Indonesia: Trợ giá xăng dầu là biện pháp ổn định chính trị
Phát biểu tại Trung tâm hội nghị quốc gia PPAD ở Sentul Bogor, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách trợ giá xăng Pertalite trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng vọt, nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, ngăn chặn các cuộc biểu tình trên cả nước.
Công ty xăng dầu quốc doanh PT Pertamina. Ảnh: www.pertamina.com
Theo Tổng thống Jokowi, giá xăng Pertalite, nếu không được trợ giá, có thể lên tới 17.100 rupiah/lít (khoảng 1,2 USD/lít). Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang giữ giá nhiên liệu Pertalite ở mức 7.650 rupiah/lít. Nếu để giá nhiên liệu tăng quá cao, tình hình chính trị có thể sẽ bất ổn, khả năng xảy ra các cuộc biểu tình tại các thành phố kéo dài trong nhiều tháng.
Ông Jokowi nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng nếu giá xăng Pertalite tăng từ 7.650 rupiah lên đúng giá 17.100 rupiah, thì đất nước có thể rơi vào tình trạng bất ổn”. Với mức giá xăng Pertalite theo thị trường hiện nay có giá 17.100 rupiah/lít và sau khi trợ giá còn 7.650 rupiah/lít, điều đó có nghĩa là chính phủ đã phải hỗ trợ 9.450 rupiah/lít xăng Pertalite.
Ông Jokowi cho biết, PT Pertamina (Persero) dự báo năm 2022 sẽ cần tới 23 triệu lít xăng trợ giá, tuy nhiên, tình hình thực tế có thể phải tăng tới 28 triệu lít. Trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ cần tới 28 triệu lít xăng Pertalite, với việc trợ giá 9.450 rupiah/lít, Chính phủ Indonesia sẽ phải chi khoảng 17,7 tỷ USD trong năm nay cho chính sách trợ giá xăng dầu. Đây mới chỉ là chính sách trợ giá xăng Pertalite chứ chưa tính tới việc trợ giá các nguồn năng lượng khác như dầu diesel và điện, cũng như các mặt hàng khác như phân bón.
Tổng thống Jokowi khẳng định, “chính phủ đã tăng ngân sách trợ cấp năng lượng đặc biệt từ 11,4 tỷ USD lên 33,5 tỷ USD năm 2022. Sẽ không có quốc gia nào đủ mạnh để đưa ra một khoản trợ cấp lớn như vậy”.
Bangladesh: Người dân đổ xô đi mua xăng dầu trước khi giá tăng kỷ lục
Hàng nghìn người Bangladesh đã đổ xô đến các trạm xăng dầu trên khắp đất nước để mua nhiên liệu sau khi chính phủ nước này thông báo tăng giá xăng ở mức kỷ lục.
Bơm xăng tại một trạm xăng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Dhaka đã thông báo giá xăng tăng 51,7% và giá dầu diesel tăng 42,5% từ đêm 5/8. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Nasru Hamid cho biết quyết định tăng giá của chính phủ là do thị trường toàn cầu, và giá nhiên liệu sẽ được điều chỉnh. Ông nói thêm rằng: "Nếu tình hình trở lại bình thường, giá nhiên liệu sẽ được điều chỉnh theo".
Sau khi nhận được thông báo, các chủ xe máy và ô tô đã lập tức đổ xô đến các trạm xăng dầu để tìm cách đổ đầy bình xe trước khi quyết định tăng giá chính thức có hiệu lực. Một số trạm xăng dầu đã ngừng bán hàng và biểu tình đã bùng phát ở một số nơi.
Người biểu tình cho biết việc tăng giá nhiên liệu sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến hàng chục triệu người nghèo, vốn dùng dầu để chạy máy bơm nước tưới tiêu cho đồng ruộng, cũng như làm tăng chi phí nhiên liệu cho các loại phương tiện vận tải.
Tình trạng giá năng lượng tăng cao do xung đột tại Ukraine đã làm ảnh hưởng tới nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện tại Bangladesh. Nhà máy điện sử dụng dầu diesel với công suất 1.500 megawatts (chiếm 10% tổng lượng điện) đã phải ngừng hoạt động. Một số nhà máy dùng khí gas cũng phải ngừng hoạt động. Những tuần gần đây, thời gian cắt điện định kỳ đã lên tới 13 giờ/ngày. Dhaka đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ 4,5 tỷ USD. Trong khi đó, đồng taka của Bangladesh đã mất giá khoảng 20% so với đồng USD trong 3 tháng qua, càng làm giảm khả năng tài chính của nước này.
Indonesia thúc đẩy vai trò trung gian trong giải quyết xung đột Nga - Ukraine Ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu chuyến thăm Ukraine nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và tìm biện pháp xuất khẩu ngũ cốc của hai quốc gia này ra thị trường thế giới. Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại cuộc họp ở Bogor, Indonesia. Ảnh tư liệu:...