IEA thừa nhận vai trò của dầu Nga trong giải quyết khủng hoảng năng lượng
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết dầu Nga sẽ cần phải xuất hiện trở lại trên thị trường dầu thô để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới chưa từng có tiền lệ.
Theo hãng tin Reuters ngày 25/10, ông Fatih Birol cảnh báo rằng động thái cắt giảm nguồn cung gần đây đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay thêm xấu đi.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC ) hồi đầu tháng 10 đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Mục đích là duy trì mức giá cao.
Theo báo cáo của ông Birol tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Singapore, chính sách đó của OPEC làm tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu khi nhu cầu dầu sẽ vượt cung vào năm tới.
Giám đốc điều hành IEA cho biết động thái này là đặc biệt rủi ro, vì một số nền kinh tế trên thế giới đang trên bờ vực suy thoái.
Dự báo OPEC cắt giảm nguồn cung sẽ làm giá dầu tăng sau khi đã giảm khoảng 10% trong ba tháng qua.
Video đang HOT
Giá dầu thô tăng có thể khiến lạm phát tăng và khiến cả sản xuất công nghiệp và tăng trưởng đều giảm. IEA đã cảnh báo điều đó có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Các dự báo của IEA cho thấy tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Do đó, sẽ cần có dầu thô của Nga để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.
Mỹ và Liên minh châu Âu quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga sau khi xảy ra xung đột Ukraine – Nga từ cuối tháng 2.
Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 đã ủng hộ áp đặt giá trần dầu Nga để giảm lợi nhuận của Nga mà không cắt đứt hẳn nguồn cung từ nước này.
Ước tính rằng dù áp đặt các biện pháp này thì vẫn sẽ tạo không gian cho 80 đến 90% lượng dầu của Nga không chịu cơ chế giá trần. Theo ông Birol, điều này sẽ giúp bù đắp thiếu nguồn cung. Ông nói: “Tôi nghĩ điều này là tốt, bởi vì thế giới vẫn cần dầu của Nga trên thị trường lúc này”.
Các thành viên IEA cũng đã xây dựng một kho dự trữ dầu bổ sung để có thể được tung ra thị trường nếu cần tăng nguồn cung và giảm giá xuống thấp hơn.
Ông Birol nói: “Chúng tôi vẫn còn một lượng lớn hàng dự trữ trong trường hợp chúng tôi thấy nguồn cung bị gián đoạn. Hiện tại, động thái này không có trong chương trình nghị sự, nhưng có thể được thực hiện bất cứ lúc nào”.
Lý do Australia đối mặt khủng hoảng năng lượng dù có nguồn cung dồi dào
Australia đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng mặc dù có nguồn khí đốt tự nhiên và than đá dồi dào.
Tàu chở than khai thác tại cảng Newcastle. Ảnh: LLI
Australia đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng mặc dù nước này nổi tiếng là nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu. Sự kết hợp của nhiều thách thức đã dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng và giá tiêu dùng cao ở Australia, khiến chính phủ mới phải đối mặt với tình trạng bất ổn về năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Bộ trưởng Năng lượng liên bang Australia Chris Bowen đang đổ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm về những thách thức năng lượng hiện tại mà nước này đang phải đối mặt. Ông Bowen tuyên bố rằng chính phủ liên minh tiền nhiệm đã để lại một "đống lửa", khiến nước này "thiếu chuẩn bị cho những thách thức đang phải đối mặt hiện nay". Đáp lại, chính phủ tiền nhiệm đang đổ lỗi cho đảng Lao động đương nhiệm thiếu kinh nghiệm để gây ra cuộc khủng hoảng.
Giá năng lượng đã tăng trên toàn cầu kể từ năm 2021. Sự gia tăng nhu cầu sau đại dịch chưa được đáp ứng, mặc dù các quốc gia sản xuất dầu cố gắng tăng sản lượng dầu thô của họ sau hai năm gián đoạn, khiến giá năng lượng tăng. Gần đây hơn, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu của Moskva, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều hơn và khiến giá dầu tăng vọt.
Tuy Australia có trữ lượng than lớn, nhưng triển vọng ngành này đang bắt đầu có vẻ kém thuận lợi hơn khi Canberra phải đối phó với áp lực chuyển đổi sang năng lượng xanh của quốc tế. Hiện Australia vẫn phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện. Nước này cũng tiếp tục xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sang một số quốc gia trên khắp châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, vì họ không có dấu hiệu giảm sự phụ thuộc vào than đá.
Nhưng nhiều nhà máy than lớn của Australia lại đang xuống cấp do thiếu vốn đầu tư liên quan đến sự không chắc chắn về tương lai của nguồn năng lượng này. Ngoài ra, Canberra cũng đã công bố kế hoạch chuyển nhiều hoạt động khai thác than sang năng lượng tái tạo. Cảng than lớn nhất thế giới, Cảng Newcastle, hiện dự kiến sẽ chiếm một nửa doanh thu từ hoạt động kinh doanh ngoài than vào năm 2030, trong khi ở Queensland, Australia có kế hoạch chuyển đổi một bến cảng xuất khẩu thành một cơ sở sản xuất hydro tái tạo trong vòng vài năm tới.
Sự kết hợp của những thách thức - gia tăng toàn cầu về chi phí năng lượng, xung đột Nga-Ukraine, việc ngừng hoạt động than đá và thời tiết mùa Đông lạnh hơn đến sớm hơn - đã đồng loạt "tấn công" Australia, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn. Nhưng có lẽ điều này có vẻ hơi ngạc nhiên đối với một quốc gia nổi tiếng là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu.
Dự trữ than của Australia được coi là một trong những nước lớn nhất thế giới, với khoảng 90 tỷ tấn than đen và 85 tỷ tấn than nâu được ghi nhận trong năm 2019. Trong giai đoạn 2019-2020, Australia đã xuất khẩu khoảng 90% sản lượng than đen, 74% lượng khí đốt tự nhiên và 78% lượng dầu thô của họ.
Tuy nhiên, trong tháng trước, Australia đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ở trong nước, buộc nước này phải tìm nguồn cung cấp năng lượng ở nơi khác. Tình trạng thiếu hụt này diễn ra sau nhiều tháng xuất khẩu khí đốt gia tăng sang các nước đang tìm cách thay thế nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Nhưng do thời tiết lạnh giá đến sớm hơn dự báo, nhiều bang tại Australia bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Những thách thức khác đã xảy ra trong lĩnh vực than, như lũ lụt hồi đầu năm ở New South Wales (NSW) và Queensland, cũng như các vấn đề kỹ thuật, đã dẫn đến giảm sản lượng khai thác than. Điều này khiến Bộ trưởng Bowen yêu cầu bang NSW hạn chế sử dụng năng lượng trong giờ cao điểm buổi tối để ngăn chặn tình trạng mất điện vào tuần trước.
Nhà điều hành thị trường năng lượng Australia (Aemo) cũng phải đối mặt với một quyết định khó khăn vào tuần trước khi buộc phải đình chỉ thị trường bán buôn lần đầu tiên sau một thập kỷ rưỡi, do các máy phát điện không thể hoạt động trở lại.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành năng lượng của NSL, Matt Kean, thậm chí đã được Thống đốc NSW trao quyền hạn đặc biệt về việc lập kế hoạch dự phòng trong đó sẵn sàng coi cung cấp than như một dịch vụ thiết yếu. Kế hoạch dự phòng cũng sẽ cho phép ông Kean ra lệnh luân chuyển than giữa các nhà máy nếu có sự thiếu hụt, cũng như quản lý việc sử dụng tài nguyên.
Lãnh đạo G7 thảo luận phương thức trừng phạt dầu thô Nga Các nhà đàm phán thuộc nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) đồng thuận rằng tiến trình thảo luận về kế hoạch áp giá trần với dầu thô của Nga đã đạt được bước tiến, đủ để chuyển vấn đề này ra thảo luận cấp lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc ngày 26/6 tại Đức (giờ địa phương)....