Thụy Điển lên án các hành vi ‘bài Hồi giáo’
Ngày 2/7, Chính phủ Thụy Điển đã lên án vụ đốt kinh Koran bên ngoài đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm, đồng thời coi đây là hành động “ bài Hồi giáo”, sau khi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi đưa ra biện pháp để tránh các vụ việc tương tự tái diễn.
Người Hồi giáo Iraq tuần hành phản đối việc đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad, ngày 30/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết: “Chính phủ Thụy Điển hoàn toàn hiểu rằng các hành vi bài Hồi giáo do các cá nhân thực hiện tại các cuộc biểu tình ở Thụy Điển có thể khiến người Hồi giáo bất bình. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động này vốn không phản ánh quan điểm của Chính phủ Thụy Điển”. Theo Bộ trên, việc đốt kinh Koran hay bất kỳ tài liệu tôn giáo nào khác là hành động “xúc phạm và thiếu tôn trọng”. Thụy Điển hay châu Âu nói chung không ủng hộ những hành động phân biệt chủng tộc, bài ngoại như vậy.
Chính phủ Thụy Điển đưa ra tuyên bố trên nhằm đáp lại lời kêu gọi của OIC có trụ sở tại Saudi Arabia về việc thực hiện các biện pháp chung để tránh tái diễn các vụ việc tương tự. Tổ chức Hồi giáo gồm 57 thành viên này đã tổ chức cuộc họp bất thường tại trụ sở ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia, nhằm phản ứng về vụ đốt kinh Koran ngày 28/6 vừa qua.
Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, OIC hối thúc các nước thành viên áp dụng các biện pháp chung và thống nhất để ngăn chặn các vụ “xúc phạm” kinh Koran tái diễn.
Salwan Momika – một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đã đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo đã phản ứng mạnh sau vụ việc. Các nước Iraq, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Maroc đã triệu đại sứ Thụy Điển để phản đối vụ việc trên, trong khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 2/7 tuyên bố nước này hoãn cử đại sứ mới tới Thụy Điển.
Liên hợp quốc và EU lên án vụ đốt kinh Koran
Ngày 1/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án vụ một người tị nạn Iraq ở Thụy Điển đốt bản sao của kinh Koran, đồng thời nhấn mạnh phải có biện pháp ngăn chặn hiện tượng bài Hồi giáo.
Cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad một ngày sau khi một người đàn ông xé và đốt một bản sao của kinh Koran bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 29/6/2023. Ảnh: Reuters
Trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Iraq Fuad Hussein, ông Guterres khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng cộng đồng người Hồi giáo. Ông cho biết LHQ đang theo dõi sát sao vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển cũng như các phản ứng liên quan ở Iraq và thế giới Hồi giáo.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Iraq cho rằng hành vi đốt kinh Koran sẽ làm gia tăng hiện tượng bài Hồi giáo, hệ tư tưởng cực đoan và khủng bố, gieo mầm cho những hành động thù hận và bạo lực trên thế giới.
Cùng ngày, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết Liên minh châu Âu (EU) lên án hành vi đốt kinh Koran ở Thụy Điển và kêu gọi tránh làm leo thang tình hình.
Trong một tuyên bố, EEAS khẳng định: "Cùng với Bộ Ngoại giao Thụy Điển, EU phản đối mạnh mẽ việc một cá nhân ở Thụy Điển đốt kinh Koran. Hành động này hoàn toàn không phản ánh quan điểm của EU. Giờ là lúc để sát cánh vì sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và để ngăn chặn tình hình leo thang". Tuyên bố nhấn mạnh EU đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Baghdad, nơi hàng nghìn người Iraq phản ứng bằng cách tụ tập gần đại sứ quán Thụy Điển để phản đối việc đốt kinh Koran. EU kêu gọi bình tĩnh và lên án các cuộc tấn công vào các cơ quan đại diện ngoại giao.
Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo đã có những phản ứng mạnh sau khi xảy ra vụ Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đốt bản sao kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.
Chặng đường gia nhập NATO: Thụy Điển lại vào thế khó Tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng làm đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Hiện tại, khi Hensinki đã trở thành thành viên chính thức của liên minh, Stockholm vẫn chưa thể giải quyết bất đồng với Ankara, nhằm đạt được việc phê duyệt...