iPhone lock Nhật: Của ‘hời’ hay hàng ‘ôi’?
Với mức giá rẻ đến giật mình để “làm mưa làm gió” trên thị trường smartphone Việt, những chiếc iPhone bản lock ( khóa mạng) Nhật thực chất là của “hời” hay của “ôi”?
Khuấy đảo thị trường smartphone Việt
Trong những ngày gần đây, việc có nên mua hay không iPhone 5C “khóa mạng” Nhật được bàn luận khá sôi nổi trên mạng Internet, đặc biệt là trên các mạng xã hội.
Vốn từ một sản phẩm thất bại thảm hại của Apple, chiếc smartphone màu mè này bỗng dưng trở thành sản phẩm được săn đón nhiều nhất hiện nay khi nó đang từ Nhật xâm nhập vào thị trường Việt Nam với giá rẻ bất ngờ. Chưa kể ngay sau đó, những chiếc iPhone 5 và cả iPhone 5S bản khóa mạng Nhật cũng được bán tràn lan và thậm chí còn không có hàng để bán nếu như khách không đặt trước.
Theo anh Quang Minh, chủ một cửa hàng chuyên về sản phẩm Apple trên đường Xã Đàn cho biết, hiện tại trên thị trường có 3 loại iPhone 5C đó là iPhone 5C chính hãng, iPhone 5C xách tay (cũ) và iPhone 5C lock Nhật. Giá cho một chiếc iPhone 5C chính hãng được nhà phân phối FPT niêm yết là 6.990.000 đồng. iPhone 5C xách tay có mức giá đa dạng hơn tuy nhiên tối thiểu vẫn ở mức 5 triệu đồng. Với loại xách tay, máy có thể có xuất xứ từ Mỹ, Nhật và là bản quốc tế không khóa mạng, tuy nhiên tất cả đều là máy đã qua sử dụng và có thể có một số lỗi khắc phục được. Bên cạnh đó chính sách bảo hành chỉ là do cửa hàng tự đưa ra và phụ kiện kèm theo cũng không được cùng bộ như hàng chính hãng.Còn đối với loại iPhone 5C lock Nhật hiện có giá thấp nhất là 3,39 triệu đồng cho sản phẩm cũ và 3,8 triệu đồng cho sản phẩm chưa acitve (kích hoạt). Với mức giá này, việc iPhone 5C lock Nhật nhanh chóng cháy hàng là điều dễ hiểu.
Theo anh Minh, vào những ngày cao điểm cửa hàng anh có thể bán từ 20 – 30 chiếc iPhone 5C, trong đó iPhone 5C lock Nhật chiếm khoảng 70%.
Những chiếc iPhone bản (lock) khóa mạng từ Nhật đang “làm mưa làm gió” trên thị trường smartphone Việt
Nhiều cửa hàng không lấy kịp máy về để bán, thậm chí nếu khách không đặt hàng trước thì có tiền cũng không có máy để mà mua. Anh Đào Tuấn Dương, một nhân viên ngân hàng đã mua đến chiếc iPhone 5C lock Nhật thứ 3 vẫn muốn mua thêm 2 chiếc nữa.
Video đang HOT
Anh Dương cho biết: “Nói thật mình không nghĩ iPhone 5C lại có lúc rẻ như thế, kể cả là bản lock và là hàng xách tay. Mình đã mua cho mẹ và vợ mỗi người một chiếc, mình một chiếc. Hai cái nữa cho hai đứa em thì giờ phải đặt trước xong phải chờ đến tháng sau thì hàng mới về”.Một tín đồ công nghệ smartphone trên diễn đàn tinhte.vn và cũng là chủ một cửa hàng chuyên bán điện thoại xách tay trực tuyến cho biết, chưa bao giờ có một hiện tượng smartphone nào làm khuynh đảo thị trường smartphone Việt như iPhone 5C hiện nay. Ở phân khúc dưới 9 triệu hàng chính hãng lúc này không có một loại điện thoại nào có thể vượt được iPhone 5C, chưa kể iPhone 5C lock Nhật xách tay giá lại còn cạnh tranh hơn rất nhiều. Có những cửa hàng giá đưa ra còn chưa đến 3 triệu đồng. Của “hời” hay hàng “ôi”?
Với những người mua iPhone 5C chính hãng, chỉ cần 7 triệu là họ đã có thể sở hữu một chiếc iPhone – vốn là một trong những sản phẩm hội tụ công nghệ hoàn hảo và thiết kế tuyệt vời của Apple.Anh Tuấn Anh (Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “iPhone 5C chỉ khác iPhone 5 ở vỏ ngoài là hơi màu mè một tý thôi chứ cấu hình không khác gì. Với mức giá này mà được một chiếc iPhone mới, bảo hành chính hãng thì hoàn toàn xứng đáng”.Cầm một chiếc iPhone 5C xách tay từ Mỹ có giá 3,5 triệu đồng mua tại Thái Hà, anh Ngọc Trung cho biết: “Máy này có bị xước nhỏ ở góc dưới một chút nhưng không đáng kể. Nhờ thế nên mình mua được với giá 3,6 bản chưa active chứ còn bình thường có giá là 3,85 triệu cơ. Thật ra cũng không có gì khác với máy mới, chỉ trừ sạc với tai nghe là hàng ngoài với cả bảo hành chỉ được 6 tháng ở cửa hàng thôi”.Theo khảo sát của phóng viên, hầu như những khách hàng mua hai loại iPhone 5C chính hãng và xách tay bản quốc tế đều cảm thấy hài lòng về mức giá và chất lượng của sản phẩm. Dù có xảy ra một chút lỗi nhỏ thì họ vẫn cho rằng là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên đối với những khách hàng lựa chọn iPhone 5C bản lock Nhật thì lại khác.
Những chiếc iPhone bản khóa mạng từ Nhật tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua
Nhiều người mới chỉ nhìn thấy giá rẻ giật mình so trước là đã vội vàng đi mua ngay chứ cũng chưa hiểu rõ bản “lock” là gì. Chỉ đến khi sử dụng thì người ta mới thấy từ của “hời” đã trở thành của “ôi”.
Bạn Hoàng Hà, một sinh viên đại học Y vừa “tậu” được một chiếc iPhone 5C lock Nhật cho biết: “Mình thấy máy chỉ bắt được tối đa là 4 vạch mạng, ở đâu cũng thế mà thậm chí còn hay mất mạng nữa. Với cả khi nạp tiền hay kiểm tra tài khoản cũng phức tạp chứ không *101# hay *100# được.”Bạn Hà còn cho biết do chưa tìm hiểu kỹ về loại iPhone “khóa mạng” mà cứ thấy rẻ là mua ngay cho bằng bạn bằng bè. Ban đầu Hà còn thấy tài khoản hay bị trừ tiền vô cớ nên cảm thấy rất khó chịu. Về sau hỏi người bán thì bạn mới biết rằng sau mỗi lần khởi động lại máy và sử dụng tính năng iMessage hoặc FaceTime, tài khoản sẽ bị trừ khoảng 2.500 đồng bởi máy sẽ tự động gửi đi một tin nhắn đến đầu số ở Nhật để yêu cầu kích hoạt.Trường hợp anh Hồng Dương (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) sau khi mua một chiếc iPhone 5 bản lock Nhật thì thấy máy rất hay bị lỗi. Anh cho biết: “Mình sợ bảo hành lâu không có máy dùng nên đi sửa dịch vụ chỗ khác. Ra đấy người ta nói máy không phải là máy nguyên bản, đã bị “xào nấu” đến khoảng 40% rồi”.Theo anh Minh, chủ cửa hàng chuyên điện thoại Apple cho biết, hầu như những chiếc iPhone bản lock Nhật giá rẻ đều đã bị thay thế linh kiện gốc bằng linh kiện bên ngoài, hay còn gọi là hàng “dựng”. Và tất nhiên loại máy này luôn xảy ra lỗi và tuổi thọ sử dụng cũng rất ngắn.Trên thế giới, iPhone đã trở thành một sản phẩm đỉnh cao của công nghệ với mức giá mà những người không có nhiều tiền chỉ dám đứng nhìn từ xa mà ao ước. Vì vậy mà vô hình chung nó đã trở thành sản phẩm tượng trưng sự “sang chảnh”, giàu có và như là một dấu hiệu để phân biệt về đẳng cấp. Điều này có lẽ sẽ rất dễ thấy ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.Chính vì vậy mà khi những chiếc iPhone 5C hay iPhone 5 và 5S tràn về thị trường trong nước với mức giá giật mình, thật không khó hiểu khi người ta đổ xô đi mua để được sở hữu ngay chiếc điện thoại mà từ trước đến nay họ vẫn hàng khao khát, và đó cũng như một cách để họ cảm thấy tự tin mỗi khi cầm nó trên tay. Chính vì vậy đôi khi có thể người ta không biết, nhưng cũng có thể người ta biết mà sẵn sàng bỏ qua những vấn đề về chất lượng sản phẩm.Lợi ích của những chiếc iPhone khóa mạng nói chung có thể thấy đó là dáng vẻ bên ngoài cho tới các tính năng đều chẳng khác biệt so với những sản phẩm mới. Nó sẽ là một món “hời” với mức giá quá rẻ như vậy. Tuy nhiên xét kỹ mới thấy chúng vẫn có những lỗi sẽ khó lòng có thể khắc phục được, thậm chí người sử dụng sẽ phải cùng “chung sống” với những lỗi này trong suốt thời gian sử dụng máy. Lúc đó có lẽ nhiều người mới vỡ ra rằng của rẻ không ít thì nhiều vẫn là của “ôi”.
Theo Huyền Trân/VTC
Việt Nam thị trường tiêu thụ iPhone 'rác'
Việt Nam là một trong số không nhiều những điểm tiêu thụ đầy đủ các loại iPhone từ hàng qua sử dụng, khóa mạng, trưng bày, trôi bảo hành, dựng, thậm chí máy ăn cắp.
Trong cửa hàng rộng khoảng 30 m vuông, anh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bán chiếc iPhone 5C thứ 40 trong ngày: "Cố gắng kiếm thêm cho em vài chục cây 5C càng sớm càng tốt. Bác không cần kiểm tra nhiều, phần cứng còn tốt là được", tiếng anh khá to khi gọi cho số điện thoại quen đầu 86 (mã điện thoại quốc tế của Trung Quốc).
Hơn 2 tuần nay, anh T. ăn, ngủ tại cửa hàng vì iPhone 5C bán chạy. Người này phải liên tục làm việc với các mối nhập để có máy bán cho khách.
iPhone 5C khóa mạng tại Việt Nam là sản phẩm xả hàng từ nhà mạng Nhật Bản. Ảnh: Muare.
Cơn sốt iPhone 5C chưa hạ nhiệt, nhiều cửa hàng đã rục rịch thu gom những chiếc iPhone 5, 5S lock giá 4-6 triệu bán nhân lúc máy khóa mạng đang sốt.
Trước đó, iPhone qua sử dụng hàng tân trang (còn gọi hàng dựng), máy trưng bày, máy khóa iCloud - đa phần là hàng ăn cắp - đều được bày bán la liệt tại các đô thị lớn. Nhiều model cũ, giá rẻ len lỏi về các vùng nông thôn.
"Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu tiêu thụ iPhone rác", anh Hoàng Nguyên (Ba Đình, Hà Nội) - người từng có 5 năm kinh doanh sản phẩm iPhone chia sẻ.
iPhone rác được đầu nậu Hong Kong, Trung Quốc thu gom từ các nước phát triển, sau đó tuồn sang Thẩm Quyến. Tại đây, máy được phân loại, tân trang, sau đó phân phối đến các thị trường Đông Nam Á, Nam Mỹ, một số nước châu Phi.
Trung Quốc là công xưởng lớn nhất của những chiếc iPhone rác nhưng bản thân thị trường họ ít tiêu thụ iPhone loại này. "Smartphone nội từ Lenovo, Xiaomi, Meizu có giá siêu rẻ, chất lượng tốt nên iPhone rác khó xâm nhập, khác với Việt Nam", anh Nguyên chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm qua sử dụng, máy trưng bày, máy khóa mạng, thị trường Việt Nam còn phổ biến các mẫu máy khóa iCloud. Ảnh: ABCNews.
Anh Bảo Minh - một chủ hàng tại quận 10, TP HCM cho biết, không chỉ hàng dựng, mất iCloud, bản thân dòng iPhone 5C lock cũng được xem là rác. Chúng đều là hàng tồn kho, nhà mạng Nhật bóc hộp, bán "cắt lỗ"cho đầu nậu với số lượng lớn để xả hàng.
Anh Cao Cường, cựu du học sinh Nhật Bản cho biết, iPhone 5C bản khóa mạng tại Nhật hiện có giá tương đương 5 triệu đồng. Mức giá này cao hơn so với máy đang bán tại Việt Nam (3,5 triệu cho bản cũ, gần 4 triệu với máy mới).
"Thuộc diện xả hàng nên iPhone 5C khóa mạng có chất lượng tốt. Tuy nhiên, các bản iPhone 5S, đặc biệt iPhone 5 khóa mạng mới về nước tương đối đáng ngại - giống các mẫu iPhone được quảng cáo mới 99% hiện nay".
Không chỉ iPhone cũ, Việt Nam còn là điểm đến của những chiếc iPhone ăn cắp, theo PCmag. Trang này khẳng định, người dùng có thể sửa bất cứ chi tiết nào trên iPhone với mức giá dưới 5 USD (khoảng 100.000 đồng) tại Việt Nam.
Trên nhiều trang mua bán online, những chiếc iPhone khóa iCloud được rao bán công khai. Nhiều nơi cung cấp dịch vụ mở khóa iCloud từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu, tùy dòng máy, xuất xứ. Đây được xem là hình thức tiếp tay cho việc tiêu thụ iPhone khóa iCloud không rõ nguồn gốc.
"Những sản phẩm nước phát triển xả hàng, không dùng đến, thậm chí hàng ăn cắp đều nhắm đến thị trường các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khi máy chính hãng chưa đáp ứng được yêu cầu về giá, mác "táo khuyết" vẫn là biểu tượng của đẳng cấp tại Việt Nam thì tình trạng này chưa sớm kết thúc", anh T. thẳng thắn thừa nhận.
Theo các nhà bán lẻ, Việt Nam là thị trường khá nhạy cảm về giá. Nhiều điện thoại ế ẩm, khi hạ giá đưa về Việt Nam đều có thể tiêu thụ tốt. Không chỉ iPhone, trào lưu BlackBerry cách đây 5 năm hay việc hạ mạnh một số model chính hãng gần đây đều cho thấy điều này.
Thành Duy
Theo Zing
6 lỗi hay gặp trên iPhone 5C khóa mạng Nhật iPhone 5C khóa mạng đang là smartphone hot nhất trong thời gian gần đây nhờ mức giá hấp dẫn, chỉ bằng nửa so với giá máy chính hãng. Đây chủ yếu là máy từ nhà mạng Docomo của Nhật, được các thương gia thu gom về và bán với giá khoảng 2 triệu đồng cho bản 8 GB và 3,4 triệu cho bản...