Huy động toàn bộ lực lượng đối phó với siêu bão Haiyan
Trong buổi họp trực tuyến chiều nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của siêu bão Haiyan tập trung toàn bộ hệ thống chính trị triển khai công tác phòng chống thiên tai; di dân đến vùng an toàn trước 7h sáng mai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp chiều 8/11 ban biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chiều nay (8/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bão Haiyan được dự báo là siêu bão, một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất trong năm nay. Theo dự báo, cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông và ảnh hưởng đến miền Trung nước ta với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp.
Trước tình hình trên, Thủ tướng nhấn mạnh: cả hệ thống chính trị cần phải tập trung cao nhất, bằng nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ đưa ra nhận định: Vùng biển đặc biệt nguy hiểm trên biển Đông là khu vực giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; sức gió mạnh nhất đạt cấp 15-17, giật trên cấp 17.
Theo đó, khoảng trưa và chiều mai (9/11) vùng ven bờ biển các tỉnh Trung Bộ có gió giật 8-10, sau tăng cấp 12-13, vùng tâm bão đi qua cấp 14-16, giật cấp 17, biển động dữ dội. Khu vực vịnh Bắc bộ từ đêm mai có gió giật cấp 6- 7 sau cấp 8- 9 giật cấp 10- 11.
Video đang HOT
“Vùng tâm bão tiếp cận khu vực đất liền sớm nhất ở khu vực Quảng Ngãi – Thừa Thiên Huế, thời gian dự kiến 4 – 10h sáng ngày 10/11. Các tỉnh có gió giật cấp 12- 15 dự kiến là: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng Thửa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và các đảo ven bờ Lý Sơn, Cồn cỏ, Hòn Ngư. Các tỉnh có gió giật 8- 12 Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh Bình định, Phú Yên.
Dự báo từ chiều mai, các tỉnh Hà Tĩnh đến Phú Yên sẽ có mưa to đến rất to sau đó lan dần ra phía Bắc; ngày 10/11 các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định cũng có mưa to đến rất to. Cùng ảnh hưởng bão, từ đêm 10/11 khu vực trung du Đồng bằng Bắc bộ có mưa to đến rất to mưa còn có thể kéo dài ở Bắc Bộ đến 13/11, lượng mưa ước tính 300- 500 mm có nơi trên 600 mm. Như vậy, không loại trừ khả năng TP Hà Nội cũng diễn ra mưa to dẫn đến ngập úng” – ông Tăng nói.
Theo báo cáo từ Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Báo cáo Thủ Tướng, đại diện Đà Nẵng cho biết: Đã huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang phòng chống bão. Hiện hơn 1.400 tàu thuyền đánh cá với hơn 7 nghìn lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn; hơn 20 nghìn hộ dân đã được di dời đến vị trí an toàn.
Quảng Nam thông tin: Mấy ngày qua tại địa phương này đã diễn ra mưa rất lớn, phổ biến 150- 160mm có nơi 200mm các hồ chưa đã ở mức căng thẳng, các sông xấp xỉ mức báo động 2- 3. Hiện địa phương này đã liên lạc với 400 tàu, thuyền đánh cá tìm cách neo đậu, trú bão ở đảo Song Tử Tây vì không kịp về. Hiện Quảng Nam còn 1 tàu với 13 lao động chưa liên lạc được. Lãnh đạo tỉnh cũng đã lên kế hoạch sơ tán toàn bộ nhà dân cấp 3-4 ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi; sơ tán các nhà dân ở khu vực gần hồ chứa yếu và các nhà dân có nguy cơ bị sạt lở hoặc lũ quét.
Bình Định báo cáo: Từ sáng 8/11 lực lượng công an toàn tỉnh đã cử toàn bộ lực lượng về các địa phương đôn đốc công tác phòng chống bão; đảm bảo tính mạng nhân dân. Bình Định còn hơn 2 nghìn tàu, thuyền đánh cá với hơn 7 nghìn người đang hoạt động trên biển, trong đó còn 193 tàu đang hoạt động vùng nguy hiểm đã được hướng dẫn đi về phía đảo Hải Nam trú bão, 129 tàu đã thoát nguy hiểm. Địa phương này cũng đã lên phương án di dời trên 22 nghìn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu bão ảnh hưởng trực tiếp.
Báo cáo từ Quảng Bình, đã kêu gọi trên 3 nghìn tàu đánh cá vào bờ; sẵng sàng phương án di dời dân cư ven biển và vùng núi có nguy cơ sạt lở tại các địa phương.
Nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của bão Haiyan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương nằm trong dự báo ảnh hưởng của bão cần tập trung quyết liệt các phương án phòng, chống bão; tổ chức di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven sông ven biển, khu vực nhà cửa có nguy cơ nguy hiểm. Theo đó, trước 7h sáng 9/11 phải hoàn thành công tác di dân tại các địa phương dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão. Các tỉnh dự báo bão đổ bộ sẽ cho học sinh nghỉ học từ ngày mai (9/11); Bộ Công an điều tiết việc cấm đường khi bão đổ bộ đến các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các tổ chức, lực lương chức năng trong đó bộ đội, công an sẵn sàng công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. “Miền Trung là khu vực có nhiều hồ đập nên các địa phương cần hết sức lưu ý công tác kiểm tra quy trình xả lũ các hồ chứa, đặc biệt hồ yếu có nguy cơ vỡ”- Thủ tướng nói.
Về tình hình an toàn hồ chứa, theo tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó có nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp. Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê Việt Nam có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó có nhiều hồ tiền ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Về tình hình hồ thủy điện, hiện các hồ thủy điện lớn trong khu vực đang hoạt động bình thường. Tính đến 7 giờ ngày 8/11, đã có 17 hồ thủy điện xả tràn.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với lụt lội khi có mưa to xảy ra. Ngay tại cuộc họp, Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn Cao Đức Phát chỉ đạo các đoàn kiểm tra về các địa phương kiểm tra, nắm bắt tình hình, chủ động chỉ đạo ứng phó.
Phạm Thanh
Theo Dantri
Bí thư Đà Nẵng: Họp ít thôi, tập trung chống bão
Lẽ ra, cả ngày hôm nay (8/11), toàn thể lãnh đạo của Đà Nẵng phải tham dự cuộc họp rất quan trọng để bàn về các dự án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn nhưng ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định họp chỉ 1 buổi, để dành thời gian cho việc chống bão.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuộc họp này đã được lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng lên kế hoạch trong suốt tháng qua vì nó liên quan đến hàng chục dự án trên địa bàn. Trong đó có những dự án treo và rất "nhạy cảm" khiến lãnh đạo thành phố đau đầu, nhân dân bức xúc suốt thời gian qua.
Thế nhưng, khi các vị đại biểu (trong đó có nhiều vị khách mời là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn- PV) vừa ngồi yên vị trong phòng họp thì ông Thọ bất ngờ tuyên bố: Cuộc họp này rút ngắn trong buổi sáng để các đồng chí về tập trung phòng chống lụt bão. Và trong vòng hơn 3 tiếng ít ỏi của cuộc họp này, ông Thọ cũng "ăn bớt" mất gần 30 phút để chỉ đạo các thuộc cấp phòng chống cơn bảo lịch sử Hải Yến (HaiYan).
Ông Thọ nói: "Cuộc họp này lẽ ra phải tiến hành cả ngày đấy. Quan trọng lắm. Nhưng trong lúc này, chẳng có gì quan trọng hơn là chống bão".
Dù mới lên làm Bí thư Đà Nẵng nhưng ông Trần Thọ là người được biết đến nhiều vì thường xuyên "lội" xuống dân để cùng nhân dân giải quyết những vấn đề cấp bách. (Trong ảnh: Ông Trần Thọ, người mặc áo xanh, xuống tận vùng xung yếu chỉ đạo di dời dân trong cơn bão số 11 vừa qua)
Nhắc lại những tổn thất không đáng có của cơn bão số 11 cách đây nửa tháng (mà theo lời ông Thọ là có sự chủ quan của chính quyền và người dân), ông Thọ liền ra "lệnh" cho tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống cơn siêu bão này. Chính quyền các địa phương phải khẩn trương rà soát, chuẩn bị triển khai phương án sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn nhất; phương án di dời phải được triển khai đến từng tổ dân phố, thôn xóm. Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND TP về việc sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, không để xảy ra bị động. "Cơn bão số 11 đã quật ngã gần hết cây xanh của thành phố rồi. Giờ phải gia cố lại cẩn thận, chặt tỉa cành nhánh các cây cao nhằm hạn chế ngã đổ. Sở xây dựng và Công ty cây xanh làm cho tốt nhé".
Cùng với yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị và người dân biết về cơn siêu bão Hải Yến để chủ động đối phó, ông Trần Thọ cũng yêu cầu chính quyền các địa phương và các lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân và các cơ quan, đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra trong bão. Ông Thọ nói: "Cơn bão số 11 khắc phục chưa xong, giờ lại thêm cơn bão Hải Yến. Cơn bão này mạnh lắm, mạnh nhất trong suốt 10 năm qua nên phải tập trung tất cả lực lượng để phòng, chống. Người dân mình đã nghèo lắm rồi, đừng để họ nghèo hơn vì bão nữa". Về công tác chỉ đạo, ông Thọ yêu cầu các ngành các cấp "họp ít thôi" và phải "lội ngay xuống tận các vùng xung yếu để kiểm tra, đôn đốc và cùng với người dân phòng chống bão.
Theo Khampha
Thủ tướng: Cả hệ thống chính trị chống siêu bão Thủ tướng chỉ đạo cả hệ thống chính trị chống siêu bão với quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng của nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước. Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực...