Iraq lên án hành động báng bổ kinh Koran
Hãng thông tấn quốc gia INA ngày 24/7 đưa tin, Bộ Ngoại giao Iraq đã ra tuyên bố phản đối hành động đốt bản sao kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán nước này tại Đan Mạch diễn ra cùng ngày.
Biểu tình tại Sadr City, ngoại ô Baghdad, Iraq, ngày 21/7/2023, phản đối hành vi đốt kinh Koran ở Đan Mạch. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Iraq đưa ra sau khi hai người biểu tình thuộc nhóm cực hữu Danske Patrioter ở Đan Mạch có hành động giẫm đạp, đốt bản sao cuốn kinh Koran và có hành vi xúc phạm quốc kỳ Iraq bên ngoài Đại sứ quán Iraq tại Đan Mạch vào ngày 24/7. Trước đó, ngày 21/7, nhóm này cũng đăng video ghi hình một người đàn ông có các hành vi tương tự, như đốt một cuốn sách dường như là cuốn kinh Koran, xúc phạm quốc kỳ Iraq trước Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Copenhagen, khiến cộng đồng Hồi giáo ở Iraq hết sức phẫn nộ. Ngày 22/7, hàng trăm người biểu tình đã tìm cách xông vào Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad, nơi đặt trụ sở của các cơ quan chính phủ cùng nhiều đại sứ quán nước ngoài.
Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng có phản ứng trước các vụ đốt kinh tại châu Âu, nhấn mạnh rằng “những người báng bổ kinh Koran nên đối mặt với sự trừng phạt thích đáng”.
Trước đó, hôm 20/7, hàng trăm người biểu tình giận dữ đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad và phóng hỏa tòa nhà để phản đối các vụ xúc phạm kinh Koran và quốc kỳ của Iraq xảy ra ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
Hàng trăm người biểu tình tấn công Đại sứ quán Thụy Điển tại Iraq
Rạng sáng 20/7, hàng trăm người biểu tình tại Iraq đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển tại thủ đô Baghdad, có những hành động quá khích và phóng hỏa cơ quan này để bày tỏ phản đối trước khả năng một vụ đốt kinh khác sẽ xảy ra tại Thụy Điển.
Người Hồi giáo Iraq tuần hành phản đối việc đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở Nassiriyah, ngày 30/6/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã có thông báo chính thức, cho biết các nhân viên đại sứ quán đều đã được an toàn, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Iraq có trách nhiệm bảo vệ các nhân viên ngoại giao đang làm việc tại nước này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iraq ngay lập tức đã bày tỏ lên án hành động trên của những người biểu tình, đồng thời cho biết đã triển khai lực lượng an ninh để ổn định tình hình, cũng như nhanh chóng làm rõ vụ việc, xác định các đối tượng có hành vi quá khích và buộc những người này chịu trách nhiệm pháp lý.
Ngày 19/7, hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin cảnh sát Thụy Điển đã cho phép một buổi tụ tập công khai bên ngoài Đại sứ quán Iraq tại Stockholm vào ngày 20/7. TT cho biết hai trong số những người tham gia sẽ có hành động đốt Kinh Koran và cờ Iraq, trong đó một người được cho là Salwan Momika - đối tượng đã thực hiện vụ đốt kinh hôm 28/6.
Theo nội dung trên Telegram do một nhóm ủng hộ Giáo sĩ dòng Shiite Moqtada Sadr đăng tải, cuộc biểu tình mới nhất này tại Baghdad được thực hiện sau lời kêu gọi vào tháng trước của Giáo sĩ Sadr, nhằm phản đối việc đốt kinh Koran được cho là sẽ diễn ra vào ngày 20/7 tại Thụy Điển. Các video được lan truyền trên Telegram cho thấy nhiều người đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad vào khoảng 1h sáng, hô khẩu hiệu ủng hộ Giáo sĩ Sadr và sau đó đã xông vào đại sứ quán. Một số video khác cho thấy khói bốc lên từ khuôn viên đại sứ quán, song các hãng tin chưa chứng thực được độ tin cậy của những video này.
Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đã đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Chính phủ của một số quốc gia Hồi giáo, bao gồm cả Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Maroc đã bày tỏ phản đối vụ việc trên. Cuối tháng trước, Giáo sĩ Sadr kêu gọi người Hồi giáo biểu tình chống lại Thụy Điển và trục xuất đại sứ Thụy Điển tại Iraq sau vụ việc trên. Hai cuộc biểu tình lớn đã diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad sau vụ đốt kinh Koran đó.
Ngày 2/7, Chính phủ Thụy Điển đã có tuyên bố chính thức lên án vụ đốt kinh Koran bên ngoài đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm, đồng thời coi đây là hành động "bài Hồi giáo" và khẳng định Thụy Điển hay châu Âu nói chung không ủng hộ những hành động như vậy.
Iraq dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển sau vụ đốt kinh Koran Iraq tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển nếu có thêm một cuốn kinh Koran bị đốt, sau khi hàng trăm người xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad và đốt phá để phản đối một kế hoạch khác nhằm đốt một cuốn kinh ở Stockholm vào cuối ngày 20/7. Người biểu tình tấn công Đại...