Israel bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người từ 50 tuổi trở lên
Israel ngày 13/8 triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 50 tuổi trở lên, trong nỗ lực kiểm soát tình trạng số ca nhiễm tăng trở lại do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan dịch vụ y tế Clalit lớn nhất Israel cho biết trong sáng 13/8 đã tiêm vaccine mũi thứ ba cho 5.000 người trong độ tuổi từ 50-59. Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz, 56 tuổi, là một trong số những người được tiêm ngày 13/8, đã bày tỏ hi vọng sẽ có “càng nhiều càng tốt” những người trong độ tuổi của ông được tiêm mũi tăng cường.
Chính phủ Israel bắt đầu tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 60 tuổi trở lên từ 2 tuần trước. Thủ tướng Naftali Bennett đã hối thúc người cao tuổi Israel đi tiêm vaccine bởi đây là nhóm có nguy cơ tử vong nếu nhiễm bệnh. Ông cho biết trong số 78 người tử vong do COVID-19 trong tuần trước, có 76 người trên 60 tuổi và không ai trong số họ đã tiêm mũi tăng cường.
Thủ tướng Bennett cũng yêu cầu 4 nhà cung cấp dịch vụ y tế tại Israel kéo dài thời gian hoạt động để đảm bảo tiêm vaccine 24/7, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi tỷ lệ tiêm vaccine vào tuần tới. Văn phòng Thủ tướng cũng cho biết lực lượng quân y cũng sẽ được triển khai để hỗ trợ công tác tiêm phòng vaccine.
Video đang HOT
Israel là một trong những nước đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc từ tháng 12 năm ngoái. Nhờ đó, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm mạnh, cho phép cuộc sống của 9 triệu dân nước này gần như trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, Israel ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy kể từ tháng 2 năm nay do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.
Đức đưa Mỹ và một số nước vào danh sách nguy cơ cao
Truyền thông Đức đưa tin Chính phủ nước này đã đưa Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vào danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về dịch COVID-19, theo đó yêu cầu những người chưa được tiêm chủng đến từ những nước trên phải tự cách ly tối thiểu 5 ngày khi tới Đức.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Tập đoàn truyền thông Funke ngày 13/8 dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Montenegro và Việt Nam cũng bị đưa vào danh sách này, trong khi Bồ Đào Nha được đưa ra khỏi danh sách, ngoại trừ thủ đô Lisbon và thành phố Algarve.
Việc điều chỉnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/8, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hiệu lực vào tối 17/8 do có một lượng lớn người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức.
Hành khách đến từ các quốc gia có nguy cơ cao phải cách ly trong 10 ngày trừ khi họ có thể xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Việc cách ly có thể kết thúc sớm nhất là sau 5 ngày nếu hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
* Chính phủ Na Uy ngày 13/8 thông báo sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch ở những khu vực tình hình dịch đã cải thiện, song sẽ duy trì các biện pháp này ở những khu vực cần thiết.
Theo quan chức này, mặc dù một số biện pháp sẽ được nới lỏng, theo đó cho phép các trường đại học tiến hành giảng dạy trực tiếp, các biện pháp hạn chế khác sẽ vẫn được duy trì cho tới đầu tháng 9 tới. Các biện pháp được duy trì nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 bao gồm các quán bar và nhà hàng hạn chế phục vụ tại bàn, chỉ cho phép tối đa 20 người tụ tập tại nhà riêng và hạn chế các môn thể thao giải trí dành cho người lớn.
Tháng 4 vừa qua, Na Uy đã công bố lộ trình mở cửa lại đất nước theo 4 giai đoạn và hiện đã hoàn tất 3 giai đoạn đầu tiên vào giữa tháng 6. Chính phủ được cho sẽ công bố giai đoạn 4 trong kế hoạch tái mở cửa vào tháng 7 vừa qua, song đã phải hoãn lại vì lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta.
* Cùng ngày, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo tỷ lệ mắc COVID-19 tại vùng England không thay đổi trong tuần kết thúc vào ngày 7/8.
Theo đó, cứ 75 người lại có 1 người dương tính với virus SARS-CoV-2, không thay đổi so với cách đó 1 tuần. ONS cho biết tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm dương tính vẫn được xem là mức "cao" ở England, dựa trên các mẫu xét nghiệm của các hộ gia đình, mặc dù cho rằng các mô hình chạy trên số liệu này cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 đang có xu hướng giảm. Trước đó, tỷ lệ này là 1/65 người trong tuần kết thúc vào ngày 24/7.
Trong khi đó, tại Bắc Ireland, cứ 55 người lại có 1 người dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tuần trước. Tỷ lệ này ở Scotland là 1/190 người và xứ Wales là 1/220 người.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 bất chấp sự lây lan của biến thể Delta. Sau khi lập đỉnh vào ngày 17/7, số ca mới tại Anh đã bắt đầu giảm. Các nhà dịch tễ học cho rằng Vòng chung kết EURO 2020 kết thúc và các trường học nghỉ hè cùng sự thận trọng của người dân có thể là những yếu tố góp phần làm giảm sự lây lan của dịch bệnh.
Pháp không tham dự hội nghị LHQ về chống phân biệt chủng tộc Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 13/8 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ không tham dự hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về chống phân biệt chủng tộc, dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN Thông báo của Điện Elysee nêu rõ: "Lo ngại về những phát biểu liên quan vấn đề bài...