IMF tính hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vì chiến tranh thương mại
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã ảnh hưởng đến niềm tin doanh nghiệp và hoạt động đầu tư ở khu vực châu Á – hãng tin Reuters dẫn nhận định ngày 17/12 của một quan chức cấp cao Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Có khả năng IMF sẽ một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong báo cáo công bố tháng 1 năm sau – Ảnh: Reuters
Vị này cũng cảnh báo rằng IMF có thể một lần nữa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng 1 tới.
Ông Changyong Rhee, Giám đốc Vụ Châu Á-Thái Bình Dương thuộc IMF, nói rằng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là hai trong số những quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bất lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại, xét đến sự phụ thuộc của hai nền kinh tế này vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Hoạt động đầu tư hiện nay đang yếu hơn nhiều so với kỳ vọng. Tôi cho rằng vấn đề niềm tin đã có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế ở châu Á”, ông Rhee nói với Reuters.
“Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tháng 10 chậm hơn một chút so với chúng tôi dự báo”, ông Rhee phát biểu.
Với lo ngại về ảnh hưởng bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, IMF hồi tháng 10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,7% cho cả năm 2018 và 2019, từ mức dự báo tăng 3,9% đưa ra hồi tháng 7.
Video đang HOT
Cũng trong lần dự báo tháng 10, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á giảm còn 5,4% trong năm 2019, từ mức tăng 5,6% dự kiến đạt được trong năm nay.
Ông Rhee cho biết có khả năng IMF sẽ một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong báo cáo công bố tháng 1 năm sau, xét đến những dấu hiệu của sự giảm tốc không chỉ ở châu Á, mà còn ở cả châu Âu và Mỹ.
“Sự bấp bênh là rất lớn… bấp bênh có nghĩa là nền kinh tế toàn cầu có cả tiềm năng tăng trưởng và cả những rủi ro suy giảm tăng trưởng. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng rủi ro suy giảm tăng trưởng là lớn hơn”, ông Rhee nói.
Đối với Trung Quốc, ông Rhee cho rằng nước này sẽ không sử dụng đến một kế hoạch kích cầu tăng trưởng quy mô lớn, bất chấp những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, bởi sự cần thiết phải xử lý những thách thức dài hạn như giảm bớt tình trạng nợ nần trong nền kinh tế.
“Họ sẽ không đẩy mạnh việc kích cầu… nhưng điều đó không loại trừ khả năng nếu căng thẳng thương mại leo thang và tăng trưởng giảm tốc sâu hơn, họ sẵn sàng dùng đến biện pháp kích cầu”, ông Rhee nhận định.
“Điều khiến chúng tôi lo ngại và đang tư vấn cho họ là những mục tiêu trung hạ như giảm nợ vẫn có vai trò rất quan trọng đối với ổn định tài chính”, ông Rhee nói về Trung Quốc. “Bởi vậy, khi họ thực sự phải dùng đến biện pháp kích cầu, chúng tôi hy vọng là họ có thể sử dụng các biện pháp tài khóa nhiều hơn là mở rộng tín dụng”.
Theo vneconomy.vn
OECD: Kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ chỉ tăng 3,5%
Ngày 21/11, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019, viện dẫn một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
OECD: Mẫu thuẫn thương mại gia tăng khiến kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 dự kiến tăng 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.
OECD giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 ở mức 3,7%, song dự kiến trong năm 2020 sẽ giảm nhẹ xuống 3,5%.
Cụ thể, tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) này điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 6,6% năm 2018, 6,3% năm 2019 và 6% năm 2020 do hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm.
OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay từ mức 1,2% xuống 0,9% và năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10/2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo tăng 0,7% vào năm 2020.
Tuy nhiên, OECD giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng của Mỹ lần lượt 2,9%, 2,7% và 2,1% cho năm 2018, 2019 và 2020 khi chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống Donald Trump hỗ trợ tốt cho đầu tư của doanh nghiệp.
Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 1,9% năm 2018, 1,8% vào năm 2019 và 1,6% vào năm 2020, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó.
Kinh tế Italy được dự báo chỉ tăng 1% trong năm nay, và 0,9% cho cả năm 2019 và 2020, do số việc làm chững lại và tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nêu bật một số thách thức đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị gây ra.
Căng thẳng thương mại đã kéo đà tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm nay.
Ông Gurria cảnh báo nếu Mỹ tăng thuế bổ sung lên mức 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như Tổng thống Donald Trump đe dọa, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống gần 3% vào năm 2020.
Từ đó, Tổng thư ký OECD hối thúc các nhà hoạch định chính sách giúp các nước khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại dựa trên luật lệ quốc tế.
Về phần minh, nhà kinh tế trưởng Laurence Boone nhận định hiện có ít dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn so với dự báo, song những rủi ro hiện nay đủ để "gióng lên hồi chuông cảnh báo và chuẩn bị sẵn sàng trước mọi cơn bão"./.
Nguyễn Hằng/TTXVN
Lãi suất tiền đồng năm 2019 sẽ tăng Đó là dự báo của ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam tại buổi hội thảo "Việt Nam - Tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thế giới bất ổn" ngày 11.10. Lãi suất dự báo tăng Theo ông Hải, môi trường lãi suất thấp hiện diễn ra nhưng qua năm 2019 khó có thể giữ được trước áp...