IMF cảnh báo hệ lụy từ chính sách thuế ‘ăn miếng, trả miếng’
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo chính sách thuế quan đáp trả lẫn nhau có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của châu Á, làm tăng chi phí và gây đứt gãy chuỗi cung ứng, dù rằng châu Á vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giám đốc IMF khu vực châu Á – Thái Bình Dương Krishna Srinivasan đã đưa ra cảnh báo trên tại một diễn đàn về các rủi ro mang tính hệ thống, diễn ra tại Cebu, Philippines. Theo ông, việc các nước áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu để đáp trả lẫn nhau có nguy cơ phá vỡ triển vọng tăng trưởng trên toàn khu vực, dẫn đến chuỗi cung ứng dài hơn và kém hiệu quả hơn.
Cảnh báo của ông Srinivasan được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và ít nhất 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác.
Ông cho rằng thuế quan có thể cản trở thương mại toàn cầu, cản trở tăng trưởng ở các quốc gia xuất khẩu và có khả năng làm tăng lạm phát ở Mỹ, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed – Ngân hàng trung ương) phải thắt chặt chính sách tiền tệ, bất chấp triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảm đạm.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên tới 45,3%, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp thuế nhập khẩu từ 30,6% đến 39,0% đối với rượu mạnh từ EU, với lý do các sản phẩm nhập khẩu này đang gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất rượu trong nước.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% cho cả năm 2024 và 2025, yếu hơn so với dự báo lạc quan hơn của IMF đối với châu Á, ở mức 4,6% cho năm nay và 4,4% cho năm tới.
Ông Srinivasan nhận định châu Á đang chứng kiến một giai đoạn chuyển đổi quan trọng, tạo ra những điều khó đoán định, trong đó có rủi ro từ căng thẳng thương mại leo thang giữa các đối tác thương mại lớn. Ông nói thêm rằng bất ổn xung quanh chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến và kỳ vọng thị trường liên quan có thể ảnh hưởng đến các quyết định tiền tệ ở châu Á, tác động đến dòng vốn toàn cầu, tỷ giá hối đoái và các thị trường tài chính khác.
Xung đột Nga-Ukraine: Đoán ý đồ người kế nhiệm, Tổng thống Biden đi thêm nước cờ 'một mũi tên trúng hai đích'
Mặc dù sắp mãn nhiệm nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một quyết định quan trọng liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Một phần muốn đi trước ông Trump một bước với kỳ vọng có thể thay đổi cục diện, đồng thời tiếp thêm thế và lực cho Kiev nếu phải sớm bước vào bàn đàn phán với Moscow.
Video đang HOT
Tên lửa tầm xa của Mỹ có thể giúp Ukraine nhắm vào nhiều mục tiêu quan trọng của Nga. (Nguồn: The Guardian)
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" để Ukraine được sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất (ATACMS) để tấn công bên trong nước Nga. Câu hỏi đặt ra ATACMS có gì lợi hại mà Ukraine mất nhiều thời gian mới có thể "xé rào", đồng thời với sự góp mặt của ATACMS, Kiev có thể thay đổi cục diện xung đột ra sao?
Các quan chức ở Washington nói với các phóng viên báo chí rằng ATACMS được sử dụng ở khu vực Kursk nhưng rất có thể ông Biden còn đồng ý để Ukraine triển khai loại vũ khí này ở những khu vực khác trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền.
ATACMS lợi hại tới mức nào?
Hệ thống tên lửa này được gọi là Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội, hay ATACMS. Nó được phát triển trong thời kỳ chiến tranh Lạnh để tiêu diệt các mục tiêu của Liên Xô và Kiev đã sử dụng loại vũ khí này nhưng áp dụng với mục tiêu ở các khu vực bị chiếm đóng trong lãnh thổ Ukraine.
Được sản xuất bởi Lockheed Martin, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 190 dặm (300km). Loại tên lửa đạn đạo này bay cao hơn nhiều trong khí quyển so với hầu hết các loại tên lửa hiện hành và có thể tránh được hệ thống phòng không khi chúng chạm đất với tốc độ cực lớn.
ATACMS được coi là tên lửa tầm xa, mặc dù chúng không có tầm bắn của tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tại sao ông Biden thay đổi lập trường?
Thời gian qua, Kiev đã vận động Washington bật đèn xanh để sử dụng ATACMS chống lại các mục tiêu ở Nga nhưng Mỹ vẫn chưa thể đồng ý. Tuy nhiên, hiện nay Tổng thống Joe Biden đang chịu nhiều áp lực hơn. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột ở Ukraine, do đó, phương Tây lo ngại rằng Moscow sẽ có những bước tiến đáng kể trên chiến trường.
Tổng thống Joe Biden trước đây luôn từ chối cho phép Ukraine tấn công bên trong nước Nga bằng ATACMS vì lo ngại điều đó sẽ làm leo thang xung đột. "Chúng tôi đang cố gắng tránh một cuộc chiến tranh thế giới thứ Ba", Tổng thống Joe Biden từng nói.
Tuy nhiên, quyết định vừa qua của ông Biden được viện cớ là phản ứng trước sự hiện diện của quân đội Triều Tiên chiến đấu cùng với lực lượng Nga. Tháng trước, Bình Nhưỡng đã cử khoảng 10.000 quân đến Nga để tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Có lo ngại cho rằng con số đó vẫn chưa dừng lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ôm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khi đến thăm Bức tường tưởng nhớ những người lính Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày 20/2/2023. (Nguồn: Reuters)
Tăng thế và lực của Ukraine trước đàm phán
Ukraine hiện có thể tấn công các mục tiêu bên trong Kursk bằng tên lửa. ATACMS có thể nhắm vào các kho vũ khí và đạn dược, đường tiếp tế và căn cứ quân sự của Nga. Với sự góp mặt của ATACMS, quân đội Ukraine ở tuyến đầu sẽ được hỗ trợ đắc lực.
Trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tháng Một tới, động thái này của chính quyền Tổng thống Biden có thể là cách để tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraine trước khi nước này buộc phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Quyết định này cũng có tác động về mặt tâm lý, nâng cao tinh thần trong nội bội Ukraine trước giai đoạn khó khăn.
Moscow dự kiến sẽ sớm phát động một cuộc tấn công lớn để chiếm lại Kursk, đặc biệt là với sự hỗ trợ của lực lượng Triều Tiên.
Tuy nhiên, ATACMS không được coi là "viên đạn thần kỳ". Vấn đề lớn của Ukraine hiện nay là họ rất cần quân đội, Kiev đang phải vật lộn để huy động thêm nhiều binh lính tham gia vào cuộc xung đột với Nga.
Storm Shadow và các loại vũ khí khác thì sao?
Tổng thống Joe Biden đã dần cho phép Kiev sử dụng các loại vũ khí tiên tiến hơn và tầm xa hơn. Vào đầu cuộc xung đột, ông Biden đã ký phê duyệt cho Kiev sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (Himars) có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 50 dặm (80km).
Trong hai tháng qua, đã có những đồn đoán rằng Ukraine có thể đã được phép sử dụng tên lửa Storm Shadow do phương Tây cung cấp, có khả năng tương đương với ATACMS, nhằm vào các lực lượng Nga bên trong nước Nga.
Các tên lửa tầm xa của Pháp-Anh dựa vào hệ thống dẫn đường của Mỹ, vì vậy Washington cần phải thống nhất về cách sử dụng chúng. Có thể quyết định của ông Biden về ATACMS sẽ khuyến khích các đồng minh châu Âu trao cho Kiev nhiều quyền tự do hơn về cách triển khai Storm Shadow (được gọi là Scalp ở Pháp).
Các tên lửa này đủ mạnh để xuyên thủng các boongke và phá hủy các sân bay cũng như có thể nhắm các mục tiêu chính xác.
Sẽ có có leo thang?
Newsweek đã dẫn lời một số nhà bình luận đánh giá về quyết định này của Tổng thống Joe Biden. Richard K. Betts, học giả quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại Mỹ, cho rằng tại thời điểm này, nguy cơ Nga leo thang quân sự để đáp trả việc Mỹ cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine là thấp vì Moscow có thể chờ thêm vài tháng nữa cho đến khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức và đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Ukraine.
Trong khi đó, theo Dani Belo, Giám đốc An ninh và Quan hệ Quốc tế, Phòng nghiên cứu Global Policy Horizons, khả năng Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có khả năng làm leo thang xung đột với Moscow. Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử có thể sẽ làm giảm bớt sự leo thang.
Chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể cắt giảm nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine và gây áp lực chính trị lên Kiev để chấm dứt xung đột. Chuyên gia này chỉ ra rằng, theo quan điểm của Nga, hiện tại cũng không có động lực nào để leo thang.
Moscow tin rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử sẽ cố gắng chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, vì vậy Điện Kremlin có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận "chờ đợi và xem xét" cho đến khi chính quyền mới vào Nhà Trắng mà không có sự leo thang đáng kể.
Điều này có nghĩa là bất kỳ sự leo thang nào cũng có khả năng bị kiềm chế.
Ông Trump sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp để trục xuất người nhập cư trái phép? Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng quân đội Mỹ để tiến hành trục xuất hàng loạt những người nhập cư bất hợp pháp. Ngày 18/11 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump được cho là sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp...