Huyền thoại bến tàu không số
Trong kháng chiến chống Mỹ, bến Thạnh Phong tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí trên những chuyến tàu không số huyền thoại. Đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây ra sức phấn đấu, xây dựng kinh tế trên mảnh đất hào hùng năm xưa.
Bến sông huyền thoại
Vùng đất Thạnh Phong (xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre) những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước là vùng căn cứ địa của cách mạng nhờ địa thế hiểm trở. Tại đây vào đầu tháng 4/1946, khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển (sau này là đường Hồ Chí Minh trên biển – PV). Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Đào Công Trường, Tư lệnh khu 8- Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 7 ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt lên khó khăn, ra đến miền Bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Thạnh Phong
Từ chuyến mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong đã hình thành bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí của đoàn tàu không số vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường biển.
Tháng 6/1962, trên các chuyến tàu Phương Đông 1 và Phương Đông 4, các đồng chí của hai đội tàu Bến Tre đã xuất phát về miền Nam, với số vũ khí ban đầu được miền Bắc chi viện. Ngày 17/6/1963, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến, và chỉ sau hai đêm, gần 100 tấn vũ khí, hàng hóa đã được bốc dỡ cất giấu và trung chuyển an toàn.
Trong thời gian từ tháng 6/1963 đến tháng 11/1970, có 28 chuyến tàu cập bến Bến Tre, gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Trong số gần 1.500 tấn vũ khí, vật chất được đơn vị A101 – bến Bến Tre tiếp nhận tại đầu cầu xã Thạnh Phong có chưa tới 5% lượng vũ khí, vật chất bị thất thoát.
Ông Huỳnh Phước Hải (75 tuổi), cựu thủy thủ trên tàu không số, nhớ lại: “Năm 1961, tôi được tuyển chọn tham gia đoàn tàu không số vượt biển ra Bắc. Sau khi ở lại hơn một năm để học tập, huấn luyện, đến năm 1962 chở chuyến vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó tôi tham gia 7 chuyến tàu nữa với bao khó khăn, nguy hiểm, nhiều đồng đội đã hy sinh, nằm yên nơi biển cả quê hương”. Theo ông Hải, không chỉ riêng bến Thạnh Phong, đoàn tàu không số còn nhận nhiệm vụ vận chuyển rất nhiều vũ khí ở các bến Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh…
Khi vũ khí từ miền Bắc vận chuyển vào đất liền được quân và dân tại bến tiếp nhận, đưa vào vùng căn cứ, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là A101 – bến Bến Tre, được thành lập theo Quyết định của Quân ủy Trung ương vào ngày 19/9/1962. Đơn vị này mang bí số B3, trực thuộc Đoàn 962/Đoàn vận tải 759 của Bộ Quốc phòng (sau là Lữ đoàn Hải quân 125). Nơi đây có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào vùng căn cứ.
Bảng ghi nhận chiến công tàu không số tại bến Thạnh Phong
Ông Nguyễn Văn Rừng, SN 1948 (ngụ xã Thạnh Phong) người từng được giao nhiệm vụ tải đạn khi chiếc tàu không số cập bến kể lại: “Năm 1963 có con tàu mắc cạn ngoài Cồn Lợi, lực lượng bộ đội không thể tải hết đạn, vũ khí trong thời gian ngắn nên huy động hàng trăm thanh niên trong huyện đến đây vận chuyển vũ khí vào vùng căn cứ. Khi đó tôi còn là một thanh niên nên cũng được huy động ra tàu lớn chuyển vũ khí vào bờ rồi vác đường bộ đi suốt hơn nửa tháng mới đến địa điểm an toàn ở tận huyện Mỏ Cày. Sau chuyến đi ấy, tôi tham gia bộ đội cho tới ngày giải phóng”.
Theo ông Rừng, địa điểm bến Thạnh Phong rất thuận lợi để tàu cập bến vì xung quanh toàn rừng cây. Biết được điều này, năm 1964 bọn Mỹ, Ngụy rải chất độc khiến toàn bộ khu rừng trụi lá rồi đốt cháy nhằm chặn đường vận chuyển vũ khí của ta. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi mưa xuống, lớp tro trở thành dưỡng chất giúp rừng xanh tốt và tiếp tục là nơi che chở an toàn cho quân và dân ta.
Video đang HOT
Vàm Khâu Băng, nơi đoàn tàu không số cập bến
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị (SN 1930), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhận định: “Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến phong trào Đồng Khởi 1960, vũ khí của quân và dân ta rất thiếu thốn. Thời đó, khi tham gia lực lượng du kích ở địa phương chỉ duy nhất xã đội trưởng có một khẩu súng, còn lại thì chỉ đi theo tập đội hình, học cách tháo lắp, cầm súng… chứ chưa có cây súng trong tay. Sau năm 1962, nhờ những chuyến tàu không số huyền thoại đã vận chuyển một lượng lớn vũ khí vào miền Nam góp phần rất lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Đổi thay nơi bến tàu huyền thoại
Những ngày đầu tháng 4, men theo Quốc lộ 57 chúng tôi về lại xã biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) để tìm lại bến tàu huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vùng đất nghèo khó, toàn rừng rậm ngày xưa giờ đã thay đổi từng ngày. Năm 2010, ngay vàm Khâu Băng (xã Thạnh Phong) được xây dựng nghĩa trang, tượng đài để ghi nhớ công ơn những chiến sĩ trên những chuyến tàu không số.
Người dân Thạnh Phong thu hoạch dưa hấu – đặc sản được trồng ở vùng cát ven biển
Những cán bộ chiến sĩ, người dân anh dũng năm xưa giờ trở về với đời thường hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới bên bến Thạnh Phong huyền thoại. Ông Nguyễn Văn Rừng sau giải phóng trở về quê hương tiếp tục tham gia công tác ở địa phương nhiều năm liền Trưởng ấp, Bí thư ấp Thạnh Hòa (Thạnh Phong). Bây giờ, tuổi đã cao ông Rừng không tham gia công tác nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, tham gia sản xuất ở địa phương. Ông Rừng cho biết: “Sau giải phóng vùng đất này vẫn còn hoang vu với 20 hộ dân trong ấp còn bám trụ lại. Sau đó, chính quyền đưa dân vô xây dựng kinh tế mới với hơn 100 hộ dân rồi đầu tư phát triển thủy lợi, làm đường, cho dân xay vốn để phát triển sản xuất”.
Theo ông Rừng, 40 năm sau ngày giải phóng, toàn ấp giờ đã có 515 hộ sinh sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm trên 10% (65 hộ) người dân nơi đây đang từng bước cải tạo vùng đất hoang hóa ngày xưa để chăn nuôi, trồng trọt. Kinh tế trọng tâm vẫn là nông nghiệp với mô hình nuôi tôm công nghiệp, trồng dưa hấu, xoài, hoa màu, nuôi bò… Do giá cả bấp bênh, dịch bệnh nên đời sống một số hộ dân vẫn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tất cả người dân đều đồng lòng xây dựng, phát triển kinh tế bên bến tàu không số huyền thoại.
Ông Nguyễn Văn Rừng, từng tham gia tải đạn khi tàu không số vào đất liền
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Phong cho biết: “Vùng đất Thạnh Phong anh hùng trong kháng chiến ngày xưa giờ thay đổi rất nhiều, hiện tại địa phương đang tích cực đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới. Xã đã đạt được 7 tiêu chí nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây đang phấn đấu từng bước để đạt những tiêu chí còn lại nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Ông Huỳnh Phước Hải, cựu thủy thủ tàu không số, giờ tích cực lao động, sản xuất trên mảnh đất quê hương.
Ngã ba vàm Khâu Băng ngày xưa hoang vu giờ vẫn lộng gió với những cánh rừng phòng hộ ôm ấp. Nơi đây, được xây dựng tượng đài, nghĩa trang sừng sững để tưởng nhớ những thủy thủ trên chuyến tàu không số. Xung quanh là vuông tôm, rẫy trồng màu, xoài, dưa hấu bên những giống cát ven biển. Người dân nơi đây đang quyết tâm xây dựng, phát triển kinh tế bằng cuộc Đồng Khởi mới trong thời bình bên bến tàu không số hào hùng năm xưa.
Hoàng Trung
Theo Dantri
Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn: Tình yêu làm nên điều kỳ diệu!
Trở về từ "địa ngục trần gian" với những màn tra tấn dã man, bỉ ổi của địch, ước mơ làm vợ, làm mẹ của Mai tưởng chừng đã khép lại. Nhưng tình yêu cháy bỏng giữa Mai và chàng chiến sĩ biệt động cùng đơn vị đã tạo nên điều kỳ diệu.
Chuyện tình lính biệt động
Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Mai bên hai người cháu.
Trở về từ cõi chết, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai tưởng rằng sẽ chẳng có ai chấp nhận yêu thương cô khi chứng co giật thần kinh luôn hành hạ cùng nhiều vết thương về thể xác và tâm hồn sau những màn tra tấn bỉ ổi của địch. Thế nhưng, một chiến sĩ biệt động cùng đơn vị có tên Mười Kiều (Huỳnh Kiều) đã đem tình yêu, "sự hồi sinh" mới đến với Mai.
Cảm tình giữa Mai và chàng lính biệt động nảy sinh lớn dần theo thời gian. Dù chẳng một lời thổ lộ nhưng cả hai đều hiểu họ cần nhau thông qua ánh mắt. Trong một chuyến giao liên, Mười Kiều đã lấy hết can đảm thổ lộ: "Mai này! Tôi muốn kiếm vợ, tôi ưng Mai. Mai có chịu không?".
Tỏ tình thời chiến của lính biệt động chỉ ngắn gọn như vậy. Chỉ thế thôi nhưng cũng để cả hai hiểu được rằng họ không thể sống thiếu nhau.
Rồi một chuyến giao liên vào thành, Mai đã không trở lại. Đơn vị lo lắng, đoán chắc Mai rơi vào tay địch. Mười Kiều là người lo lắng nhất, anh thấp thỏm, trông ngóng ngày đêm nhưng không dám hỏi ai, chỉ im lặng và chờ đợi. Đối với Mười Kiều những ngày này trôi qua rất nặng nề, ảm đạm.
Ba tháng sau, Mai xuất hiện trước mắt Mười Kiều, chàng lính biệt động lúc này như chết đứng khi thấy hình hài của Mai rũ rượi, chi chít vết thương. Khi nghe Mai kể lại câu chuyện bị bắt, chú Tư, người trong tổ chức phải thốt lên: "Con Mai này siêu thật, rơi vào hang hùm nọc rắn thế mà nó vẫn bảo vệ cho tổ chức đến cùng mà trở về bình an".
Tình yêu giữa Mười Kiều và Mai càng tha thiết hơn khi nữ giao liên vừa trải qua những ngày "thập tử nhất sinh". Những đòn tra tấn bẩn thỉu, bỉ ổi của địch được Mai tâm sự với Mười Kiều. Mai tưởng rằng khi sự thật được phơi bày, Mười Kiều sẽ chối bỏ tình cảm. Nhưng không! Thay vào đó là sự sẻ chia, đồng cảm của Mười Kiều dành cho Mai. "Càng vậy, anh càng thương em hơn" - Mười Kiều nói chắc nịch.
Tình yêu của hai người lính biệt động đơn giản mà bền vững. Cũng như cái cách mà họ đã tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào ngày chiến thắng để đeo đuổi đến cùng sự nghiệp đấu tranh giành lại hòa bình cho đất nước.
Hạnh phúc ngày về!
Gia đình 3 thế hệ của bà Mai ngày hôm nay
Năm 1971, cơ quan có quyết định tổ chức đám cưới cho đôi bạn Huỳnh Kiều - Nguyễn Thị Mai. Mọi người chưa kịp chúc phúc thì Mai lại bị bắt, kế hoạch cưới phải hoãn lại. Không ít người bảo chuyện đám cưới là chuyện trong mơ bởi hồ sơ của Mai chất thành đống cao ở Bộ tổng tham mưu.
Thế mà, cái ngày đó cũng đã đến vào năm 1973. Đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho Mai và Kiều. Anh Mười Phương lúc đó là Trưởng ban Cán bộ ở căn cứ làm công tác tư tưởng mấy ngày liền: "Mày có thương Mai thật lòng không?". "Dạ có", Kiều trả lời. "Mày có xác định kỹ khi lấy một thương binh, không có khả năng sinh đẻ?", anh Mười Phương lặp đi lặp lại nhiều lần câu hỏi như thế. Trước tập thể, Mười Kiều nói như lời tuyên thệ trước lúc ra trận: "Tôi yêu cô ấy, vì cô ấy đã mất đi nhiều thứ, trong đó có bản năng làm mẹ".
Nhưng điều kỳ diệu đã đến, tròn một năm sau ngày cưới, Mai sinh con trai đầu lòng nặng 1,7kg trong niềm vui khôn xiết của gia đình, đồng đội. Nhiều đồng chí, cán bộ cấp trên băng rừng đến chúc mừng, Mai sung sướng đến khóc ngất. Cưới xong, Mười Kiều đi công tác biền biệt. Hay tin vợ sinh con, anh cũng nhảy cẫng lên, ca hát nghêu ngao suốt ngày. Tin Mai có con lan nhanh từ căn cứ về cơ sở ở Sài Gòn. Mọi người cho rằng, với Mai đã chịu nhiều đau khổ, hy sinh và mất mát, niềm vui được làm mẹ ấy là phép nhiệm màu.
10 ngày sau khi sinh, đúng 6 giờ sáng, Mai bồng con từ Bàu Nổ về Bến Súc - Bình Dương. Sức khỏe còn yếu, Mai đi giữa làn bom đạn không ngớt. Vừa đi vừa trốn dưới hầm nên mất mấy tháng sau Mai mới ra đến căn cứ của Sư đoàn 9. Trên chiếc xe của Sư 9 từ Bình Dương về thẳng Sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng trưa ngày 30/4/1975 có hai mẹ con Mai. Người Mai lâng lâng, một niềm vui khó tả khi cờ giải phóng phất cao ở khắp nơi. Chiến công vang dội ấy có sự đóng góp một phần xương máu của Mai, của đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định huyền thoại. Mối tình đẹp của hai người lính biệt động tiếp tục "đơm hoa kết trái" khi cậu con trai kháu khỉnh thứ 2 chào đời.
Sau giải phóng, với cấp bậc chuẩn úy, bà Mai được biệt phái về nhà máy thuốc lá để huấn luyện công nhân tự vệ. Năm 1979, di chứng đòn tra khảo năm nào hành hạ nên bà xin nghỉ mất sức.
Trong thời bình, bà Mai vẫn phấn đấu làm gương cho con cháu dù di chứng của những màn tra tấn năm xưa vẫn hành hạ bà
Từ khi nghỉ mất sức đến nay, công việc chính của "con thoi sắt" Nguyễn Thị Mai là đêm gói bánh ú, bánh giò để ngày đội đi bán. Bệnh thần kinh không thôi hành hạ nhưng bà vẫn cố gượng mưu sinh, các con càng lớn, thúng bánh ú, bánh giò của bà càng nặng. Nhưng với tinh thần của người lính từng trải qua bao khó khăn, thử thách, qua bao mưa bom, bão đạn, bà Mai đã vượt qua tất cả.
Gặp lại huyền thoại của đội biệt động Sài Gòn năm nào tại căn nhà trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình, TPHCM), chúng tôi không khỏi xúc động, cảm phục sự kiên cường, anh dũng của bà. Càng không ngờ rằng, người phụ nữ ngồi trước mặt chúng tôi đã trả qua biết bao sóng gió, bao đòn thù tra tấn dã man của địch, vượt qua biết bao thử thách để đi tìm hạnh phúc, đi tìm tình yêu cho mình.
Với những chiến công góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, nhiều huy, huân chương khác; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ, của thành phố...
Trung Kiên - Xuân Hinh
Theo Dantri
Nữ dân quân vượt mưa bom, bão đạn đưa bộ đội vượt sông Thạch Hãn Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bà cùng bố chồng đã vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy, dũng cảm dùng thuyền đưa bộ đội qua sông, góp phần đem lại chiến thắng trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đến thăm bảo tàng Thành cổ, rất nhiều du khách đã nán lại rất lâu trước bức ảnh cụ già...