IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế chênh lệch giữa các nhóm nước
Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, nhưng mức tăng trưởng sẽ không đồng đều khi các nước phát triển có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn các nước đang phát triển.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 27/7 đã đưa ra dự báo trên trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới.
Người dân mua bán thực phẩm tại một khu chợ ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Báo cáo cho biết dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo công bố hồi tháng 4, song Mỹ – nền kinh tế số 1 thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả, khoảng 7% nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và tỷ lệ người tiêm chủng cao của nước này.
Video đang HOT
Trong khi đó, IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ còn 9,5% trong bối cảnh quốc gia này đang ứng phó với tình trạng số ca nhiễm vẫn ở mức cao.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Canada và Anh lên mức lần lượt 6,3% và 7%, trong khi GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo tăng trưởng 4,6%. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1%.
Ở Mỹ Latinh, Mexico dự kiến sẽ tăng trưởng cao hơn, nhờ sự hỗ trợ của sự lan tỏa tích cực từ nền kinh tế Mỹ, trong khi Brazil cũng có được sự thúc đẩy trong bối cảnh báo cáo cho biết giá hàng hóa tăng.
IMF cho rằng tiến trình tiêm chủng vaccine là yếu tố phân chia khả năng phục hồi giữa nhóm nước phát triển và nhóm đang phát triển, đồng thời cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới. Báo cáo của IMF thậm chí cho rằng không thể đảm bảo kinh tế có thể phục hồi tại những nước nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn còn hiện diện tại những nước này.
Thể chế tài chính quốc tế này cũng chi rõ tình trạng lạm phát gia tăng gần đây là hậu quả của tình hình dịch bệnh tái bùng phát và việc giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang có thể còn kéo dài.
Với nội dung báo cáo trên, IMF một lần nữa nhấn mạnh rằng ưu tiên cấp bách hiện nay là phân bổ vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới. Báo cáo cho biết hiện các nước phát triển đã tiêm chủng cho gần 40% dân số, trong khi các nước mới nổi mới chỉ tiêm chủng cho 10% dân số các nước này, chưa kể tới tỷ lệ thấp hơn ở những nước có thu nhập thấp.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cảnh báo biến thể siêu lây nhiễm Delta có thể làm chệch hướng phục hồi và có thể tiêu tốn tới 4.500 tỷ USD giá trị GDP toàn cầu vào năm 2025.
Trong bối cảnh đó, IMF đã thúc đẩy kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước một phần chi phí cho việc mua vaccine và giải quyết như nhu cầu cấp bách tại những nước có thu nhập thấp hơn.
Fitch hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia từ 5,3% xuống 4,8% trong năm 2021 vì những rủi ro do sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 thời gian gần đây.
Các phương tiện giao thông xếp hàng chờ kiểm tra khi Chính phủ ban hành lệnh hạn chế lưu thông nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, tại Jakarta, Indonesia ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuyên bố trên trang web chính thức, cơ quan này cho biết mặc dù hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia, nhưng Fitch vẫn hy vọng rằng cuộc suy thoái kinh tế ở nước này dự kiến sẽ không trầm trọng thêm trong tương lai. Nguyên nhân là do chính phủ Indonesia đang nỗ lực kiểm soát sự gia tăng các ca mắc COVID-19 bằng lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp (PPKM). Mặt khác, cơ quan trên cũng cho biết không chỉ làm giảm tốc độ phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có thể tác động đến lĩnh vực tài chính, nơi các "con nợ" sẽ yêu cầu gia hạn cơ cấu lại khoản vay ở các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nhằm trì hoãn việc trả nợ gốc và lãi của khoản vay.
Trên thực tế, theo số liệu của Fitch, tái cơ cấu tín dụng tại 12 ngân hàng lớn đã tăng 21,5% trong quý I/2021. Nhu cầu này cao hơn so với 5,5% trong quý I/2020. Điều kiện này làm cho tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng tăng từ 2,6% trong quý I/2020 lên 3,1% trong quý I/2021. Tương tự như vậy, các yêu cầu tái cơ cấu tài chính trong các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đã tăng 40% trong quý I/2021 với tỷ lệ tài chính không hoạt động (NPF) là 3,7%. Chỉ có tỷ suất lợi nhuận ròng (Net Interest Margin - NIM) của các ngân hàng được dựu báo là sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Dự báo này được đưa ra dựa vào việc thực hiện NIM vào khoảng 4,6% trong quý I/2021.
Tỷ giá ngoại tệ ngày 13/7: USD đứng giá, Bảng Anh tăng mạnh Tỷ giá ngoại tệ ngày 13/7 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế đứng giá so với rổ tiền tệ nhưng giảm so với một số đồng tiền, trong đó có đồng bảng Anh. Đầu phiên giao dịch 12/7 trên thị trường Mỹ (đêm 12/7 giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động...