iOS-Android lặp lại cuộc chiến Mac-PC?
Trận chiến iOS – Android đang có dấu hiệu tương tự cuộc cạnh tranh Mac – PC trước đây. Liệu kết quả có lặp lại và bài học gì dành cho các doanh nghiệp?
Smartphone và máy tính bảng đang dần trở thành máy tính cá nhân của thời đại ngày nay. Hai nhân vật chính đang chiếm lĩnh thị trường là iOS của Apple và Android của Google. Ngoài ra, RIM và Microsoft cũng có những điểm hấp dẫn đặc biệt.
Khi nhớ lại cuộc chiến giữa Mac và PC trước đây, dường như mọi thứ đang diễn ra một cách tương tự với iOS và Android. Nhà phân tích Jack Brown cho rằng kết quả cuối cùng sẽ lặp lại, rằng Android sẽ thống trị vào năm 2014.
Điều này đem lại bài học gì cho các doanh nghiệp về việc lựa chọn, sử dụng và quản lý các nền tảng di động tại nơi làm việc?
Video đang HOT
Trong buổi sơ khai của máy tính cá nhân vào thập niên 1980, Apple phát triển Mac, cho phép một người bình thường cũng có thể sử dụng máy tính. Mac dễ sử dụng, chế độ đồ họa tốt hơn bất cứ sản phẩm nào lúc bấy giờ, chính vì thế mà các công ty đều viết phần mềm cho Mac, các nhà xuất bản và họa sỹ chỉ chuyên dùng Mac.
Hệ điều hành Windows dành cho PC của Microsoft ra đời không lâu sau Mac của Apple. Sau mỗi lần Windows được cải tiến lại có thêm phần mềm viết cho PC. Khi hai đối thủ dường như đã “ngang tài ngang sức”, hầu hết những ứng dụng phổ biến đều có thể chạy trên cả Mac và PC. Nhờ Windows được hỗ trợ bởi nhiều nhà cung cấp phần cứng, sự cạnh tranh trên thị trường khiến các nhà cung cấp này phải giảm giá thành để bán được nhiều thiết bị hơn, điều này đưa doanh số Windows tăng lên.
Hiện nay, Microsoft thống trị thị trường máy tính cá nhân và Apple chỉ chiếm một phần người dùng nhỏ, chủ yếu là những người làm đồ họa, xuất bản, sản xuất nhạc vào phim ảnh.
Để tìm thấy phần mềm quen thuộc bạn yêu thích trên Mac thực sự khó khăn vì việc lập trình cho cả hai nền tảng rất đắt đỏ, và hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn phát triển phần mềm cho nền tảng Windows vốn phổ biến hơn.
iOS và Android
Nhiều người coi iPhone của Apple ra mắt năm 2007 là chiếc smartphone thực sự đầu tiên, đưa sức mạnh của máy tính cá nhân vào trong túi áo. Người ta đổ xô đến với iPhone và các nhà phát triển viết ứng dụng cho iOS.
Năm 2008, Google ra mắt Android, và khi các thiết bị Android xuất hiện, các nhà phát triển bắt đầu phát hành ứng dụng cho nền tảng này. Android có thể được đăng ký cấp phép bởi bất kì nhà sản xuất nào, vì thế rất nhiều hãng sử dụng Android. Sự đa dạng phần cứng Android tạo ra môi trường cạnh tranh với nhiều mức giá khác nhau cho người dùng lựa chọn. Kho ứng dụng Android Market trưởng thành và đang trên đường chạy đua với App Store của Apple. Theo báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu Nielsen, phần cứng Android đã bán chạy hơn của Apple theo tỷ lệ 2-1.
Hai câu chuyện đã có khởi đầu tương tự nhau: người tiên phong Apple được đưa ra đọ sức với một người chơi nữa – Microsoft hoặc Google – và một nhà sản xuất riêng lẻ (Apple) cạnh tranh với hệ thống nhiều nhà cung cấp khác nhau; Apple đưa ra một sáng tạo công nghệ, phát động một trào lưu mới và ban đầu được ưa chuộng nhất, sau đó xuất hiện đối thủ là nhiều nhà cung cấp; những đối thủ này cuối cùng đã giành chiến thắng cung cấp nhiều lựa chọn cho khách hàng với mức giá rẻ hơn.
Trên thị trường máy tính bảng, Apple hiện đang thống thị với sự tham gia chậm chạp của Android, nhưng các nhà phân tích đang dự đoán rằng trong khoảng từ 2-3 năm tới, Apple sẽ rớt xuống vị trí thứ hai.
Bài học cho các doanh nghiệp
Những điều trên có thể ảnh hưởng ra sao đến nhiều doanh nghiệp nhỏ sử dụng các nền tảng này?
Trước đây, nhiều doanh nghiệp khởi đầu với Mac, hỗ trợ cả Mac và PC trong một thời gian và cuối cùng chuyển toàn bộ sang PC. Chi phí phụ trội để quản lý hai nền tảng, các vấn đề về tương thích và phần mềm khiến cho việc chuyển sang một nền tảng duy nhất là không thể tránh khỏi.
Các doanh nghiệp đang phải lựa chọn thiết bị di động cần đưa ra những cân nhắc tương tự. Liệu có nên xây dựng kế hoạch công nghệ thông tin dựa trên iPad khi thiết bị này đang chiếm lĩnh thị trường? hay chờ đợi lâu hơn một chút và lên kế hoạch dựa trên máy tính bảng Android, vì rất có khả năng cuối dùng Android sẽ là nền tảng lâu dài?
Với các giải pháp ảo hóa, các lựa chọn truy cập từ xa và điện toán đám mây, khả năng tương thích không còn là vấn đề lớn như trước, nhưng quản lý phần cứng vẫn có thể gây nhiều trở ngại. Cuối cùng, có lẽ các doanh nghiệp nên chờ tới khi máy tính bảng Android trở là “vật đặt cược” an toàn hơn, toàn bộ thị trường máy tính bảng sẽ trưởng thành hơn, các ứng dụng và phần cứng tốt hơn, việc quản lý và tích hợp các thiết bị trong môi trường doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây là những lý do Android rất có khả năng sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp như Windows đã làm được trước đây.
Theo ICTnew