Hương vị quê hương: Xa quê nhớ món canh củ chuối
Còn nhớ ngày bé, cứ vào tháng tư, tháng năm này, tôi thường lẽo đẽo theo má lên rẫy đào củ chuối.
Công việc đào củ chuối rất vất vả, nhất là đối với những cây chuối 2 – 3 năm tuổi. Thoạt nhìn, một phần củ chuối nằm trên mặt đất nhưng rễ lại ăn sâu xuống dưới khó đào. Củ chuối sau khi thu hoạch, tỉ mỉ gọt, cắt rễ sạch để dành chế biến món ăn.
Người dân Quế Sơn (Quảng Nam) quê tôi rất ghiền món này. Ngoài sự độc đáo, ngon miệng, củ chuối còn được đánh giá là thực phẩm sạch vì củ ở ngầm dưới đất và là rau của các loại rau do chứa rất nhiều chất xơ.
Củ chuối dân dã có thể chế biến nhiều món ngon, trong đó có món canh củ chuối nấu tôm THANH LY
Tôi là gái lớn trong nhà, bên cạnh phụ má làm vườn, nuôi gà còn biết nấu rất nhiều món. Nhớ ngày đó, mỗi khi đào được củ chuối, tôi say sưa làm món canh củ chuối nấu tôm. Ngon hết sẩy! Hương vị đó dù đi đâu cũng khó tìm – hương vị quê nhà. Cái thời thịt cá khan hiếm, mỗi lần tôi nấu canh củ chuối với tôm trong chái bếp, mấy nhóc em nhảy cẫng lên đòi nếm thử. Một tô canh đầy trong bữa cơm hôm ấy dù đã múc từng chút, từng chút một vì sợ hết, thế mà lúc sau cũng hết veo.
Video đang HOT
Mỗi lần cả nhà xôm tụ bên món canh củ chuối, ba má lại kể chuyện xưa. Các món củ chuối xuất hiện ở làng tôi vào những năm 40 thế kỷ trước, khi người dân không có gì ăn. Lúa ngô khoai sắn đều chẳng còn, họ phải ăn cả thân cây chuối, đào củ chuối nấu chín để cầm hơi. Khổ tận qua đi, người dân tự nghĩ ra cách chế biến, gia giảm để củ chuối từ món lương thực chống đói thành món khoái khẩu như củ chuối xào, um giò. Riêng canh chuối dễ nấu, có thể nấu cùng sườn, cá tràu, thịt bò… nhưng tôi thích nhất nấu với tôm. Mỗi khi đào được củ chuối, ngoài luộc, tôi còn để dành chờ hôm sau má đi chợ mua một ít tôm sông về nấu canh. Theo kinh nghiệm, củ chuối vừa đào lên nấu canh liền là ngon nhất.
Gọt bỏ phần vỏ sần sùi, bên ngoài, thái lát vừa ăn hoặc thái chỉ rồi ngâm vào chậu nước có thêm một ít muối cho chuối trắng, không bị thâm đen. Củ chuối sau khi rửa sạch để thật ráo. Hành khô, hành lá, hạt tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng tạo ra mùi vị trong bát canh. Tôm ướp qua một ít gia vị. Phi hành với dầu cho thơm rồi trút tôm vào xào cho thấm tiếp tục cho củ chuối vào. Canh được ninh với lượng nước thích hợp, khi canh chín nhanh tay cho ngò, một ít tiêu vào là có thể dùng được. Điều đặc biệt, canh củ chuối ăn mãi chỉ thấy no, chứ không thấy ngán. Giống như phép nhiệm màu, canh củ chuối hâm lại ăn càng ngon…
Canh củ chuối thường ăn nóng mới cảm nhận hết cái ngon ngọt vốn có. Múc ra chén một ít canh, khói vẫn tỏa nghi ngút, húp một tí nước, kèm theo một lát củ chuối. Chút ngọt thanh của nước canh trong cái mềm mại, ngọt lịm của củ chuối. Tất cả dư vị ấy khiến nhiều người con đã xa quê dù năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa vẫn thương nhớ…
Giờ thì gia đình tôi đã không còn ở quê, nhưng năm nào cũng vậy má con tôi vẫn tìm về quê mua đủ các loại khoai môn, khoai từ, củ chuối. Chiều nay, lại được bưng chén canh củ chuối, tìm lại chút hương đồng vị quê của những ngày thơ.
Hương vị quê hương: Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư
"Có yêu thì nói rằng yêu/Chẳng yêu thì nói một điều cho xong/Làm chi dở đục dở trong/Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư" (Ca dao Việt)
Đục trong gì thì chưa biết, nhưng đi dọc triền sông Thu Bồn (Quảng Nam) mà không được ăn thử con hến với các món làm từ hến ở miền này thì đúng là tương tư thật...
Con hến có quanh năm. Ngọt ngon, bùi thơm tùy theo con nước. Nhưng con hến ngon nhất có lẽ là con hến gạo bé li ti như hạt gạo tấm. Thịt hến béo béo bùi bùi vị bùn non, vị phù sa của dòng sông bên lở bên bồi, nhất là hến được cào quanh những rặng tre. Những người đi cào hến lội ra triền sông cạn, dùng dụng cụ cào hến cào được bao nhiêu thì cho vào rổ lắc lắc dưới nước cho sạch bùn, sạch rong. Hến mang về nhà tiếp tục ngâm cho sạch bùn, sau đó nấu cho vỏ nhả ra và đãi để lấy phần thịt hến, từ đó có thể chế biến thành những món dân dã, ngon đến tương tư cõi lòng.
Hến xào xúc bánh tráng, hến xáo bánh tráng và canh rau muống nấu hến hương vị miền Trung
Món phổ biến nhất, chế biến nhanh nhất ở xứ Quảng là hến xào xúc bánh tráng. Hến sau khi được luộc, đãi tách vỏ thì xào chung với ít dầu phộng phi hành thơm phức. Sau khi nêm nếm tí gia vị vừa ăn, cho ít hành tây thái mỏng, ít rau mùi (gồm rau răm, rau thơm, rau quế, ngò rí, hành lá...) đảo sơ là có món hến xào ngon số 1 làng ẩm thực miền Trung. Bẻ miếng bánh tráng nướng xúc phần hến vừa xào nóng hổi cho vào miệng thì thiệt không gì bằng.
Cũng hến xào nấu chung với nước luộc hến nêm nếm gia vị vừa ăn, sau đó múc ra tô, rắc xí tiêu và bẻ bánh tráng cho vào thưởng thức. Món này được gọi là hến xáo bánh tráng.
Món dân dã gây thương nhớ tiếp theo là canh rau muống nấu hến. Gạn phần nước luộc hến đã để lắng cho vào hến xào thấm vị như trên, sau đó cho rau muống (hoặc rau tập tàng, hay còn gọi là rau thập cẩm gồm dền, mồng tơi, rau ngót, rau lang...) cắt nhỏ và cho vào nồi nước đến khi sôi bùng lên. Hến và rau hòa vào nhau ngọt thơm đậm vị và đặc biệt thanh mát, giải nhiệt mùa hè.
Hay cũng có thể dùng hến xào chung với miến, hành tây rau răm để có món hến xào miến dẻo thơm trứ danh. Trong khi người Quảng biến tấu đủ món với hến thì người Huế ở Cồn Hến trung thành với các món cơm hến, bún hến danh bất hư truyền...
Ngon cả miền ký ức lam lũ
Trong khi tôi đang nhâm nhi thưởng thức món hến xào xúc bánh tráng nhai rồm rộp, rau ráu thì ba tôi ngưng đũa. Tôi biết câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" bắt đầu. Ba kể, ngày xưa, dân Quảng ở hạ lưu sông Thu Bồn, vì nghèo khó, không có tiền mua miếng thịt, con tôm nên mới có món mì Quảng hến. Món này nếu là ký ức thì sẽ là một đoạn ký ức dữ dội và lam lũ của người dân Quảng.
Hến xào dầu phộng với đầy đủ gia vị. Nước luộc hến lắng đi dùng làm nước lèo. Có thể cho hến vào bát mì rồi chan nước lèo. Cũng có thể cho hến vào nước nấu thành nước nhưn mì, rất thấm tháp. Ăn mì Quảng hến phải cắn ngập trái ớt xanh nghe cái xực, rồi ghém thêm miếng bánh tráng nướng, ít đậu phộng...
Ba tôi kể, có những buổi chiều đi học về bụng đói rã không có gì ăn, nên chạy ra triền sông cào hến lên nấu thành một nồi nghi ngút khói, sau đó bẻ từng miếng khoai lang đã luộc chín khô cho vào nồi. Nồi khoai lang hến ngon ngọt, bùi thơm khiến cho không mùi vị nào của những ngày lam lũ thay thế được.
Người dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn, từ vùng đông Điện Bàn xuống tận Duy Xuyên, Hội An (Quảng Nam) lớn lên với con sông bên lở bên bồi, nhưng bên nào thì hến cũng có quanh năm và thơm ngon rất đặc trưng. Âu cũng là ưu đãi cho những người bình dân lam lũ với món ngon, ngon từ chất đến tình.
Ngây ngất tôm đất bánh xèo Bạn có như tôi không, sống ở vùng sông hồ đầm lầy, quê nhà của tôm đất? Nếu đúng vậy chắc bạn đã từng "thả tim" cho cái ngon của loại tôm này. Cái sự ngon của tôm thì có nhiều ngôn từ để diễn tả. Với tôi, chỉ có thể là tôm đất... ngất ngây. Bánh xèo tôm từ lâu đã là...