Israel tiêm vaccine mũi 4 cho nhóm dễ tổn thương trên 18 tuổi
Israel ngày 26/1 thông báo nước này sẽ triển khai tiêm chủng mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi, trong nỗ lực đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Israel Nachman Ash cho biết trong giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng tại nước này, đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4 là người trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông Nachman Ash dẫn một nghiên cứu cho thấy mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer có khả năng tăng gấp 3 đến 5 lần lượng kháng thể chống virus SARS-CoV-2 ở người được tiêm, so với người tiêm 3 mũi.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế Israel, hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi 4.
Video đang HOT
Israel là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19. Từ mùa Hè năm ngoái, nước này đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường và phê duyệt tiêm mũi thứ 4 cho người cao tuổi và người có nguy cơ cao. Trong vài ngày gần đây, Israel liên tục chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt do sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Quốc hội Israel (Knesset) thông báo ngày 25/1 đã thông qua một đạo luật nhằm giảm bớt quyền hạn của chính phủ trong ban hành các quy định về hạn chế hoạt động xã hội liên quan đến dịch bệnh.
Theo đạo luật mới, chính phủ sẽ chỉ được ban bố “tình trạng khẩn cấp y tế” hoặc “tình huống y tế đặc biệt” với điều kiện trong 7 ngày phải được sự thông qua của Ủy ban hiến pháp hoặc toàn thể Knesset, nếu không, các quyết định này sẽ tự động mất hiệu lực. Tình huống y tế đặc biệt chỉ được công bố khi xã hội đứng trước một nguy cơ thực sự về dịch bệnh, và phải được toàn thể thành viên nội các thông qua. Tình trạng khẩn cấp chỉ được ban bố khi dịch bệnh đã lây lan đến một mức độ nghiêm trọng nhất định, đồng thời phải có ý kiến từ Bộ trưởng Y tế và các chuyên gia của Bộ Y tế về việc này. Các quyết định về phong tỏa xã hội, yêu cầu học sinh chuyển sang học trực tuyến hoặc hạn chế người dân xuất nhập cảnh sẽ chỉ được thực hiện trong điều kiện “tình trạng khẩn cấp”.
Ngoài ra, đạo luật cũng giới hạn thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp tối đa 45 ngày và thời gian áp dụng tình huống y tế đặc biệt tối đa 90 ngày. Như vậy, ngay sau khi đạo luật mới có hiệu lực kể từ tháng 2 tới, “tình trạng khẩn cấp” được Chính phủ Israel công bố từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 sẽ tự động hết hiệu lực.
Đạo luật mới cũng yêu cầu không áp dụng quy định về kiểm tra chứng nhận tiêm chủng và miễn dịch tại các điểm cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Israel phát miễn phí hàng chục triệu kít xét nghiệm COVID-19 cho người dân
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 18/1, Văn phòng báo chí Phủ Thủ tướng Israel thông báo nước này chuẩn bị phân phát khoảng 25-30 triệu kít xét nghiệm COVID-19 cho người dân.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Tel Aviv, Israel ngày 19/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước làn sóng lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến các trung tâm xét nghiệm bị quá tải, Chính phủ Israel đã lên kế hoạch phát miễn phí kít xét nghiệm cho người dân nhằm sớm phát hiện những ca mắc COVID-19 trong cộng đồng để vừa bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vừa đảm bảo các hoạt động kinh tế bình thường.
Theo đó, kế hoạch sẽ thông qua Bộ Y tế, Giáo dục, An sinh Xã hội, Quốc phòng, viện lão khoa, trung tâm dưỡng lão... nhằm phân phát các kít xét nghiệm tới người dân với mục tiêu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể huy động Cơ quan Khẩn cấp quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Kinh tế và Công nghiệp tham gia phân phát kít xét nghiệm để đảm bảo tiến độ. Do cần có sự chuẩn bị về hậu cần vận tải nên việc phân phối sẽ bắt đầu từ tuần tới, tuy nhiên ngày cụ thể vẫn chưa được ấn định.
Dự kiến trong giai đoạn 1, mỗi học sinh dưới 18 tuổi sẽ được phát 6 kít xét nghiệm để sử dụng trong 2 tuần. Sau đó, chính quyền sẽ cân nhắc khả năng phân phát tiếp trong giai đoạn 2 nếu cần thiết. Các bệnh viện lão khoa và nhà dưỡng lão sẽ được phân phối tổng cộng 2,5 triệu kít xét nghiệm cho nhân viên và người cần điều dưỡng theo chỉ dẫn của Bộ Y tế. Trong khi đó, mỗi hộ gia đình theo diện hưởng chế độ an sinh xã hội (khoảng 450.000 hộ) sẽ được nhận 20 kít xét nghiệm. Khoảng 25.000 người cao tuổi đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ thuộc Bộ An sinh Xã hội, mỗi người sẽ được phát 3 kít xét nghiệm mỗi tuần trong vòng 3 tuần. Riêng đối tượng sinh viên, Chính phủ vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày, Thủ tướng Naftali Bennett nhấn mạnh việc phân phối kít xét nghiệm dựa trên cân nhắc từ tình hình thực tế và sẽ có sự khác nhau giữa các nhóm dân cư.
Thủ tướng Bennett nêu rõ: "Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ người dân trong làn sóng lây lan biến thể Omicron. Chúng tôi đã quyết định phát miễn phí các kít xét nghiệm cho người dân. Trước đó hôm 17/1 chúng tôi đã rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 5 ngày nhằm duy trì nền kinh tế hoạt động bình thường và cùng nhau vượt qua làn sóng lây lan tồi tệ nhất".
Ông Bennett cũng cam kết cung cấp mọi công cụ cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của từng người dân Israel đồng thời đảm bảo nền kinh tế, giáo dục và nhịp sống thường nhật của người dân tiếp không bị gián đoạn trong giai đoạn dịch bệnh. Nhà lãnh đạo nêu rõ: "Chính phủ tiếp tục mua thêm vaccine và thuốc để điều trị miễn phí cho người dân... Chính phủ tiếp tục thực hiện xét nghiệm trên diện rộng nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh. Song song với việc vận hành các trạm xét nghiệm trên toàn quốc, chính quyền sẽ nỗ lực phân phát hàng triệu kít xét nghiệm miễn phí cho người dân". Ông Bennett kêu gọi người dân sử dụng các kít xét nghiệm này nhằm bảo vệ bản thân và những người khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Liberman khẳng định: "Việc phát bộ xét nghiệm cho người dân, nhất là những người yếu thế, cùng với việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm âm tính, là chính sách quan trọng cho phép chúng ta sống chung với dịch bệnh... Chúng ta sẽ vượt qua làn sóng thứ 5 bằng việc tập trung hỗ trợ và thể hiện trách nhiệm đối với những lĩnh vực đã bị tổn thương bởi dịch bệnh".
COVID-19 thế giới 18-1: Liều vắc xin thứ tư - kháng thể tăng cao nhưng vẫn nhiễm Theo một nghiên cứu sơ bộ ở Israel, mũi vắc xin COVID-19 thứ tư dù tăng cường kháng thể lên mức cao hơn so với lần tiêm thứ ba, nó không đủ khả năng để ngăn bị nhiễm biến thể Omicron của virus gây SARS-CoV-2. Người đàn ông trong hình được tiêm liều vắc xin phòng bệnh COVID-19 thứ tư sau khi Israel...