Intel muốn tiếp quản nhà máy chip bỏ hoang của GlobalFoundries ở Trung Quốc
Intel đề xuất tiếp quản nhà máy liên doanh bị bỏ hoang ở Thành Đô nhằm mục đích đẩy nhanh các kế hoạch mở rộng của công ty tại đại lục.
South China Morning Post dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, Intel từng sẵn sàng mở rộng hoạt động tại Trung Quốc thông qua việc tiếp quản nhà máy liên doanh bị bỏ hoang của hãng thiết kế và sản xuất chất bán dẫn Mỹ GlobalFoundries ở thành phố Thành Đô. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đã bị gác lại vì chính quyền Washington phản đối.
Quang cảnh từ trên không về nhà máy sản xuất chip bị bỏ hoang của hãng bán dẫn Mỹ GlobalFoundries ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc
Thỏa thuận trên là một phần của những gì mọi người thường mô tả là “các dự án bí mật” bên trong Intel. Nó có thể hồi sinh một trong những dự án bán dẫn có vốn đầu tư nước ngoài lớn của Trung Quốc, mà chính quyền Thành Đô đã trải thảm đỏ vào năm 2017. Một cựu nhân viên Intel, người yêu cầu giấu tên vì đây là vấn đề riêng tư, tiết lộ việc tiếp quản đã được hoãn lại vào khoảng ngày 12.8, sau khi một số vị trí việc làm tại nhà máy này nhận hồ sơ tuyển dụng. Theo một nhân viên giấu tên khác của Intel, đề xuất tiếp quản nhà máy GlobalFoundries bị bỏ hoang chưa bao giờ được công bố chính thức trong toàn công ty, dù có rất nhiều vị trí tuyển dụng của Intel tại Thành Đô được đăng trên các trang tuyển dụng việc làm từ đầu năm đến nay.
Video đang HOT
Theo báo cáo của Bloomberg hôm 5.11, kế hoạch tăng cường sản xuất chất bán dẫn của Intel tại Thành Đô nhằm mục đích giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu, nhưng bị Nhà Trắng từ chối do lo ngại về an ninh. Địa điểm sản xuất mở rộng của công ty không được xác định trong báo cáo. Intel đang vận hành một nhà máy sản xuất chip ở Đại Liên, thành phố cảng phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, được khai trương vào tháng 10.2010, hiện sản xuất khoảng 60.000 tấm wafer mỗi tháng. Ông lớn công nghệ Mỹ cũng có hai cơ sở lắp ráp và thử nghiệm ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên.
GlobalFoundries đã tạm dừng hoạt động ở Thành Đô vào tháng 5.2020. Hãng này trước đó lên kế hoạch sản xuất tấm wafer 300 mm tại cơ sở rộng 65.000 mét vuông, trong đó GlobalFoundries có 51% cổ phần, phần còn lại do một đơn vị đầu tư của chính quyền Thành Đô kiểm soát. Tổng vốn đầu tư vào cơ sở này ước tính lên tới 10 tỉ USD.
Trong bản cáo bạch về kế hoạch niêm yết tại New York được công bố tháng trước, GlobalFoundries cho biết chính quyền Thành Đô đang tìm cách bồi thường thiệt hại do liên doanh thất bại. Công ty đã dành một khoản dự phòng trị giá 34 triệu USD vào tháng 6.2021 để giải quyết khoản bồi thường tiềm năng và đang đàm phán với chính quyền Thành Đô để giải quyết khiếu nại.
Việc Intel vấp phải rào cản khi muốn mở rộng sản xuất ở Trung Quốc đã phản ánh những khó khăn của công ty đa quốc gia trong việc cố gắng điều hướng mối quan hệ không mấy dễ chịu giữa Washington và Bắc Kinh. Tháng 10.2021, Cục Xúc tiến đầu tư của Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức đàm phán với Intel, STMicroelectronics, Infineon Technologies và các công ty khác để thảo luận về việc thành lập một nhóm hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho “đầu tư bán dẫn xuyên biên giới”, một trong những động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng chip.
Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc ngày càng trái ngược với định hướng chính sách xuất khẩu công nghệ của Mỹ. Những người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa tại Quốc hội đang gây áp lực buộc Bộ Thương mại Mỹ phải củng cố biện pháp kiểm soát xuất khẩu để giữ cho công nghệ quan trọng của Mỹ không bị xuất khẩu sang Trung Quốc.
Kế hoạch đại tu nhà máy chip quan trọng của SK Hynix ở Trung Quốc gặp khó
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung có khả năng khiến kế hoạch nâng cấp một nhà máy sản xuất chip quan trọng của SK Hynix ở đại lục không thể thực hiện được.
Reuters hôm 18.11 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, kế hoạch đại tu một cơ sở khổng lồ ở Trung Quốc của SK Hynix để sản xuất chip nhớ hiệu quả hơn đang gặp trục trặc. Nguyên nhân là do các quan chức Mỹ không muốn thiết bị bán dẫn tiên tiến sử dụng trong quá trình này được nhập vào đại lục. Sự thất bại tiềm tàng có thể khiến nhà cung cấp chip nhớ DRAM lớn thứ hai thế giới trở thành nạn nhân tiếp theo của mâu thuẫn địa chính trị, công nghệ và thương mại Mỹ - Trung.
Theo kế hoạch, SK Hynix sẽ nâng cấp một cơ sở sản xuất chip hàng loạt ở Vô Tích, Trung Quốc, sử dụng một số máy sản xuất chip in thạch bản cực tím (EUV) mới nhất do công ty Hà Lan ASML chế tạo. Mỹ trước đây đã phản đối điều này với lý do Trung Quốc có thể dùng các công cụ tiên tiến để tăng cường sức mạnh quân đội.
SK Hynix muốn nâng cấp một cơ sở sản xuất chip hàng loạt ở Vô Tích, Trung Quốc
Theo Reuters, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng từ chối bình luận cụ thể về vấn đề liệu các quan chức Mỹ có cho phép SK Hynix đưa công cụ EUV đến Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, người này nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tập trung ngăn chặn Trung Quốc sử dụng công nghệ của Mỹ và đồng minh để phát triển sản xuất chất bán dẫn hiện đại nhằm hiện đại hóa quân đội.
Nhà máy Vô Tích đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp điện tử toàn cầu vì nó sản xuất khoảng một nửa số chip DRAM của SK Hynix, chiếm 15% tổng số chip trên thế giới. Bất kỳ thay đổi lớn nào cũng có thể có tác động đến thị trường bộ nhớ toàn cầu. Theo công ty phân tích IDC, nhu cầu chip nhớ đang tăng ở mức 19% chỉ tính riêng trong năm 2021.
Khi các kiểu chip mới chiếm tỷ trọng lớn hơn trong sản xuất của SK Hynix khoảng 2 - 3 năm nữa, công ty sẽ phải cần thêm nhiều máy EUV để kiểm soát chi phí và tăng tốc sản xuất, đặc biệt tại nhà máy Vô Tích. Nếu tình hình không được giải quyết trong vài năm tới, SK Hynix có thể gặp bất lợi trước các đối thủ như Samsung Electronics và Micron Technology của Mỹ, hai ông lớn khác trên thị trường chip nhớ DRAM. Được biết, cả Samsung và Micron đều đang chuyển sang sử dụng máy EUV của ASML, nhưng không dùng chúng ở những địa điểm gặp phải hạn chế xuất khẩu.
Vấn đề về các máy ASML khiến SK Hynix lo ngại đến mức Giám đốc điều hành Lee Seok-hee đã nêu sự việc với các quan chức Mỹ trong chuyến thăm tới Washington D.C hồi tháng 7.2021. Hiện SK Hynix từ chối bình luận, nhưng nói rằng công ty hoạt động linh hoạt theo nhiều thị trường khác nhau và đang cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng mà không gặp vấn đề gì.
Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công khi ngăn chặn việc bán công nghệ của ASML cho Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), hãng sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc được chính phủ hậu thuẫn. Theo lời phát ngôn viên của ASML, công ty tuân thủ tất cả luật kiểm soát xuất khẩu và xem chúng như "công cụ hợp lệ" để các chính phủ đảm bảo an ninh quốc gia. Song, nhà cung cấp thiết bị Hà Lan cho rằng lạm dụng các biện pháp kiểm soát đó "có thể ảnh hưởng đến năng lực sản xuất cần thiết để đón đầu nhu cầu ngày càng tăng đối với chất bán dẫn".
Theo các nhà phân tích, quan chức Mỹ sẽ không xem nỗ lực của SK Hynix trong việc đưa công cụ EUV vào đại lục khác với những hành động trước đó của các công ty Trung Quốc. "Họ thực sự bị kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Bất kỳ ai đặt công cụ EUV ở Trung Quốc đều mang lại cơ hội cho Trung Quốc. Khi EUV đặt ở đó, bạn không biết nó sẽ đi về đâu. Người Trung Quốc luôn luôn có thể nắm bắt nó, hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn", Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường chất bán dẫn VLSIresearch Dan Hutcheson nói.
Nhà Trắng phản đối Intel tăng cường sản xuất chip ở Trung Quốc Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây từ chối kế hoạch tăng cường sản xuất chip của Intel Corp tại Trung Quốc vì lo ngại về an ninh. Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Intel đã đề xuất sử dụng một nhà máy ở Thành Đô, Trung Quốc, để sản xuất các tấm silicon. Việc sản xuất này có thể...