Hương vị quê hương: Về với… bánh bèo
Cô bạn Sài Gòn điện, nói chuẩn bị đón tui. Mai mốt tui về, ông là chủ xị tập hợp “nhóm xưa” đi ăn bánh bèo. Nói ông biết tui nhớ ông một, nhớ bánh bèo mười đó nghen.
Bánh bèo còn có tên gọi khác là bánh chén. Nếu vẽ bản đồ phân bố bánh bèo, tôi tin hình ảnh những chén bánh bèo sẽ ngoằn ngoèo khắp nước ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Nghĩ, “nghèo ăn bánh bèo lấy no”. Cô bạn là nhà buôn phát đạt, đi đông đi tây. Bao nhiêu món ngon đều nếm qua, hà cớ gì mà đòi bánh bèo với cái giá 2.000 đồng một chén? Rồi suy diễn, hay là nó… giả đò để né bữa tiệc đãi bạn bè mà nó có “bổn phận” phải làm. Nhưng bụng bảo dạ, mình cũng là tay “cuồng” bánh bèo mà. Từ lúc tóc còn để chỏm cho chí tận giờ đầu lốm đốm muối tiêu, cứ đôi ba hôm lại bánh bèo một bữa mà không thấy ớn. Nhứt định bánh bèo là một quyền lực mềm. Nếu không thì tại sao mười người về thăm quê thì hết chín người chân vừa chạm đất làng hôm trước, hôm sau đã hướng tâm tình về những chén bánh bèo nóng hổi.
Bánh bèo còn có tên gọi khác là bánh chén. Nếu vẽ bản đồ phân bố bánh bèo, tôi tin hình ảnh những chén bánh bèo sẽ ngoằn ngoèo khắp nước. Đâu đâu cũng có bánh bèo nhưng hương vị thì mỗi nơi mỗi khác, tùy theo chất lượng gạo và phụ gia đi kèm. Còn cái “phom” thì hầu như chỉ có hai dạng: bánh bèo đĩa (hấp trong chén rồi bày ra đĩa), và bánh bèo chén (để nguyên trong chén).
Video đang HOT
Ở Quảng Ngãi quê tôi, chén bánh bèo giờ “thanh nhã” hơn vì nó nhỏ nhắn, cầm gọn trên tay. Chứ như hồi xưa, chén nào chén nấy to “bà cố”. Người quê chỉ cần “chén hai chén” là coi như đổ bê tông, xách cuốc ra đồng “chiến đấu” tới tận trưa. Còn lũ học trò mũi dãi thò lò như tôi, chỉ một chén là no nê, đứng dậy quệt môi liếm mép rồi ôm vở tới trường.
Cái cách ngồi ăn bánh bèo ngày đó cũng… hoàn cảnh lắm. Người bán hay đặt gánh ở ngã ba, ngã tư làng, cạnh gốc gòn, gốc đa. Người ăn già trẻ lớn bé gì cũng “bình đẳng” một kiểu ngồi chồm hổm. Nước chan bánh cũng rất “dân chủ” vì mắm cái, mắm ruốc, mắm trong, xì dầu, nước tương bày trên mẹt, ai muốn chan nước gì thì tùy. Thêm cái “tự động” nữa, vì khi chị chủ phục vụ không kịp thì khách tự tay chọn chén, xoa dầu hành hẹ, tự lấy siêu (thanh tre mỏng) xén bánh, rắc đậu phộng.
Người bình dân ở quê, khi có gì vui, người ta hay đưa cả nhà ra quán bánh bèo ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị Hồng với đôi tay thoăn thoắt, bốc cái gì trúng cái đó khi bán bánh cho khách. Người làng hay kêu chị là Hồng “bánh bèo” với hai lý do: Một là chị bán bánh bèo ngon có tiếng. Hai là cặp má của chị phúng phính, rất giống hai… chén bánh bèo.
Giờ thì bánh bèo chuyển sang một “phân khúc” khác so với bánh bèo chan mắm “tiền nhiệm”. Nhiều quán xá có bảng hiệu với bàn ghế hẳn hoi. Chủng loại gạo khá phong phú nên người đổ bánh lựa chọn loại gạo có lượng tinh bột chuẩn nhất và mùi hương vương vấn nhất để cho ra loại bánh bèo đạt bốn tiêu chí: dẻo, dai, mềm, thơm.
Còn nước chan bánh thì ngon một cách… hút hồn bởi được làm từ thịt heo nạc và tôm tươi. Hai thứ “chủ lực” này làm nên thứ nước chan bánh thần thánh. Nếu bánh bèo đạt bốn tiêu chí thì nước chan bánh cũng đạt bốn tiêu chuẩn: béo, ngọt, mặn, cay. Tưởng tượng đi! Bánh dẻo thơm cỡ đó, nước chan bánh đậm đà cỡ đó, lại thêm một lớp mỏng dầu phi với lá hành lá hẹ nữa thì chỉ có ngon hết nấc luôn.
Người bình dân ở quê, khi có gì vui, người ta hay đưa cả nhà ra quán bánh bèo. Chén đã đời cũng chưa hết trăm ngàn. Có những nhóm bạn tiệc tùng ở nhà hàng, trước khi chia tay cũng rủ nhau về với… bánh bèo. Thấy chưa? Vừa ấm bụng, vừa ấm lòng, vừa ngon, vừa rẻ thì bánh bèo quê kiểng là một lựa chọn, dẫu không dám nói là “thông minh” nhưng không ai dám bảo là thiếu sáng suốt?
Bánh bèo bì, món ngon đất Bình Dương
Cũng được làm từ bột gạo, nhưng lại kết hợp với bì, các loại rau... món bánh bèo nổi tiếng của người dân Bình Dương có nét riêng biệt.
Bánh bèo là món ăn bình dị của người dân miền Trung. Tuy có cùng nguyên liệu nhưng tùy vào từng địa phương mà món ăn được chế biến khác nhau tạo nên nhiều thương hiệu cho món ăn này như: bánh bèo chén tôm chấy xứ Huế; bánh bèo chén xứ Quảng hay những chiếc bánh bèo nhỏ bằng đầu ngón tay cái của người Khánh Hòa...
Không giống bất kỳ loại bánh bèo nào kể trên, món ăn của người Bình Dương được kết hợp với nhiều nguyên liệu tạo nên nét đặc trưng riêng biệt mà những ai đã ăn một lần khó có thể quên được hương vị thơm ngon. Theo những người bán món ăn này, bánh bèo của người Bình Dương tiền thân được làm từ loại gạo đỏ, nên khi đổ bánh thường có màu nâu đỏ. Để bánh có màu trắng, người dân phải pha bột với nước cốt dừa. Sau này, những người thợ làm bánh ở đây đã thay bằng loại gạo trắng để cho ra đời những chiếc bánh mềm dẻo, trắng tinh như ngày hôm nay.
Để có chiếc bánh bèo ngon, gạo làm bánh phải là loại gạo mới, nguyên hạt. Nếu sử dụng gạo cũ, nát thì bánh sẽ bị cứng, không dẻo và có màu trắng đục. Gạo ngâm qua đêm, sau đó vo lại nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ mùi chua trước khi xay. Bột sau khi xay được khuấy đều với ít muối, bột ngọt trước khi đổ bánh. Khuôn bánh là những chiếc mâm bằng nhôm hoặc bằng inox, bên trên bề mặt khuôn được tạo hình lõm nhỏ bằng chiếc bánh. Trước khi đổ bánh, người thợ phải thoa ít dầu lên bề mặt, chế bột vừa mấp mé mặt khuôn, rồi cho vào nồi hấp chín.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là một khâu rất quan trọng quyết định những chiếc bánh mềm, dẻo, đẹp mắt. Khi hấp bánh phải giữ đều lửa để nước hấp đủ độ nóng, bánh mới chín đều và không bị dính vào khuôn. Khi bánh chín, khuôn bánh được lấy ra, để hơi nguội thì dùng dao gỡ từng chiếc bánh một, xếp thành từng lớp lên nhau trên một miếng lá chuối sạch.
Ăn kèm với bánh bèo của người Bình Dương là bì, nhân đậu xanh và các loại rau thái nhỏ. Đậu xanh không vỏ được ngâm mềm, nấu nhừ, tán nhuyễn với ít muối như cách làm chè đậu xanh đánh. Bì thái nhỏ, thịt nạc heo luộc chín, thái sợi rồi trộn đều với thính. Khi ăn, từng chiếc bánh được xếp đều lên đĩa, trên bề mặt được phết một lớp nhân đậu xanh với mỡ hành. Dưa leo thái sợi, các loại rau thơm thái nhỏ được cho lên trên. Cuối cùng là một lớp bì, ăn kèm là chén nước mắm chua ngọt với ít cải chua, cà rốt thái sợi bên trong.
Khi thưởng thức món ăn này, người dân ở đây không chấm từng chiếc vào chén nước chấm mà phải chan ngập nước mắm lên đĩa bánh Khi đó từng nguyên liệu thấm đẫm nước chấm, đem lại hương vị thơm ngon, đậm đà cho thực khách. Tuy là một món ăn bình dân, nhưng bánh bèo bì không chỉ hấp dẫn người Bình Dương, mà với người Sài Gòn, đây là món ngon không thể bỏ qua khi vào mỗi cuối tuần, nhiều người dân Sài Gòn lại lặn lội đi xa hàng chục cây số để thưởng thức món ăn ngon miệng này.
Trông như bánh giò, bánh đúc, nhưng đây là bánh bèo Hải Phòng Khác với bánh bèo chén ở Huế hay Hà Nội, bánh bèo Hải Phòng là món ăn kết hợp hoàn hảo giữa bột gạo tẻ cùng mộc nhĩ, thịt... Nhiều người nói bánh bèo Hải Phòng có hương vị gần giống món bánh giò, nhưng không hẳn. Bánh bèo tại đây được gói trong lá chuối có hình dáng giống như chiếc thuyền,...