Indonesia hối thúc Israel ngừng tấn công các bệnh viện ở Dải Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6/11, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã hối thúc Israel ngừng sát hại dân thường và tấn công các cơ sở dân sự, như bệnh viện và nhà thờ tại Dải Gaza.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza, ngày 4/11/2023. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Bộ trưởng Retno kêu gọi Tel Aviv tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đồng thời khẳng định Bệnh viện Indonesia ở Gaza sẽ tiếp tục hoạt động để điều trị cho các nạn nhân của cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel mặc dù nguồn cung nhiên liệu sắp hết. Bộ trưởng Retno cũng cho biết Bộ ngoại giao Indonesia đang tiếp tục liên lạc với 3 thành viên của nhóm tình nguyện viên MER-C tại bệnh viện trên để đảm bảo an toàn cho họ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas thông báo đã nhận được chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo tìm hiểu thêm các hình thức hỗ trợ khác bên cạnh chuyến hàng viện trợ nhân đạo mà Indonesia đã chuyển cho người dân Palestine ở Dải Gaza hôm 4/11 vừa qua.
Cuộc xung đột Hamas-Israel đã kéo dài gần một tháng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel hôm 7/10. Theo thống kê tính đến ngày 6/11 của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza, ít nhất 10.022 người Palestine đã thiệt mạng trong các vụ tấn công trả đũa của Israel vào Gaza, trong đó có 4.104 trẻ nhỏ và hàng nghìn dân thường. Bên phía Israel, số người thiệt mạng là khoảng 1.400 người, chủ yếu là dân thường.
* Ngày 6/11, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cáo cáo cho thấy kể khi nổ ra xung đột Hamas-Israel, khoảng 61% trong tổng số lao động tại Dải Gaza đã mất việc làm, tương đương 182.000 người. Con số ghi nhận tại Bờ Tây là 208.000 người mất việc. Tổng số người mất việc tại cả Dải Gaza và khu Bờ Tây là khoảng 390.000 người, tương đương tổn thất thu nhập lao động mỗi ngày 16 triệu USD.
Video đang HOT
ILO lưu ý số người mất việc làm và tổn thất thu nhập sẽ ngày càng tăng nếu các hoạt động quân sự ở Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này vẫn tiếp diễn.
Giám đốc ILO phụ trách các nước Arab, bà Ruba Jaradat cảnh báo tình trạng thù địch hiện nay không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội “với những hệ lụy sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới”. Quan chức ILO cũng nhắc lại lời kêu gọi của tổ chức này về việc đảm bảo tiếp cận nhân đạo nhanh chóng và an toàn cho dân thường ở Dải Gaza.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực viện trợ cho người dân Gaza
Nhiều nước tiếp tục nỗ lực viện trợ cho người dân tại Dải Gaza trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza, ngày 21/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông báo trên mạng xã hội X rạng sáng 6/11, Quốc vương Jordan Abdullah II cho biết không quân đã thả lô hàng viện trợ gồm vật tư y tế thiết yếu xuống một bệnh viện dã chiến của Jordan tại Gaza. Quốc vương Abdullah II nêu rõ nhiệm vụ này nhằm hỗ trợ những người bị thương do xung đột tại Gaza.
Cuối tuần qua, 3 máy bay của Pháp vận chuyển 54 tấn hàng viện trợ cho Gaza đã đến Ai Cập. Theo quân đội Pháp, các máy bay chở theo vật tư y tế, thực phẩm và máy phát điện để viện trợ cho Gaza. Trong khi đó, 3 tàu hải quân Pháp ở Đông Địa Trung Hải hiện sẵn sàng ứng phó với tình huống leo thang.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã kêu gọi "ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" tại Dải Gaza, đồng thời cảnh báo xung đột Hamas - Israel có nguy cơ lan rộng ra khu vực. Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Qatar, Ngoại trưởng Pháp cho biết nước này đang nỗ lực thúc đẩy một nghị quyết về lệnh ngừng bắn được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Trong khi đó, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran (IRCS) cũng sẵn sàng gửi hàng viện trợ nhân đạo và cứu trợ tới Ai Cập để chuyển đến Dải Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chủ tịch IRCS, Pir-Hossein Kolivand đã đưa ra thông tin trên trong cuộc điện đàm với Giám đốc điều hành của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập (ERC) Ramy El-Nazer. Quan chức Iran khẳng định nước này sẵn sàng gửi nhiên liệu cần thiết cho hoạt động của các bệnh viện ở Dải Gaza đang gặp khó khăn và một số phải đóng cửa vì thiếu nhiên liệu.
Ngày 4/11 vừa qua, ông El-Nazer kêu gọi các nước trên thế giới hoàn thành việc vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza bằng đường hàng không trong bối cảnh ERC gần như cạn kiệt nguồn viện trợ. Đến nay, ERC đã thực hiện 13 đợt viện trợ nhân đạo và cứu trợ thông qua cửa khẩu Rafah tới Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) kể từ ngày 21/10.
Theo một nguồn tin an ninh Ai Cập ngày 5/11, nước này đã chuyển 75 xe tải chở đầy thực phẩm, nước uống và vật tư y tế qua cửa khẩu Rafah tới Dải Gaza, nâng tổng số chuyến hàng viện trợ được gửi đến khu vực này lên gần 500 xe kể từ ngày 21/10.
Israel đã cấm vận chuyển vào Dải Gaza nhiên liệu cần thiết để vận hành các bệnh viện và các cơ sở xử lý nước ở vùng đất này vì cho rằng số nhiên liệu này có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự của Hamas. Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết cần khoảng 100 xe tải nhân đạo vào Dải Gaza mỗi ngày để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất. Theo Bộ Y tế Palestine, 16 trong tổng số 35 bệnh viện ở Gaza ngừng hoạt động vì các cuộc tấn công của Israel và tình trạng thiếu nhiên liệu.
Cũng trong ngày 5/11, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, bà Cindy McCain tại Cairo nhằm thảo luận về tình hình đang xấu đi ở Dải Gaza và nhu cầu nhân đạo ngày càng tăng của người dân Palestine.
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Shoukry cho biết những khó khăn về hậu cần do Israel gây ra và việc liên tục ném bom vào cửa khẩu biên giới Rafah đã làm trì hoãn việc cung cấp viện trợ cho Dải Gaza bị phong tỏa và đặt thêm gánh nặng cho Ai Cập. Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương cung cấp thêm viện trợ, để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, đồng thời nêu bật những nỗ lực tăng cường của Ai Cập trong vấn đề này.
Về phần mình, Giám đốc WFP Cindy McCain đánh giá cao vai trò của Ai Cập trong việc đảm bảo tiếp cận viện trợ nhân đạo liên tục của người Palestine ở Dải Gaza.
Trước đó, Ai Cập đã phàn nàn về thủ tục kiểm tra chậm chạp đối với các xe tải viện trợ từ Ai Cập đến Dải Gaza qua cửa khẩu của Israel.
Trong chuyến thăm Ai Cập vào tháng 10, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá cửa khẩu Rafah và sân bay El-Arish của Ai Cập - nơi tiếp nhận các chuyến bay chở hàng viện trợ do các nước khác đóng góp - là "huyết mạch cho người dân ở Gaza".
Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp nhận bệnh nhân ung thư từ Gaza Ngày 5/11, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo Ankara và Cairo đã nhất trí chuyển khoảng 1.000 bệnh nhân ung thư và thường dân bị thương khác cần được chăm sóc khẩn cấp ở Dải Gaza đến Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị. Bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ-Palestine là cơ sở y tế duy nhất ở...