Hy sinh người đẹp, ông Berlusconi trở lại chính trường
Theo nhận định của tờ The Times, ông Berlusconi quyết định hy sinh người đẹp Nicole Minetti với hy vọng sẽ lại thu hút được đông đảo nữ cử tri đã từng luôn luôn ủng hộ ông trước khi xẩy ra vụ ông ly hôn với bà Veronica vợ ông hồi năm 2009.
Ông Berlusconi phải tính toán kỹ để trở lại chính trường.
Có vẻ như cựu Thủ tướng Italia Sylvio Berlusconi đã quyết tâm trở lại nền chính trị lớn và tìm cách trở thành Thủ tướng lần thứ tư vào sang năm.
Những lời phát biểu xa gần của ông về đề tài này cũng như những hoạt động tích cực của những người ủng hộ ông khiến dư luận Italia tin rằng ông Berlusconi đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2013.
Theo dư luận Italia, yêu cầu người đẹp Nicole Minetti rời bỏ vị trí cố vấn Đảng Nhân dân tự do chắc chắn là gợi ý của ông Berlusconi.
Hơn nửa năm đã trôi qua kể từ ngày ông Berlusconi rời khỏi chính trường Italia (từ chức Thủ tướng và trao quyền lãnh đạo đảng Nước Ý tiến lên cho người bạn chiến đấu trung thành của ông là Angelino Alfano sau khi đổi tên đảng thành Nhân dân tự do).
Video đang HOT
Trong khoảng thời gian ấy, xem ra bản thân ông và các cố vấn của ông đã phân tích toàn diện tình hình và đi đến kết luận rằng việc ông buộc phải rời bỏ chức Thủ tướng hồi tháng 11 năm ngoái là do một loạt sai lầm mà giờ đây ông phải sửa chữa bằng được.
Nhiệm vụ chủ yếu của ông Berlusconi lúc này là làm sao buộc người dân Italia phải quên đi tất cả những gì tiêu cực gắn liền với hình ảnh của ông trong hai năm cuối nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ ba.
Nhưng làm được việc này không dễ bởi vì cho tới nay vụ bê bối tình dục Rubingate vẫn chưa kết thúc.
Đây là vụ bê bối dẫn đến cuộc điều tra nhắm xác định xem ông Berlusconi có quan hệ tình dục với gái mại dâm vị thành niên hay không và có lạm dụng chức quyền hay không.
Ngoài vụ Rubingate bị chính thức điều tra, người dân Italia vẫn còn nhớ vô số vụ bê bối khác gắn liền với phụ nữ và những cuộc ăn chơi trác táng được tổ chức trong các biệt thự riêng của ông.
Đấy là chưa kể một cuộc điều tra hình sự tuy không nêu đích danh tên tuổi ông nhưng ai cũng biết có liên quan chặt chẽ với ông.
Trong số 3 bị cáo bị buộc tội đã cung cấp các cô gái trẻ đẹp cho các buổi ăn chơi do ông Berlusconi tổ chức, đáng chú ý hơn hết là Nicole Minetti, một bạn gái thân thiết của ông, Theo các tài liệu do ngân hàng công bố, chỉ riêng trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011, Nicole Minetti nhờ đó đã được ông Berlusconi trả cho một khoản tiền hậu hĩnh là 402 nghìn euro.
Cô Nicole Minetti buộc phải từ bỏ chức cố vấn Đảng Nhân dân tự do.
Nicole Minetti lúc đầu chỉ làm nghề chữa răng rồi sau đó gia nhập ngành kỹ nghệ giải trí, làm vũ nữ cho một kênh truyền hình của ông Berlusconi. Sau khi được nhà chính khách nổi tiếng trăng hoa này để mắt đến, cô thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp và trở thành một chính khách hạng trung trong hàng ngũ đảng Nhân dân tự do.
Đáng chú ý là ông Berlusconi đang dự định lấy lại tên cũ của đảng này là Nước Ý tiến lên, chắc hẳn để mọi người nhớ lại thời kỳ oanh liệt trước kia của ông và cũng còn để ông dễ dàng trở lại làm thủ lĩnh đảng.
Đây là bước chuẩn bị cần thiết để ông có thể trở thành Thủ tướng nếu đảng của ông giành được đa số trong cuộc bầu cử sang năm.
Nhưng còn một trở ngại quan trọng nữa là Nicole Minetti. Ai cũng biết tên tuổi cô gái trẻ đẹp này gắn liền với những tối vui thác loạn tại ngôi biệt thự của ông Berlusconi vùng ngoại ô Milan.
Hiểu rõ như vậy, ban lãnh đạo đảng Nhân dân tự do mà trước hết là thủ lĩnh hiện nay của đảng – ông Angelino Alfano – mới đây đã kiên quyết yêu cầu cô phải từ bỏ chức cố vấn của đảng tại khu vực Lombardi (chức vụ này cô được ông Berlusconi trao tặng năm 2010) và thậm chí ra khỏi đảng.
Theo Tiền Phong
Căng thẳng chính trường Thái Lan
Bất chấp lời cảnh báo từ Cục Khí tượng Thái Lan về những trận mưa lớn trên diện rộng và nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra vài ngày tới, cuộc thảo luận của các thẩm phán Tòa án Hiến pháp về tính hợp pháp của dự luật sửa đổi Hiến pháp diễn ra 48 giờ qua vẫn trở thành tâm điểm của dư luận xứ Chùa Vàng. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã kết thúc chiều 6-7 mà không đạt được kết quả như mong đợi khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan chưa đưa ra bất cứ phán quyết nào.
Lực lượng "áo vàng" cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ có lợi cho cựu Thủ tướng Thaksin.
Để tìm câu trả lời cho những tranh cãi trên chính trường Thái Lan thời gian qua, các thẩm phán đã nghe 15 nhân chứng gồm cả những người ủng hộ lẫn phản đối về dự luật sửa đổi Hiến pháp trước sự giám sát an ninh chặt chẽ của hơn 200 cảnh sát bên ngoài trụ sở Tòa án Hiến pháp. Một loạt vấn đề được dư luận Thái Lan đặt ra là liệu dự luật sửa đổi Hiến pháp được Chính phủ bảo trợ có vi hiến hay không; liệu dự luật sửa đổi Hiến pháp có phải là một âm mưu lật đổ quyền lực lãnh đạo mang tính dân chủ với Nhà vua Thái Lan là người đứng đầu nhà nước hay không; liệu có âm mưu tiếm quyền bằng những phương thức vi hiến như từng bị các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ (DP) kiến nghị hay không...?
Các nguyên đơn do DP đối lập với lực lượng "áo vàng" hậu thuẫn cho rằng, Quốc hội và Chính phủ do đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền đã tiến hành sửa đổi Điều 291 của Hiến pháp 2007, động thái mở đường cho việc thành lập Hội đồng soạn thảo Hiến pháp mới nhằm xóa bỏ thể chế dân chủ do Nhà vua làm nguyên thủ, vi phạm Điều 68 của Hiến pháp. Trong khi phía bên kia là các bị đơn do Puea Thai cầm quyền đứng đầu với sự hậu thuẫn của lực lượng "áo đỏ" khẳng định rằng, dự luật sửa đổi Hiến pháp là bước đi cần thiết để chấm dứt các mâu thuẫn trên chính trường Thái Lan hơn 6 năm qua, bởi tiến trình này nhằm bảo đảm dân chủ hơn chứ không thay đổi thể chế dân chủ do Nhà vua làm nguyên thủ.
Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử xứ Chùa Vàng cách đây một năm, những thách thức mà bà Yingluck Shinawatra phải đối mặt trong năm qua không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc. Thách thức lớn khi bước vào nhiệm kỳ 4 năm của bà Yingluck là phải chứng tỏ khả năng vận hành chính phủ mà không cần đến sự can thiệp từ người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài. Gần một năm sau khi nhậm chức, câu chuyện dự luật sửa đổi Hiến pháp được cho là nhằm ân xá và mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước tiếp tục trở thành tâm điểm gây tranh cãi trên chính trường Thái Lan.
Để có thể trụ vững trên chiếc "ghế nóng", bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình hòa giải dân tộc, thực hiện một loạt cải cách để thúc đẩy phát triển kinh tế... Chính phủ của Thủ tướng Yingluck còn quyết định tăng lương tối thiểu lên 300 bạt/ngày (khoảng 10 USD) từ ngày 1-4 tại 6 tỉnh và ở đặc khu hành chính thủ đô Bangkok. Với hy vọng mức lương tối thiểu tăng sẽ khuyến khích các công ty trong nước cải tổ và nâng cấp các hoạt động, song quyết định này lại khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, bởi mức lương này cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán trong vòng hơn một năm tới, khoảng 1/3 công ty của Thái Lan sẽ cắt giảm nhân công khi không kham nổi việc tăng lương tối thiểu lên tới 40% này cho nhân viên. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan trên thị trường quốc tế giảm có thể sẽ là nguyên nhân gây bất ổn trên chính trường.
Dự luật sửa đổi Hiến pháp do Puea Thai cầm quyền khởi xướng một lần nữa trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trên chính trường Thái Lan. Dù chưa có kết luận cuối cùng của Tòa án Hiến pháp nhưng một số giả thiết đã được đưa ra. Nếu Tòa án Hiến pháp nhận thấy dự luật sửa này đe dọa nền quân chủ của Thái Lan, có thể Puea Thai cầm quyền bị giải tán. Mặc dù đương kim Thủ tướng Yingluck không nhất thiết phải từ chức khi tình huống không mong muốn này xảy ra, nhưng nó có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn ở xứ Chùa Vàng.
Theo Hà Nội Mới
Gái 17 lõa thể trên bàn cựu Thủ tướng Italia Gái nhảy Karima El Mahroug còn có biệt danh là Ruby - Kẻ đánh cắp trái tim, từng cởi bỏ quần áo, nằm khỏa thân ngay trên bàn làm việc của cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi. Đây là chi tiết mới nhất vừa được tiết lộ trong vụ án xét xử ông Berlusconi tội danh "ngủ" với gái điếm tuổi vị thành...