Hy Lạp lo ngại làn sóng người di cư đổ vào châu Âu
Ngày 17/8, Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi khẳng định nước này không muốn trở thành cửa ngõ tiếp nhận người di cư Afghanistan đổ vào Liên minh châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi một phản ứng tập thể của khối đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hy Lạp đã trở thành tiền tuyến của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu hồi năm 2015, khi gần 1 triệu người ở Syria, Iraq và Afghanistan chạy trốn xung đột đã tới nước này. Cũng giống như nhiều nước thành viên EU khác, Athens lo ngại những diễn biến ở Afghanistan hiện nay có thể khiến cuộc khủng hoảng di cư tái diễn.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ERT, Bộ trưởng Mitarachi khẳng định châu Âu không thể tiếp nhận hàng triệu người Afghanistan rời bỏ đất nước và Hy Lạp trở thành điểm nóng di cư. Theo Athens, vấn đề này đòi hỏi một giải pháp thống nhất chung của cả châu lục.
Cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, ông Paolo Gentiloni, cho rằng châu Âu cần xây dựng các hành lang nhân đạo nhằm tiếp nhận người tị nạn Afghanistan và tránh để xảy ra các làn sóng nhập cư bất hợp pháp mất kiểm soát.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero của Italy, ông Gentiloni nói: “Tôi nghĩ châu Âu chắc chắn sẽ phải tự xây dựng các hành lang nhân đạo và tiếp nhận (người tị nạn) một cách có tổ chức, đồng thời để tránh những dòng người nhập cư bất hợp pháp mất kiểm soát. Hoặc ít nhất, các quốc gia sẵn sàng (tiếp nhận người di cư) nên (làm điều này)”.
Video đang HOT
Theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp khẩn cấp trong ngày 17/8 để thảo luận về tình hình Afghanistan. Hy Lạp cũng đã yêu cầu vấn đề người di cư cần phải được thảo luận trong cuộc họp bộ trưởng nội vụ EU dự kiến diễn ra trong ngày 18/8.
Cũng trong ngày 17/8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút ra bài học từ sứ mệnh Afghanistan, vốn bị chỉ trích là một thất bại của khối quân sự này.
Phát biểu với kênh truyền hình ZDF của Đức trước thềm cuộc họp khẩn cùng ngày của các Đại sứ NATO, bà Kramp-Karrenbauer nhận định có rất nhiều việc phải giải quyết trong khuôn khổ NATO như mức độ hậu quả mà khối này có thể chấp nhận được hay mức độ sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết.
Dự kiến, trong ngày 17/8, các Đại sứ NATO sẽ nhóm họp về tình hình tại Afghanistan trong bối cảnh các nước phương Tây đang ráo riết triển khai chiến dịch sơ tán công dân của mình khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, hãng tin DPA dẫn lời Bộ trưởng Phát triển kinh tế Đức Gerd Muller thông báo chính phủ nước này đã đình chỉ viện trợ kinh tế cho Afghanistan. Thông báo được đưa ra sau khi Taliban tiếp quản quốc gia Tây Nam Á này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris đã thiết lập cầu không vận qua Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến Afghanistan để sơ tán công dân Pháp khỏi quốc gia bất ổn này.
EU thử nghiệm công nghệ cao trong kiểm soát biên giới
Cơ quan kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU) Frontex đang thử nghiệm một thiết bị giám sát công nghệ cao mới nhằm phát hiện các tàu chở người di cư.
Người di cư từ Afghanistan sau hành trình vượt biển Aegean tới đảo Lesbos, Hy Lạp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các bước tiến nhanh chóng của Taliban ở Afghanistan có thể dẫn đến tình trạng nhiều người dân bỏ chạy sang các nước châu Âu.
Frontex đang tiến hành thử nghiệm một hệ thống khinh khí cầu có gắn camera. Các cuộc thử nghiệm diễn ra ở sân bay Alexandroupolis, gần biên giới trên bộ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và ở đảo Limnos nhằm cung cấp cho giới chức biên giới hình ảnh rõ ràng hơn của các tàu tiến gần khu vực này.
Hệ thống tích hợp camera và cảm biến nhiệt độ kết nối với máy tiếp sóng và vệ tinh thông tin sẽ cung cấp hình ảnh thời gian thực, bao phủ diện tích rộng tới 40.000 km2, trong chu vi 60 km trên biển.
Người phát ngôn của Frontex, ông Piotr Switalski, cho biết cơ quan này đang quan sát và theo dõi các diễn biến, đặc biệt ở Afghanistan và Tunisia. Tình hình ở những nơi này có thể dẫn đến các làn sóng di cư tới các nước EU.
Hiện có trên 400 nhân viên của Frontex cùng hàng chục phương tiện, một số trong đó được trang bị máy ảnh nhiệt hồng ngoại, cùng 8 tàu tuần tra, đã được triển khai tại Hy Lạp để đối phó với các cuộc khủng hoảng di cư.
Nhiều quốc gia thành viên EU quan ngại rằng tình hình bất ổn ở Afghanistan, nơi phiến quân Taliban đang nhanh chóng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ và buộc người dân phải chạy trốn, có thể sẽ làm nổ ra cuộc khủng hoảng di cư tương tự năm 2015 của EU, khi mà hơn 1 triệu người đến châu Âu xin tị nạn, trong đó đa số là người Syria, Afghanistan và Iraq.
Trước việc một số nước EU đã ngừng trục xuất những người Afghanistan bị từ chối tị nạn về nước, Hy Lạp đã phản đối mạnh mẽ động thái này vì cho rằng EU không thể đối phó thêm một cuộc khủng hoảng di cư khác và phải hành động để cố gắng hạn chế làn sóng di cư từ Afghanistan.
Frontex cho biết số người di cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu (EU) bằng cách đi qua Tây Balkan đã tăng gần gấp đôi trong năm nay, phần lớn đến từ Syria và Afghanistan. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 22.600 người di cư nhập cảnh trái phép vào EU qua tuyến đường này.
Các nước châu Âu chung sức đối phó với nạn cháy rừng Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực hỗ trợ Hy Lạp, trong bối cảnh cháy rừng quy mô lớn đã tàn phá khu vực đất liền và một số hòn đảo của nước này. Khói lửa bốc lên tại đám cháy rừng trên đảo Evia, Hy Lạp ngày 8/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Thông báo ra ngày 9/8 của...