Israel đóng cửa văn phòng hãng truyền hình Al Jazeera tại Bờ Tây
Đài truyền hình Al Jazeera có trụ sở ở Qatar cho biết lực lượng Israel đã đột kích vào văn phòng của họ tại Ramallah ở Bờ Tây bị chiếm đóng ngày 22/9 và ban hành lệnh đóng cửa trong 45 ngày.
Văn phòng của Al Jazeera ở Ramallah cũng đã bị đóng cửa hồi tháng 5/2024. Ảnh: Zain Jaafar/AFP
Al Jazeera trích dẫn cuộc trò chuyện được phát trực tiếp giữa nhà báo Walid al-Omari và một người lính Israel, trong đó người lính Israel thông báo “Có phán quyết của tòa án về việc đóng cửa Al Jazeera trong 45 ngày”.
Hồi tháng 5 vừa qua, Israel cũng đã đóng cửa các hoạt động và tịch thu một số thiết bị của đài truyền hình Al Jazeera ở nước này. Phía Israel thông báo đã chặn các chương trình phát sóng trên cáp và vệ tinh, cũng như trang web của Al Jazeera.
Việc đóng cửa diễn ra sau khi Israel thông qua một đạo luật cho phép chính phủ cấm cửa các mạng lưới nước ngoài được coi là gây ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Đài Al Jazeera có trụ sở ở Qatar và có văn phòng ở Jerusalem, Bờ Tây và Gaza. Kể từ xung đột Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, đài này đã trở thành một trong những đơn vị tích cực đưa tin về các hoạt động quân sự của Israel và ảnh hưởng của cuộc chiến với tình hình nhân đạo trên Dải Gaza.
Lý do Israel phát động cuộc chiến lớn nhất ở Bờ Tây trong hơn 20 năm
Sau khi không thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas tại Gaza, vào ngày 28/8, Israel đã bắt đầu một cuộc chiến ở Bờ Tây, được gọi là "Chiến dịch Trại Hè".
Tòa nhà bị phá hủy trong chiến dịch quân sự của quân đội Israel tại trại tị nạn Far'a, phía Bắc Bờ Tây, ngày 29/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Israel tại Bờ Tây kể từ năm 2002. Hàng ngàn binh sĩ Israel, được trực thăng và thiết bị bay không người lái hỗ trợ, đã tiến vào các thành phố phía Bắc Bờ Tây, đặc biệt nhắm vào các trại tị nạn Jenin, Tubas và Tulkarem.
Cùng ngày, tổ chức phi lợi nhuận Giá sát Nhân quyền Euro-Med đã báo cáo: "Ngay sau khi tiến vào Bờ Tây, quân đội Israel đã bắt đầu bao vây các bệnh viện, xe cứu thương và trung tâm cấp cứu... như đã thực hiện tại Dải Gaza".
Theo tổ chức này, cùng với cuộc tấn công, các chiến dịch đột kích và bắt giữ đã diễn ra ở hầu hết các thành phố của Bờ Tây. Kể từ tháng 10/2023, 660 người Palestine tại Bờ Tây đã thiệt mạng do các cuộc tấn công có hệ thống và quy mô lớn của quân đội Israel.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), từ ngày 27/8 đến ngày 2/9, các lực lượng Israel đã giết chết 30 người Palestine tại Bờ Tây. Đây là con số tử vong hàng tuần cao nhất kể từ tháng 11/2023. Tính đến ngày 6/9, con số này đã tăng lên 39 người Palestine thiệt mạng.
Ngoài ra, OCHA báo cáo rằng từ ngày 7/10/2023 đến ngày 2/9/2024, 652 người Palestine đã thiệt mạng ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem.
Theo OCHA, trong cùng khoảng thời gian đó, cũng đã có khoảng 1.300 cuộc tấn công do những người định cư Israel gây ra nhằm vào người Palestine, trong đó hơn 120 vụ đã dẫn đến cái chết và thương tích cho người Palestine.
Israel muốn xóa Bờ Tây khỏi bản đồ?
Căn nhà bị phá hủy trong chiến dịch quân sự của lực lượng Israel tại trại tị nạn Nur Shams, phía Đông thành phố Tulkarm, Bờ Tây ngày 30/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Vào buổi sáng khi Israel bắt đầu chiến dịch bắn phá và yêu cầu dân sơ tán tương tự như ở Gaza, ông Israel Katz, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, cho biết: "Chúng ta phải đối phó với mối đe dọa ở đây giống như cách chúng ta đối phó với cơ sở hạ tầng của Hamas ở Gaza, trong đó có cả việc sơ tán tạm thời cư dân Palestine và thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết. Đây là một cuộc chiến toàn diện và chúng ta phải chiến thắng".
Ngày 4/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố quân đội nên sử dụng toàn bộ sức mạnh để tấn công các tay súng Palestine ở Bờ Tây. Ông Yoav Gallant nêu rõ: "Trước sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa khủng bố, chúng ta đang tiêu diệt các tổ chức khủng bố trên khắp Bờ Tây. Những tổ chức khủng bố này có nhiều tên gọi khác nhau, dù là Nur al-Shams, Tulkarem, Faraa hay Jenin, đều phải bị xóa sổ. Không còn lựa chọn nào khác, hãy sử dụng toàn bộ lực lượng, với toàn bộ sức mạnh".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng cho biết đã ra lệnh cho quân đội thực hiện các cuộc không kích "bất cứ khi nào cần thiết" để tránh gây nguy hiểm cho binh lính.
Sau đó, Thủ tướng ông Netanyahu đã xuất hiện trong một cuộc họp báo và chỉ vào bản đồ mà khu vực Bờ Tây đã bị xóa.
Trong báo cáo, tổ chức Giám sát Nhân quyền Euro-med trích dẫn tờ báo Israel Yedioth Ahronoth, viết rằng: "Theo các trung tâm chiến đấu, sẽ có một cuộc sơ tán có tổ chức của dân thường Palestine".
Euro-med cho rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Israel có ý định lặp lại ở Bờ Tây những gì đã làm ở Gaza.
Theo Báo cáo viên Đặc biệt của Liên hợp quốc, bà Francesca Albanese vào ngày 2/9, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không một người Palestine nào được an toàn dưới sự kiểm soát không bị kiềm chế của Israel.
Hỏa hoạn bùng phát tại một khu chợ sau cuộc đụng độ giữa quân đội Israel và người dân Palestine ở Jenin, Bờ Tây ngày 31/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, đã xuất hiện các nhóm phản kháng người Palestine. Trên mạng xã hội X, các tài khoản theo dõi sát sao các sự kiện cho biết tính đến ngày 1/9, Lữ đoàn Jenin đã thực hiện hơn 15 hoạt động bằng thiết bị nổ tự chế (IED), gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng Israel kể cả về người và phương tiện. Trong khi đó, Lữ đoàn Tulkam thực hiện 6 hoạt động bằng IED, gây thương vong cho các binh sĩ Israel.
Các lực lượng người Palestine đã đối đầu với binh sĩ Israel tại Jenin và Tulkarm trong ngày thứ 8.
Trong khi đó, tướng quân đội Israel đã nghỉ hưu Yitzhak Brick bình luận cách đây vài tuần: "Israel đang lún sâu hơn vào vũng lầy Gaza, mất đi ngày càng nhiều binh sĩ vì tử trận hoặc bị thương, mà không có cơ hội đạt được mục tiêu chính của cuộc chiến: hạ gục Hamas. Đất nước này thực sự đang lao nhanh về phía bờ vực thẳm. Nếu cuộc chiến tiêu hao chống Hamas và Hezbollah tiếp tục, Israel sẽ sụp đổ trong không quá một năm".
Phản ứng với động thái của Israel, ngày 7/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã kêu gọi các quốc gia và tổ chức quốc tế ngăn chặn tái diễn hành vi của Israel ở Bờ Tây.
Ông Kanaani đã đưa ra phát biểu này trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X để phản ứng lại việc quân đội Israel rút khỏi các thành phố Jenin và Tulkarm, cũng như các trại tị nạn ở phía Bắc Bờ Tây, sau nhiều ngày triển khai chiến dịch quân sự tại đây. Ông nói thêm cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ về mặt đạo đức, nhân đạo và pháp lý phải ngăn chặn tái diễn những hành vi như vậy.
Trước đó, ngày 1/9, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về khả năng Israel tiến hành chiến dịch theo kiểu Gaza ở Bờ Tây. Ông Abdelatty đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giải quyết tình trạng leo thang quân sự ở Bờ Tây. Ông Abdelatty cũng kêu gọi Israel đảm bảo an ninh cho người dân Palestine, thay vì đe dọa và vi phạm nhân quyền.
Ai Cập liên tục cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng leo thang hiện nay của Israel ở Bờ Tây, kêu gọi nỗ lực quốc tế thống nhất để ngăn chặn tình trạng bất ổn ở các vùng lãnh thổ của Palestine và thực thi các thỏa thuận được quốc tế công nhận về giải pháp hai nhà nước.
Thùy Dương/Báo Tin tức (RT)
LHQ: Các hoạt động của Israel làm trầm trọng thêm tình hình 'thảm họa' tại Bờ Tây Ngày 9/9, Cao uỷ nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk nhấn mạnh các hoạt động lớn của Israel trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng đang làm trầm trọng thêm tình hình "thảm họa" tại đây. Tòa nhà bị phá hủy trong chiến dịch quân sự của lực lượng Israel tại trại tị nạn Nur Shams, phía Đông thành phố Tulkarm,...