Indonesia trước ván bài mới
Vì là thành viên nhóm vận động tranh cử và chuyển tiếp chính quyền của Tổng thống Joko Widodo, đồng thời là một trong những người soạn thảo chiến lược “Điểm tựa an ninh biển toàn cầu” của Indonesia nên tuyên bố hôm 4/3 của Tiến sĩ Rizal Sukma, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia được dư luận quan tâm. Bởi khi phát biểu tại cuộc hội thảo ở Singapore về chính sách ngoại giao và an ninh biển của Indonesia hôm 4/3, Tiến sĩ Rizal Sukma cho rằng, việc bắn chìm tàu vi phạm không thể kéo dài và Jakarta nên đàm phán đa phương về vấn đề này bởi chính sách kể trên có nhiều hạn chế.
Theo Tiến sĩ Rizal Sukma, hằng năm Indonesia bị thất thoát khoảng 23 tỉ USD do thủy sản bị đánh bắt trộm bởi tàu cá nước ngoài, do đó, sau khi nhậm chức tháng 10/2014, Tổng thống Joko Widodo đã nhiều lần tuyên bố, sẽ mạnh tay để chấm dứt tình trạng này. Từ 5/12/2014 đến nay, Indonesia đã bắn và đánh chìm bằng thuốc nổ tàu của Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Ngoài ra, ông Rizal Sukma cũng chỉ rõ 4 quan điểm chính trong chính sách của Indonesia tại Biển Đông. Thứ nhất, Indonesia không là một bên trong tranh chấp Biển Đông. Thứ hai, có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Thứ ba, sẵn sàng là “nhà môi giới trung thực” trong giải quyết tranh chấp. Thứ tư, mong muốn Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được hoàn thiện sớm. Tiến sĩ Rizal Sukma còn nhấn mạnh, “đường lưỡi bò” không hề tồn tại và Indonesia không công nhận “đường lưỡi bò”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Thủ tướng Malaysia Najib Razak
Theo giới truyền thông, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi Indonesia chấm dứt thời kỳ “quay lưng lại quá lâu với các đại dương, eo biển và vùng vịnh” và khôi phục quyền lực biển của quốc gia vạn đảo và đây là lần đầu tiên Indonesia đề ra học thuyết biển. Theo đó, Tổng thống Joko Widodo đã triển khai chính sách “Trục hàng hải” nhằm đưa Indonesia trở thành cường quốc biển. Việc Indonesia muốn trở thành cường quốc biển là cần thiết bởi nước này đang sở hữu eo biển nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 3.000 lượt tàu bè mỗi ngày đi qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, và 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng đi qua eo biển này. Bên cạnh đó, năng lượng biển đã trở thành yếu tố đáng kể trong việc thúc đẩy tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2025 như Tổng thống Joko Widodo từng cam kết trong Kế hoạch tổng thể về tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế Indonesia (MP3EI).
Theo tờ The Straits Times, Tổng thống Joko Widodo vừa tuyên bố siết chặt trừng phạt đối với những tàu thuyền đi vào vùng lãnh thổ của Indonesia như một phần trong cam kết nhằm đưa nước này trở thành cường quốc biển. Indonesia có ranh giới trên biển với 10 quốc gia và việc phân định ranh giới với một số quốc gia vẫn đang trong tiến trình đàm phán. Do đó, thực hiện chính sách “Trục hàng hải” đồng nghĩa với việc Indonesia phải giải quyết nhanh vấn đề biên giới biển với láng giềng. Ngoài ra, để trở thành “Trục hàng hải”, Indonesia cần thông qua ngoại giao để ngăn chặn các cuộc xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Theo thống kê, trong số gần 70% lượng thương mại thế giới diễn ra xung quanh Châu Á – Thái Bình Dương, có đến 45% đi qua Indonesia.
Tờ The Jakarta Post vừa dẫn lời Tổng tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko cho biết, trong tương lai, Biển Đông sẽ là điểm nóng, vì thế, một lực lượng đặc nhiệm như Kogabwilhan (gồm lục, hải và không quân) là rất quan trọng và Tổng thống Joko Widodo đã phê chuẩn kế hoạch này. Tướng Moeldoko còn nhấn mạnh, quân đội Indonesia (TNI) sẽ tập trung hoạt động ở khu vực phía Tây, đặc biệt là vùng Sumatra và Kalimantan để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Trước đó, Tướng Moeldoko từng đề xuất thành lập 3 đơn vị Kogabwilhan tại Sulawesi, Sumatra và Kalimantan. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia Djundan Eko Bintoro, Kogabwilhan sẽ hoạt động vào năm 2024.
Video đang HOT
Trước đó (tháng 9/2014), người đứng đầu Cơ quan Điều phối An ninh Biển Indonesia, Phó đô đốc Desi Albert Mamahit từng cảnh báo, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là mối đe dọa thực sự và sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến Indonesia. Cũng từ cuối tháng 9/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro đã tiết lộ, Indonesia chuẩn bị thành lập một phi đội máy bay chiến đấu F-16 và một phi đội trực thăng Apache nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quân sự ở Biển Đông, để bảo đảm thăm dò mỏ khí đốt lớn nhất châu Á tại phía Đông Natuna, thuộc tỉnh đảo Riau. Phó tổng thống Jusuf Kalla cũng cho biết, Indonesia sẽ mua 16 chiếc Embraer EMB-314 Super Tucano do Brazil chế tạo để trang bị cho không quân. Chuyên gia quân sự Iis Giandarsah đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Indonesia cho rằng, Jakarta đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ do lo ngại về tham vọng của “đường lưỡi bò”.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Joko Widodo đã không đồng ý ân xá và bác bỏ mọi thỉnh cầu khoan hồng từ phía Australia khi từ chối đề xuất trao đổi tù nhân. Ngày 5/3, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Thủ tướng Tony Abbott đã đề xuất trao đổi tù nhân với Ngoại trưởng Indonesia Retno Mursadi và Tổng thống Joko Widodo để bảo vệ tính mạng của hai công dân Australia là Myuran Sukumaran và Andrew Chan, nhưng bất thành. Trước đó (24/2), Tổng thống Joko Widodo tuyên bố, việc hành quyết tử tội người Brazil là vấn đề liên quan tới danh dự quốc gia và không ai có thể can thiệp vào việc xử tử những tay buôn lậu ma túy bị tòa kết án. Từ năm 2013 tới nay, Indonesia đã xử tử ít nhất 10 người can tội buôn lậu ma túy.
Từng là thành viên OPEC, nhưng Indonesia đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ và phải rút khỏi tổ chức này từ năm 2009 do sản lượng khai thác ngày càng giảm trong khi nhu cầu ngày một tăng. Theo dự báo của Hiệp hội Dầu khí Indonesia (IPA), tới năm 2019, nhu cầu dầu mỏ của Indonesia sẽ lên tới 6,19 triệu thùng/ngày, trong khi nguồn cung chỉ đạt 6,04 triệu thùng/ngày. Hiện, tiêu thụ dầu mỏ của Indonesia khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, nhưng sản lượng chỉ đạt 798.000 thùng/ngày. Chủ tịch IPA Craig Stewart hy vọng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joko Widodo, Indonesia sẽ đầu tư thỏa đáng vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển nước sâu. Và việc này chắc chắn sẽ động chạm tới bản đồ “đường lưỡi bò”.
Theo Petrotimes
Học giả Bỉ: "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý
Trang tin điện tử EPI ngày 11/3 đã đăng một bài viết về hội thảo chủ đề Biển Đông vừa được Đại học Tự do Brussels (ULB) tổ chức ở thủ đô Brussels của Bỉ.
Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập mà nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bài báo cho biết với chủ đề "Biển Đông: Nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế," hội thảo do giáo sư luật Erik Franck, thành viên của Tòa trọng tài thường trực (PCA) chủ trì và quy tụ hơn 100 học giả là các luật gia về biển, nguyên thẩm phán tòa án quốc tế về luật Biển, các nhà nghiên cứu Biển Đông hàng đầu thế giới hiện nay, cùng các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Bộ ngoại giao Bỉ.
Các học giả đặc biệt quan tâm tới yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đưa ra từ năm 2009 và nhận định rằng "đường lưỡi bò" hoàn toàn thiếu các cơ sở pháp lý và cho đến nay Trung Quốc cũng chưa viện dẫn được tài liệu nào để chứng minh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận theo 4 chủ đề về đánh bắt nguồn lợi thủy sản, lưu thông hàng hải, đảo và quần đảo và cuối cùng là các tranh chấp và giải pháp.
Theo bài báo, tại phiên bàn thảo về đánh bắt nguồn lợi hải sản, tiến sỹ Friedrich-Wieland, Trưởng bộ phận pháp lý thuộc Tổng vụ biển và đánh bắt hải sản của Ủy ban châu Âu (EC), cho rằng nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông đang bị khai thác cạn kiệt, tác động đến môi trường mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc thiếu phân định rõ ràng về chủ quyền.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác của các bên liên quan, tránh các hành động đơn phương và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Những xáo trộn tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến giao thương hàng hải quốc tế, trong đó có lợi ích của châu Âu bởi 25% hàng hóa của EU được vận chuyển qua khu vực này.
Các hành động đơn phương cải tạo đảo hay thay đổi nguyên trạng các khu vực đang tranh chấp của Trung Quốc có thể đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, sự ổn định của khu vực cũng như không được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Bài báo nhấn mạnh các luật gia về biển cho rằng khi Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) chưa thể xử lý được vấn đề chủ quyền thì giải pháp đàm phán ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó cần nhấn mạnh vai trò của ASEAN và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam hay những nước như Philippines, Malaysia, Indonexia... cần nghiên cứu và tiếp tục viện dẫn luật pháp quốc tế để nêu quan điểm, yêu cầu bên liên quan giải quyết một cách bình đẳng trên cơ sở luật quốc tế.
Các luật gia cũng đặc biệt quan tâm đến diễn biến vụ kiện tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc mà kết quả dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu năm 2016. Vụ kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng để có thể xây dựng quy tắc ứng xử giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Bài báo kết luận Biển Đông là một vấn đề chiến lược hàng đầu đối với các quốc gia Đông Nam Á liên quan và đối với cả Trung Quốc. Từ nhiều năm nay, nơi đây diễn ra các tranh chấp lãnh hải với những tuyên bố gây tranh cãi của các quốc gia vì Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên thực tế và tiềm năng.
Mức độ địa chiến lược của vấn đề này đã vượt ra ngoài khu vực Đông Nam Á và có sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc nước ngoài.
Bài báo kết luận trong khi các tranh chấp có thể leo thang trong khu vực và trên toàn thế giới thì việc tìm kiếm một giải pháp đàm phán và giải quyết tranh chấp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Trung Quốc thách thức ASEAN bằng các hoạt động bồi đắp ở Biển Đông Với việc Trung Quốc tiếp tục các hành động cải tạo đất và xây dựng ở Biển Đông, triển vọng cho khu vực vẫn mờ mịt. Các hình ảnh cho thấy Trung Quốc thực hiện các hành động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá Gaven ở Trường Sa. (Ảnh: IHS Jane's) Một loạt các bức ảnh gây sốc được Trung tâm chiến...