Indonesia sẽ kéo dài chương trình ưu đãi xe điện vào năm tới
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Thứ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Rachmat Kaimuddin cho biết: Chính phủ nước này đang lên kế hoạch kéo dài chương trình ưu đãi dành cho xe điện (EV), đặc biệt là xe máy điện, vào năm tới với mức hỗ trợ tương đương năm nay.
Một nhân viên làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe máy điện tại nhà máy gần Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu: Reuters
Trao đổi với báo giới vào ngày 10/11, ông Rachmat cho hay: “Mức ưu đãi dành cho xe máy điện vào năm 2024 sẽ tương tự như năm nay, tức là ít nhất 7 triệu Rupiah (446 USD). Chúng ta sẽ xem xét sau”.
Tuy nhiên, ông Rachmat cho rằng người dân đang quan tâm đến việc chuyển đổi từ xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe máy điện hơn là mua xe máy điện mới dù rằng đây là lựa chọn tốn kém hơn. Theo ông Rachmat, Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư hiện đang đánh giá ngân sách cho chương trình chuyển đổi xe máy điện vào năm 2024 vì mức hỗ trợ 7 triệu Rupiah được cho là không đủ để thu hút công chúng.
Ông Rachmat nói: “Chúng tôi sẽ đánh giá lại việc chuyển đổi xe máy điện vì nó khá đắt và khoản hỗ trợ 7 triệu Rupiah là không đủ để thuyết phục mọi người. Việc tăng ưu đãi chưa được quyết định mà đang được cân nhắc”, đồng thời cho biết thêm rằng chương trình này sẽ được xã hội hóa rộng rãi trong thời gian tới.
Video đang HOT
Chương trình hỗ trợ mua mới và chuyển đổi xe máy chạy nhiên liệu thông thường sang chạy điện được Chính phủ Indonesia công bố vào đầu tháng 3/2023. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ hỗ trợ mua mới 200.000 xe máy điện và chuyển đổi 50.000 xe máy trong năm 2023 với tổng ngân sách khoảng 5.000 tỷ Rupiah.
Chương trình này chỉ được áp dụng đối với xe máy sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% trở lên.
Đối tượng được ưu tiên nhận hỗ trợ là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như các hộ gia đình có mức tiêu thụ điện hàng tháng trong khoảng 450-900 VA.
Ngoài chương trình này, Indonesia cũng dành một số hình thức hỗ trợ khác đối với EV như giảm 1% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 11% xuống còn 10% đối với ô tô điện; giảm thuế phương tiện xe cơ giới (PKB) từ mức 1 – 10% xuống 0%, và miễn toàn bộ thuế chuyển quyền sở hữu (BBNKB) đối với loại phương tiện thân thiện với môi trường này.
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ ngành sản xuất EV như giảm thuế, cấm xuất khẩu quặng nickel để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu và pin EV trong nước, xây dựng nhà máy tinh chế lithium… với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất EV của thế giới.
Thủ đô mới của Indonesia sẽ có làn đường sạc điện
Thủ đô mới (IKN) Nusantara trên đảo Kalimantan của Indonesia sẽ được trang bị các làn đường trang bị hệ thống sạc không dây, cho phép tự động sạc pin cho xe điện trong quá trình vận hành.
Ảnh minh họa: internationales-verkehrswesen.de
Danis Hidayat Sumadilaga, quan chức thuộc Lực lượng đặc nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng IKN cho biết thêm rằng Nusantara sẽ cấm phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là các phương tiện chạy bằng điện.
Theo ông Danis, hệ thống làn đường sạc điện đã được triển khai ở một số quốc gia và nhiều nước đang tiến hành thử nghiệm. Ngoài hệ thống này, IKN Nusantara sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh và bền vững.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) tuyên bố rằng chỉ các phương tiện chạy bằng điện mới được phép hoạt động ở IKN Nusantara nhằm giữ cho môi trường không bị ô nhiễm và những người sử dụng phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được di chuyển vào khu vực này.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Vận tải đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải Budi Setiyadi thông tin rằng IKN Nusantara sẽ sử dụng ô tô tự hành làm phương tiện di chuyển, đồng thời sẽ hạn chế các phương tiện cá nhân.
Theo quan chức này, hiện Chính phủ Indonesia vẫn đang thực hiện một số công việc chuẩn bị, chẳng hạn như phát triển các cơ sở hạ tầng, ngân sách và sửa đổi Luật Giao thông nhằm thực hiện mục tiêu nói trên.
Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Jokowi công bố hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới.
Theo quy hoạch, Nusantara sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của trên 10 triệu dân, sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính. Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp. Người đứng đầu chính quyền thủ đô mới sẽ mang hàm bộ trưởng nội các.
Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan chính phủ, cũng như các quy định khác.
Hàn Quốc xem xét khả năng khiếu nại WTO về đạo luật giảm lạm phát của Mỹ Ngày 22/8, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang cho biết, nước này sẽ xem xét liệu có đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về đạo luật mới của Mỹ, trong đó loại trừ xe điện được sản xuất bên ngoài Bắc Mỹ khỏi danh sách được giảm thuế tại Mỹ....