Hương vị quê hương: Gà đốt lò Ô Thum, xao xuyến miền sơn cước
Tôi đã từng thưởng thức nhiều món gà, từ gà quay, gà rô ti, gà nướng, gà hấp cho đến gà xối mỡ, nhưng chưa thấy món nào lạ miệng và hấp dẫn như gà đốt lò niêu đất tại hồ Ô Thum – món ăn “danh bất hư truyền” của miền sơn cước vùng Bảy Núi, An Giang.
Món gà đốt niêu đất bày ra đĩa
Hồ Ô Thum nằm dưới chân núi Cô Tô, thuộc xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi đây có phong cảnh đẹp mê hồn, vừa có suối, hồ, vừa có núi non hùng vĩ và những cánh rừng bao la. Đây cũng là nơi có nhiều món ăn truyền thống do người Khmer chế biến, nổi tiếng là món “gà đốt lò” – một món ăn dân dã mà người Khmer đã trăm năm gìn giữ và tự hào là quốc hồn quốc túy.
Video đang HOT
Gà Ô Thum đốt trong niêu đất
Chị Mai Xuân Đến, cán bộ H.Tri Tôn, sống trên vùng Bảy Núi, chia sẻ: Muốn làm món này trước hết người đầu bếp phải chọn cho được một con gà tơ khỏe mạnh, loại gà thả vườn. Sau khi làm sạch, để ráo nước rồi ướp với sả, ớt, tỏi, đường, muối, đặc biệt là lá chúc (một loại lá rừng có mùi the đặc trưng chỉ phổ biến ở vùng Bảy Núi) thấm đều trước khi cho vào niêu đất đốt lửa lên. Trước khi nướng, người ta rải một lớp muối hột và lót thêm một lớp sả, lá chúc tươi dưới đáy niêu. Sau đó, đặt nguyên con gà vào niêu cùng những phụ gia đã ướp sẵn.
Món gà đốt, độc đáo nhất ngoài hỗn hợp gia vị kể trên, người Khmer còn cho thêm vài củ tỏi để nguyên vỏ, vài miếng mít non và bắp chuối hột vào niêu đốt chung với gà. Mít non để cả hột và bắp chuối được xắt ra từng miếng nhỏ cho vừa miệng ăn.
Chất lượng gà đốt đạt hay không, một phần là do bí quyết chế biến, chủ yếu là khâu ướp gia vị và kỹ thuật đốt lửa sao cho thịt gà chín đều, da giòn mà không khét. Muốn vậy, phải đốt niêu bằng củi, lúc đầu cho lửa to, sau nhỏ dần. Ngoài đốt dưới đáy niêu còn phải có một lớp than hồng trên miệng niêu. Có như vậy, gà mới chín đều và thơm ngon.
Khi dỡ nắp niêu ra, thấy da gà chuyển sang màu vàng ươm, lớp da ửng mỡ, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là gà đã chín.
Khi dọn lên bàn ăn, vẫn giữ nguyên con gà với phần phụ gia bên trong, làn khói bốc lên, lan tỏa, quấn quít như ẩn chứa bao điều mê hoặc. Sau đó mới xé gà ra đĩa để vừa ăn vừa khám phá cái vị ngọt của gà, mùi the the của lá chúc, cái bùi bùi của bắp chuối hột và hột mít non.
Cái ngon của món gà đốt lò thật khó diễn tả hết bằng lời. Cứ phải ăn và tận hưởng thôi, không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt, bằng mũi vì mùi vị của nó đánh thức tất cả các giác quan.
Đây là món ăn được lưu truyền trong văn hóa ẩm thực của người Khmer Tri Tôn. Kể cả hương lẫn vị của món ăn đều phảng phất sự hào sảng của núi rừng Tây Nam bộ, không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe cho con người, theo lời chị Mai Xuân Đến.
Món gà đốt tuy cách làm công phu, tỉ mỉ nhưng không màu mè, kiểu cọ, không thêm những thứ không cần thiết, thịt giữ được vị ngọt đậm đà, tự nhiên, ngon và lành.
Một năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hồ Ô Thum vắng khách ra vào, nhiều người nhớ Ô Thum như nhớ người tình. Món gà đốt không chỉ là chuyện ăn mà còn là dấu ấn văn hóa, khiến ai từng đến và trải nghiệm Ô Thum thì cứ thấy nhớ nhung, xao xuyến chẳng thể gọi thành lời.
Cá ngừ kho xơ mít
Người Quảng có câu ca dao: "Ai về nhắn với bạn nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên...". Món ăn chế biến từ mít non và cá chuồn đã làm "say lòng" bao người, phảng phất vị biển cả hòa cùng hương núi rừng.
Món cá ngừ kho xơ mít trong bữa cơm quê ẢNH: TRANG THY
Nhưng ít người biết rằng, có một món ăn cũng ngọt ngon quá đỗi, ấy là món cá ngừ kho xơ mít, một món ăn thường hiện diện trong bữa cơm của người dân quê tôi.
Dùng dao xẻ trái mít chín thơm lừng, bóc múi ăn trước, xơ mít dùng để kho với cá ngừ. Phương pháp chế biến món này khá đơn giản. Cá mua từ chợ quê mang về, móc bỏ mang và ruột cá rồi rửa sạch, xắt lát, cho vào ướp với muối mặn. Sau đó, cho cá vào nồi, đổ ngập nước rồi đun sôi. Dùng đũa gắp xơ mít ấn nhẹ vào nước kho cá, đun nhỏ lửa, thêm vài lát ớt cay xắt mỏng lên trên. Khi cá và xơ mít chín mềm, rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn rồi nhấc xuống khỏi bếp là đã có món cá kho đậm đà.
Múc nước cá kho chan vào chén cơm, khói nóng tỏa mùi thơm nồng kích thích vị giác. Cơm gạo thêm ngọt bùi hơn thường ngày. Vị ngọt từ xơ mít và thịt cá đậm đà hơn hẳn so với dùng đường hay bột ngọt. Gắp miếng thịt cá đưa vào miệng nghe dậy mùi thơm ngọt quyện với cay nồng. Xơ mít cũng chẳng kém, vị ngọt lẫn mặn mà khiến cho lưỡi "bâng khuâng chẳng nỡ rời xa"...
Ngày mưa lạnh, tiếng bạn hàng xóm rủ rê trong điện thoại: "Qua nhà tui chơi, vợ con làm cho mấy món nhậu rồi đi về ngoại hết rồi". Tôi cầm dù che mưa bước sang thì thấy cả bọn đang lụi cụi bày chén đĩa trên nền nhà, rôm rả nói cười. Đĩa cá ngừ kho xơ mít được đặt giữa mâm. Bên cạnh, hũ rượu ngâm sâm cau sẫm màu nghễu nghện như đang thách thức. Gia chủ chậm rãi: "Cây mít năm nay ra trái vụ nên mới có xơ kho cá mùa này". Cả bọn "ồ" lên vui sướng rồi cầm đũa gắp ăn ngon lành.
Nhớ món bầu non kho cá rô đồng Nhớ những ngày còn ở quê, khi hàng xóm tát đìa bắt cá làm khô, đìa cạn, bọn trẻ chúng tôi cũng hí hửng tham gia bắt cá... hôi. Chủ nhà rộng rãi, bao giờ cũng dành phần gửi biếu ba mẹ tôi vài con cá to đủ loại: lóc, rô, trê... Có cá, mẹ bảo tôi chạy ra giàn bầu sau nhà...