Iran tuyên bố phóng tên lửa siêu vượt âm, đánh trúng 90% mục tiêu ở Israel
Iran đã sử dụng hàng loạt tên lửa trong cuộc tấn công vào Israel hôm 1/10, trong đó có tên lửa siêu vượt âm Fattah.
Tên lửa siêu vượt âm Fattah của Iran tham gia một cuộc diễu hành quân sự ở phía nam Tehran (Ảnh: Getty).
Jerusalem Post dẫn nguồn thạo tin cho biết Iran đã phóng tổng cộng gần 500 tên lửa nhằm vào Israel trong cuộc tấn công tối 1/10.
Theo Mehr News, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết nước này đã nhắm mục tiêu vào 3 căn cứ quân sự của Israel xung quanh Tel Aviv trong một đợt phóng tên lửa mới nhất.
“Mặc dù các khu vực bị nhắm mục tiêu đã được bảo vệ bởi các hệ thống phòng thủ tiên tiến và quy mô lớn nhất, 90% số tên lửa được bắn đi đều trúng mục tiêu, khiến chính quyền Israel vô cùng sợ hãi”, IRGC tuyên bố.
Theo IRGC, cuộc tấn công của Iran đã nhắm vào 3 căn cứ quân sự Israel gồm sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim. Căn cứ Nevatim là nơi đặt các máy bay chiến đấu F-35, còn căn cứ Hatzerim có các máy bay chiến đấu F-15.
“Một số căn cứ không quân và trung tâm radar của Israel và các khu vực trung tâm đã bị tấn công”, IRGC cho biết thêm.
IRGC xác nhận, trong cuộc tấn công này, Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 để nhắm vào Israel. Cơ quan này khẳng định, cuộc tập kích đã phá hủy nhiều xe tăng cũng như máy bay chiến đấu F-35 của Israel.
Iran bắn hàng trăm tên lửa nhằm vào Israel .
Mehr News cho biết Iran đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah lần đầu tiên trong cuộc tấn công vào Israel hôm 1/10.
Fattah được coi là tên lửa siêu vượt âm đầu tiên do Iran sản xuất trong nước. Iran tuyên bố Fattah là “một bước nhảy vọt trong lĩnh vực tên lửa”.
Quân đội Iran đã công bố vũ khí này vào năm ngoái, cho biết nó có thể bay nhanh gấp 15 lần tốc độ âm thanh và có khả năng “nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết, tên lửa có tên Fattah (Kẻ chinh phạt) có tầm tấn công tối đa 1.400km. Iran tuyên bố tên lửa của nước này có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng không trong khu vực, kể cả các hệ thống của Mỹ và Vòm sắt của Israel.
Nếu thông tin này chính xác, Iran đã trở thành một trong số ít quốc gia có thể phát triển thành công dòng tên lửa uy lực được xem là tương lai của hoạt động tác chiến.
Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Các chuyên gia vũ khí đã phân tích các video được chia sẻ trên mạng xã hội từ hiện trường vụ tấn công cho thấy các biến thể của tên lửa đạn đạo dòng Shahab-3 của Iran đã được sử dụng trong cuộc tấn công bằng tên lửa mới nhất vào Israel.
Trevor Ball, cựu kỹ thuật viên vật liệu nổ của quân đội Mỹ, nói với CNN rằng các mảnh vỡ phù hợp với các biến thể Shahab-3 như Emad hoặc Ghadr, có thể nhận dạng được từ các hình ảnh và video về cuộc tấn công.
Theo chuyên gia Ball, trong một video có thể nhìn thấy mảnh vỡ của một tên lửa đẩy có dấu hiệu rõ ràng của tên lửa Emad. Ông nói thêm rằng các mẫu tên lửa khác như Kheibar Shekan hoặc Fattah cũng có thể đã được sử dụng.
Theo Patrick Senft, điều phối viên nghiên cứu tại Tổ chức nghiên cứu vũ khí (ARES), Shahab-3 là nền tảng cho tất cả các tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran sử dụng nhiên liệu lỏng. Ông nói thêm rằng Shahab-3 là “tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran có thể vươn tới Israel”.
Theo cả hai chuyên gia, những gì còn sót lại của tên lửa đạn đạo Iran, bao gồm cả phần dẫn đường và đầu đạn, đã được nhìn thấy trong các hình ảnh và video ghi lại tại địa điểm xảy ra vụ tấn công. Chuyên gia Ball cho biết rất khó để xác định chính xác mẫu tên lửa do thiếu hình ảnh tham chiếu.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Anna Ukolova cho biết, cuộc tấn công tên lửa của Iran không gây ra bất kỳ tổn hại nghiêm trọng nào cho Israel hoặc lực lượng không quân của nước này.
Tại sao Iran vẫn 'án binh bất động' khi xung đột Israel - Hezbollah leo thang?
Bất chấp vai trò quan trọng của Hezbollah là lực lượng đại diện khu vực của Iran, Tehran vẫn ngần ngại can thiệp khi Israel đang làm suy yếu nhóm này - các yếu tố kinh tế, chính trị và chiến lược giải thích lý do tại sao.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi ngày 29/9/2024 tuyên bố sẽ đáp trả việc một phó chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng trong cuộc không kích mới đây do Israel tiến hành tại thủ đô Beirut của Liban. Ảnh: IRNA/TTXVN
Bình luận trên tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 30/9, Farhad Rezaei, học giả và là nghiên cứu viên cao cấp tại Dự án Philos, cho rằng khi căng thẳng giữa Israel và Hezbollah gia tăng, vai trò của Iran như một đồng minh chính của Hezbollah càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Tehran lại tỏ ra thận trọng trong việc can thiệp mặc dù Israel đang tiến hành một loạt các cuộc tấn công nhằm vào phong trào này. Nhiều yếu tố, từ kinh tế đến chính trị và chiến lược, đã ảnh hưởng đến quyết định của Iran trong bối cảnh trên.
Gần đây, quân đội Israel đã thực hiện các "cuộc tấn công có mục tiêu" nhằm vào Hezbollah, khiến thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng với nhiều chỉ huy cấp cao khác của Hezbollah thiệt mạng. Các cuộc tấn công này không chỉ gây thiệt hại về nhân sự mà còn làm suy yếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và kho vũ khí của Hezbollah, bao gồm việc phá hủy hệ thống chỉ huy và kiểm soát cũng như kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung của nhóm này.
Hezbollah không chỉ là một lực lượng vũ trang mà còn là một nhóm dân quân thân Iran và có vai trò chiến lược với Tehran trong khu vực, đặc biệt trong trường hợp Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Iran lại "tê liệt" trước những cuộc tấn công từ Israel này? Phải chăng Tehran đang từ bỏ đồng minh quan trọng của mình, hay có những tính toán sâu xa hơn đằng sau sự do dự của họ?
Theo ông Rezaei, một trong những lý do quan trọng cho sự do dự của Iran có lẽ là tình hình kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018, nền kinh tế Iran đã rơi vào khủng hoảng, với nợ quốc gia lên đến 30% GDP, lạm phát đạt mức 49,5%, đồng tiền mất 80% giá trị trong vòng chưa đầy hai năm và tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Iran cũng đã phải đối mặt với nhiều biểu tình và tình trạng bất ổn xã hội.
Phản ứng của người dân Iran cũng xuất phát từ việc chính phủ không chú ý đầy đủ đến nhu cầu của họ, trong khi lại tiếp tục đầu tư vào các hoạt động quân sự và hỗ trợ cho các nhóm như Hezbollah. Tình hình chính trị tại Iran đang ở mức thấp nhất kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, với tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử giảm xuống chỉ còn 41%. Do đó, một quốc gia đang phải vật lộn với vấn đề kinh tế và xã hội sẽ rất khó khăn để huy động sự ủng hộ cho một cuộc xung đột trực tiếp với Israel.
Bên cạnh vấn đề kinh tế và chính trị, sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa Israel và Iran cũng là một yếu tố đáng kể. Israel đã thể hiện rõ ưu thế quân sự với khả năng không chiến và công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, lực lượng không quân của Iran lại đang phải đối mặt với nhiều hạn chế.
Các tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) của Iran chưa thể xâm nhập không phận Israel, trong khi không phận Iran lại hoàn toàn mở cho các cuộc tấn công của Israel.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã tuyên bố rằng họ không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp, điều này phản ánh sự thận trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Các quan chức Iran đã từ chối yêu cầu từ Hezbollah về việc tấn công Israel, cho rằng "thời điểm chưa thích hợp". Điều này cho thấy rằng Iran đang cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định can thiệp vào cuộc xung đột.
Trên thực tế, trong các sự cố trước đây, chẳng hạn như vụ tấn công được cho là của Israel vào các đường ống dẫn khí đốt chính của Iran vào tháng 3/2024, gây gián đoạn nghiêm trọng các dịch vụ quan trọng, các nhà lãnh đạo Iran đã vô cùng lo ngại rằng các cuộc không kích tăng cường của Israel có thể làm mất ổn định thêm đất nước và làm tê liệt nền kinh tế vốn đã mong manh.
Tehran cũng hiểu rằng việc tham gia vào một cuộc chiến tranh trực tiếp với Israel có thể sẽ kéo Mỹ vào cuộc xung đột. Một số nhà lãnh đạo Iran tin rằng sự leo thang của Israel là "một cái bẫy do Thủ tướng Benjamin Netanyahu thiết kế để khiêu khích Iran vào một cuộc xung đột trực tiếp với Mỹ" và họ nên thận trọng để tránh rơi vào cái bẫy này.
Tóm lại, ông Rezaei lưu ý sự do dự của Iran trong việc can thiệp vào tình hình căng thẳng với Israel không phải là một quyết định ngẫu hứng, mà là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tình hình chính trị không ổn định, và sự chênh lệch về sức mạnh quân sự đã khiến Tehran phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Iran có thể tiếp tục hỗ trợ Hezbollah từ xa, nhưng một cuộc xung đột trực tiếp với Israel trong thời điểm này có lẽ là điều không khả thi.
Hezbollah sẽ bị tác động ra sao sau khi thủ lĩnh của nhóm bị Israel tiêu diệt Cuộc tấn công của Israel vào một boongke ngầm ở Beirut (Liban), khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng đã để lại một khoảng trống lớn ở vị trí lãnh đạo của lực lượng dân quân phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới, đồng thời phủ bóng đen bất ổn lên tương lai của nhóm này. Những tòa nhà...