Israel – Iran bớt căng thẳng: Thế giới thở phào trong lo lắng
Ngày 19/4, khi truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về vụ tấn công vào lãnh thổ Iran, cả thế giới “rùng mình”.
Phải chăng, chiến tranh khu vực đã bắt đầu?
Vụ nổ ở Isfahan
4h45 sáng (1h45 giờ GMT) ngày 19/4, với một dòng tweet ngắn trên mạng xã hội X: “Chúng tôi nghe thấy tiếng súng”, một phóng viên của hãng thông tấn Tasnim tại Iran đã xác nhận về một cuộc tấn công vào quốc gia này từ thực địa. Đó là tại thành phố Isfahan, một địa điểm vô cùng quan trọng của Iran.
Sau đó, truyền thông nhà nước Iran thông báo, các lực lượng phòng vệ của họ đã bắn các loạt pháo phòng không và hạ 3 máy bay không người lái nhỏ ở thành phố miền Trung Isfahan. Thông tin này được đưa ra vài giờ sau khi truyền thông Mỹ đưa tin tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm của Iran. Hãng thông tấn Fars của Iran cho biết “3 vụ nổ” đã được nghe thấy gần Qahjavarestan thuộc Isfahan, một thành phố nằm ở trung tâm Iran, là nơi đặt cơ sở chuyển đổi uranium của nước này. Đây là một trong những địa điểm quan trọng nhất của Cộng hòa Hồi giáo Iran cho chương trình hạt nhân của mình.
Nội các chiến tranh của Israel họp liên tục sau vụ đáp trả của Iran.
Truyền thông Iran thông báo: các chuyến bay bị đình chỉ ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả thủ đô Tehran và Isfahan. Nhưng, khoảng 4 giờ sau vụ tấn công các chuyến bay được tiếp tục. Không có thông tin chính thức nào về vụ nổ liên quan tới Israel từ cả hai phía.
Cùng thời điểm đó, các vụ nổ khác diễn ra ở Syria và Iraq. Theo hãng tin AP, khu vực Syria bị nhắm mục tiêu nằm ngay phía Tây Isfahan nơi có các căn cứ quân sự. Hãng thông tấn SANA của nhà nước Syria thì khẳng định: “Kẻ thù Israel đã tiến hành một cuộc xâm lược bằng tên lửa” và “sự gây hấn đã dẫn đến thiệt hại về vật chất”. Đây là thông tin chính thức duy nhất xác nhận có một cuộc tấn công của Israel bên ngoài lãnh thổ và nó không phải là ở Iran.
Giai đoạn căng thẳng
Video đang HOT
Bờ vực của chiến tranh toàn diện do những diễn biến căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran thời gian gần đây thực sự đáng lo lắng. Ngày 1/4/2024, tòa Lãnh sự quán Iran nằm ở quận Mezzeh, thành phố Damascus, Syria đã bị không kích bằng khoảng 6 tên lửa bắn từ Israel. Vụ việc này đã khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Trong số những người thiệt mạng có tướng Mohammad Reza Zahedi, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng 6 sĩ quan khác. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian đã nói Israel “vi phạm tất cả các điều ước quốc tế”. Về nguyên tắc, lãnh sự quán ngoài là vùng đất có chủ quyền của nước đó, việc Israel tấn công cơ quan này tương đương với việc tấn công vào lãnh thổ Iran và một cường quốc quân sự như Iran sẽ không thể bỏ qua sự xâm phạm này.
Ngày 13/4, phía Iran đã có hành động đáp trả nhằm vào Israel bằng chiến dịch tập kích đường không với tên gọi “Lời hứa đích thực” (nhắc tới lời hứa sẽ trả thù từ lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei) kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. Iran đã huy động hàng trăm tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái cảm tử và tên lửa hành trình tấn công vào lãnh thổ Israel. Đây là lần đầu tiên Iran trực tiếp tấn công Israel từ nội địa, đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý trong xung đột dai dẳng giữa hai bên. Cả thế giới lo lắng khi cuộc đối đầu giữa hai bên đang diễn ra trực tiếp.
Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei luôn tỏ ra cứng rắn với Israel nhưng lần này lại lảng tránh vấn đề.
Theo tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), 99% số tên lửa và máy bay không người lái của Iran đã bị đánh chặn bởi lực lượng phòng không của nước này phối hợp với các nước đồng minh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo rằng quân đội Mỹ đã đánh chặn một vài tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel. Ngoài ra Anh, Pháp và Jordan cũng đã giúp Israel đánh chặn các tên lửa và máy bay không người lái trong vụ tấn công này. Phía Israel phản ứng dữ dội trước cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran. Nội các Chiến tranh Israel đã họp liên tiếp kể từ khi vụ tấn công diễn ra dù chưa công khai quyết định cuối cùng về cách thức cũng như thời điểm đáp trả.
Tuy nhiên, như cựu Tư lệnh Tối cao của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tướng Wesley Clark khẳng định: “Sẽ rất ngạc nhiên nếu Israel không trả đũa các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran”. Một vụ đáp trả từ phía Israel là không thể tránh khỏi. Đó cũng chính là điều khiến thế giới cảm thấy lo lắng bởi nó sẽ kéo theo sự đáp trả “tương xứng” tiếp theo từ Iran. Khi đó, một cuộc xung đột diện rộng tại Trung Đông giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu là khó tránh khỏi.
Thảm họa chiến tranh
Cuộc tấn công qua lại giữa hai bên làm tình hình khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết – vốn đã bất ổn kể từ sau khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ vào tháng 10/2023. Là hai quốc gia thù địch lâu nay lại sẵn có lực lượng quân sự hùng hậu, xung đột nếu bùng nổ sẽ rất thảm khốc. Sự sợ hãi càng lớn khi đây là lần đầu tiên hai nước có giao tranh trực tiếp.
Ở bình diện khu vực, có thể nhận định những diễn biến căng thẳng giữa Israel và Iran càng làm cho quá trình thúc đẩy hòa bình và viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza khó khăn hơn. Trước khi cuộc tấn công diễn ra, ngày 13/4, đại diện lực lượng Hamas đã từ chối yêu cầu thực hiện lệnh ngừng bắn quốc tế do Ai Cập và Qatar đề xuất. Mặt khác, cuộc tập kích của Iran nhằm vào Israel đã đẩy sự chú ý của dư luận quốc tế tạm xa khỏi vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
Diễn biến căng thẳng giữa Iran và Israel có nguy cơ châm ngòi các cuộc xung đột nhỏ lẻ trong khu vực. Iran và Israel có những “đồng minh” của riêng mình. Các lực lượng như Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen luôn coi Israel là thù địch. Trong khi đó, với việc công khai đánh chặn vũ khí của Iran, Jordan cũng có thể trở thành “đối tượng bị theo dõi”. Các căn cứ của Mỹ, Anh và Pháp trong khu vực cũng phải luôn trong tư thế sẵn sàng đề phòng. Nguy cơ bùng nổ thành xung đột khu vực là rất lớn.
Về mặt kinh tế, vị trí trung tâm chiến lược nhạy cảm của Trung Đông khiến cho bất cứ động thái nhỏ nhất nào cũng ảnh hưởng tới giá cả nhiều mặt hàng toàn cầu. Việc Iran tập kích Israel đã khiến giá dầu Brent tăng 2,7%, lên mức 92 USD/thùng – mức cao nhất nửa năm qua ở phiên đóng cửa cuối tuần. Giá dầu giảm mạnh sau đó khi Israel chưa thể hiện động thái đáp trả còn Mỹ thì “khuyên” Israel từ bỏ lựa chọn này. Nhưng, ngay sau khi có tin về vụ tấn công sáng ngày 19/4, giá dầu đã quay đầu tăng trở lại.
Vệ binh hồi giáo Iran là lực lượng tinh nhuệ hàng đầu khu vực Trung Đông.
Các cuộc tấn công qua lại đã mở ra khả năng chuỗi cung ứng dầu toàn cầu bị gián đoạn. Eo biển Hormuz, tuyến đường thủy ở phía Nam Iran là nơi trung chuyển của hơn 1/4 lượng dầu nhập khẩu toàn thế giới. Giá dầu có khả năng tăng đột biến tới 100 USD/thùng nếu những màn đáp trả vẫn tiếp diễn. Không chỉ giá dầu, vàng cũng đã tăng đột biến phá những đỉnh mới trong vài tuần qua cho thấy lo ngại của các nhà đầu tư với diễn biến khu vực. Chỉ mới là nguy cơ chiến tranh cũng đã đủ khiến thị trường rúng động.
Kiềm chế đúng lúc
Những màn đáp trả qua lại giữa hai cường quốc quân sự là điều luôn khiến tất cả lo lắng bởi nó hoàn toàn có thể dẫn đến xung đột toàn diện nếu như các bên không biết kiềm chế hoặc có những tính toán sai lầm. Rất may, sự kiềm chế là điều mà chúng ta đang cảm nhận được.
Israel cho đến lúc này không nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Isfahan như mọi lần dù ai cũng cảm nhận được có bàn tay của họ. Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối bình luận về vụ tấn công. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel, ông Ben Gvir còn bị chỉ trích “gây tổn hại chiến lược quốc gia”, sau khi ám chỉ Tel Aviv đã tập kích Iran trên mạng xã hội.
Đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ cũng tỏ ra rất cẩn trọng. Thông tin “Israel tấn công Iran” được khẳng định là do truyền thông Mỹ dẫn lời quan chức giấu tên, còn Chính phủ Mỹ không chính thức thừa nhận. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ tuyên bố vẫn duy trì cam kết bảo đảm an ninh với Tel Aviv, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ không tham gia vào bất cứ chiến dịch tiến công nào do Israel phát động.
Vụ tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus khởi đầu cho chuỗi căng thẳng giữa hai bên.
Truyền thông nhà nước Iran thì dẫn phân tích từ chuyên gia nước này nhận định vụ tấn công “có thể do lực lượng trà trộn trong nước”, không phải tên lửa hay UAV tầm xa phóng từ Israel. IRGC thì tuyên bố không có thiệt hại dưới mặt đất, đồng thời khẳng định nước này không có kế hoạch trả đũa Israel sau sự việc. Cuối cùng, chính Đại Giáo chủ Ali Khamenei hôm 20/4 lại quay sang ca ngợi IRGC vì “thành công trong các sự kiện gần đây” chứ không đả động gì tới những vụ nổ ở Isfahan. Các bên dường như đang muốn “lờ đi” vụ việc để tránh leo thang căng thẳng gây khó khăn cho chính mình.
Trong thời gian sắp tới, quan hệ giữa Israel và Iran vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng. Xung đột giữa hai nước đã, đang và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tới tình hình khu vực và thế giới. Dù sẽ không trực tiếp giao tranh như giai đoạn vừa qua nhưng thông qua những lực lượng ủy nhiệm, xung đột nhiều khả năng vẫn tiếp diễn. Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể tạm “thở phào” vì ít nhất một cuộc đối đầu trực diện đã tạm lắng xuống
Iran, Pakistan kêu gọi LHQ có hành động đối với Israel
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 24/4, Iran và Pakistan đã ra tuyên bố chung, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có hành động đối với Israel khi cáo buộc Israel đã tấn công các nước láng giềng và cơ sở ngoại giao nước ngoài một cách bất hợp pháp.
Khói bốc lên sau một cuộc tấn công của Israel tại khu vực Yarine, Liban, ngày 17/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố chung nhấn mạnh trên cơ sở nhận thấy đây là hành vi gây ra sự leo thang lớn trong khu vực vốn bất ổn, hai nước kêu gọi HĐBA LHQ ngăn ngừa các hành động tương tự của Israel trong khu vực.
Động thái trên diễn ra sau chuyến thăm Pakistan kéo dài 3 ngày của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Trong chuyến thăm Pakistan, Tổng thống Iran cũng cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công tiếp theo nào của Israel nhằm vào Iran cũng có thể thay đổi tình hình khu vực.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi cuộc điều tra độc lập sau khi phát hiện những ngôi mộ tập thể tại hai bệnh viện ở Dải Gaza vốn bị phá hủy trong cuộc xung đột Hamas - Israel. Theo người phát ngôn EU Peter Stano, EU kêu gọi cuộc điều tra do lo ngại có hành vi vi phạm nhân quyền quốc tế.
Cũng trong ngày 24/4, truyền thông Israel cho biết nước này đã sẵn sàng triển khai quân đến Rafah, thành phố ở Dải Gaza mà Israel coi là thành trì cuối cùng của phong trào Hồi giáo Hamas. Theo nguồn tin này, Israel cũng đang chuẩn bị công tác sơ tán dân thường Palestine phải di tản vì xung đột đang trú ẩn ở Rafah. Báo Hayom của Israel dẫn thông báo của Chính phủ Israel cho biết cuộc tấn công của Israel nhằm vào Rafah vốn bị hoãn lại vài tuần sẽ sớm diễn ra. Một số phương tiện truyền thông khác của Israel cũng đưa tin tương tự.
Trong khi đó, các nguồn tin Chính phủ Israel cho biết nước này đã mua hàng chục nghìn lều bạt cho người dân Palestine dự định sơ tán khỏi Rafah trong những tuần tới trước khi Israel tấn công vào thành phố này. Theo các nguồn tin này, sau nhiều tuần thảo luận với Mỹ về các biện pháp bảo vệ dân thường, Bộ Quốc phòng Israel đã mua 40.000 lều, mỗi lều có sức chứa từ 10 - 12 người, dành cho người Palestine sơ tán khỏi Rafah. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Israel chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Giáp ranh với Ai Cập, dân số ở Rafah đã tăng lên do trên 1 triệu người Palestine sơ tán đến từ các khu vực khác của Dải Gaza trong cuộc xung đột kéo dài hơn 6 tháng qua. Số phận của người dân tại đây đang khiến các nước phương Tây, cũng như Ai Cập lo ngại. Dưới áp lực về vấn đề nhân đạo, Israel đã cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ dân thường ở Rafah.
Vai trò của các quốc gia vùng Vịnh trong căng thẳng Israel - Iran: Giữa phòng ngừa rủi ro và bình thường hóa Cả Saudi Arabia và UAE đều là trung gian để truyền tải thông điệp giữa Iran với Mỹ và Israel, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" dẫn đến leo thang thành một cuộc chiến toàn diện ở khu vực Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ 2, trái) và các Ngoại trưởng Hội đồng Hợp tác vùng...