyết số 497 của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã khẳng định việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan không có giá trị pháp lý. Nghị quyết này đã nêu rõ đây là vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng và phải được giải phóng.
Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ ở New York, Mỹ, ngày 26/3/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Đại sứ của Liên đoàn Arab (AL) Maged Abdelaziz cho biết động thái trên của Mỹ sẽ được thảo luận tại hội nghị giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với ngoại trưởng các nước Arab tại Moskva vào tuần tới. Tại hội nghị thượng đỉnh AL tổ chức ở Tunis vào tháng trước, các nhà lãnh đạo Arab đã lên án quyết định của Tổng thống Trump, coi đây là động thái vi phạm luật pháp quốc tế.
Cũng trong ngày 8/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố quyết định của Mỹ công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel là vi phạm các nghị quyết HĐBA LHQ. Ba nước ủy viên thường trực còn lại trong HĐBA gồm Anh, Pháp và Trung Quốc trước đó cùng nhất trí tiếp tục coi Cao nguyên Golan là vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.
Tuyên bố về quy chế của Cao nguyên Golan được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong bối cảnh Washington chuẩn bị công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông, dự kiến sau khi Israel tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày 9/4.
Động thái này của ông Trump được cho là tạo "cú hích" cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong chiến dịch vận động tranh cử tái nhiệm. Sau động thái gây tranh cãi coi Jerusalem là thủ đô của Israel hồi năm 2017, quyết định của Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan một lần nữa đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ trong vấn đề Trung Đông.
Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vùng lãnh thổ này năm 1981 trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Thủ tướng Netanyahu đã hối thúc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng lãnh thổ này và đã đề cập vấn đề này tại cuộc gặp đầu tiên của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017.
Đình Viễn - Thanh Phương (TTXVN)
Theo Tintuc
Tổng tuyển cử Israel: Phép thử với Thủ tướng Netanyahu An ninh Israel được tăng cường với mức cao nhất và các cửa khẩu biên giới với dải Gaza và khu vực Bờ Tây đóng cửa 24 giờ trong hai ngày 8 và 9-4. Cuộc bầu cử tại Israel ngày 9-4 được đánh giá là phép thử đối với đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu với các chính sách ngày càng cứng rắn....