Hủy thỏa thuận chia sẻ tình báo, quan hệ Hàn-Nhật sẽ đi về đâu?
Quyết định hủy thỏa thuận chia sẻ tin tình báo với Tokyo của Seoul khiến quan hệ giữa 2 nước láng giềng vốn đang chìm trong khủng hoảng càng trở nên tồi tệ hơn.
Hôm 22/8, Hàn Quốc tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận an ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) được nước này ký kết với Nhật Bản vào năm 2016
Giải thích về quyết định này, ông Kim You Geun, Phó Giám đốc Hội đồng an ninh Quốc gia cáo buộc chính phía Nhật Bản tạo ra thay đổi nghiêm trọng trong môi trường hợp tác an ninh song phương khi loại Hàn Quốc khỏi danh sách ưu tiên xuất khẩu mà không đưa ra các bằng chứng rõ ràng.
“Trong tình huống này, chúng tôi tin rằng việc duy trì thỏa thuận đã ký với mục đích trao đổi thông tin quân sự nhạy cảm về an ninh sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông Kim nói, cho biết thêm rằng Seoul sẽ gửi thông báo chính thức tới Tokyo trong 2 ngày tới.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono kịch liệt phản đối quyết định của Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)
Bình luận về quyết định rút khỏi GSOMIA của Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono kịch liệt phản đối và khẳng định động thái này cho thấy “Seoul đang đánh giá sai hoàn toàn về môi trường an ninh khu vực hiện tại”.
“Chúng tôi không thể chấp nhận các tuyên bố từ phía Hàn Quốc và chúng tôi sẽ phản đối Chính phủ Hàn Quốc mạnh mẽ”, ông Kono cho hay.
Đây được xem là diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tokyo và Seoul sau hàng loạt những tranh chấp về thương mại và chính trị. Giới quan sát đặc biệt bày tỏ lo ngại khi những căng thẳng này lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm.
Năm 2018, một tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời Thế chiến 2. Tuy nhiên, tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries từ chối tuân thủ phán quyết này.
Chính phủ Nhật Bản khẳng định hiệp ước ký kết năm 1965 giữa 2 nước đã giải quyết tất cả các khoản nợ từ thời thuộc địa trong khi nhiều người Hàn Quốc nói rằng họ không có lựa chọn khác vào thời điểm đó và đây là lúc Tokyo phải bồi thường vì hành động của mình.
Video đang HOT
Căng thẳng giữa 2 nước âm ỉ từ đó và bị thổi bùng hồi tháng 7 sau khi Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao polyimide fluoride, photoresists và hydro fluoride sang Hàn Quốc. Đáp lại, Hàn Quốc dọa trả đũa bằng việc hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản. Hiệp hội siêu thị Hàn Quốc và hàng nghìn người tiêu dùng nước này cũng kêu gọi tẩy chay hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, tạo ra làn sóng “bài Nhật” diễn ra ở quy mô chưa từng thấy.
1 tháng sau đó, Nhật Bản tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi quyết định loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng”, bao gồm những quốc gia được hưởng ưu đãi trong đơn giản thủ tục xuất khẩu. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi hành động này là việc mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại và là một thách thức lớn với quan hệ song phương đồng thời tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu.
Ông đồng thời cảnh báo Nhật Bản phớt lờ nỗ lực của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế nhằm tháo gỡ tình hình bằng con đường ngoại giao sẽ phải trả giá.
Ngoại trưởng Nhật-Hàn có phần cự tuyệt khi người đồng cấp Mỹ kéo 2 người xích lại. (Ảnh: Getty)
Đúng như cảnh báo của ông Moon, gần nửa tháng sau khi bị đẩy khỏi danh sách Trắng, Hàn Quốc có động thái tương tự với Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, căng thẳng giữa 2 quốc gia láng giềng sẽ khó có thể hạ nhiệt nếu 1 trong 2 bên không đưa ra những nhượng bộ nhất định. Một sợi dây mà cả 2 đầu cùng kéo căng sẽ chỉ khiến nó nhanh đứt phựt. Tuy nhiên, các tuyên bố cứng rắn gần đây của quan chức 2 nước cùng khúc mắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại nhóm đảo Dokdo/Takeshima và những bất đồng quan điểm vốn tồn tại từ rất lâu khiến giới quan sát lo ngại Hàn-Nhật có thể đẩy mối quan hệ 2 nước xuống vực thẳm.
Với tư cách là đồng minh của cả 2 nước, Washington thục giục Hàn Quốc và Nhật Bản tìm kiếm “những giải pháp sáng tạo” cho các bất đồng song phương. Mỹ cũng khẳng định sẽ làm tất cả để hạ nhiệt căng thẳng kinh tế và chính trị giữa hai đồng minh quan trọng nhất Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất lực khi cố gắng kéo 2 người đồng cấp Nhật-Hàn lại xích lại gần nhau sau cuộc gặp 3 bên tại Thái Lan hồi đầu tháng 8 dường như cho thấy vai trò hòa giải trung gian mà Mỹ khoác lên mình đang không phát huy tác dụng. Theo các nhà phân tích, Nhật và Hàn tin rằng họ tự có thể giải quyết vấn đề của mình mà không cần Mỹ can thiệp.
(Tổng hợp)
SONG HY
Theo VTC
Vấn đề Đài Loan trong Sách trắng "Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới"
Mấy ngày gần đây tình hình hai bên bờ eo biển Đài Loan đột nhiên trở nên căng thẳng: sau khi Mỹ quyết định bán 2,2 tỷ USD vũ khí; thiết bị quân sự cho Đài Loan.
Trung Quốc đã tổ chức liên tiếp các cuộc diễn tập quân sự lớn để gây áp lực lên; ngày 31/7, tuyên bố ngừng cho phép các cá nhân tự do du lịch Đài Loan.
Trước đó, ngày 24 tháng 7, Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện đã công bố Sách Trắng "Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới". "Chủ quyền lãnh thổ" là một trong những trọng điểm của Sách trắng và ít nhất ba lần vấn đề "Đài Loan độc lập" được đề cập đến.
Lần đầu tiên trong Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc đề cập đến khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan
Sách trắng chỉ ra rằng: "Chính quyền của Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan ngoan cố kiên trì lập trường ly khai, đòi Đài Loan độc lập, tăng cường đối đầu thù địch, dựa vào thế lực nước ngoài, ngày càng đi xa trên con đường chia cắt đất nước". Việc máy bay, chiến hạm Đại Lục tuần tra vòng quanh đảo, là sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với thế lực ly khai Đài Loan.
Sách trắng cũng tuyên bố: "Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa. Trung Quốc kiên trì phương châm "hòa bình thống nhất, một quốc gia hai chế độ", thúc đẩy phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển, cuối cùng tất yếu sẽ thống nhất".
Sách Trắng "Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới" ba lần đề cập đến vấn đề "Đài Loan độc lập"
Sách trắng nhấn mạnh, "nếu có ai muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết đánh bại nó bằng mọi giá và bảo vệ sự thống nhất quốc gia". Tại cuộc họp báo ngày 24/7, Ngô Khiêm (Wu Qian), người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cũng nói tìm kiếm Đài Loan độc lập là một con đường lâm vào chỗ chết. Ông Ngô Khiêm nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ làm mọi thứ để có thể thống nhất trong hòa bình với Đài Loan. "Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết khẳng định việc tìm kiếm độc lập của Đài Loan là vô ích. Nếu có bất kỳ ai cố gắng tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội sẽ sẵn sàng tham chiến để bảo vệ chủ quyền, thống nhất, và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước",
Đây là cuốn Sách trắng quốc phòng thứ 10 do chính phủ Trung Quốc phát hành kể từ năm 1998, cũng là cuốn Sách trắng quốc phòng kiểu tổng hợp đầu tiên được ban hành kể từ Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Toàn bộ Sách trắng dài khoảng 27.000 từ, được chia thành 6 phần: tình hình an ninh quốc tế; chính sách quốc phòng có tình phòng ngự của Trung Quốc thời đại mới; thực thi nhiệm vụ sứ mạng của quân đội trong thời đại mới; quốc phòng và quân đội Trung Quốc trong cải cách; chi tiêu quốc phòng hợp lý và phù hợp; tích cực phục vụ xây dựng cộng đồng vận mệnh nhân loại.
Máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc bay tuần tra rất gần Đài Loan
Sách trắng đề xuất chính sách quốc phòng mang tính chất phòng ngự, tuyên bố "kiên trì mãi mãi không bá quyền, không bành trướng, không tìm kiếm phạm vi thế lực là đặc trưng nổi bật của quốc phòng thời đại mới". Đồng thời, nhấn mạnh kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia. Đối với các hành vi chia cắt quốc gia như Đài Loan độc lập và các hoạt động ly khai khác, quân đội Trung Quốc sẽ bảo vệ sự thống nhất quốc gia bằng mọi giá.
Sách trắng cũng chỉ ra rằng "các hoạt động ly khai của thế lực Tây Tạng độc lập và Đông Đột (Turkistan) ở nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và ổn định xã hội". Đồng thời cũng nói các quần đảo ở Biển Đông, đảo Điếu Ngư và các đảo lân cận "là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc" (!?). Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, đề xuất bảo vệ lợi ích trên các lĩnh vực an ninh lớn như hạt nhân, không gian và không gian mạng.
Sách trắng còn phê phán Mỹ điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng, theo đuổi chính sách đơn phương, gây ra và tăng cường cạnh tranh giữa các nước lớn, tăng đáng kể chi tiêu quân sự; đẩy nhanh việc tăng cường khả năng trong các lĩnh vực hạt nhân, vũ trụ, mạng và phòng thủ tên lửa, phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đi vòng quanh đảo Đài Loan để gây sức ép với những người chủ trương Đài Loan độc lập
Năm 1998, Trung Quốc lần đầu tiên ban hành Sách trắng về quốc phòng. Năm 2000, lần đầu tiên dành riêng một phần bàn về vấn đề Đài Loan trong chính sách quốc phòng, nhấn mạnh rằng việc gây chia rẽ có nghĩa là không muốn có hòa bình ở hai bên eo biển. Năm 2010, lần đầu tiên nói đến vấn đề thiết lập một cơ chế tin cậy lẫn nhau về an ninh quân sự xuyên eo biển.
Sách trắng "Chiến lược quân sự Trung Quốc" năm 2015 viết "Trong những năm gần đây, quan hệ hai bên eo biển đã duy trì xu thế phát triển hòa bình tốt, nhưng căn nguyên ảnh hưởng đến sự ổn định của tình hình eo biển Đài Loanvẫn chưa được xóa bỏ; thế lực Đài Loan độc lập và các hoạt động chia rẽ của chúng vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển hòa bình quan hệ hai bên eo biển. Tuy nhiên, Sách Trắng "Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới" được phát hành ngày 24/7 còn sử dụng từ ngữ gay gắt hơn nhiều./.
T heo Đa Chiều
Trung Quốc công bố Sách trắng đổ lỗi Mỹ về chiến tranh thương mại Trung Quốc cương quyết không nhượng bộ Mỹ về thương mại với việc công bố Sách trắng nhằm phản ánh quan điểm của mình rằng chính Washington là phía "lật lọng" trên bàn đàm phán. Tổng thống Donald Trump nói Trung Quốc "thất hứa" trong quá trình đàm phán REUTERS Tại buổi họp báo công bố Sách trắng về đàm phán thương mại...