iPhone 6S liệu có giúp Apple tạo nên kỷ lục mới
Thiết kế không đổi, thị trường Trung Quốc đi xuống sẽ là rào cản khiến smartphone mới của Apple khó tăng trưởng được như iPhone 6.
Công ty công nghệ Mỹ đã thiết lập kỷ lục với 180 triệu iPhone bán ra kể từ tháng 9/2014. Smartphone được coi là “mỏ vàng” với Apple khi vào quý I năm tài khóa 2010, iPhone đóng góp 35,6% trong doanh thu 15,68 tỷ USD ( lợi nhuận 3,38 tỷ USD). Đến quý I/2015, con số này tăng lên đến mức khó tin: iPhone chiếm 68,6% trong số 74,6 tỷ USD doanh thu và 18 tỷ USD lợi nhuận.
Bộ đôi iPhone 6 đã giúp Apple tăng doanh số 36% so với sản phẩm trước đó. Rõ ràng, việc nâng kích thước màn hình khiến khách hàng “phát cuồng” hơn, thay vì tích hợp cảm biến vân tay như iPhone 5S. Nhưng khi iPhone mới nhiều khả năng sẽ giống iPhone 6 hiện nay, liệu Apple có thể tạo nên kỷ lục.
iPhone 6S có thể không khác biệt về ngoại hình so với iPhone hiện nay.
Theo truyền thống, cứ hai năm, công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ) lại đổi mới kiểu dáng iPhone một lần. Xen vào đó là bản nâng cấp phần cứng, bổ sung tính năng và khắc phục lỗi nhằm thu hút khách hàng. Năm nay, iPhone 6S được cho là cải tiến khả năng chụp hình với camera 12 “chấm”, hỗ trợ quay video 4K, đồng thời áp dụng công nghệ màn hình Force Touch; tất cả bên trong bộ vỏ của iPhone 6.
Theo Gene Munster, một nhà phân tích tại Piper Jaffray, những tính năng mới kể trên là không đủ để Apple phá vỡ mức tăng trưởng 36% như hãng từng làm với iPhone hiện nay. Ông dự đoán doanh số bán hàng khiêm tốn, chỉ tăng 4% với iPhone 6S.
Đồng quan điểm, nhà phân tích Ming-Chi Kuo thuộc KGI Securities, người đã đưa ra nhiều dự đoán chính xác về các sản phẩm của Apple, cho biết có ít lý do để người dùng nâng cấp lên iPhone 6S. Nếu như năm ngoái, màn hình lớn là “sát thủ” để iPhone 6 và 6 Plus “hạ gục” khách hàng, thì năm nay Force Touch khó giúp Apple tạo nên đột phá. Điều này có thể khiến tổng doanh số bán iPhone trong quý IV/2015 đi xuống.
Video đang HOT
Một yếu tố khác mà Kuo tin rằng tình hình kinh doanh iPhone sẽ đi xuống trong thời gian tới là Trung Quốc. Tuy đóng vai trò thị trường điện thoại lớn nhất thế giới nhưng nhu cầu smartphone tại quốc gia tỷ dân này đang dần trở nên bão hòa. Trước sức ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, công ty công nghệ Mỹ đã để mất ngôi vị dẫn đầu tại Trung Quốc và hiện xếp thứ ba, sau hai nhà sản xuất địa phương là Xiaomi và Huawei. Ngay cả CEO Apple, Tim Cook cũng thừa nhận rằng thị trường Trung Quốc có thể xảy ra “va chạm tốc độ” vì khủng hoảng kinh tế.
Trung Quốc, thị trường đặc biệt quan trọng với Apple, đang trong cơn bão khủng hoảng kinh tế và chịu sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất địa phương.
Những khó khăn chờ đợi iPhone 6S còn là chính sách của nhà mạng Mỹ. Thông thường tại quê nhà của iPhone, khách hàng mua sản phẩm kèm hợp đồng viễn thông với nhà mạng trong 2 năm. Với những nâng cấp kém hấp dẫn, người dùng khó tìm được lý do để phá vỡ một năm ràng buộc rồi chuyển từ iPhone 6 lên iPhone 6S.
Một vấn đề khác là, giữa tháng 8, nhà mạng Verizon đã theo chân T-Mobile ngừng mô hình trợ giá điện thoại kèm hợp đồng thuê bao 2 năm. Các khách hàng vẫn thường mua iPhone với giá 199 USD sau khi ký thỏa thuận với hãng viễn thông thì hiện sẽ phải đối mặt với mức giá thật nếu sắm iPhone 6S: từ 649 USD.
iPhone 6 quá thành công, mà iPhone mới lại thiếu những tính năng “sát thủ”. Nhà phân tích Kuo dự đoán doanh số smartphone của Apple trong quý IV/2015 có thể giảm xuống 65 triệu chiếc. Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, công ty công nghệ Mỹ đã thiết lập kỷ lục với 74,5 triệu thiết bị. Đây có thể là lần đầu tiên doanh số iPhone giảm, tính từ quý cuối năm đến quý đầu năm sau.
Dù thế, iPhone 6S và 6S Plus hứa hẹn vẫn là smartphone bán chạy nhất thế giới khi được Apple trình làng. Trong khi hàng triệu người yêu công nghệ đổ dồn về sự kiện ngày 9/9 tới, thì đối thủ của Apple chắc sẽ “đứng ngồi không yên”. Tuy nhiên, để vượt qua cái bóng thành công của chính mình và thiết lập nên kỷ lục mới, với iPhone 6S sẽ là điều không dễ dàng.
Bảo Anh
Theo VNE
HTC và nguy cơ sụp đổ dây chuyền của điện thoại Android
Giá trị thị trường của HTC thấp hơn lượng tiền mặt họ có. LG lãi 0,012 USD cho mỗi smartphone bán ra. Doanh thu Samsung sụt giảm 7%. Đó là những dấu hiệu đáng lo ngại cho Android.
Cổ phiếu của HTC xuống thấp đến mức giá trị thị trường còn thấp hơn lượng tiền mặt họ có trong ngân hàng. Giá trị thị trường của công ty này hiện ở mức 1,5 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, những tài sản như nhà xưởng, dây chuyền, bằng sáng chế của HTC gần như vô giá trị trong mắt các nhà đầu tư.
Thị trường thay đổi chóng mặt. Năm 2008, HTC bán nhiều smartphone hơn Samsung. Họ chính là nhà sản xuất điện thoại Android lớn nhất thế giới. Hiện tại, HTC không còn là kẻ đi đầu, xét trên mọi phương diện. Tuy nhiên, họ vẫn có trong tay một trong những smartphone tốt nhất thế giới - One M9. HTC hiện nắm giữ 3,4% thị phần tại Mỹ. Với một thị trường lớn như smartphone, con số này không nhỏ.
Sau màn ra mắt HTC One M9, cổ phiếu của HTC liên tục lao dốc. Ảnh: Bloomberg.
Vậy tại sao cổ phiếu HTC tụt dốc không phanh và nhà đầu tư dần quay lưng với họ? Một thống kê gần đây có thể lý giải cho hiện tượng này: LG thu về lợi nhuận trung bình 1,2 cent cho một chiếc smartphone bán ra.
Báo cáo này xuất hiện từ tháng 7. Biên độ lợi nhuận của HTC có thể khác nhưng không nhiều. HTC hiện đang thua lỗ, đồng nghĩa họ chi nhiều tiền hơn cho mỗi chiếc smartphone so với số tiền thu về được. Nói cách khác, HTC phải trả thêm tiền để người dùng mua smartphone của họ. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu của công ty.
Samsung cũng gặp chung vấn đề với HTC. Galaxy S4, S6 Edge, có thể cả Galaxy Note 5 sắp ra mắt là những chiếc smartphone tốt nhất họ từng làm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý II của họ thì sao? Doanh thu giảm 7%: từ hơn 15 tỷ won (quý II/2014) còn 48,5 tỷ won (năm nay).
Tất cả các nhà sản xuất Android gặp chung vấn đề, thể hiện ở bảng dưới đây:
Đây là con số khủng khiếp về lượng smartphone Android (từ các nhà sản xuất lớn). Người dùng cần nhiều lựa chọn nhưng không ai cần đến mức đó.
Truy cập vào OpenSignal - trang web xuất bản bảng biểu này, người dùng sẽ thấy nó có khả năng tương tác (interactive). Kéo chuột đến từng ô nhỏ, nó sẽ báo cho bạn biết đó là thiết bị gì. Kéo đến mảng của HTC, người dùng sẽ thấy những cái tên như HTC One, HTC One M8, HTC One X, HTC One XL, HTC One mini và nhiều model khác. Tổng cộng có khoảng 50 model trong bản biểu trên. 49 trong số đó vẫn đang có mặt trên thị trường.
Có vẻ như, các nhà sản xuất Android tin cách tốt nhất để thành công là tạo ra các nhiều model càng tốt. Xét trên phương diện cạnh tranh, lẽ ra 90% các model nói trên cần bị khai tử. Hãng sản xuất điện thoại Android nên tập trung ra mắt một hoặc 2 chiếc di động hoặc tablet tuyệt vời nhất.
Người ta từng dự đoán về sự sụp đổ hàng loạt của các hãng sản xuất Android bởi chẳng công ty nào có thể tồn tại khi không làm ra lợi nhuận. Có thể, HTC sẽ là công ty đầu tiên biến mất khỏi bản đồ smarphone thế giới - nhanh như cách họ xuất hiện và xưng bá cách đây chưa đầy 10 năm.
Đức Nam
Theo Zing
Lợi nhuận của Sony tăng gấp 3 lần trong quý II Hãng công nghệ Nhật Bản có lợi nhuận tăng gấp 3 lần trong quý vừa qua nhờ doanh số của dòng máy PlayStation 4 và cảm biến camera. Lợi nhuận ròng của hãng đạt 664 triệu USD, tăng lên 39% so với quý II/2014. PS4 và sản xuất cảm biến hình ảnh đem lại cho Sony một quý thành công. Ảnh: BBC Doanh...